BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Văn Thảo mãi mãi “lên núi thả mây” (*)

Lê Văn Thảo mãi mãi “lên núi thả mây” (*)

 

lenuithamay1-R

Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Thảo, con người nhiều tình cảm, giàu lòng vị tha; ngại chốn quan trường, thích tìm đến người nghèo, chọn nhân vật có số phận bất hạnh để viết.


“Trong đời tôi, vinh dự nhất là có 2 lần được đứng tên sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thuở thanh xuân, tôi vào chiến trường, được gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Và năm tháng cuối đời, tôi được Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Câu phát biểu này Lê Văn Thảo nói với tôi qua điện thoại lúc phỏng vấn ông ngay sau khi hay tin ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012), để kịp thời in trên báo.

Không nhớ tôi đã đọc Lê Văn Thảo từ lúc nào nhưng chắc chắn là lúc đang còn ở chiến trường K. Vì sao quyển này ít ai nhắc đến? Ngay cả trong Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thấy ông liệt kê. Đó là tiểu thuyết “Bên lở bên bồi”.

Nếu tính từ năm 1965, bắt đầu viết với những bài bút ký chiến trường, so với những cây bút cùng thế hệ như Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã… theo tôi, về sau, Lê Văn Thảo mới thật sự chứng tỏ “gừng càng già càng cay”.

Điều này, có thể nhìn thấy qua “Một ngày và một đời” - giải A tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998). Rồi sau đó, năm 2006, ông lại nhận được giải ASEAN với tiểu thuyết “Cơn giông”.

Đến nay, nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ đến truyện ngắn “Ông cá hô” của ông đã được chuyển thể thành phim. Và tác phẩm sau chót “Nhỏ con có chịu đi không?” cũng tạo ra sự ngạc nhiên ở bạn đọc về một sức viết tươi mới.

Nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng: “Có một truyện của Lê Văn Thảo ít được nhắc đến nhưng đó có lẽ là truyện hay nhất của ông: truyện dài “Hòn Sơn Rái”. Cái “hòn” nhỏ bé nằm giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre (Kiên Giang), nơi vốn tương truyền Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn dồn đuổi đã trôi dạt đến đây (vào năm 1777), được Lê Văn Thảo “phục dựng” với những câu chuyện rất lạ lùng. Như một người vừa viết huyền thoại vừa giải huyền thoại, “Hòn Sơn Rái” vừa có tính chất là một khảo cứu phong tục, vừa đậm chất hư cấu văn chương vừa thấy đó như những thước phim tài liệu vừa ao ước được dựng thành một phim truyện”.

Với ông, tôi vẫn nhớ nhất là những tháng năm ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM. Với bản tính xuề xòa, dễ gần gũi, chân tình, chính ông đã kéo hội viên ngồi lại với nhau. Thỉnh thoảng, anh em tạt ngang qua hội, gặp ông cùng dăm ba câu tếu táo, hỏi han nhau về sáng tác cứ như thể về nhà của mình. Không có sự cách biệt. Sự thân thiện ấy; sau này, khó có thể tìm lại được nữa.

Sinh thời, ông tự nhận: “Bản tính viết chậm, không nhanh nhạy với cái mới, không giỏi theo thời thượng. Thường viết về kỷ niệm, hồi ức xưa cũ. Nhiều năm tháng ở thành phố nhưng vẫn gốc người nhà quê, trong chiến tranh viết về nông thôn, du kích, bộ đội.

Sau chiến tranh, viết về vùng đất, con người đồng bằng sông Cửu Long, rừng U Minh, Đồng Tháp Mười. Ngại giao tiếp, ngại chốn quan trường, nơi cao sang quyền quý, thích tìm đến xóm lao động, người nghèo dân dã nơi thường có những lời hay ý đẹp, những câu chuyện hay, chọn nhân vật có số phận hẩm hiu, bất hạnh, lại có nhiều tình cảm giàu lòng vị tha. Cố viết thật giản dị, tránh giáo huấn, cao đàm, hùng biện, cố đồng hành cùng người đọc, dành khoảng trống cho người đọc”.

Có thể xem đây là “tuyên ngôn” sáng tác của ông.

Sáng nay, tin nhà văn Lê Văn Thảo mất, tôi không bất ngờ bởi đã biết lâu nay, ông đang chống lại bệnh ung thư dạ dày. Mới đây thôi, ngày 27-4-2016, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nhà văn Lê Văn Thảo - Tác phẩm và cuộc sống”, vì sức khỏe yếu nên ông đã không thể đến dự được. Khi viết những dòng này, tôi đã bật ra những câu thơ:

Về thôi, “Lên núi thả mây”

Bỗng “Cơn giông” đến dạ dày buốt đau

Ngóng theo “Sông nước Vàm Nao”

“Ông cá hô” đã đi vào trăm năm…

Xin ghi lại như một lời tiễn biệt ông!

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Người Lao Động 22.10.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com