THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Mùi Tết Việt

LÊ MINH QUỐC: Mùi Tết Việt

1549267763-1454741718-1454734472-img_7960

 

Ngày cuối cùng trong năm. 30 Tết. Chiều hắt hiu. Gió lộng. Trong lòng trống vắng, tưởng chừng như còn nghe cả tiếng gió thổi sâu hun hút vào một khoảng hư không nào đó. Phải chăng, đó là tâm trạng của những ai sống xa quê? Vì lý do gì đó, họ không thể quy cố hương sum họp cùng gia đình. Một nỗi buồn len lén, dìu vợi đến nôn nao đã ùa đến... Không rõ ở những phương trời nào khác, con người cô độc ấy có cảm giác này không? Nhưng với tôi, ở Sài Gòn lại có. Tại sao thế? Một trong những ca từ hay nhất viết về mùa Xuân Sài Gòn, theo tôi vẫn là một cảm nhận tài tình đến từng chân tơ kẽ tóc đã lý giải: “Sài Gòn mùa xuân còn có lá vàng bay/ Có mùa thu nào đang ở lại” (Trịnh Công Sơn).

Vâng, chính xác. Đúng lắm.

Mùi Tết Việt - 1

Hoa Tết về phố.

Tôi đã từng ngồi góc phố vắng vào những chiều Ba mươi Tết và cảm nhận rất rõ nét. Mùa thu hiếm hoi của phương Nam vạm vỡ nắng ấm, đột nhiên lại chuyển sang vào lúc nàng xuân ngập ngừng bước tới khiến lá phất phơ bay vàng mặt đường. Lạ quá đi mất. Lúc ấy, tâm thế con người xa quê bị chia làm hai. Vừa náo nức chờ đợi xuân sang, vừa sống trong tâm cảnh của một người biệt ly. Cả hai cảm giác ấy trộn lẫn vào nhau khiến bao nhiêu là nỗi nhớ tha hồ ùa về choáng ngợp trong tâm tưởng. Để rồi cuối cùng, tự dưng họ bật ra câu nói: “Nhớ quá. Ước gì, bây giờ đang ở quê. Ước gì”.

Ơ hay, dịp này không về được thì Tết sau. Có gì mà nôn nóng, nôn nao đến thế? Anh nói gì mà lạ? Nhớ quê trong dịp Xuân về Tết đến hoàn toàn khác mọi ngày trong năm. Bởi lẽ đây chính là khoảng khắc gợi lên trong trí nhớ biết bao nhiêu mùi. Tất cả tổng hợp lại nhuần nhuyễn, tinh tế và có tên gọi “mùi Tết”. Chính cái vị, cái hương của mùi là một sự đặc trưng để làm nên cái Tết Việt.

Mỗi người có mỗi nét nhớ, nỗi nhớ khác nhau nhưng tôi nghĩ, chung quy lại vẫn là mùi khói bếp trong đêm Giao thừa. Trong nhà, mẹ và bà ngoại đang làm những món ăn ngon chuẩn bị cho buổi cúng Tân niên vào sáng mai Nguyên đán.

Ngoài sân, ba và các anh chị đang thức canh lửa cho nồi bánh chưng, bánh tét. Tất cả nhộn nhịp, nhanh tay và gọi nhau í ới. Bên hàng xóm cũng vậy. Đêm khuya, những ngọn lửa ấm lan tỏa trong không khí lành lạnh, chính là hình ảnh của tình làng nghĩa xóm. Mùi thơm lá dong, củi mới, thịt lợn béo ngậy… và cả sự náo nức nhẩm tính từng phút, từng giây đợi Tết, nếu không ở quê nhà làm sao có thể cảm nhận một cách trọn vẹn nhất?

Mùi Tết Việt - 2

Ảnh: Dân Việt

Thuở mới học lớp Tám, tôi đã ghi lại một tình cảm rất học trò: “Trong vòng tay mẹ ngủ vùi/ Đêm Ba mươi Tết ngậm ngùi tháng năm/ Lửa reo nồi bánh tình thâm/ Con nghe sung sướng nhang trầm thơm sao/ Chị Kim ửng má hồng đào/ Ngồi bên chân ngoại thì thào nửa đêm/ Con nằm trên cỏ ấm êm/ Nhìn trăng mơ tưởng cánh chim bay về”.

Vâng, nhiều cô, cậu nhóc cũng thức canh nồi bánh nhưng rồi lại ngủ quên lúc nào không biết nữa. Trong giấc ngủ ấy, nay nhớ lại, tôi vẫn còn cảm nhận được mùi Tết qua khói ấm, lửa cười thân thiết ấy.

Trở về quê ngày Tết, còn là mùi vị của tháng ngày xa xưa thơ ấu như từng đợt sóng ngầm dội về trong tâm tưởng. Mùi vị ấy còn là một sự chuyển động, chỉ có thể nghe và cảm ở một miền quê yêu dấu. Và trong lúc ấy, có lần, tôi đã viết: “Nằm trên rơm rạ dịu dàng/ Hôn khe khẽ nhé nhẹ nhàng từ tâm/ Gió xuân uyển chuyển ngoài sân/ Sương mềm mại hương tần ngần thoáng qua/ Nằm yên trên cỏ quê nhà/ Lắng nghe cá quẫy như là dưới ao/ Nghìn xưa chưa gặp nghìn sau/ Âm dương giao cảm nôn nao giao mùa”. Mùi của rơm, gió xuân và ngay cả mùi của sương, của cỏ đã là một sự giao hòa vời vợi. Giữa lòng người và thiên nhiên đã tri ngộ. Sự gặp gỡ kỳ diệu này chỉ có thể diễn là vào lúc Tết thanh bình, an lạc và ấm cúng.

Lại nữa, mùi Tết đôi khi khó diễn tả thành lời. Bởi lẽ cũng hương hoa cúc đấy nhưng rồi tùy theo tâm trạng, mỗi người lại có một cảm nhận khác nhau, chẳng hạn, lúc nhớ về một tình nồng nàn xa khuất: “Hàng rào trước nhà em/ Lẻ loi hoàng hoa cúc/ Đà Nẵng đêm cuối năm/ Sương lờ mờ trước mặt/ Con đường Triệu Nữ Vương/ Có tôi đang dè dặt/ Trở về trên quê hương/ Chân đi không chạm đất…”. Tại sao lại như thế, làm sao tôi có thể trả lời nổi?

Thật ra cái mùi, cái vị ấy đã có trong năm, tỷ như hương cúc đã có nhưng rồi, kỳ lạ, phải là lúc giao mùa thì mới bật lên nhói cả tim. Vâng, tương tự cũng món ăn ấy đã quen thuộc nhưng ăn trong lúc sum họp gia đình sau nhiều ngày xa cách thì dường như lại ngon hơn. Ngon vì món ăn ngon đã đành, còn ngon vì ý nghĩa của câu chuyện hàn huyên tâm tình trong tình cảm gia tộc nữa…

Thế thì, dịp năm hết Tết đến, nhất là khoảng khắc của ngày Ba mươi, những người xa quê lại nhớ bội phần. Nhớ thì nhớ, nhưng rồi có lúc lại phải bó chân ở lại Sài Gòn. Buồn không?

Ban đầu tôi ngỡ là buồn lắm nhưng mọi việc không như tôi tưởng. Đã có một và bây giờ là cái Tết thứ 2 không về quê, ấy thế nhưng lòng vẫn nhẹ nhàng như không. Bạn hỏi tại sao à? Đâu lại không quê nhà, khi mà bàn chân ta bước trên dãy đất hình chữ S đã tượng hình một non sông gấm vóc?

Sài Gòn, vùng đất đã cưu mang nhiều hạng người của các vùng miền khác đến hội tụ sinh sống, trải theo năm tháng họ đã hội nhập với nết ăn, nết ở nơi này. Văn hóa vùng miền nếu muốn giữ cũng chẳng sao, nhưng rồi nó cũng chan hòa vào một nhịp sống chung.

Mùi Tết Việt - 3

Nhịp sống Sài Gòn. Nói gì xa xôi, bạn người Bắc, người Trung à? Muốn ngày Tết được thưởng thức món thịt gà nấu đông ăn chung với dưa cải chua, thịt heo ngâm nước mắm, chân giò hầm mộc nhĩ v.v…; hoặc cần đến hàng trăm, hàng ngàn thứ “hằm bà lằng” khác cho khoái khẩu ư? Ở Sài Gòn có tất. Không thiếu một thứ gì. Dần dần quen đi. Sống đâu quen đó là một lẽ tất nhiên.

Từ đó, trong tâm thức những người sống xa quê lại hình thành một mùi Tết của Sài Gòn. Nó cũng da diết, ân tình như họ đã từng sống với hoài niệm của quá khứ. Chắc chắn phải là thế. Vậy, xin hỏi mùi Tết ở nơi này là gì? Tôi nghĩ, vẫn là mùi bánh chưng/ bánh tét nấu vào đêm Ba mươi Tết mà nhiều người đã nhớ ngây ngất.

Ơ hay, tại sao lại thế? Đơn giản chỉ vì chúng ta đây hơn bốn ngàn năm đã cùng chung bọc “đồng bào”, đã cùng chung một tâm thức khi Xuân về Tết đến:

Ơn cha nghĩa mẹ, xuân này

Bánh chưng cùng với bánh dày dâng lên

Chính cái vị, cái hương của mùi này là một sự đặc trưng để làm nên cái Tết Việt.

 

Lê Minh Quốc

(nguồn:

http://khampha.vn/toi/mui-tet-viet-c8a703928.html)

  

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com