Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi có sự trùng lặp là nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Trịnh Công Sơn (28-2-1939), năm nay, Google đã vinh danh ông với biểu tượng Doodle. Sự vinh danh này là lần đầu tiên của một công cụ tìm kiếm mạnh hàng đầu thế giới dành cho một nhạc sĩ lừng danh của nước Việt. Lập tức, nó đã tạo nên sự chú ý trong dư luận.
Tôn vinh với Doodle đặc biệt
Trang blog tiếng Việt chính thức của Google viết: "Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành nhân vật xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google.com.vn nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông. Đây là lần đầu tiên Google Doodles tôn vinh một người Việt Nam". Lý do tôn vinh được trang này nêu rõ: "Với một di sản để lại cho làng âm nhạc Việt Nam gồm hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng tích cực đón nhận và yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong làng âm nhạc Việt và là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhạc của Trịnh Công Sơn giàu tính triết lý và sâu sắc, với dấu ấn rất riêng trong tư tưởng và ca từ, thể hiện tình yêu to lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình cùng những bản tình ca nồng nàn, sâu lắng".
Biểu tượng tôn vinh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên Google Doodles. (Ảnh do Google cung cấp)
Trịnh Công Sơn cũng là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như "Bob Dylan của Việt Nam" (BBC), "Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam" (The Washington Post). Không chỉ vậy, âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc phát hành tại thị trường Nhật Bản với nhiều ca khúc, trong đó có "Diễm xưa" và "Ca dao mẹ". Hơn 2 triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công này. Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong Kohaku Uta Gassen, chương trình Âm nhạc đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK trước hàng triệu khán giả.
Khi ông qua đời vào năm 2001, nhiều tờ báo lớn quốc tế như The New York Times, Los Angeles Times, BBC... đã đưa tin về lễ tang cũng như cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Với những đóng góp quan trọng cũng như tầm ảnh hưởng của ông đối với văn hóa đại chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được Google Doodles lựa chọn để vinh danh trên trang chủ của Google nhằm tôn vinh những cống hiến của ông.
Từ lúc Trịnh Công Sơn lìa xa "cõi tạm" cho đến nay, ông vẫn là nhân vật được đề cập trong nhiều tập sách nhất. Theo tài liệu thu thập của chúng tôi thì số lượng đã chừng 10 quyển và có lẽ không dừng lại đây. Những người yêu nhạc vẫn tiếp tục tìm đến thông điệp "Tình yêu, quê hương, thân phận" qua hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn lưu dấu trần gian.
Sau Trịnh Công Sơn là ai nữa?
Không thừa, nếu chúng ta đặt câu hỏi: Sau Trịnh Công Sơn thì ai sẽ là người được chọn làm biểu tượng Doodle?
Thật khó có câu trả lời dứt khoát, bởi lẽ chúng ta không rõ tiêu chí lựa chọn của họ như thế nào. Điều này hoàn toàn bình thường vì khi chọn lấy biểu tượng nào, bất kỳ tổ chức nào cũng có tiêu chí riêng của mình miễn là đạt đến sự đồng thuận của số đông. Đây mới chính là thước đo quan trọng nhất. Việc Google chọn Trịnh Công Sơn làm biểu tượng Doodle là một thí dụ thuyết phục.
Tuy nhiên, nếu được đề xuất thêm một nhạc sĩ thứ hai, sau Trịnh Công Sơn lần này, tôi tin rằng nhiều người sẽ đề xuất nhạc sĩ Văn Cao.
Duy nhất Văn Cao là tác giả của Quốc ca Việt Nam. Khi giai điệu, ca từ cất lên thì lập tức hàng triệu triệu công dân phải đứng lên nghiêm nghị. Nói cách khác, "Tiến quân ca" của ông là biểu tượng hùng hồn của một quốc gia độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Há chẳng phải là điều xứng đáng đó sao? Hơn nữa, ông còn là một trong những nhạc sĩ tiên phong mở đầu nền tân nhạc Việt Nam, cũng là một thi sĩ, một họa sĩ tài năng.
Thật khó đánh giá ở lĩnh vực nào nghệ sĩ đa tài Văn Cao tìm được cảm hứng sáng tạo nhiều nhất? Là hội họa hay thơ ca hay âm nhạc? Nhà phê bình Thái Bá Vân đã hoàn toàn có lý khi khẳng định bản lĩnh Văn Cao "như một viên gạch kỳ cựu nung ở độ lửa già" và lý giải: "Bởi sức đập náo nức tột cùng của trái tim mẫn cảm và bởi bản chất trong sáng của nghệ thuật, mà chưa bao giờ cái đẹp của Văn Cao rơi xuống chỗ tẻ lạnh, não nùng hay bạc bẽo như một số nhạc sĩ tiền chiến khác. Cũng chưa bao giờ bẽ bàng, khóc thương công cộng như một số du ca, tục ca sau này của Phạm Duy. Dù có buồn cô đơn, Văn Cao trước Cách mạng Tháng Tám vẫn thốt lên được những tiếng gọi tha thiết về cuộc sống. Là người nghệ sĩ mới, tôi nhận thấy Văn Cao đã thấm nhuần cái trí thức cổ điển ngàn xưa của nghệ thuật: sự thanh lọc của tâm hồn".
Ngày Văn Cao mất, điếu văn của Hội Âm nhạc Việt Nam đã ghi nhận ông là "Bậc tài danh thế kỷ". Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng: "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng"...
Trở lại với cách chọn của Google, hẳn nhiều người giật mình khi thấy rằng việc quảng bá văn hóa, đôi lúc chỉ là một động tác nhỏ như thay đổi biểu tượng Doodle, lập tức nó đã "dậy sóng". Động tác này đơn giản thôi nhưng hiệu quả hơn nhiều hình thức khác. Tôi dám tin chắc là thế. Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa hiện nay là gì? Có lẽ, vẫn là cách chọn nhân vật tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất mãi mãi sống trong tâm trí của hàng triệu triệu người ái mộ.
Hy vọng Văn Cao cũng được chọn
Thực ra từ lâu, người mến mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhìn nhận ông là một nhạc sĩ Việt Nam không chỉ có tầm ảnh hưởng trong nước mà cả với thế giới. Thời chiến tranh, ông đã được xem như một Bob Dylan của Việt Nam với những ca khúc phản chiến mạnh mẽ. Cũng thời kỳ này, ca khúc "Diễm xưa"và "Ca dao mẹ" đã được phát hành hàng triệu bản ở Nhật và biểu diễn trong các chương trình lớn. Rất nhiều người nước ngoài đã học tiếng Việt để hát những ca khúc của ông.
Việc Trịnh Công Sơn được Google vinh danh đúng là một tin vui trong sinh nhật của ông. Nhân tin vui này, tôi thấy Google nên tiếp tục vinh danh những người Việt nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác. Riêng đối với âm nhạc, có lẽ không thể không tôn vinh nhiều nhạc sĩ mà trong đó Văn Cao phải là hàng đầu. Bao nhiêu năm qua, bản Quốc ca Việt Nam do ông sáng tác đã vang lên khắp thế giới trong các cuộc gặp gỡ giữa các nguyên thủ Việt Nam với nguyên thủ các nước. Nó cũng vang lên trên các đấu trường quốc tế, châu lục và khu vực khi các vận động viên Việt Nam đoạt huy chương vàng. Nhiều nhạc phẩm của Văn Cao như "Làng tôi", "Mùa Xuân đầu tiên", "Thiên thai"... cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhiều nghệ sĩ quốc tế thể hiện. Có thể việc vinh danh này sẽ thành hiện thực vào ngày 10-7-2020, kỷ niệm 25 năm ngày ông từ trần hoặc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15-11-2023).
Nguyễn Thụy Kha
Trang blog tiếng Việt chính thức của Google, Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google tiếng Việt - Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại. Trên trang chủ Google tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodle như cách mà Google tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Trung thu, Tết nguyên đán, ngày Quốc khánh...
< Lùi | Tiếp theo > |
---|