BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tình yêu của Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp

LÊ MINH QUỐC: Tình yêu của Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp

bac-si-do-xuan-hop-tinh-yu-1R

 

Tình yêu của Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp:

Tú cát tương phùng nghĩa rộng sâu

LÊ MINH QUỐC

Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp (1906- 1985) - Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) là một trong những danh y có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà. Ông sinh ngày 8.7.1906 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Mối tình đầu của ông diễn ra vào lứa tuổi đôi mươi và bền vững suốt một đời người. Thật cảm động khi chúng tôi được tiếp xúc với cụ bà Nguyễn Thị Thịnh tại Hà Nội - dù ở vào lứa tuổi 87 nhưng cụ vẫn minh mẫn và kể lại chuyện tình của mình một cách hóm hỉnh, đôi lúc pha giọng cười dí dỏm.

Vào năm 1929, lúc bấy giờ cụ Thịnh mới là cô gái 17 xuân, đang học nội trú ở Trường Sư phạm Hà Nội. Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, cô mới về nhà. Vào buổi sáng đẹp trời, bố mẹ đi vắng, cô đang ngồi học bài thì có tiếng gõ cửa... Giây phút của định mệnh diễn ra vào thời khắc này. Cụ kể lại: “Nhìn ra tôi thấy hai ông khách, tưởng là bạn của bố, tôi vội vàng mở cửa lễ phép chào. Người đứng trước đeo kính trắng, luôn mồm nói nên tôi chú ý hơn. Còn người đứng sau, từ đầu đến cuối không nói một câu nào. Khi ông khách hỏi bao giờ bố tôi về thì tôi chắp hai tay kính cẩn đáp:

- Thưa hai ông, còn lâu thầy con mới về, trưa hai ông quay lại cũng được ạ!

Nghe tôi nói vậy, họ trả lời là vào nhà ngồi chờ cũng được. Thế là cả hai đàng hoàng bước vào phòng khách. Họ hỏi chuyện đến đâu thì tôi lễ phép trả lời đến đó. Khi hỏi bao nhiêu tuổi, tôi cũng chắp tay thưa:

- Con 17 tuổi ạ!

Ngồi trò chuyện một lúc, gần đến giờ bố tôi về thì hai người khách lại đứng dậy ra về, dù tôi có mời ngồi nán lại cũng không được”.

Lúc năm giờ chiều, cô Thịnh chuẩn bị vào trường thì người bạn học là Đoàn Thị Lương - vợ sinh viên y khoa Trương Cam Cống - đến nhà và hỏi:

- Này cậu, sáng nay có hai người đến nhà cậu, cậu nghĩ thế nào?

- Đến chơi với thầy tớ chứ có chơi với tớ đâu!

Nghe vậy người bạn phá lên cười:

- Ngốc ơi là ngốc! Đến chơi với thầy mày làm gì? Đến xem mặt mày đấy! Mày có bằng lòng không?

Thì ra, người đứng sau là Đỗ Xuân Hợp - chàng sinh viên nổi tiếng học giỏi nhất Trường Y khoa Đông Dương. Sau này, cụ bà nhớ lại: “Ngay từ ngày đầu tiên đến tìm hiểu tôi, anh đã không nói một câu, chỉ đứng sau anh bạn, cười, nhìn tôi với đôi mắt như có luồng điện nam châm khiến tôi phải ngẩng lên nhìn anh và vội vàng cúi xuống ngay. Qua chủ nhật sau, có một người đàn bà thấp mập, chừng lớn hơn mẹ tôi mấy tuổi cũng gõ cửa vào chơi. Bà bảo rất tiếc là mẹ tôi đi vắng, bà xin ngồi chờ. Tôi lễ phép mời bà vào nhà, pha trà thơm và định têm trầu thì bà đỡ lấy, dạy tôi têm trầu cánh phượng. Sau đó, bà hỏi tôi đủ thứ: tên, tuổi, học ở đâu? v.v... Đến lúc mẹ tôi sắp về thì bà kiếu từ chứ không chịu ngồi nán lại. Tôi ngờ nghệch đến nỗi không liên tưởng gì về hai chuyện đã vừa xảy ra”.

Rồi chủ nhật sau nữa, khi cô Thịnh ngồi xe kéo nhà vào trường thì hai ông khách hôm nọ đạp xe ngang qua. Người đeo kính trắng đưa một tấm danh thiếp và nói:

- Vài hôm nữa bạn tôi sẽ lên mạn ngược nhậm chức, nên có lời tạm biệt cô, chúc cô ở nhà mạnh khỏe. Gia đình bạn tôi sẽ nhờ người đến thưa chuyện với ông bà nhà, xin cô bằng lòng cho.

Thật vậy, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được phân công lên vùng cao, bấy giờ còn là rừng thiêng nước độc là Bắc Hà (gần biên giới Lào Cai). Mọi việc ở nhà diễn ra suôn sẻ. “Bố mẹ tôi không hề hỏi tôi một lời có bằng lòng hay không? Cụ đòi nhà trai đưa ảnh đến cho cụ xem mặt, rồi cụ bỏ cất vào tủ không cho tôi xem. Ít lâu sau, các cụ bằng lòng gả tôi”. Năm 1930, cô Thịnh tốt nghiệp thủ khoa sư phạm và được bổ xuống Thái Bình dạy học, cô xin thôi dạy để chuẩn bị làm lễ thành hôn. Nhưng sau đó, nhà gái bảo phải chờ chàng rể bao giờ đổi về Hà Nội mới được. Chờ đợi mãi không được nên ngày 16.12.1932, các cụ phải đồng ý cho cưới. Từ đây, họ sống với nhau thật hạnh phúc và cùng làm nên nhiều công trình cống hiến cho nền y học nước nhà.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra tiếng súng hào hiệp và chính nghĩa, vợ chông bác sĩ Đỗ Xuân Hợp bỏ lại sau lưng căn biệt thự số 69 phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), bỏ lại những tiện nghi vật chất để lên đường tòng quân. Bấy giờ, ông đang giảng dạy ở trường Đại học Y khoa, lại chữa bệnh ở bệnh viện Phủ Doãn và còn có cả phòng mạch tư ở phố Chợ Hôm. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, vợ chồng ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.

Vào tháng 3.1947, họ ở Việt Trì. Sau khi Pháp tấn công thì phải dắt díu nhau chạy lên Lâu Thượng, rồi nửa đêm chạy ngược sông Lô để qua Bình Sơn (Vĩnh Yên). Từ đây, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được giao nhiệm vụ làm giám đốc Quân y viện Liên khu 10. Vào tháng 3.1949 nhiều chiến dịch lớn đã mở và quân ta đánh thắng giặc Pháp nhiều trận oanh liệt. Để kịp thời đào tạo cán bộ quân y phục vụ chiến trường, trường Đại học Quân y được thành lập ở cánh rừng Liễn Sơn, xã Hồng Hoa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú). Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy cho trường, ngoài ra ông còn phải dạy ở trường Đại học Y khoa ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) do bác sĩ Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Từ năm 1950, ông được chỉ định làm hiệu trưởng trường Đại học Quân y. Tuy bận nhiều việc nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học và biên soạn giáo trình giảng dạy.

Ở lứa tuổi 87, cụ Thịnh sung sướng nhớ lại: “Ông nhà tôi cả ngày chỉ có sách vở. Vừa ăn vừa đọc sách, tay không lúc nào rời quyển sách. Ông nhà tôi thường bảo: Phải làm sách y khoa bằng tiếng Việt để ai cũng đọc được và cũng hiểu thì mới nâng cao dân trí được”. Trước Cách mạng tháng Tám, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã viết trên 60 công trình bằng tiếng Pháp nhưng sau này ông chỉ công bố các bản tiếng Việt. Chung sống với nhau, cụ bà đã lo toan tất tật công việc gia đình để bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nghiên cứu khoa học. Trên năm mươi năm gắn bó cuộc đời, cụ bà đã viết bài thơ thật cảm động:

Năm mươi năm chẵn sống bên nhau,

Nguyễn - Đỗ ngày nay sắp bạc đầu.

Thấm thoát hôm nào còn kén rể,

Ôn thời niên thiếu lúc làm dâu.

Ung dung vất vả không thừa thiếu,

Tú cát tương phùng nghĩa rộng sâu.

Cưới bạc, cưới vàng đành đã được,

Kim cương, ngọc bích hẳn theo sau.

Họ có được hai người con là Đỗ Xuân Ánh, Đỗ Tuyết Mai cũng theo nghề y. Ông mất ngày 6.11.1985 trong sự thương tiếc của mọi người.

LÊ MINH QUỐC

Tài liệu tham khảo:
Ghi theo lời kể của vợ cố bác sĩ Đỗ Xuân Hợp.

Chú thích: In Báo Sức khỏe & đòi sống, rút trong tập CHUYỆN TÌNH CÁC DANH NHÂN VIỆT NAM - NXB TP.HCM tái bản - 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com