BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: ĐỌC SÁCH ĐỂ GIEO MẦM THIỆN

LÊ MINH QUỐC: ĐỌC SÁCH ĐỂ GIEO MẦM THIỆN

DOC-SACH-DE-GIEO-MAM-THIEN


Có một điều, tôi không thể lý giải nổi: vua Lê Thánh Tông  - đấng minh quân, với những cải cách tích cực đã xây dựng một xã hội phồn vinh, no ấm nhất dưới thời phong kiến nước ta, thế nhưng tại sao ngài lại có cái nhìn hẹp hòi với giới “xướng ca”? Cách nhìn tiêu cực này, thiết nghĩ cũng là tầm nhìn hạn chế trong một và nhiều thời đại, dù những con người đó có là đấng quân vương ưu tú nhất.

Mà, cách nhìn lệch lạc ấy, nay đã hoàn toàn thay đổi.

 

HOÀN THIỆN VAI DIỄN NHỜ ĐỌC SÁCH

Trong buổi sáng này 8.1.2017, khi giao lưu với bốn nghệ sĩ (NS) lừng danh là Kim Cương, Thành Lộc, Hữu Châu và Quế Trân tại Đường Sách, bạn đọc đã nhiều lần vỗ tay tán thưởng, bày tỏ sự khâm phục ở chỗ chính giới NS đã góp phần thay đổi quan niệm “xướng ca vô loài”. Điều gì đã khiến họ trở thành những nghệ sĩ đích thực, được công chúng yêu mến do những vài diễn “để đời”, mẫu mực trên sân khấu?

Có ý kiến cho rằng do gien di truyền về nghề đã thấm vào họ từ trong máu thịt. Ngay từ lúc lọt lòng, thậm chí còn nằm trọng bụng mẹ, họ đã được “thai giáo” bằng nghệ thuật. Ý kiến này đúng mà chưa đủ. Hãy nghe NSND Kim Cương tâm sự: “Có một điều thiệt thòi cho anh em NS nước ta là họ không được học hành bài bản, đến nơi đến chốn, rất ít người có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ. Ý thức được điều này nên tôi và nhiều NS khác đã bổ sung bằng cách đọc sách và học từ các đồng nghiệp”. Bà kể, ngày trước nhờ quen với một thủ thư nên có cơ hội mượn được nhiều sách và bà thích nhất là đọc các tác phẩm văn học nước ngoài.  Thời gian gần đây, tìm hiểu và yêu thích triết lý nhà Phật, NS Kim Cương “gối đầu gường” bắng các sách của các vị Nguyễn Tường Bách, Cao Huy Thuần, Thích Thanh Từ… Từ đó, bà tìm được nguồn vui sống qua những việc làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.

NS Hữu Châu có bật mí đoàn hát của NS Kim Cương ngày trước còn trang bị thêm một tài sản rất quý: rương sách. Rương sách này, cùng đi theo họ trong những chuyến lưu diễn. Nói cách khác, chính NS Kim Cương luôn khuyến khích anh em trong đoàn đọc sách, khơi dậy tâm hồn họ một tình yêu về sách, NS Hữu Châu nhớ lại trong niềm tự hào. NS Hữu Châu cũng thích đọc tác phẩm văn học nước ngoài. Điều thú vị, theo nhà báo Thanh Hiệp là Hữu Châu luôn giữ thói quen khi bắt gặp tập sách hay, đều mua tặng đồng nghiệp như một cách cách chia sẻ.

Với NS Thành Lộc, anh hào hứng cho biết từ thời còn sinh viên đã đọc tìm Dostoevsky dù không hiểu gì mấy. Nhưng sau này, đọc lại lần nữa thì anh mới thật sự thấm thía ý nghĩa của tác phẩm. Điều này bình thường thôi, bởi nói như nhà văn hóa Lâm Ngữ Đường, đọc sách cũng tựa như xem vầng trăng qua mỗi thời kỳ, thuở bé thấy thế này, rồi lúc lớn lên lại phát hiện thêm vẻ đẹp khác. Qua kiệt tác của Dostoevsky, anh cho biết là đã tìm ra ý nghĩa: hình phạt lớn nhất khi con người ta phạm tội là sự dằn vặt trong tâm hồn của chính kẻ đó.

Tôi hiểu, Thành Lộc đã nói về kiệt tác Tội ác và trừng phạt, trong đó có câu: “Chàng chỉ thừa nhận tội lỗi của mình ở mỗi một điểm đó: chẳng qua chàng đã không qua được cuộc thử thách và đã ra tự thú”. Rõ ràng, áp lực của lương tâm còn ghê gớm, khiến người ta còn sợ hãi hơn cả các ràng buộc của luật pháp. Nếu trước đó, “cái tiếng nói thì thầm” của Raskolnikov kịp thời lên tiếng, chắc chắn mọi việc đã khác. Thấu hiểu điều này, vì thế, khi nhập tâm vào nhân vật dằn vặt về sự trừng phạt của cái ác từ nội tâm, Thành Lộc phải diễn thế nào để lột tả tinh thần ấy.

Thành Lộc nói rất thật rằng, nếu không đọc, không thẩm thấu các tác phẩm của Dostoevsky, Molière, Shakespeare…  và nhiều kiệt tác của nhân loại thì anh khó có thể diễn đạt được những câu thoại giàu tính văn học. Cũng câu thoại ấy, nếu một NS không đọc sách, không am hiểu thì khó lột tả hết sắc thái của nó. Lời tâm sự này của Thành Lộc đã nhận được nhiều tràng pháo tay hoan nghênh, đồng tình từ công chúng.
Còn NS Quế Trân tâm sự, các vai diễn về  nhân vật lịch sử, để có thể diễn tốt nhất thì ba của cô là NS Thanh Tòng dạy rằng phải biết quan sát, học hỏi cách diễn của lớp đàn anh, đàn chị; và điều quan trọng nữa là phải trang bị sự hiểu biết từ sách sử nước nhà để có sự phối hợp hoàn chỉnh. Quế Trân nhấn mạnh: “Có đọc sách sử thì mới biết cách diễn được phong thái, tính cách… của nhân vật lịch sử”. Lời tâm tình này đã cho thấy kinh nghiệm thành công của cô đã được sự mến mộ từ công chúng.

 

ĐỌC SÁCH KHÔNG LÀ “ĐỘC QUYỀN” CỦA MỘT AI

Từ thập niên 1970, khi là chủ bút tạp chí Văn Học, nhà báo Phan Kim Thịnh cho biết, số lượng phát hành nhiều nhất vẫn là miền Trung. Khảo sát từ tạp chí Văn, Phổ Thông, Bách Khoa… ngày trước in ấn tại miền Nam, tôi nhận ra rằng trong mục “Hộp thư cộng tác” nhiều nhất vẫn từ độc giả ở miền Trung. Chỉ mỗi người miền Trung ham đọc sách? Không phải đâu, người Việt bất kỳ vùng miền nào cũng có thói quen đọc sách. Cứ nhìn qua các hội sách Bắc, Trung, Nam hiện nay thì rõ. Ở những dịp đó, lúc có mặt, bao giờ tôi cũng nhận ra lượng người đến mua sách rất đông.

Có lẽ thói quen ấy hình thành từ môi trường giáo dục của gia đình.

Người cha/mẹ là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, là những trí thức hằng ngày phải sử dụng đến sách vở, vì thế con cái ảnh hưởng theo cũng là điều dễ hiểu. Một trong những chi tiết hay nhất của Hồi ký Tâm Si- đa là sau những năm tháng “ngã ngựa” nhìn lại những cảnh ngộ “cùng hội cùng thuyền”, chị rút ra kết luận: Những đứa trẻ hư hỏng, hầu hết là do chúng ảnh hưởng từ “nghề nghiệp” bất lương, thói xấu của bố mẹ, anh chị, bè bạn... Do chúng tiếp cận ngay từ lúc hỉ mũi chưa sạch nên nhân cách bị nhiễm độc là vậy. Không phải ngẫu nhiên, cổ nhân dạy rằng: “Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại quyển sách quý”.

Tôi may mắn có nhiều bạn tốt và họ ham đọc sách. Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn, tác phẩm của anh đã được bạn đọc trẻ yêu thích, luôn háo hức chờ đón, nhưng ít ai biết rằng, anh là người học giỏi môn toán và bên nhiều thể loại sách, anh còn thích đọc cả… sách toán. Có lần ngồi trò chuyện cùng các bạn sinh viên chuyên khoa, nghe anh “đàm đạo” về lãnh vực toán học, tôi phục lăn. Đọc bộ Kính vạn hoa, ta mới thấy anh vận dụng khá nhiều chi tiết liên quan đến môn toán một cách chi li, cặn kẽ, kể cả những bài toán phải giải bằng “mật mã”…

Với nhà biên kịch Đoàn Tuấn, do phải viết kịch bản nhiều thể loại nên anh luôn tự ý thức phải bổ sung kiến thức qua sách. Chẳng hạn với bộ phim tài liệu về âm nhạc người Chăm, anh đã tìm gặp các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu để tìm hiểu, ghi chép chu đáo, bởi lẽ có nhiều chi tiết mà lúc đọc từ sách anh không hiểu hết. Riêng bộ phim khi làm về Điện Biên Phủ, anh đã đưa vào đó một chi tiết mà lúc thẩm định, Hội đồng nghệ thuật ngờ ngợ, đòi cắt bỏ vì sợ không trung thực với lịch sử. Thế nhưng khi anh đưa các tài liệu thì cả hội động tán thành, cười ồ lên vui vẽ và “thông qua” ngay. Đó là chi tiết lúc trú quân ở Điện Biên Phủ, lính viễn chinh Pháp còn được “phục vụ” cả gái điếm. Chi tiết đắc giá này, anh cho biết là đọc từ sách Pháp khi họ viết lại cuộc chiến Điện Biên Phủ.

Còn tôi, hễ thấy sách mà có giá trị là mua. Tôi mua tất cả mọi lãnh vực, dù chẳng hề có nhu cầu sử dụng vì biết đâu có lúc sẽ sử dụng đến? Đôi khi cũng quyển sách đó với mình chẳng hữu ích gì, dù có tò mò lật ra cũng chẳng hiểu, nhưng rồi lúc tặng cho người khác, nhìn thấy sự sung sướng của họ hiện rõ trên gương mặt khiến mình của vui lay.

Đừng bao giờ ngốc ngếch nghĩ rằng, chỉ có văn nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, nhà giáo… mới thích đọc sách. Đọc sách là nhu cầu của mọi người, mọi giới, không là độc quyền của một ai. Xin đơn cử một trường hợp, hiện nay tại Đường sách, ở các tiệm bán sách trên đường Trần Nhân Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Huy Liệu… nếu nhiều lần lui tới mua sách ắt ta phát hiện, làm quen với không ít nhân vật kỳ khôi.

Tôi quen dăm người dù học hàm, học vị chẳng có gì, chỉ là người lao động bình thường “kiếm cơm” bằng nghề bán sách, thế nhưng khi trò chuyện tôi lại ngạc nhiên về vốn kiến thức, sự am hiểu của họ ở nhiều lãnh vực. “Nhờ đâu?”, trả lời câu hỏi này, anh Long cười khà khà: “Có những cuốn sách mà khách săn lùng ráo riết, mình hỏi vì sao tìm mua, sau nghe họ giải thích, mình cũng tìm đọc cho biết”.

Chình từ chỗ “cho biết” đó, ban đầu chỉ là người đi tìm nguồn sách bán kiếm lời, họ đã đọc và tự nâng tri thức của mình lên. Đúng vậy, các ông Vương Hồng Sển, Toan Ánh, Nguyễn Đình Tư… trở thành nhà nghiên cứu của nhiều bộ sách đồ sộ, có giá trị, họ không giấu giếm là nhờ có thơi gian làm thủ thư ở thư viện, có thời gian đọc nhiều sách.

 

ĐỌC SÁCH ĐỂ SỐNG TỐT HƠN

Khi người ta mua sách, dù chưa chắc có thời gian để đọc liền ngay lúc ấy nhưng điều quan trọng nhất: thói quen này góp phần thay đổi một thẩm mỹ, một nhận thức về giá trị của cái đẹp.

Từ thập niên 1930, nhà văn Vũ Trọng Phụng từng tâm sự với nhà văn Lan Khai: “Trong đời tao, tao không oán gì bằng cái tủ chè. Thực tế cái dân An Nam này đã khốn khổ và còn khốn khổ vì cái tủ chè đểu giả ấy không biết đến bao giờ! Mày thử xem, trong mỗi nhà, cái chỗ tốt đẹp nhất đáng lẽ phải để tủ sách, treo những tác phẩm về mỹ thuật hay đặt máy truyền thanh, người mình chỉ kê cái tủ chè” (Tạp chí Tao Đàn số tháng 12.1939).

Nhìn rộng ra một chút, đừng nói đâu xa, Singapore vẫn là nơi ta dành nhiều thiện cảm nhưng người đứng đầu đất nước ấy vẫn chưa hài lòng. Trước lúc Trường Đại học Nam Dương và Đại học Singapore hợp nhất thành Trường Đại học Quốc lập Singapore, ngày 20.5.1980, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có buổi nói chuyện với giáo chức của hai trường này. Ông cho biết có lúc bất ngờ đi thăm một số gia đình bình thường: “Các cuộc tiếp xúc khi thăm viếng đã làm cho tôi có thể suy nghĩ một cách linh hoạt hơn đối với những nguồn tin và những con số thống kê về kinh tế - xã hội”.

Qua đó, ông Lý Quang Diệu phát hiện ra điều gì? Ông nói: “Trong các cuộc viếng thăm, điều làm cho tôi nhiều lần ngạc nhiên, là chỉ thấy các thiết bị âm thanh, những đồ dùng gia đình đắt tiền, những máy thu hình màu, mà chưa bao giờ tôi thấy một tủ sách hoặc một giá sách. Tôi rất ít thấy tranh vẽ” (Tuyển tập chính luận của Lý Quang Diệu - NXB Chính trị Quốc gia - 1994).

Sự khiếm khuyết vừa nêu trên, trải qua năm tháng đã có sự thay đổi rõ rệt.

Trở lại trường hợp giao lưu từ bốn NS Kim Cương, Thành Lộc, Hữu Châu, Quế Trân với đông đảo công chúng mến mộ, qua những gì đã chứng kiến, tôi nhận ra rằng: Khi thể hiện về sự ham thích đọc sách thì cũng chính là lúc người ta gieo vào trong hồn mình về một hạt mầm hướng thiện. Và những trang sách ấy đã giúp ta hoàn thiện công việc của mỗi ngày và biết sống tốt hơn.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 9.1.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com