LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.3.2019

 

L_c_ca_Walt_Whitman

 

Lá cỏ của Walt Whitman (1819-1892) - tập thơ hay nhất của nền văn học Mỹ. Có phải thế không? Tùy lựa chọn của mỗi người, nhất là về thơ. Chẳng ai rỗi hơi bắt bẻ sự lựa chọn này. Ngày đi chơi qua Mỹ, chẳng hiểu sao vừa chạm chân xuống đất nước của danh nhân Hoa Thịnh Đốn, bất giác bật ra trong trí nhớ câu thơ:  “Tôi nhởn nhơ chơi, mời linh hồn tôi đến/ Tôi cúi xuống nhởn nhơ quan sát một ngọn cỏ mùa hè”. Thơ Walt Whitman. Và ngày ấy, y còn nhớ là đã đem tập Lá cỏ theo đọc. Bản dịch của NXB Văn Học - 1981. Sinh thời, thơ Walt Whitman không bán được, chỉ vài chục cuốn; thậm chí khi ông gửi tặng, đọc xong người ta trả lui và cẩn thận... xé đôi tập thơ để tác giả khỏi hiểu nhầm. Họ gọi thơ của ông là “viên thuốc cực kỳ buồn nôn”. Đơn giản chỉ vì người đọc không chấp nhận tư tưởng phóng khoáng, dân chủ, ca ngợi tự do cho mọi màu da, không biên giới. Sảng khoái làm sao khi đọc Bài hát chính tôi với những câu tươi rói ngang ngược mà không huyên hoang, thẳng thắn mà không kiêu căng, tự phụ. Cần quái gì, đã thế nào hãy trình bày thế ấy:

 

Oan Huytman, một vũ trụ, con của đảo Menhéttân

 

Ngỗ ngược, đẫy đà, yêu khoái lạc, ăn nhậu và sinh con đẻ cái

 

Không đa sầu đa cảm, không đứng trên kẻ khác dù đàn ông hay đàn bà, không tách khỏi mọi người

 

Chẳng nhũn nhặn, cũng chẳng không nhũn nhặn.

 

Lại thích những câu thơ đã đọc một lần là nhớ mãi, chẳng hạn: “Hương nách này thơm hơn lời cầu nguyện”; “Bạn muốn tìm tôi, hãy tìm dưới đế giày của bạn”…Hiện nay, ông là một trong những tác giả được chọn đưa vào sách giáo khoa Mỹ. Càng đọc, càng yêu mến ông hơn và cực đoan nghĩ Walt Whitman mới là nhà thơ lớn nhất, người đại diện lỗi lạc nhất của nền thi ca Hoa Kỳ. Ông lớn lao và gần gũi. Ông quyết liệt lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Kính trọng những ai có tinh thần cao thượng ấy. Đã lâu, quên béng đi tập thơ này. Lá cỏ nằm im lìm trên kệ sách, phủ bụi thời gian. Chỉ cần phủi bụi, lại hiện ra nhưng câu hơn vạm vỡ sức sống. Chiều nay lại đọc.

 

Cơn cớ gì thế?

 

À, do đọc quyển Cripple Mah and the New Order của C. Y. Lee tức Chin Yang Lee (1915 - 2018) - một nhà văn Trung Quốc sống ở Mỹ. Nhà xuất bản Ziên Hồng tại miền Nam dịch vào năm 1962 với tựa Chú Mạ què, phiên âm tên tác giả là Lý Cẩm Chương. Tò mò tra trên mạng, mới hay hệ thống Amazon cũng đang có bán quyển này, tất nhiên nguyên bản tiếng Anh. Trong quyển Chú Mạ què có nhắc tới cỏ. Lẫn thẫn cho cái thú liên tưởng khi đọc sách, dù Lá cỏ của Walt Whitman hoàn toàn không không liên quan, thậm chí xa lạ với thứ cỏ của C.Y.Lee. Rồi lại nhớ đến vài loại cỏ có cái tên là lạ, ngộ nghĩnh như cỏ đuôi chó, cỏ đuôi lươn, cỏ đuôi phượng, cỏ đuôi voi, cỏ lưỡi mèo, cỏ lông lợn, cõ xương cá… Dám nói rằng, trong số này chỉ mỗi cỏ đuôi chó được nâng lên tầm triết lý, tạm gọi “triết lý cỏ đuôi chó”. Hãy nghe nhà văn C. Y. Lee giải thích: “Cái triết lý sống hay nhất ở đời này là hãy bước chước gương loài cỏ đuôi chó thường mọc trên đầu cánh tường đất. Chẳng ai hoài công nhổ thứ cỏ đó cả, vì nó mọc ở nơi chẳng đáng kể gì, và cũng phải khó khăn mới leo tới nơi để nhổ nó đi được. Đến khi có gió, thì dù gió nồm hay gió bấc, cỏ đó cũng khoan khoái hướng về phía gió thổi” (tr.9).

 

Đây là một thứ triết lý sống ư? Nghe ra mỉa mai quá. Với những ai còn có chút lương tri, gọi đấy là sự bẽ bàng, cay đắng.

 

Nói nôm na, “triết lý cỏ đuôi chó” là gió chiều nào theo chiều đó, thuận theo nó, không phải thuận theo lẽ tự nhiên mà miễn sao có lợi nhất cho mình. Trong tiếng Việt, y nhớ đến cụm từ “thò lò sáu mặt” cũng là một thứ triết lý sống (!?). Thò lò là cái gì? Là cái bong vụ. Bong là xoay tròn, quay/ quay tít; vụ là con quay, vì lẽ đó Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Búng cho quay tít: Bọn trẻ chơi bong vụ”. Thơ cổ có câu: “Ngày ba tháng tám chơi dong/ Đến lúc vào trường bụng rối bong”. Bong này hiểu ra làm sao? Rối bong/ rối bòng bong là rối tung rối mù. Bong mượn nghĩa từ thứ cỏ bòng bong - một thứ cỏ rối, do đó, mới có từ phái sinh là rối bong, tất nhiên chẳng liên quan gì đến trò chơi bong vụ cả. Ngày xưa có trò chơi đánh bong, ông Huình Tịnh Paulus Của cho biết: “Đánh búng đồng tiền cho xây (xoay) tròn. Ấy là trò chơi con nít: Một đứa búng đồng tiền xây tròn, cuộc với đứa khác về sự đồng tiền ngã sấp hoặc ngã ngửa”. Ngoài ra còn có vài cụm từ liên quan đến bong như chạy bong là chạy cho mau, cho lẹ; đi bong là đi bươn, cứ bươn tới mà đi, không chần chừ, đắn đo.

 

Qua nhưng thí dụ vừa nêu, ta chỉ mới khảo sát thò lò ở nghĩa thứ 1 với cách gọi bong vụ/ con quay; nó còn nghĩa thứ 2 nữa. Theo nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ, thò lò là từ vây mượn từ “đà loa” của tiếng Quảng Đông: “Dụng cụ đổ bác hình lăng trụ sáu mặt, có ghi chấm tròn ở mặt từ 1 đến 6, xoay nhanh quanh trụ đứng cắm xuyên qua tâm”. Có câu “quay tít thò lò” là vậy. Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức cũng cho biết rành rẽ: “Bong vụ, khúc xương mài sáu mặt, giữa có tra cốt để bong cho quay, lối chơi cò bạc 1 trúng 4. Sáu mặt của nó là nhứt, nhì, tam, tứ, ngũ, lục. Hiểu theo nghĩa bóng là người xảo quyệt, hay tráo trở, lừa đảo”.

 

Với nghĩa bóng này, “thò lò sáu mặt” bị xếp cùng hội cùng thuyền với “triết lý cỏ đuôi chó” thì oan cái nỗi gì? Chỉ có thể oan Thị Kính. Ngoài ra còn có cụm từ khác cũng xem xem/ tương đương như “lá mặt lá trái, “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”… Nghĩ mà buồn. Cái nỗi gì mà buồn? Đại khái, thỉnh thoảng những lúc rỗi rãi, y cũng lướt qua các trang mạng xã hội, cụ thể facebook. Gặp thượng vàng hạ cám. Có những người y đã biết tỏng tòng tong là thế thế, nhưng nay kỳ quái chửa? Kỳ quái thế nào?

 

Không dám vơ đũa cả nắm, ngày kia, y gặp lại một doanh nhân lừng danh, từng lừng lẫy một thời. Sự đời đẩy đưa với nhiều lý do lằng nhằng khác, anh trở thành tội phạm kinh tế, bị xếp vào hạng tử tù. May mắn, ơn phúc tổ tiên vẫn còn, anh được cứu thoát vào phút chót. Nằm nhà đá gỡ lịch chán chê, anh được thả tự do, được hòa nhập cộng đồng. Lúc trà dư tửu hậu, anh có nhắc đến vài đồng nghiệp làm báo cùng thời với y, đại khái những X, Y, Z. Rồi anh kể, những tay đó đã có thời chuyên nghề nả tiền doanh nghiệp, bằng cái chiêu cực kỳ có… văn hóa (!?).

 

Rằng, hễ đến dịp cuối năm, dù không hề gặp gỡ trao đổi trước, họ vẫn cứ lẳng lặng đem mẫu quảng cáo của công ty đó in chình ình lên báo Xuân, báo Tết. Giá quảng cáo cao ngất trời. Khi in xong, họ cầm báo đến và… đòi tiền, dù trước đó chẳng hề có hợp đồng gì sất! Thuở ấy, cái thuở y mới vào tập tễnh vào làng báo thì nghề báo oai phong lẫm liệt như ông trời con. Dù cay cú, đắng lòng nhưng cách lựa chọn cuối cùng vẫn là ngậm bồ hòn làm ngọt. Chẳng hề dám cãi cọ lôi thôi. Coi như xí bùm bum. Nào đã hết đâu. Chẳng hạn… Thôi, chẳng kể làm gì nữa. Một thời đã qua rồi. Nhắc lại làm chi. Con người ta, ai ai cũng cũng có khiếm khuyết. Y cũng thế thôi. Nhưng có điều kỳ quặc là những Z,Y, Z bây giờ lại khoái rao giảng trên facebook về đạo đức của người làm báo. Kể ra cũng lạ.

 

Thật ra đến một độ tuổi nào đó, có những người chán ngán, ngao ngán không bàn đến chuyện thế sự như thế nữa. Họ đã khác họ trước đó rồi chăng? Không. Họ vẫn là họ nhưng lại quay sang đề tài khác, bởi lẽ có những vấn đề thế sự, dù nói, dù viết ròng rã, dù phản biện ròng rã cả mấy chục năm trời nhưng rồi nào có thay đổi gì đâu. Vũ như cẩn. Vẫn như cũ. Ngày mới vào nghề viết lách, nhiều người như y đây những nghĩ rằng, vấn đề đó, sự nhăng nhít nhố nhăng đó, một khi đã nêu lên mặt báo nhất định, dứt khoát sẽ có thay đổi. Với lòng cả tin này, họ hăm hở viết bằng tất cả say mê, trách nhiệm công dân, bất chấp mọi đe nẹt, hù dọa, mua chuộc nhưng rồi cuối cùng giật mình nhìn lại: “Dã tràng se cát biển đông/ Nhọc nhằn mà đã nên công cán gì”.

 

Thiệt oái oăm.

 

Nói thì nói thế thôi. Vẫn còn đó những người bền lòng đeo đuổi, không bỏ cuộc nửa chừng, vẫn ngày đêm gióng lên tiếng chuông với ý thức oanh liệt dù có nói trong sa mạc đi nữa nhưng vẫn cứ nói. Với y, đó là điều đáng khâm phục. Và ít ra, một khi đọc những họ đã viết với tất cả nhiệt tình tuổi trẻ, với trách nhiệm của người trong cuộc, chứ không phải chưởi đổng thì trong cái tâm hồn y đang ủ dột nắng chiều, mưa khuya hiu hắt lại bừng lên một ít ánh sáng. Những lúc ấy, y thường nghĩ đến người bạn nhỏ. Chẳng nhỏ gì, đã ngoài ba mươi rồi. “Bỗng lúc ấy, chàng đột nhiên lại đến/ Tiếng sóng reo ào ạt đẫm linh hồn/ Cây biếc lá lại cựa mình thức dậy/ Lại tiếng đời ấm áp trái tươi ngon/ Truyền cảm hứng từ những gì đã sống/ Rất thản nhiên nhẫn nại đến nao lòng/ Đã hiện hữu một chàng Đông Ki Sốt/ Rất Kinh Kha khí khái bước qua sông”. Lâu lắm rồi, từ ngày có con nhỏ, bận bịu quá, đã bỏ những buổi sáng thỉnh thoảng phở bà Dậu bù khú tâm tình.

 

Thời buổi nào cũng cần, rất cần những chàng Đông Ky Sốt. “Để tin rằng nắng ấm vẫn đâu đây…”. Từng nghĩ thế, nay, y cũng nghĩ thế, không gì khác. Có khác chăng, nay, y chỉ đứng ngoài quan sát và vỗ tay cổ vũ và lầm lũi úp mặt vào trang sách cũ rích, cũ mèm. Điều bất ngờ nhất với y, tất nhiên cũng bất ngờ với nhiều người bấy lâu nay sống bằng nghề cầm bút, sử dụng các con chữ để tạo dựng nên văn chương, thơ phú với dạt dào cảm hứng sáng tạo, cứ ngỡ rằng mình đã hiểu tiếng Việt. Nhầm to. Bé cái nhầm.

 

Vì rằng, trải qua năm tháng, tiếng Việt đã thay đổi, có những từ tự nó “bỏ cuộc chơi”, mất đi do không ai sử dụng đến nữa thế nhưng dấu vết vẫn lưu giữ trong văn bản cũ. Vì thế, dù hiểu tiếng Việt, rành rành tiếng Việt nhưng rồi chắc gì ta đã hiểu rõ nghĩa của nó. Đang tiếc nhất cho Hội Ngôn ngữ học nước nhà, đến nay, vẫn chưa huy động được các nhà ngôn ngữ thực hiện tập sách, đại loại như Từ điển tiếng Việt cổ. Đành rằng đã có một hai, quyển nhưng nào đã “thấm béo” vào đâu. Còn sơ sài lắm. Thế thì, một khi đọc văn bản cũ gặp những từ cổ, biết tra cứu vào đâu? Hầu hết, phải tự mày mò chăng?

 

Đừng nói đâu xa, ví như cái cụm từ “triết lý cỏ đuôi chó” vừa bàn xong, y đã liên hệ đến bong/ bòng bong. Vậy câu văn tế của cụ Đồ Chiểu có câu này: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan” là sao? Trắng lốp là quá trắng, trắng tinh, trắng toát, trắng bong, trắng quá. Trắng đến độ, lần kia dạo nọ, khi đến thôn Vỹ Dạ (Huế) ông Hàn Mặc Tử đã nhìn thấy cái sự trắng ấy, bèn tức cảnh sinh tình: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. à bòng bong của cụ Đồ Chiểu chẳng dây mơ rễ má gì đến loại cỏ rối/ cỏ bòng bong, lại là tấm vải bố giăng rộng ra che nắng mưa - Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: “vải, hoặc đệm buồm may làm một bức, kéo lên mà che nắng, thường dùng theo ghe thuyền”.

 

“Ăn bưởi lại nhớ đến bòng/ Ăn cam nhớ quýt, ăn hồng nhớ nhau”. Không cần giải thích, ai cũng rõ bòng là gì. Thế thì, câu ca dao này chơi chữ thiệt hay: “Mẹ em khéo đẻ em ra/ Đẻ em gốc bưởi cho ta đèo bòng”. Bởi có bưởi nên mới nẩy sinh ra cái ý nhắc đến loại trái tương tự là bòng, nhưng ở đây lại là “đèo bòng” hoàn toàn lái sang nghĩa khác. “Kìa điểu thú là loài vạn vật/ Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng/ Có âm dương có vợ chồng/ Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê” (Cung oán ngâm khúc).

 

Còn gì nữa không? Tất nhiên là còn. Nhưng than ôi, “Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”, vừa nghe nhắc đến hai từ “phu thế” là sực nhớ đến trách nhiệm trong ngày, bèn bước ra ngoài trang viết ngay tắp lự để quay về với phận sự: “Vợ kêu thì dạ, bẩm bà tôi đây”. Chớ hòng: “Tôi cúi xuống nhởn nhơ quan sát một ngọn cỏ mùa hè” như cái thuở đơn thân độc mã mê đắm thơ Walt Whitman

 

Than ôi là hỡi ôi.


 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment