Trong ký ức của nhiều người đã sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TP.HCM; hoặc chỉ đến thoáng qua nơi này nhưng có lẽ hai con đường mà họ nhớ nhất vẫn là Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Tại sao thế? Tùy mỗi người mà họ cách lý giải khác nhau, tất nhiên bên cạnh đó còn có những con đường khác nữa. Con đường nào tại một đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam lại không tạo ra cho ta cảm giác như nhà thơ Diệp Minh Tuyền từng nhắc đến với tình cảm trìu mến:
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
Âm hưởng nhịp nhàng của câu thơ đã gợi lên sự yên ả lạ thường. Bạn đã từng nhìn thấy? Tất nhiên là thấy cảm giác bình yên ấy ngay trong tâm hồn sâu lắng của mình. Tôi cũng thế, bởi nơi này luôn ngược xuôi xe cộ, có thể minh họa bằng câu thơ trong Truyện Kiều: “Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Còn nhớ, lần đầu trong đời được đến Sài Gòn vào năm 1974, khi đi ngang qua đường Lê Lợi ở đoạn gần nhà sách Khai Trí, tôi đã thấy trên lề đường bày rất nhiều sách “bán xôn”. Sách còn mới toanh mà bán “đại hạ giá”. Đối với tôi - một cậu bé miền Trung lấy làm ngạc nhiên ghê gớm và ấn tượng mãi đến bây giờ.
Con đường Lê Lợi thuộc loại xưa nhất Sài Gòn, thời Pháp thuộc mang số 13, từ năm 1985 đổi thành tên đường Bonard, từ năm 1955 đổi thành Lê Lợi cho đến nay. Ai cũng thừa biết rằng, theo năm tháng thì “vật đổi sao dời”, kể cả cả cách gọi sự vật sự việc cũng khác đi, vì thế, tôi nghĩ sẽ là một hữu ích khi nhắc lại nơi này còn có một vị trí gọi là “Bồn Kèn”, nay vẫn còn đó, là vị trí giao nhau giữa hai đại lộ lớn Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi, quận 1) - nơi có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn không của một thời. Nơi ấy, có lần hai thi sĩ nổi tiếng của miền Nam là Huỳnh Mẫn Đạt và Tôn Thọ Tường đã chạm mặt nhau và làm thơ xướng hoạ rất hay. Khi Pháp sang, ông Đạt không công tác với “tân trào” mắt xanh mũi lõ, vì thế ông bộc bạch ở câu kết:
Sự đời thấy vậy thời hay vậy,
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
Ông Tường đã ra làm quan cho Pháp nên vội vàng chống chế:
Hăm hở nhạc Tây hơi trỗi mạnh.
Nghe qua thời nhớ giọng tiêu thiều
Lịch sử của một con đường không chỉ chiều dài của nó, mà còn cần phải biết những gì đã từng xẩy ra ở đó nữa. Giai thoại văn chương này là một thí dụ, và cũng khiến ta gắn kết từ quá khứ đến hiện tại như một cách tìm hiểu về lai lịch của con đường đó. Và, chúng ta không thể không nhắc tới bệnh viện đa khoa Sài Gòn - gắn liền với lịch sử của nền y tế tại đây, dành cho người không đủ tài chánh, không phải là nhân viên của chính quyền. Cũng tại con đường này, lần đầu tiên người Sài Gòn có cơ hội xem phim, xem kịch tại Casino Sài Gòn ở địa chỉ số 30, sau chuyển sang số 28 - góc đường Bonard và Pellerin (Pasteur hiện nay), nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cho biết vào mùa mưa, đặc biệt: “là nơi tổ chức đánh quyền anh (boxe hay võ tay)” hấp dẫn đến nỗi ban tổ chức phải hạn chế số lượng người xem.
Bước sang thế kỷ XXI, ta thấy con đường Lê Lợi đã thay da đổi thịt với làn đường thông thoáng cùng những cao ốc, nhà hàng, cửa hiệu…. cực kỳ sang trọng và hiện đại. Đáng chú ý và có tầm phát triển lâu dài nhất, có thể kể đến việc hoàn thành hệ thống Metro số 1 - đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đã được đông đảo nhân dân đồng tình.
Từ các cơ quan chức năng, chúng ta vui mừng khi được biết thông tin mới nhất: Do kết nối với chợ Bến Thành và phố đi bộ Nguyễn Huệ nên đường Lê Lợi là địa điểm rất thích hợp để du khách đi bộ, ăn uống và mua sắm khi đến TP.HCM du lịch. Mới đây chính quyền quận 1 cũng đã đề xuất với UBND TP.HCM phát triển đường Lê Lợi thành phố đi bộ để thu hút thêm khách du lịch, đặc biệt phát triển kinh tế đêm. Phương án này cũng được Sở GTVT TP.HCM đồng tình, hướng triển khai có thể giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ đó là hai bên cho xe lưu thông, còn ở giữa cho đi bộ và linh động việc cấm xe khi có sự kiện đông người. Phía Sở Du lịch cũng đồng tình với quan điểm mở phố đi bộ trên đường Lê Lợi vì đây là địa điểm thu hút nhiều du khách khi gần chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ với nhiều cửa hàng kinh doanh mua sắm và ẩm thực.
Tất cả nội dung này đã cho thấy diện mạo của con đường Lê Lợi trong tương lai gần đây.
Ngày xưa từ đường Bonard (Lê Lợi) chỉ thả vài bước chân, ta sang con đường Charner (Nguyễn Huệ), nay vẫn thế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp đã nhận định chính xác: “Nguyễn Huệ là con đuòng chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao trong lịch sử thành hình đô thị trung tâm Sài Gòn, từ khởi thủy là một con kinh di chuyển theo đường sông, sau khi bị lấp có đường hỏa xa, tramway rồi đến xe hơi đường bô đầu thế kỷ XX”.
Không gì lý thú hơn, nếu ta biết được sự sôi động của các con đường cận kề của Bonard, Charner, Catinat phồn hoa đô hội từ thuở xa xưa ấy. Từ thập niên 1930, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã miêu tả như những thước phim quay chậm cho biết ngoài các cửa hàng tây, ta, nhà chớp chớp, nhà hát tây: “Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu. Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số làn sóng tự ngoài xa đưa lại… Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rạt lịch sự, ở nhà thờ ra đi dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội”. Chỉ đôi dòng miêu tả đã vẽ ra được nét sầm uất thi vị.
Theo năm tháng, ngày nay đường Nguyễn Huệ và những con đường ở khu trung tâm đã có sự thay đổi lớn lao hầu như toàn diện the chiều hướng ngày càng văn minh hơn, tươi đẹp hơn và hiện đại hơn. Trong sự thay đổi ấy, hẳn chúng ta không không nhắc đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, bắt đầu từ trụ sở UBND TP.HCM phóng một tầm mắt đã có thể nhìn thấy mây trắng bay từ phía sông Sài Gòn lồng lộng gió mát. Nơi này đã trở thành một trong những điểm mà bất kỳ ai khi đến TP.HCM cũng muốn đặt chân đến.
Có một điều lý thú nữa là chính tại con đường này, mỗi dịp Xuân về Tết đến là rực rỡ muôn sắc hoa tiêu biểu của vùng đất phương Nam. Ta biết sau năm 1975, dịp Tết Giáp Thân (2004) lần đầu tiên Đường hoa Nguyễn Huệ chính thức ra mắt với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố tôi yêu”. Không những thế, cũng tại các góc đường cận kề nơi này cũng vào dịp Tết còn có thêm Đường Sách. Thử hỏi đã được ngắm hoa lại còn đọc sách nữa, còn gì lý thú hơn. Văn hóa tinh thần của người Sài Gòn-TP.HCM có thể nhìn thấy các hoạt động tích cực và sôi nổi này. Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ mà nhiều người yêu thích:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
Nhớ về câu thơ này, tôi mạo muội nghĩ rằng những con đường tại Sài Gòn, trong đó, có đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ thì không chỉ là “nơi đất ở” mà bản thân của nó đã hoà nhập vào tâm hồn chúng ta tự bao giờ rồi. Và, đã trở thành một sự gắn bó thân thiện, lâu dài trong tình cảm của đất và người. Nói như thế, vì tôi biết rằng vào dịp vui Xuân đón Tết đã ở TP.HCM thì không ai bảo ai, ai ai cũng phải tạt qua nơi này như một sự đón lấy và cảm nhận không khí tươi vui, hiếu khách vốn đặc trưng của vùng đất này…
L.M.Q
(nguồn: Giai phẩm DOANH NHÂN TRẺ - XUÂN 2023)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|