BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tham luận Lê Trí Viễn - một nhà giáo thi sĩ (Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 ngày sinh GS-NGND LÊ TRÍ VIỄN 1918-2018)

LÊ MINH QUỐC: Tham luận Lê Trí Viễn - một nhà giáo thi sĩ (Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 ngày sinh GS-NGND LÊ TRÍ VIỄN 1918-2018)

hoi-thao-khoa-hoc-le-tri-vien-1

 

hoi-thao-khoa-hoc-le-tri-vien-2

 

 

GS LÊ TRÍ VIỄN (1919-2012) - MỘT NHÀ GIÁO THI SĨ

 

LÊ MINH QUỐC

 

1.

Thời đi học, chúng tôi thường nghe các bạn bên Sư phạm kể về thầy Lê Trí Viễn (1918-2012). Một ấn tượng khó quên nhất với tôi vẫn là tính cách mô phạm của thầy. Khi nhận được đơn xin phép sinh viên, việc đầu tiên thầy xem đơn viết có… đúng ngữ pháp, chính tả? Nếu viết sai, thầy gạch bỏ, sửa chữa, giảng giải rồi trả lui cho họ, phải viết lại chỉnh chu thầy mới ký. “Rằng quen mất nết đi rồi”. Thầy hóm hỉnh chọn một câu Kiều để nói về tính cách này.

 

Thời đó, Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam của thầy là một trong những giáo trình ảnh hưởng đến thế hệ chúng tôi. Mười năm sau, năm 1998, khi mừng thầy được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, chúng tôi mới biết tên đầy đủ của tập sách phải là “Những đặc điểm có tính quy luật của lịch sử văn học Việt Nam”. Có thể nói đây là một đóng góp của thầy trong công tác nghiên cứu và giảng dạy.

 

Một trong những quy luật đó, “Văn học Việt Nam phát triển chặt chẽ với lịch sử”, sau khi lý giải, thầy khẳng định: “Việt Nam có cả một nền văn học chống ngoại xâm rồi cách mạng đi suốt chiều dài lịch sử, và từ tự phát, văn học đã tự nguyện làm vũ khí đấu tranh một cách tự giác, ngay từ thuở nào nào, chứ không đợi đến thời lãnh đạo vô sản”. Từ đó, thầy quan niệm càng nắm rõ lịch sử bao nhiêu thì càng lãnh hội được cái hay, cái sâu sắc của thơ ấy nhiêu. Đơn cử là trường hợp để hiểu bài thơ Nam quốc sơn hà; hoặc Thề non nước của Tản Đà…

 

Thời đó, dù học các thầy Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Mai Cao Chương… nhưng sách của thầy Lê Trí Viễn, với chúng tôi vẫn nằm trong bộ nhớ và là tài liệu tham khảo không thể thiếu. Hình ảnh “thế hệ vàng” của ngành giáo dục Việt Nam hiện đại ảnh hưởng sâu sắc nhất với chúng tôi vẫn là tinh thần tự học, tự nghiên cứu để thâu tóm được tri thức và dạy lại cho học trò. Thầy Lê Trí Viễn là một.

 

Đọc lại Một đời với văn của thầy, ta mới có thể cảm nhận hết cái sự gian nan của thuở ban đầu ấy. Cho đến nay, tôi vẫn chưa thể tìm ra một nhà giáo nào đã dành nhiều tâm huyết phân tích công việc giảng dạy văn như thầy. Đã có lần thầy tự hỏi: “Có thể nào đem văn thơ giảng giải cho học sinh mà trong lòng thầy vẫn lạnh tanh như băng giá được không?”.

 

Và thầy trả lời: Nhất định không. Văn thơ là cuộc sống, là tâm hồn con người lọc qua một tâm hồn con người nữa là tác giả và được ghi lại bằng ngôn ngữ. Người dạy văn phải từ ngôn ngữ ấy đi ngược lại con đường nhà văn đã đi, lần theo các cảm xúc, nghĩ suy ẩn giấu sau các hình thức ngôn từ, mà trở lại với cuộc sống đã làm nguồn cho sáng tác, nghĩa là phải sống lại những rung động của nhà văn, những buồn vui, hờn giận, những say mê, những mong ước trước cuộc đời… Ở chỗ này, điều tiên quyết cho thầy giáo vẫn là trái tim mình”. Có thể xem đây như một “tuyên ngôn” của thầy trong sự nghiệp dạy văn. Đến này, chúng tôi vẫn nhớ như in câu thơ tự bạch của thầy:

 

Lạ gì cái chuyện văn chương

 

Một câu, một chữ khôn lường chiều sâu

 

Dạy văn lấy cảm làm đầu

 

Một đời tôi chỉ một câu dặn mình:

 

Dạy văn dạy nghĩa dạy tình

 

Dạy văn là cũng là mình dạy ta

 

Hiểu điều này, chúng ta thêm hiểu tâm sự sâu kín của thầy rằng, giảng dạy văn cũng là dịp để tu dưỡng tâm hồn. Có đôi lúc, tôi lẫn thẫn nghĩ rằng, nếu không theo sự nghiệp giáo dục, văn học sử vẫn đường hoàng xếp thầy vào giới nghiên cứu.

 

Nói cách khác, dù là nhà giáo thực hành đúng lời của Khổng Tử trong Luận ngữ “Hối nhân bất quyện” (dạy người không mệt mỏi), nhưng trong lãnh vực nghiên cứu văn học, thầy cũng có nhiều đóng góp lớn. Có thể kể đến Bình thơ xuân, Đến với thơ hay, Việt Nam văn học sử - Thời Lê mạt, Nguyễn sơ, Thơ văn Nguyễn Khuyến, Trần Tú Xương, Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ X - giữa thế kỷ XIX v.v…

 

Trong việc sự nghiệp giáo dục của thầy, một đồng nghiệp đi sau là PGS-TS Trần Hữu Tá đã tôn vinh: “Cũng về việc giảng dạy trong nhà trường, Lê Trí Viễn còn có một hoạt động mang tính đột phá: Chủ biên các công trình sưu tầm, nghiên cứu và hướng dẫn giáo viên các địa phương giảng dạy văn học thuộc địa phương mình”.

 

2.

 

Chúng tôi từng được nghe thầy Hoàng Như Mai tâm sự, dù thích hoạt động trong lãnh vực kịch, nhưng do yêu cầu của kháng chiến, thầy Mai chuyển sang giáo dục. Tương tự, thầy Lê Trí Viễn cũng vậy: “Tôi định vào đời là đi làm văn nghệ, nhưng gặp kháng chiến nên theo tổ chức phân công tiếp tục dạy học”. Thế thì, tâm hồn của các thầy vẫn còn có nàng thơ réo rắt. Thầy có tập thơ Tinh sương in năm 2001, tuyển chọn 99 bài thơ đã sáng tác từ năm 1940. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà năm 1971, thầy đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ Đêm ấy đêm này, tôi tin nhiều anh em bên Sư phạm và người yêu thơ vẫn còn nhớ:

 

Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng

 

Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn

 

Anh đến với em đêm thần tiên ấy

 

Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men

 

Thơ hay và rung động đến nao lòng. Vâng, thơ vẫn là thể loại mà con người ta phải bộc bạch cảm xúc đến tận cùng, không thể đem câu chữ múa may mà lấp liếm tiếng lòng. Tiếng lòng thế nào, thơ thế ấy. Thật ngạc nhiên, với bề ngoài đạo mạo, nghiêm nghị của một ông giáo nhưng qua thơ, ta lại thấy hiện lên rất rõ nét một chân dung đa cảm, sâu sắc và nhân văn.

 

Áo cưới của mẹ, đọc lại vẫn còn rưng rưng một nỗi niềm thăm thẳm. Viết dễ như không nhưng lại ấn tượng, khó quên. Và tôi cũng cảm thấy cồn cào nhớ đến mẹ của mình:

 

Áo cưới của mẹ bà ngoại sắm

 

Bằng trừu vàng, bông nổi lát gừng non

 

Một đời mẹ,

 

ngoài đồng: cây cuốc

 

trong bếp : niêu cơm

 

làm vợ, làm mẹ, làm bà

 

năm mươi năm chưa một lần mặc lại

 

Nắng mới, đem phơi,

 

Áo cưới mẹ còn nguyên

 

Rõ ràng là một tứ thơ độc đáo. Có lẽ, khó quên nhất với người yêu thơ của thầy, theo tôi vẫn là những vần tứ tuyệt gọn gàng một cấu trúc Đường thi. Gặp trăng rằm với câu kết thật bất ngờ và lạ:

 

Vui cưới ra về gặp sáng trăng

 

Nhớ ra, ờ nhỉ, hóa đêm rằm

 

Trời tròn trăng, người tròn hạnh phúc

 

Ai biết mình ta lạnh nửa chăn!

 

Đôi lúc lại có hương vị của Lão Trang nhẹ nhàng, sâu lắng, chẳng hạn lúc Thăm vườn:

 

Thăm vườn đôi lứa tay trong tay

 

Cây ngỡ rừng hương, lá ngỡ mây

 

Bỗng thấy chập chờn đôi bướm trắng

 

Tưởng mình hóa bướm sánh vai bay

 

Khi đọc bài thơ này, tôi lại liên tưởng đến Đọc Trang Tử - một tứ tuyệt của Yến Lan: “Trưa đọc Nam Hoa kinh/ Tối nằm không hóa bướm/ Mừng mình chủ được mình/ Dậy thổi nồi khoai sớm" . Cả hai bài thơ đều hay,  bởi đều bộc bạch rõ nét tâm thế của mình. Chỉ khi yêu, đang yêu nhìn thấy bướm lúc dạo chơi thong dong trong vườn mới có thể “Tưởng mình hóa bướm sánh vai bay”. Tươi trẻ lạ lùng.

 

3.

 

Mà này, khi nhà thơ làm thơ tặng người khác nhưng lạ lùng thay, ta có xem như là một “tổng kết” khắc họa về chân dung mà nhà thơ đó đã tự họa. Nói vậy, có tréo ngoe không? Không hề. Với nhà giáo Lê Trí Viễn, nếu chọn, tôi sẽ chọn tứ tuyệt này:

 

Uống mênh mông xanh biển

 

Thở muôn trượng cao trời

 

Ấp mình vào kẽ đá

 

Nhả tinh huyết cho đời

 

Nhớ đến thầy Lê Trí Viễn là lúc chúng ta bùi ngùi thương tiếc một nhân cách, một tấm gương sáng trong sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Phải lâu và rất lâu nữa, ngành giáo dục nước nhà mới có thể hình thành được một “thế hệ vàng”  mà các thầy đã đặt nền tảng cho lối giảng dạy văn học: “Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ Dạy văn là cũng là mình dạy ta” như GS- NGND Lê Trí Viễn đã tâm niệm.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com