BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Sân chơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương ngày ấy

LÊ MINH QUỐC: Sân chơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương ngày ấy


le-minh-quoc-san-choi-nuoi-duong-tinh-yeu-van-chuong

 

Đọc truyện dài Lá nằm trong lá của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thật ấn tượng với Bút nhóm Mặt trời khuya, gồm có những mầm non văn nghệ, dù còn mài đũng quần trên ghế nhà trường nhưng tự nhận “Tương lai của văn chương nước nhà” là: Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân, Lãnh Nguyệt Hàn… Nhà văn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không hề tưởng tượng mà chất liệu ấy có thật trong sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn trước năm 1975, ảnh hưởng lan rộng đến các tỉnh miền Trung.

Một phần do các cô cậu học trò ngày ấy chịu ảnh hưởng từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn với những bậc thầy Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Xuân Diệu… Vì lẽ đó, họ cũng quy tụ cùng một nhóm động viên nhau đặng phát huy tài năng tột bực với hy vọng sẽ trở thành… ngôi sao sáng chói, lẫy lừng nhất trên vòm trời nghệ thuật.

 

14-xuan_UXVA
Bìa một trong những giai phẩm của những “nhà văn nhí” một thời.

 

Năm học lớp 8, tôi bắt đầu gia nhập các bút nhóm Thi văn đoàn Việt Nam, Thoáng hương, Hồn trẻ, Mây trắng… đang đóng “trụ sở” tại Sài Gòn. Việc xin gia nhập rất đơn giản, chỉ cần điền tên vào cái mẫu đơn quay ronéo, gửi kèm theo hai tấm ảnh chân dung 4 x 6 cm. Ít lâu sau, ắt nhận được thẻ hội viên gửi qua đường bưu điện. Thỉnh thoảng, nếu tổ chức làm nội san thì trưởng nhóm kêu gọi hội viên gửi bài. Nếu bài đạt yêu cầu, được chọn đăng vào tập, tất nhiên, hình thức phổ biến nhất vẫn là quay ronéo.

Dù tờ “đặc san của mình” số lượng in rất ít ỏi, chỉ vài trăm bản nhưng thỉnh thoảng chúng tôi “sướng rêm mé đìu hiu” khi thấy có in dòng chữ oách xà lách như thời của nhà văn Nhật Tiến: “Cáo lỗi cùng độc giả toàn quốc: Vì tờ Bút Học Trò gặp trở lực lớn lao trên trường văn, trận bút nên phải đình bản và thay thế bằng tờ Bút Mới. Chúng tôi quyết san bằng mọi khó khăn nguy khốn để đáp lại thịnh tình của bạn đọc bốn phương, đồng thời nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát huy tương lai văn hóa dân tộc!”.

Nếu ai đó còn giữ lại các nội san học trò này, ắt sẽ còn bật cười sung sướng, khoái chí vì không ngờ lúc đó mình và các bạn lại đặt bút danh “sáng láng”, “sang trọng” đến cỡ đó. Chẳng hạn đặc san Xuân Nhâm Tý (1972) của Thi văn đoàn Việt Nam cho biết có cả thảy 305 bạn văn như: Khóe Mắt Tím, Kim Huyền Giao Giao, Bạc Phận “F”, Thy Hoang Mùa Đông, Mặc Thế Thái, Băng Hàn Tuyết Sương, Hoàng Liên Tử, Sao Rơi, Vạn Sầu Nhân, Cát Sa Mạc… Còn tôi, ký bút danh Thiên Bất Hủ. Từ ban điều hành đến hội viên cùng trang lứa, chỉ mới học cấp II, cấp III. Còn nhớ, lúc tôi gia nhập Bút nhóm Mây trắng, bút nhóm trưởng có tên rất “yểu điệu”: Thảo (Phú Lâm). Nào ngờ sau này tôi mới bật ngửa ra khi hay biết ấy chính là bút danh của nhà thơ Nguyễn Hải Thảo hiện nay, cũng trạc tuổi tôi.

Sau một thời gian sinh hoạt chung cùng các “văn hữu”, tôi và các bạn cùng xóm Hải Châu (Đà Nẵng) thành lập Bút nhóm Phù Sa. Rồi cũng mày mò tập viết, gõ máy chữ trên giấy stencil theo “công nghệ hiện đại” là… quay ronéo - một hình thức in giá rẻ, tiện lợi và phổ biến nhất thời đó. Sau khi thực hiện xong, bạn bè chia nhau đem vào trường bán cho các lớp khác để thu hồi vốn. Thêm một điều cần ghi nhận, thời ấy ở Sài Gòn có những nhà văn đi trước, khi nắm một tờ báo, họ cũng lập sân chơi nhằm quy tụ đối tượng độc giả của báo như nhà văn Nhật Tiến với Gia đình Thiếu Nhi, nhà thơ Nguyễn Vỹ với Gia đình Thằng Bờm, rồi Gia đình Mai Bê Bi của báo Chính Luận… Thỉnh thoảng họ cũng in lại “tác phẩm” từ các tập đặc san học trò như một cách ưu ái, động viên các mầm non văn nghệ.

Thử hỏi, có phải những thi văn đoàn, bút nhóm ấy chỉ là sinh hoạt rời rạc, “đèn ai nhà nấy sáng”? Không hề. Nhân giỗ tổ Hùng Vương ngày 15-4-1973, lần đầu tiên các cây bút nhí chúng tôi nhận được thư mời họp mặt “toàn quốc”. Cùng phối hợp tổ chức là các thi văn đoàn, bút nhóm: Cỏ mây vĩnh bạc, Tuổi hồng, Thoáng hương, Nước mắt quê hương, Hồn mẹ, Không tên, Nắng hồng, Đỉnh bình yên. Nay, tôi vẫn còn giữ được mẩu tin đăng trên trang Mai Bê Bi của nhật báo Chính Luận ngày 4-5-1973 có đưa tin “sự kiện” này.

Nhìn lại, tôi cho rằng là những sinh hoạt lành mạnh, hữu ích, ít ra các “mầm non văn nghệ” có được sân chơi chung để cùng chia sẻ, nuôi dưỡng tình yêu đầu đời dành cho văn chương.

L.M.Q
(nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM số Chủ Nhật ngày 4/12/2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com