1.
Chiều nay, bắt đầu đọc nhẩn nha từng trang “Ba Đồn mạn thuật” (NXB Hội Nhà văn - 2024) của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
.
Đọc và nhớ đến đến bài báo Có một kiểu gọi là “nghiên cứu khoa học”, tôi đã đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 17.10.2012: "Lại có một khoảng thời gian rất dài, các công trình nghiên cứu về địa chí của tỉnh này, tỉnh nọ chỉ nằm trong tay một nhóm người. Tôi có thể liệt kê danh sách, nếu cần. Do có học hàm, học vị và đang công tác ở viện này, viện nọ nên những người này có uy tín, có điều kiện đặt vấn đề với UBND các tỉnh, huyện, thậm chí cả cấp xã để làm địa chí. Đây là một nhu cầu cần thiết để quảng bá địa phương nên đề nghị này thường được tán thành, thậm chí tán thành nhiệt liệt!
.
“Cứ nhìn hàng loạt địa chí đã công bố thì rõ. Nhiều người cho biết, trong năm chỉ cần ký được một hợp đồng làm địa chí cấp tỉnh là “sống khỏe”, bởi kinh phí cho mỗi công trình này không có quy định cụ thể nào mà tùy theo sự hào phóng của từng địa phương. Sau khi có kinh phí, “nhóm chủ biên” lại đặt hàng cho người khác viết để cuối cùng gom lại thành sách.
.
"Đáng phàn nàn nhất là các tập địa chí trên đều được thực hiện theo một dàn bài y chang nhau, bất chấp tính đặc thù của từng địa phương. Lật bất kỳ tập địa chí nào, ta cũng gặp “cấu trúc”: Tự nhiên và dân cư; Lịch sử và truyền thống đấu tranh; Kinh tế; Văn hóa; Giáo dục; Nhân vật tiêu biểu… Trong đó, giống nhau nhất vẫn là các phần viết về thời chống Pháp và chống Mỹ vì đa phần sử dụng tài liệu chung của cả nước chứ không riêng gì của địa phương đó. Nếu có khác chăng chỉ là phần hình ảnh minh họa.
.
“Với kiểu làm địa chí như trên, chất lượng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Cả một đời sống gắn bó và nghiên cứu tận lực chưa chắc đã nên “cơm cháo” gì, thế mà có nhóm người cứ “đánh” hết địa phương này sang địa phương khác!
.
“Cách làm “khoa học” như trên đã góp phần lý giải vì sao từ năm 1975 đến nay, chúng ta vẫn chưa có những địa phương chí đúng nghĩa. Thật ra, tính đến nay thì các nhà địa phương học của ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn, ông Nguyễn Vĩnh Phúc với Hà Nội; Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam; Quách Tấn với Bình Định; Toan Ánh với vùng Kinh Bắc; Nguyễn Khắc Xương với Vĩnh Phú; Sơn Nam với Sài Gòn… Trong khi đó, hầu như địa phương nào cũng có các tập địa chí đồ sộ!
.
Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận thực trạng này một cách công khai và minh bạch nếu thật sự muốn thay đổi chất lượng của việc nghiên cứu khoa học".
2.
Công trình đồ sộ “Ba Đồn mạn thuật” đã đứng ngoài cách làm địa chí theo kiểu phổ biến vừa nêu trên.
.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết là viết về cái mà anh đã nghiên cứu tường tận, đã thấm vào máu, đã là một thôi thúc tự nhiên, cứ thế, các câu chữ ấy dẫn chúng ta đi. Thiết nghĩ nghiên cứu địa chỉ, lịch sử của cả nước là cần thiết, đáng quý nhưng tất cả chỉ hiện lên rõ nét hơn, gần gũi hơn nếu người ta thật sự quan tâm đến vùng đất mà mình đã chôn nhau cắt rốn và thành tâm viết về nó. Từng địa phương, từng vùng miền là các mảng thông tin, tài liệu giúp bộ sử cả nước đầy đặn hơn với muôn hình muôn vẻ, qua nhiều góc nhìn khác nhau.
.
Cách làm của nhà văn Nguyễn Quang Lập là bám sát với địa danh Ba Đồn tận chân tơ kẽ tóc, tức là khắc họa lại, “phục dựng” lại quá khứ vốn có. Bằng cách nào? Tài liệu, văn bản, đi diền dã, ghi chép từ cư dân của vùng đất này, ấy là tư duy của nhà nghiên cứu nghiêm cẩn. Trong con người nhà văn ấy, lúc này, tố chất nghiên cứu đóng vai trò chủ đạo. Ơn trời, do có tài năng văn chương nên anh có thể sử dụng nhiều bút pháp, văn phong trong từng sự kiện cụ thể. Điều này, rất khó cho các nhà nghiên cứu vốn tiếp cận vấn đề theo lối học thuật bài bản; còn ở đây qua con chữ, anh đã “nói” bằng nhiều giọng văn khác nhau.
.
Hấp dẫn là chỗ đó. Chính nhờ thế, đọc cuốn sách 650 trang in khổ lớn mà không thấy ngán. Vẫn lôi cuốn.
3.
Đời người, ai có tâm có lòng bao giờ cũng muốn đến ơn đáp nghĩa về vùng đất minh đã sinh ra - nơi ấy có ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh chị em, bà con láng giềng đã hằn vết không bao giờ xóa nhòa theo năm tháng. Muốn chối bỏ ư? Cũng không thể. Giá trị tinh thần ấy chính là “tài sản” của mỗi cá thể, mỗi con người. Vì thế, một khi viết về vùng đất ấy cũng là một cách trả nghĩa ơn Ông bà Đất nước.
.
Với “Ba Đồn mạn thuật”, tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Quang Lập đã làm được điều đó. Chỉ như vậy là đủ. Đủ ở đây là hiểu theo nghĩa anh xứng đáng, rất xứng đáng được chọn đại diện cho địa chí, lịch sử, con người… của quê mình để giới thiệu quê mình với cả nước.
.
Tôi đọc và biết có ai kia bảo rằng: “Bằng cuốn sách này, phải phong tặng Nguyễn Quang Lập danh hiệu Giáo sư, Tiến sĩ”. Nhảm nhí quá. Đem cái tâm huyết cuối đời mà người ta trút vào đó để sánh với danh hiệu nọ kia thì quả là “Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”, vậy, hóa ra cái tâm, cái lòng của người ta chỉ đến thế thôi ư?
L.M.Q
(20.4.2025)
Tiếp theo > |
---|