LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.3.2018

IMG0486_0b21d


Những ngày nắng nóng.

30 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2018) đã được tuyên truyền đậm trên các phương tiện truyền thông. Thông tin mới nhất, theo báo chí, Gạc Ma là sự kiện dự kiến đưa vào sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý. Một sự kiện lịch sử, 30 năm sau mới dự kiến, vâng, chỉ mới dự kiến đưa vào sách giáo khoa. Những đứa trẻ của thế hệ sau sẽ hiểu rõ một thông tin không gì có thể vùi lấp, lãng quên. Rồi, những gì đã học/ đọc từ thời bé sẽ gắn bó mãi theo năm tháng.

Sực nghĩ, ngay xửa ngày xưa chưa có nhiều loại hình giải trí, thư giãn lẫn học tập thì đọc sách vẫn tối ưu nhất. Đọc lại các cổ ngôn, thấy rằng người xưa tuyên truyền về “văn hóa đọc” như “chiến lược” lâu dài nhằm xây dựng cốt cách, nhân cách của một con người. Chẳng hạn, Gia huấn ca khẳng định như đinh đóng cột: “Đọc sách là chí nam nhi”. Ơ hay, chí nam nhi chẳng lẽ có thế? Đã thế, lại còn có câu này nữa, thú thật, y chưa thể giải thích tường tận: “Chữ rằng: “Loạn độc thư cao/ Khi nên cũng thế, khác nào người xưa”. Đời loạn đọc sách là cao hơn cả. Chẳng rõ do ai nói hoặc dẫn theo điển tích, điển cố gì? Nhưng xét ra thấy có hợp lý hay không? Rất khác với: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung/  Thành liền mong tiến bệ rồng/ Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời “ (Chinh phụ ngâm).

Thử hỏi, trong sách có gì?

Ta hãy đọc tiếp: “Chẳng sợ kẻ lắm thầy nhiều tớ/ Thấy ta nghèo ra sự rẻ khinh/ Thư trung lắm kẻ hiển vinh/ Dập dìu hầu hạ, linh đình ngựa xe/ Chẳng sợ kẻ lắm tiền, nhiều lúa/ Nghĩ mình rằng có của thì hơn/ Thư trung kim ngọc vô vàn/ Đầy khè chung đỉnh, chứa chan bạc vàng/ Chẳng sợ lắm kẻ thê nhiều thiếp/ Đã hẳn rằng tốt đẹp hơn ai/ Thư trung có gái tuyệt vời/ Những người mặt ngọc là người vẻ vang/ Chẳng sợ kẻ tòa ngang dãy dọc/ Khinh nhau rằng hàn ốc thê lương/ Thư trung tuấn vũ điêu tường/ Lầu hồng gác phượng cột giường liền mây”.

Với những câu du dương lục bát du dương, nói tắt một lời, sở dĩ phải đọc sách, cứ theo thứ tự từng câu thơ là bởi trong sách có nhiều người hầu hạ, linh đình ngựa xe; có vàng ngọc, châu báu; gái đẹp; có nhà cao cửa rộng v.v… Ngạc nhiên quá, chẳng lẽ vì những thứ ấy mà đọc sách? Nếu đúng thế, ý nghĩa việc đọc sách đã trở nên tầm thường chăng? Chẳng phải đâu, phải hiểu rằng, nếu chăm chỉ đọc sách (cũng là học) thì sau này mới có cơ hội thi đậu, ra làm quan. “Mai ngày treo biển tên đề/ Khôi khoa lại được gặp kỳ thánh minh”.

Ra làm quan thì những thứ nêu trên đều trong tầm tay, thế thì mặc kệ thiên hạ, phận mình là hãy cứ lo “độc thư”. Xét ra, ý nghĩa của việc đọc sách cũng tầm thường nốt chăng? Tầm thường, bởi dám nghĩ rằng, trước hết phải lấy sự mở mang tri thức làm trọng, chứ nào phải chỉ nhằm phục vụ cho việc đạt đến mục đích cuối cùng như nội dung các câu thơ trên. Suy nghĩ này, có ai nói khác gì không? Cái vui của đọc sách còn là chỗ đó. Việc gì phải nhất nhất tin vào sách, lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc, kể cả Gia huấn ca mà cần có cái nhìn khác về một vấn đề đã cũ. Sự trao đổi ấy, há chẳng phải là niềm hứng chí của những kẻ đồng hội cùng thuyền đó sao?

Lại sắp đến ngày khai mạc Hội sách TP.HCM lần thứ X. Trước đây, do không gõ vi tính, chỉ viết bằng máy đánh chữ, viết xong nộp tòa soạn; bài in xong, chẳng lưu giữ, vì thế y chẳng thế nhớ nổi Hội sách lần I diễn ra thế nào nữa. Ngày hôm kia, một vài anh em cùng viết báo ở vực văn hóa văn nghệ lai rai, có đồng nghiệp hỏi, đại khái, người làm sách với người buôn sách có gì giống và khác nhau? Y phát biểu rằng: “Người làm sách là những người sẵn sàng bỏ ra nhiều tâm huyết, tiền bạc, thời gian để sản xuất ra những cuốn sách mà họ tâm đắc, mà họ yêu thích và cho rằng có giá trị, Bất chấp những đầu sách đó kén độc giả. Người buôn sách là những người cứ thấy loại sách nào có lời thì làm, bất kể sách có nội dung không hay, có tác động xấu, tiêu cực tới đạo đức, hành vi hoặc lối sống”.

Đồng nghiệp Lệ Chi - Giám đốc Chibooks bổ sung: “Người làm sách là những người luôn sống với một lý tưởng riêng, có tham vọng tạo ra những giá trị tinh thần cho mình và một số người khác thông qua một số dòng sách mà họ cho rằng có giá trị, có ích lợi cho cộng đồng. Họ sẵn sàng dùng trọn thanh xuân, tiền bạc để đeo đuổi, thực hiện tâm huyết đó. Họ luôn sống đắm đuối với lý tưởng của họ. Họ có khả năng đánh thức, lay động tâm hồn của hàng ngàn, hàng triệu con người thông qua các sản phẩm của họ.  Với độc giả, người làm sách còn là người thủ lĩnh tinh thần, vừa là người cứu rỗi linh hồn, là kẻ tưới tắm suối nguồn tươi trẻ lên những tâm hồn đang khô cạn, là người truyền bá tri thức, là người tạo thêm hy vọng và niềm tin vào cuộc sống, là bạn đồng hành âm thầm mà tin cậy, luôn chìa tay ra giúp đỡ và định hướng cho cuộc đời bạn theo hướng tốt đẹp hơn.

Người làm sách là những người tạo hy vọng và buôn tương lai, bất chấp mọi rủi ro và những cái giá phải trả đắt đỏ. Họ mê mải đắm đuối lao vào làm sách như một sự đeo đuổi tín ngưỡng, tôn giáo sùng tín nhất. Với dư luận xã hội, người làm sách là một lũ ảo tưởng, mơ mộng viển vông, sống trên mây và thừa tiền mới đầu tư vào làm những đầu sách kén người đọc.

Người buôn sách luôn là những kẻ kinh doanh thực tế, nhìn nhận đúng giá trị vật chất hiện tại của từng đầu sách nhưng không thể nhìn thấy và cũng không thể tận hưởng được giá trị tinh thần từ chúng. Sự cân bằng và tỉnh táo quá mức của kẻ buôn sách có thể đem lại nhiều thắng lợi về tiền bạc nhưng khó có thể tạo ra những giá trị văn hoá đúng mực cùng những đầu sách hay, mang đậm cá tính và dấu ấn văn hoá cùng trình độ của người làm sách”.

Xét ra, ý kiến của Lệ Chi chí lý lắm. Xét ra, trong các cuộc ăn nhậu bù khú, đừng say quá, vẫn có thể trao đổi được nhiều vấn đề, dù nhỏ nhưng hữu ích gấp triệu lần những lời buôn dưa lê “đâm bị thóc chọc bị gậy” lằng nhằng chẳng đâu vào đâu. Mà này, có phải xưa nay, ở Việt Nam đã xuất hiện tầng lớp những người làm sách đúng theo nghĩa cao quý của nó? Vâng. Có thể kể đến tên tuổi của nhiều nhà xuất bản, nhiều cá nhân. Mà thôi. Một người gieo hạt, trồng cây chẳng bao giờ kể đến công lao của mình; miễn cây cao ấy, tạo ra trái ngọt, bóng mát cho người đương thời, thời sau tận hưởng/ hưởng thụ thì họ đã hài lòng, mãn nguyện.

Này, ở Việt Nam ai là người yêu sách vào hạng thượng thừa? Với y, ở thế kỷ XX, chỉ có thể chọn lấy người đứng đầu bảng là Trần Văn Giáp (1902-1973).

Từ năm 1957, được sự khuyến khích của người bạn thân Nguyễn Văn Xước - Giám đốc Thư viện Quốc gia, Trần Văn Giáp đã giành phần nhiều thời gian biên soạn cuốn sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam (2 tập). Ông cho biết đã lấy những thiên thư mục của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú làm gốc, nhưng ông đã vượt lên trên các bậc tiền bối vì trong công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm đã thu nhặt, giới thiệu cả thảy 429 tác phẩm. Số lượng này gấp đôi số sách mà Phan Huy Chú giới thiệu trong Văn tịch chí; gấp bốn lần số sách mà Lê Quý Đôn giới thiệu trong Nghệ văn chí. Về giá trị thông tin, ông cố gắng cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình thư tịch của nước Nam từ đời Lý đến trước Cách mạng tháng Tám.

Trần Văn Giáp đã nói rõ về công việc của mình: “Nguồn văn học của Việt Nam, theo các sách còn sót lại, có đã từ lâu, ít ra tới hàng ngàn năm nay. Những tư liệu nói về sách vở cổ của một nước, một dân tộc thông thường gọi là thư tịch chí hay kinh tịch chí. Chính các kinh tịch chí là nguồn gốc tư liệu văn học hay còn gọi gọn là nguồn văn hiến của một dân tộc”. Chính vì quan niệm rạch ròi và có trách nhiệm đối với di sản văn hóa của dân tộc nên ông đã nỗ lực thực hiện với thành quả cao nhất. Bộ sách quý này tập 1 được phát hành năm 1970, và tập II được phát hành năm 1990 đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận trong và ngoài nước.

Từ đây, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm có thể nói là bộ thư mục độc đáo được thực hiện theo “Mô hình Trần Văn Giáp”, đã tổng kết nửa thế kỷ lao động không mệt mỏi của một học giả uyên bác, là công trình khoa học lớn nhất đời ông, là một bước phát triển mới trong lịch sử thư mục học (bibliographie) của Việt Nam. Từ đây, khi nói đến lãnh vực thư mục học thì sau hai bậc tiền bối đi trước là Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, chúng ta có thể xếp nhân vật tiếp theo là Trần Văn Giáp. Thế nhưng, do công việc của một cá nhân nên ông vẫn chưa phân loại, xử lý hết được toàn bộ kho sách khoảng 5.000 cuốn Hán - Nôm hiện còn lưu giữ. Công việc này vẫn còn chờ đợi công sức của những người tâm huyết khác. Ai sẽ là người tiếp tục nối theo chí hướng của Trần Văn Giáp để góp phần nghiên cứu, khai thác kho thư tịch tài liệu Hán Nôm đang đề ra một cách cấp thiết hiện nay?

Có những nhà khoa học với nhiều mà công trình để lại, càng lùi xa thời gian, không những không bị thời gian phủ mờ mà còn lấp lánh giá trị hiện hữu. Hội nghị quốc tế về Việt Nam học được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội (7.1998), qua đó ta càng thấy việc làm đơn độc, bền bỉ, nhẫn nại của Trần Văn Giáp đối với kho sách Hán Nôm vẫn còn mang ý nghĩa thời sự.

Trần Văn Giáp mất ngày 25.11.1973 tại Hà Nội. Và trong căn phòng tá túc ở trường Bác Cổ Viễn Đông, người ta không tìm được tài sản gì của ông để lại, ngoại trừ những pho sách! Đó là thứ tài sản quý báu mà không phải ai cũng có được, dù giàu có nhất. 

Nhưng rồi, sách có là gì không? Đặt câu hỏi này, liệu có thừa? Vẫn biết mà vẫn hỏi ắt cớ cớ sự gì đây? Vâng, thông tin mới nhất khiến người yêu sách chấn động: “Giật mình tin tiêu hủy hơn 10 ngàn quyển sách ở Thư viện Uông Bí” (Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 15.3.2017). Theo bài báo này: “Tôi nghĩ rằng hàng vạn quyển sách như thế mà lại mang đi tiêu hủy thì vấn đề không đơn giản. Ở đây, ai cho phép tiêu hủy thì người đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nói”.

Trở lại với sự kiện Gạc Ma, tự dưng nhớ đến Hoàng Sa. Đã có nhiều sách về Hoàng Sa-Truong Sa khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam. Với y, một trong những tài liệu về Hoàng Sa cần phải đọc vẫn là Kỷ yếu Hoàng Sa (NXB Thông tin và Truyền thông). Tập sách này do Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa thuộc UBND thành phố Đà Nẵng in năm 2012. Đặc biệt nhất còn là thủ bút của những người đã từng sống tại Hoàng Sa. Trước đây, khi đọc Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782 - 1840), y thích thú với những dòng, những dòng chữ ghi nhận cách đây gần 200 năm như đang thả hồn xuôi về một vùng cổ tích với nhiều điều kỳ diệu, lạ lẫm:

“Ngoài biển phía đông bắc có đảo Hoàng Sa, nhiều núi lớn nhỏ, đến hơn 130 ngọn núi. Từ chỗ núi chính đi ra biển sang các đảo khác ước chừng hoặc một ngày; hoặc vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước chừng 30 dặm, bằng phẳng rộng rải. Trong bãi có dòng nước trong suốt đến đáy. Sườn đảo có vô số vỏ yến sào; các thứ chim có đến hàng nghìn vạn con, thấy người vẫn cứ đỗ quanh, không bay tránh. Bên bãi cát, vật lạ rất nhiều, có thứ ốc có vằn gọi là ốc tai voi to như cái chiếu, trong bụng có hột châu to bằng ngón tay cái, nhưng sắc nó đục, không bằng ngọc châu ở trong con trai; vỏ nó đẽo làm bia được, lại có thể nung làm vôi để xây tường…”.

Tạm dừng ở đoạn văn này, tự hỏi, “có thứ ốc có vằn gọi là ốc tai voi to như cái chiếu”, liệu có thật không? Ngạc nhiên quá. Có thật đấy. Không những thế, trong Kỷ yếu Hoàng Sa, ông Trần Văn Sơn sinh năm 1947 tại phường Mỹ Khê, quận Sơn Trả (Đà Nẵng) đã kể lại ngày tháng đã sống, chiến đấu tại Hoàng Sa vào năm 1973: “Ấn tượng khó quên khi tôi ở Hoàng Sa trong một đêm trăng sáng, tôi cùng một vài anh em đi rình bắt rùa biển. Tôi nhớ có một con rùa to, rất to, hai người đứng trên lưng nó, nó vẫn bò đi được. Khi nó bò đến mép nước thì hai người mới nhảy xuống. Phải nói là chưa bao giờ, tôi được thấy con rùa to như vậy” (S.Đ.D tr.145).

Tình yêu quê hương, non sông đất nước, còn là những câu chuyện kể từ các nhân chứng nữa. Nếu sách, báo không ghi lại, làm sao đời sau có thể biết?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment