THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thử suy nghĩ về hạn chế của doanh nhân Việt

LÊ MINH QUỐC: Thử suy nghĩ về hạn chế của doanh nhân Việt

 

Đặt vấn đề về Đạo kinh doanh của người Việt là điều cần thiết. Nó phản ánh được ý thức tiên phong và trách nhiệm của Tổ hợp giáo dục PACE và NXB Trẻ đối với lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên để làm được điều này, thiết nghĩ chúng ta phải giải quyết được những vấn đề còn hạn chế ở doanh nhân Việt. Sở dĩ có sự hạn chế này, theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là do sự hình thành của lực lượng doanh nhân Việt còn quá non trẻ. Nó chưa tích lũy được và đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để có thể hình thành một ý thức hệ rõ nét.

 

thua-cam-on

 

Trong phạm vi của tham luận này, trước mắt chúng tôi chỉ đề cập đến sự hạn chế ở góc độ tâm lý. Nếu xây dựng Đạo kinh doanh người Việt mà lại tách khỏi tâm lý người Việt nói chung thì đó chỉ là sự ảo tưởng, không tưởng.

 

1. Không mê làm giàu:

 

Muốn tìm lại dấu tích, giá trị tinh thần của một dân tộc, ta còn có thể tìm trong truyện cổ tích, thần thoại, ca dao, tục ngữ... vốn là những “văn bản” truyền miệng bất biến qua năm tháng, đáng tin cậy. “Trăm năm bia đá thì mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Qua đó, ta được biết “ông tổ” nghề buôn của người Việt là nhân vật huyền thoại Chử Đồng Tử. Cùng với Tiên Dung - người vợ  “trung hậu, đảm đang”, ông đã có công mở chợ, làm nơi giao thương buôn bán. Sự buôn bán này sầm uất không những lôi kéo cư dân các làng gần xa, mà còn là nơi khách phương xa tìm đến trao đổi hàng hóa. Thế nhưng, Chử Đồng Tử không có cái mộng làm giàu. Nói gì thì nói, đã là doanh nhân thì ý thức làm giàu vẫn là yếu tố đầu tiên. Chử Đồng Tử không có ý thức đó. Trong Lĩnh Nam chích quái liệt truyện cho biết:

“Đồng Tử bèn cùng thương nhân đi buôn bán, lênh đênh khắp nước ngoài. Có núi Quỳnh Vi, trên núi có am cỏ. Thương nhân ghé thuyền vào múc nước, Đồng Tử lên am dạo chơi. Trong am có một tiểu tăng tên Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử bèn lưu lại đấy để học phép, đưa tiền cho thương nhân mua hàng. Thời gian sau, thương nhân quay trở lại, tới am để chở Đồng Tử về. Tiểu tăng tặng cho Đồng Tử một cây gậy một chiếc nón lá và bảo: “-Các phép linh dị thần thông đã ở đây cả rồi!”. Đồng Tử về, đem đạo Phật nói hết với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, bèn bỏ cả quán chợ, nghề buôn để cùng Đồng Tử tìm thầy học đạo”.

Đành rằng, chi tiết này hé mở cho ta thấy được sự du nhập của một tôn giáo mới vào Việt Nam. Nhưng nó cũng phản ánh được tâm lý của nhân vật  Chử Đồng Tử.

Một khi đã không đeo đuổi nghề đến tận cùng, thì liệu doanh nhân đó có thể làm giàu đến mức “nứt đố đổ vách” được không? Chắc là không. Tâm lý sau khi giàu có, đã đủ ăn đủ mặc thông thường doanh nhân Việt có xu hướng muốn nghỉ ngơi, hưởng nhàn - hơn là “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” vì sự nghiệp mà mình đeo đuổi.

Tâm lý này là tâm lý của người Việt nói chung, nó hình thành rõ nét nhất ở Kẻ Sĩ. Ngay cả một người năng động như cụ Nguyễn Công Trứ - một tính cách “quái kiệt giang hồ” hiếm thấy ở lớp nhà Nho thuở trước - cũng bày tỏ quan niệm ước mơ được: “Tiêu dao nơi hàn cốc thâm sơn/ Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn”. Thế thì, doanh nhân Việt chịu ảnh hưởng tâm lý này cũng là điều dễ hiểu.

Vậy, Đạo kinh doanh của người Việt, theo tôi trước hết cần nhận thức lại lời nói của nhà Nho cấp tiến Đặng Huy Trứ - người mà chí sĩ Phan Bội Châu khẳng định “đã gieo mầm khai hóa đầu tiên ở nước ta”. Theo cụ Đặng Huy Trứ: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể xem thường”.

 

2. Không mê tiền:

 

Đi buôn mà không mê tiền thì quả là lạ. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa nghe thấy một doanh nhân nào “mạnh miệng” tuyên bố “Tôi mê tiền”; hoặc tự nhận mình là người có nhiều tiền hơn cả! Không ai “dại dột” nói như thế vì trong quan niệm của người Việt nói chung đồng tiền chỉ là thứ “hôi tanh chẳng thú vị gì” - như trong thơ Nguyễn Công Trứ đã viết. Sở dĩ như thế là do sự ảnh hưởng ngàn năm của đạo Khổng. Nhiều nhà Nho chúng ta vẫn thích thú, tâm đắc với câu chuyện Vương Di Vũ đời Tấn không bao giờ mở miệng nói đến tiếng “tiền”. Một hôm ông ngủ, người nhà chất tiền chung quanh giường ông nằm để thử xem lúc dậy, ông có nói đến tiền hay không. Quả nhiên, lúc dậy, ông hết sức ngạc nhiên nhưng cũng chỉ bảo người nhà: “Sao không cất “cái vật tầm thường này đi?”.

Quái lạ, đã thế, cũng trong tâm lý người Việt thường lấy cái sự nghèo như một niềm đáng tự hào. Tại sao? Ta hãy nghe nhà Nho Ngô Thì Sĩ giải thích: “Giàu vốn làm cho đời sống người ta phong phú, nhưng nghèo há chẳng phải lại rèn luyện cho ta nên người đó sao? Ta nghe nói: lợi nhiều thì trí mờ ám, tiền dễ thì thêm mắc lỗi”. Cái sự không mê tiền, thậm chí khinh bỉ đồng tiền ta có thể tìm thấy rất nhiều trong ca dao, tục ngữ...

Trước một tâm lý dân tộc như thế, bản lĩnh của doanh nhân Việt là phải nỗ lực vượt qua được hạn chế đó.

Vậy, đạo kinh doanh của người Việt theo tôi phải là sự nhận thức quý trọng đồng tiền.

 

3. Giấu nghề:

 

Nhân vật Bạch Thái Bưởi được người đương thời và thế hệ sau kính trọng còn vì một lẽ: ông không giấu nghề. Khi đã có xưởng đúc thuyền, ông đã mở trường để nhận học sinh trường kỹ nghệ, con  em công nhân vào học nghề. Điều này tưởng rằng dễ dàng với nhiều doanh nhân Việt, nhưng thực ra không hẳn thế. Tại sao? Từ một nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ tồn tại hàng ngàn năm, nó đã hình thành nếp nghĩ giấu nghề ở người Việt, mà đến nay vẫn còn đậm nét. Thậm chí, ngay cả con gái, với quan niệm “nữ nhi ngoại tộc” cũng không được truyền nghề, chứ đừng nói đến người ngoài. Từ sự hạn chế của tính cách này, đến nay chính chúng ta phải trả giá quá đắc, có một số ngành nghề hiện nay đã thất truyền...

Sự giấu nghề, theo tôi hiện nay nó còn ẩn giấu dưới nhiều hình thức khác, chẳng hạn, chỉ sử dụng con cái mình hơn là tin cậy giao cho người ngoài. Mà người ngoài có giỏi bằng trời, có hơn chuyên môn gấp vạn lần thì cũng mặc. Nhưng thế, sự làm giàu ở đây đã bị yếu tố gia đình, gia tộc chi phối.

Nhìn xa hơn, nhân đây tôi cũng muốn đề cập đến một hạn chế khác của người Việt nói chung và qua  đó, nó cũng ảnh hưởng đến doanh nhân Việt. Đó là những biểu hiện của tư tưởng cục bộ. Hạn chế này đã che đi tầm nhìn chiến lược của doanh nhân. Thay vì dành tâm lực để phát triển công việc lâu dài thì tư tưởng cục bộ đã xúi họ kết bè, kết phái nhằm bao che nhau, bảo vệ quyền lợi cho nhau hơn là vì lợi ích chung. Tâm lý này không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều, bởi nó đã hình thành từ chính sách chia rẽ của ngoại bang hàng ngàn năm trước.

Trở lại với Bạch Thái Bưởi, ta thấy tầm nhìn của ông vua đường thủy Việt Nam là đã có kế hoạch chiến lược xây dựng đội ngũ lành nghề kế tiếp.

Vậy, Đạo kinh doanh của người Việt theo tôi là phải thay đổi về quan niệm sử dụng người cộng sự.

 

4. Không trọng chữ “tín”, thiếu đoàn kết

 

Trong thương trường, người Hoa hơn người Việt còn ở chỗ họ trọng chữ “tín” với nhau. Chỉ cần một lời nói là có thể cho nhau vay “tiền muôn bạc ức”. Nhờ chữ “tín” họ mới có thể hợp quần để buôn bán chung. Ông cha ta đã nhìn ra lợi ích của “buôn có bạn, bán có phường”. Nhưng xem ra cái sự bỏ vốn làm ăn chung của người Việt sao lại chẳng dễ dàng? Mới đây thôi, chỉ đầu thế kỷ trước, cụ Phan Bội Châu đã kêu gọi quốc dân:

...Việc buôn bán xiết bao phí lớn

Quan cùng dân hợp vốn mà nên

Mỗi người tháng góp một nguyên

Mười năm được tám trăm muôn có thừa

Xem “châu thức hợp tư” hội ấy

Ấy tài nguyên thịnh lợi dường bao

Nước ta dẫu gọi rằng nghèo

Hằng tâm cũng được ít nhiều bỏ ra

Trong mười người dăm ba người có

Rủ nhau mà hợp cổ cùng nhau...

Hoặc cụ Trần Quý Cáp trong Bài ca khuyên hợp thương đã kêu gọi thống thiết:

...Bỏ bạc tiền ra để buôn chung

Người có của kẻ có công

Xem nhau lại đem lòng thân ái

Hiệp bãi cát gây nên non Thái

Hiệp ngàn dòng nên cái biển Đông

Mới gọi rằng hào kiệt, anh hùng...

Sở dĩ các cụ kêu gọi như thế vì doanh nhân Việt chưa có truyền thống góp vốn làm ăn chung. Làm ăn chung thế nào được nếu người ta không có chữ “tín” với nhau? Không phải ngày nay chúng ta đặt ra, mà chính cụ Phan Châu Trinh đã cảnh báo người Việt mình cần khắc phục một thói xấu là thường không biết giữ chữ “tín”...

Vậy, Đạo kinh doanh của người Việt theo tôi phải biết tôn trọng chữ “tín” để từ đó có ý thức sự hợp quần, đoàn kết.

 

5. Không dám làm ăn lớn:

 

Thật lạ, sau khi khảo sát lịch sử nước nhà ta biết rành rẽ những thời điểm tạo nên thương cảng Phố Hiến “nhất Kinh kỳ, nhì phố Hiến”; hoặc thương cảng Hội An, Hà Tiên, Sài Gòn... mà không thể không thốt lại câu hỏi “Tại sao lạ thế?”. Lạ ở chỗ là trong những giai đoạn cực thịnh của nền kinh tế nước nhà, lại không có những doanh nhân Việt lừng lẫy còn lưu lại tiếng tăm. Tại sao? Theo tôi, đó là do tâm lý của người Việt không dám làm ăn lớn. Tâm lý này hình thành là do ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tồn tại hàng năm đã quy định. Không biết nên vui hay buồn khi đọc câu ca dao:

Ông Cả nằm trên sập vàng, cả ăn, cả mặc lại càng cả lo

Ông bếp nằm trong xó tro, ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm

Đây là tâm lý lo ngại “thuyền lớn thì sóng lớn”, vì thế ta ít thấy doanh  Việt có những cửa hiệu buôn lớn, những người buôn đông bán tây “buôn vạn bán nghìn”. Nếu có, chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, chứ không hình thành một lực lượng phổ biến.

Vậy, Đạo kinh doanh người Việt theo tôi là phải khẳng định được ý chí mạnh mẻ, một khát vọng cạnh tranh có tầm vóc nhân loại, chứ không chỉ “đóng khung” trong nước.

 

Kết luận:

 

Trên đây là những hạn chế của doanh nhân Việt mà tôi tin rằng, nhiều người cũng đã nhìn ra. Nhưng thật ra không chỉ có thế, ta còn có thể đề cập đến những hạn chế như sự vọng ngoại thái quá - để từ đó không khai thác được triệt để lòng tự hào dân tộc thông qua sản phẩm của mình; hoặc tâm lý “ăn xổi ở thì” không có kế hoạch chiến lược lâu dài; hoặc tâm lý trọng hư danh, sĩ diện hão v.v...

Dù gì đi nữa, theo tôi điều cốt lõi của Đạo kinh doanh người Việt còn phải là một đức tính, một tâm niệm bất di bất dịch. Đó là sự trung thực. Điều này không mới, nhưng vẫn là một ý nghĩa thời sự, rất thời sự trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Hơn ai hết, chính cụ Lương Văn can (1854 - 1927) - thục trưởng của trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã nhắc nhở chúng ta trong quyển Kim cổ cách ngôn. Cụ viết:

“Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người ta tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa, bán thiếu. Bán hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham khôn cùng đấy thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh đấy thôi. Kìa xem những người bụng dạ khắc bạc, trong kinh doanh chỉ chăn chắn lợi mình, hại người, nguồn lợi trước mắt thu về nhiều đấy, vậy mà tương lai con cháu mạt vận. Cũng là bởi đạo trời ban phúc cho người thiện, trừng phạt kẻ gian tà. Vậy nên nhà kinh doanh phải lấy điều đó mà xem xét mình”.

 

LÊ MINH QUỐC

(Tham luận: Đọc tại Hội thảo Bàn về đạo kinh doanh của người Việt ngày 28.7.2007 tại KS Majestic)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com