THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Cảm hứng trong trẻo

LÊ MINH QUỐC: Cảm hứng trong trẻo

 

cam-hung-trong-treo-KQD

Đã lâu lắm, trên bình diện báo chí nói chung, thơ văn viết về Sài Gòn - TP.HCM mới xuất hiện với tần số nhiều như thế này. Sở dĩ được như thế, vì Cuộc thi sáng tác văn học Thành phố của em đã huy động được sự tham dự của đông đảo “mầm non văn nghệ” từ các tiểu đọc đến trung học cơ sở. Qua đó, cảm nhận về thành phố của các em đã có cái nhìn thú vị từ cảm hứng trong trẻo, thậm chí còn bất ngờ nữa là khác.

Ở bảng B, nếu không sống tại vùng đất này, không gắn bó, làm sao có thể hạ bút viết được câu thơ ngộ nghĩnh: “Mưa về trên thành phố/ Chợt đến rồi chợt đi/ Mưa cứ như trẻ nhỏ/ Chơi xong lại nằm lì” (Vũ Duy Hiếu - Lớp 9/2 trường Nguyễn Hồng Đào, Hóc Môn). Tôi tủm tỉm cười, vì nghĩ có lẽ em muốn nói đến cảnh phố xá ngập nước sau mưa đó chăng?

Có lẽ vậy, khi mà em Mạch Chí Phát (Lớp 6/6 trường THCS Võ Trường Toản, Q.1) tự hỏi: “Kìa một cơn mua giông/ Nước mưa tuôn thành dòng/ Bầu trời mây mù mịt/ Con phố hay dòng sông?”. Nhắc đến chi tiết này để thấy khi tham gia cuộc thi, các em đã phản ánh từ hiện thực, chứ không là hư cấu, tưởng tượng xa vời.

Từ hiện thực đó, các em đã cả nhận sự đổi thay mới mẻ, chính nó đã tạo nên cảm hứng cho thơ: “Em yêu những tòa nhà cao tầng/ Vươn thẳng cao/ Đùa với mây trời lồng lộng/ Những công viên/ Gió vờn cánh hoa đủ sắc/ Phố đi bộ/ Mỗi đêm về rộn rịp người đi” (Nguyễn Huỳnh Mai - Lớp 9/5 trường THCS Nguyễn Hồng Đào, Hóc Môn). Cũng phố đi bộ này, ta còn thấy trong thơ dự thi ở Bảng A: “Em ra phố đi bộ/ Thấy rất đông người qua/ Con đường sạch và mát/ Tràn ngập cây và hoa”.

Khi đọc thơ của các em, nhiều người cứ tưởng ở lứa tuổi học trò, thường “ăn chưa no, lo chưa tới”, tưởng là tưởng thế thôi. Thật ra, các em đã có suy nghĩ đã trưởng thành, chẳng hạn khi nhìn cơn mua: “Mưa cho hết đất khô cằn/ Mưa trôi bớt nỗi nhọc nhằn mưu sinh” (Phạm Hồng Diễm Quyên - Lớp 9 Trường THCS Lương Định Của, Q.2). Phải chú ý quan sát lúc đi chợ mới có thể phát hiện ra nét đẹp bình dị nhưng tạo ra xốn xang, khó quên: “Chợ ra vào chen chúc/ Bán mua trong nói cười/ Chùm cúc ven cổng chợ/ Chợt thêm vàng thêm tươi” (Nguyễn Chí Hưng - Lớp 9A10 trường THCS Trần Quốc Toản, Q.9). Đúng là “ý tại ngôn ngoại”, cần gì phải nói ra, hoa cúc thêm vàng thêm tươi là do từ tiếng nói cười đó thôi. Người mua người bán ở Sài Gòn-TP.HCM thân thiện quá đi thôi.

Có thể nói, chính sự đổi mới của thành phố đã cho các em niềm cảm hứng như reo, như hát: “Thành phố mình có những cây cầu bắt qua sông/ Tiếng còi tàu gọi bình minh thức giấc/ Nơi đây có những tòa nhà cao ngất/ Như lâu đài trong cổ tíchngày xưa” (Phan Anh Khôi - Lớp 8/5 trường THCS Nguyễn Hồng Đào, Hóc Môn). Với ý thức công dân, em Trương Minh Châu (Lớp 9/4A trường THCS Long Trường, Q.9) đặt “vấn đề” nghiêm túc: “Nếu chúng ta không có lòng kiên nhẫn/ Từ bỏ thói quen vứt rác ra đường/ Không chúng ta cùng dọn dẹp phố phường/ Thì sao có một bầu trời xanh ngát?” Câu hỏi này, còn dành cho cả người lớn chúng ta nữa đấy.

Ở bảng A, tôi tìm thấy được sự thú vị khác ở cái nhìn ngây thơ, đáng yêu lắm. Thật khó quên, cùng đi xe buýt, có cô bé quen người bạn mới, lúc xe dừng lại: “Một bà lão lên xe/ Chỗ ngồi đã kín người/ Bạn nhỏ vội đứng dậy/ Lễ phép mời bà ngồi” (Bảo Ân - CLB Sáng tác trường TH Nhị Xuân, Hóc Môn). Hình ảnh này đáng yêu đến độ khiến ta nhớ đến câu ca dao: “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn phân”. Bài học ở nhà trường đã đưa thơ, nhờ đâu? Nhờ em quan sát hoặc chính em đã trải qua. Tựa như em Minh Ngọc (Lớp 4B trường TH Nhị Xuân, Hóc Môn) đã có lần nhìn thấy: “Quán cà phê mời khách/ Bằng mùi hương nồng nàn/ Chợ Bến Thành bốn hướng/ Đón cô bác vừa sang”. Với khổ thơ này, tôi hoàn toàn yên tâm khi em miêu tả trúng chóc: “Chợ Bến Thành bốn hướng”.

Vậy thì, thơ nói theo một cách nào đó là sự thăng hoa của trí tượng nhưng các em chớ quên, tưởng tượng thì tưởng tượng nhưng phải bắt nguồn từ hiện thực của đời sống. Mà hiện thực ấy cũng phải thăng để trở thành thơ. Nếu không sẽ sống sượng, cứng đơ, hô khẩu hiệu. Nhắc đều này, vì ở bảng A và B, dù có nhiều bài thơ đề cập đến vấn đề môi trường, không xả rác, giữ sạch phố xá, sinh hoạt Đội v.v… rất đáng khen, tuy nhiên các em vẫn chưa thổi hồn thơ vào đó. Tôi rất lấy làm tiếc.

Cuộc thi nào cũng có kết quả cao và thấp. Ở trong phạm vi của Cuộc thi sáng tác văn học Thành phố của em, tôi nghĩ đến sự tương đối. Vì dù có giải hay không thì chặng đường đi dài lâu với sáng tác thơ vẫn còn phía trước. Chúc các em cứ hãy bền lòng và… tiếp tục có cảm hứng với thơ. Nào, ta cùng đồng ý nhé.

L.M.Q

(nguồn: Báo Khăn Quàng Đỏ số 47 ngày 20.11.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com