BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà văn Từ Kế Tường xuất hiện với diện mạo mới

LÊ MINH QUỐC: Nhà văn Từ Kế Tường xuất hiện với diện mạo mới

Hoa_si_Duc_Lam_va_nha_van_Tu_Ke_-1692933909139

Họa sĩ Bùi Đức Lâm (bên trái) tặng nhà văn Từ Kế Tường bức ký họa chúc mừng loạt sách mới tái bản.

Sống với nghề viết báo, làm báo từ lúc mới chập chững vào đời cho đến nay đã bước qua lục thập, với đồng nghiệp cùng thời, tôi có nhiều kỷ niệm, ít nhiều cũng biết được tài năng, sở trường của từng người. Riêng nhân vật Từ Kế Tường, với tôi, vẫn là một trường hợp “bí hiểm” nhất.

Từ Kế Tường tên thật Võ Tấn Tước, sinh năm 1946 tại Bến Tre nhưng sống tại Sài Gòn. Ông kể: “Ngày ấy, khoảng năm 1963-1964 nhà tôi ở hẻm Nam Tiến đường Bến Vân Đồn Q.4 (Hồi đó còn gọi là Khánh Hội) bị hỏa hoạn, trận hỏa hoạn kinh hồn từ 16 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau mới được dập tắt đã thiêu rụi cả một khu vực rộng lớn gồm toàn dân lao động nghèo. Gia đình tôi cũng như những người dân khác trong khu hỏa hoạn phải tìm chỗ trọ mới. Tôi về ở trọ nhà một người bác, bà con xa ở hẻm Hãng Phân đường Bến Vân Đồn.

Đây là con hẻm nhỏ nằm gần hãng thuốc lá Bastos dẫn sâu vào chợ Hãng Phân ăn luồn qua một khu vực khác cũng thuộc Q.4. Tôi ở trên căn gác gỗ trần lợp tôn ẩm thấp và nóng hầm hập như lò bánh mì. Năm ấy tôi chuẩn bị thi Trung học Đệ nhất cấp, một kỳ thi rất quan trọng thời bấy giờ nhưng điều kiện học tập thiếu thốn do ở trọ, nhất là thiếu ánh sáng học bài. Mỗi tối tôi ngủ ngoài mái hiên gác trọ và học bài nhờ ngọn đèn đường neon ánh sáng xanh nhợt nhạt từ trên cây cột điện trước cửa nhà hắt xuống”.

Có thể ghi nhận, không gian này chính là nơi ông viết những bài thơ, tùy bút, truyện ngắn đầu đời. Rồi dần dà, ông tự định hình trở thành một người sống bằng nghề cầm bút cho hết một đời.

Ngòi bút của ông đủ sức chạm đến nhiều lĩnh vực, đề tài khác nhau. Nếu quan niệm chữ là vũ khí thì ông có thể sử dụng từ cắm chông đến bắn súng lục, từ bắn đại bác đến nhấn nút tên lửa…. Nếu chữ là các thế võ, ta cứ việc ném ông lên võ đài, ở đó, ông có thể tung hư chiêu lẫn thực chiêu bằng chữ, một cách thuần thục nhất. Ông bước vào trường văn trận bút từ những năm giữa thập niên 1960, lúc mới đôi mươi xuân xanh nhưng nay vẫn còn sung sức, vẫn viết đều đặn. Nói một cách hóm hỉnh thì ông đúng là đầy… “sức bền vật liệu”.

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có trên dưới mười tập thơ được phát hành. Ông vẫn còn say đắm nàng thơ đến độ hầu như trên trang Facebook cá nhân, ngày nào cũng… post thơ. Bạn đọc có quan tâm hay không? Không rõ. Ông không lấy đó làm điều, chỉ những mong chia sẻ cảm hửng thơ đến với công chúng.

Gọi ông nhà văn, lại càng đúng chóc. Từ năm 19 tuổi ông đã có tâp truyện dài đầu tay "Huyền xưa" được phát hành tại miền Nam. Sau đó, do bạn đọc yêu mến, ngưỡng mộ, ông đã “thừa thắng xông lên” với nhiều tác phẩm khác, và, đã trở thành tên tuổi được các cơ sở in ấn, phát hành lúc bấy giờ săn đón. Chỉ cần ông nói tên tập sách đang viết, ước lượng số trang thì đã được nhận được hết tiền tác quyền trong khi …chưa viết chữ nào.
Gọi Từ Kế Tường là nhà báo (ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) cũng hợp lý không khác gì 1 cộng 1 bằng 2. Trước năm 1975, ông bước chân vào làng báo, ban đầu làm phóng viên chạy tin thời sự, họp báo và biên tập tin “xe cán chó”, trực kiểm duyệt trước khi báo lên máy in… Nhưng với năng khiếu bẩm sinh của cái sự “nghề dạy nghề”, ông đã tiến bộ vượt bực. Từ một “ký giả” trẻ bước vào nghề ông đã được các vị chủ báo tin cậy giao quyền tổ chức nội dung của từng số báo, gọi là “thư ký tòa soạn”.

Có lẽ khoảng thời gian làm báo hạnh phúc nhất vẫn là lúc làm tờ Tuổi Ngọc - ngay dưới mangset báo có dòng chữ “Tờ báo của yêu thương”. Đây là sân chơi dành cho tuổi mới lớn, mộng mơ, thích ô mai, còn chanh cốm gọi chung là tuồi tháng năm đẹp nhất đời người… Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở thành một trong những cây bút chủ chốt của tờ Công an TP Hồ Chí Minh, rồi trở thành Trưởng ban thư ký toà soạn của báo. Nắm nội dung tờ báo, đồng thời phụ trách viết 2 chuyên mục quan trọng là Chuyện hàng tuần ký Năm Tu Huýt và Tiếng Còi.

Dù sống bằng nghề báo, phải “tác chiến” với từng số báo, phải “nung nấu tâm can, vò võ trán” (Huy Cận) cho mỗi số báo có bài hay, độc, lạ, tăng số lượng phát hành và nhất là không “trật đường ray”  bị “huýt còi”, Từ Kế Tường vẫn nồng nàn với văn chương như cái nghiệp - các tập thơ, tiểu thuyết, truyện dài… vẫn ấn hành đều đặn.

Thật đáng nể cho một sức viết của một đồng nghiệp. Tôi có cảm giác ông không khác gì người nông dân thực thụ, khi gieo hạt trồng lúa, lúc nông nhàn lại đan rổ rá, làm vườn, chài lưới v,v… không hề hoang phí thời gian. Nói như thế vì bài vở của ông luôn “phủ sóng” trên nhiều tờ báo khác nhau với nhiều thể loại, từ ngày xửa ngày xưa đã thế, nay vẫn thế.
Có đôi lúc, tôi phân vân tự hỏi: “Từ Kế Tường viết lúc nào nhỉ?”. Trả lời câu này thì không khó, tôi hoàn toàn có thể mường tượng ra nhưng không thể lý giải vì sao ông có thể viết nhiều đề tài? Nhìn tôi hết sức chân thành qua đôi mắt cận thị, ông từ tốn: “Tôi may mắn có trí nhớ tốt. Những gì đã nghe thấy là tôi vẫn cứ nhớ như in”.

A, đây cũng chính là chất liệu, vốn sống, do đó, tôi ngạc nhiên khi đọc những tản văn, tùy bút về đời sống nông thôn ở miền Nam của ông thật hấp dẫn, có nhiều chi tiết thú vị. Chẳng hạn, “Những câu hát ru em, tôi thuộc lòng từ năm 8 tuổi lúc về ở bên nội mà má tôi đã hát ru em gái tôi ngủ có hình ảnh con vịt khiến tôi nhớ mãi:

Vịt nằm bờ mía rỉa lông
Cám cảnh thương chồng đi học đường xa
Đường xa xe lửa chạy cũng gần
Muốn ăn rau é rau tần
Muốn về xứ sở cho gần bên em.

Hồi đó bên hông nhà nội tôi có khoảng đất trống độ chừng nửa công đất, tùy theo mưa hay nắng mà trồng thứ hoa màu phù hợp. Nắng trồng dưa, mưa trồng khoai lang, trồng bí, trồng bắp, nhưng tôi vẫn thích nhất khi má tôi vun liếp trồng mía. Khi mía lên cao, có đốt phải tước lá và vun gốc, vô phân đánh bờ. Mía sâu có đốt/ Nhà dột có nơi.
Những đốt mía phát triển cần phải tước lá liên tục để cây mía cao lên, vượt khỏi đầu một đứa trẻ con. Những cây mía đơn lẻ ban đầu sẽ nẩy mầm dưới gốc, mọc thành cây con để phát triển thành bụi mía. Thế là bên hông nhà nội tôi đã có một vườn mía xạc xào”. Rõ ràng đây chính là vốn sống mà ông đã có.
Hiện nay, nhà văn Từ Kế Tường đang đón nhận tin vui: Nhà xuất bản Văn học, Công ty Hà Nội books và Công ty phát hành Fahasa đã có kế hoạch tái bản toàn bộ tác phẩm của ông với tên gọi “Tủ sách Tuổi ngọc”.

Ông hào hứng cho biết: “Gần 100 tác phẩm của tôi đủ thể loại từ tuổi thiếu nhi, tuổi mới lớn, tuổi U30 tới U80 gọi chung là nam, phụ, lão, ấu đều thấy trong đó đầy ắp ký ức, hoài niệm, yêu thương, hạnh phúc, giận hờn, vui buồn, tưởng nhớ, nuối tiếc, ngậm ngùi về trường lớp, bạn bè... đến khi bước xuống cuộc đời. Mỗi một tác phẩm là một chiếc vé đi về tuổi thơ, trở lại ngày xưa mà vẫn chưa xa, tưởng đã phôi phai nhưng vẫn còn khắc sâu ấn tượng”.

Trong tháng 9/2023, đợt đầu tiên 2 truyện dài của ông được tái bản là "Huyền xưa" và "Như mưa ngọt ngào". Không những thế, sách sẽ có diện mạo mới mà phần thiết kế, minh hoạ, trình bày mỹ thuật do họa sĩ Bùi Đức Lâm đảm nhận. Thú vị ở chỗ, họa sĩ là độc giả đã từng đọc, yêu thích tác phẩm của Từ Kế Tường từ gần 50 năm trước. Do đó, Đức Lâm dễ dàng có sự đồng cảm sâu sắc các tình tiết trong truyện với tất cả sự hào hứng trong dịp tái bản lần này.

Với loạt sách trong “Tủ sách Tuổi ngọc”, đúng như nhà phê bình văn học Ngô Thảo ghi nhận: “Từ Kế Tường như một người bạn hiểu và đồng cảm với những diễn biến vừa sợ vừa lo, vừa mừng khi xuất hiện những cảm xúc mới lạ của lứa tuổi, như một người thầy lặng thầm chỉ dẫn những cách ứng xử, những kiến thức, kỹ năng sống mà không lớp học nào chỉ dạy, giúp mỗi người tự hoàn thiện nhận thức, đạo đức, tâm hồn. Nhà văn đã sáng tạo ra một thế giới bao la để cho những tâm hồn trẻ nương náu, được an ủi, hy vọng khi ngoài kia, cuộc đời - đặc biệt trong những năm chiến tranh trước đây đầy những tai họa, bất trắc, cái thực dụng luôn lấn lướt”.

Sự trở lại của nhà văn Từ Kế Tường, theo tôi là một tín hiệu vui, đáng chú ý của thị trường sách trong thời gian sắp tới.

Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Van nghệ công an ra ngày 26.8.2023)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com