Trên trang web www.leminhquoc.vn, tôi đã giới thiệu những bổn thơ tiêu biểu của miền Nam hồi đầu thế kỷ XX: Thơ Thầy Thông Chánh, Hai Miêng, Sáu Trọng, nay tinh cờ đi mua sách báo cũ, tôi lại phát hiện ra bổn thơ Sáu Nhỏ cũng rất phổ biến thời đó. Bổn thơ này, ai đó đã đánh máy lại, ngay trang đầu tiên ghi như sau:

THƠ SÁU NHỎ
Bổn cũ soạn lại
Xuất bản: Thuận Hòa
Soạn giả: Nguyễn Bá Thời
Bổn này ông Phạm văn Thình đã nhường đứt bản quyền lại cho tôi: Trần văn Sửu
Nhà buôn Thuận Hòa 54 Tháp Mười – Chợ Lớn
Mười ôi! Nói lắm rầy tai. Em đừng mặt một dạ hai làm gì.
Nay tôi công bố lại nguyên văn bản đánh máy này - nhằm giúp cho những ai quan tâm đến dòng văn chương bình dân Việt Nam, trong đó có Nam bộ, có thêm những tài liệu quý. Nhân đây, tôi có nhận xét: Sở dĩ ngày nay ít người còn nhớ Sáu Nhỏ và cũng không đánh giá cao như thầy Thông Chánh, Hai Miên, Sáu Trọng... bởi lẽ tính cách "anh hùng" của Sáu Nhỏ quá tầm thường, dù giỏi võ nghệ, bị tù đày nhưng chỉ là do động cơ cá nhân nhỏ nhen. Làm sao y có thể sánh bằng những người dám cầm súng bắn biện Tây, trọng nghĩa khinh tài, lấy của người giàu chia cho người nghèo v.v....? Lúc đó, dù có thơ ca ngợi, người ta đặt vè nhưng rồi lớp sóng thời gian sẽ phủ lấp đi. Những tay giang hồ cờ bạc thuở ấy như Sáu Ngọ chẳng hạn, ai còn nhớ đến? Vè Sáu Nhỏ đặt ra cũng không ngoài mục đích:
Làm lành lánh dữ ngày ngày,
Thờ cha kính mẹ lo rày làm ăn.
Học chi những việc bất bằng,
Tiếng người khinh dễ tiếng rằng phi ngôn.
Dầu cho tài trí khéo khôn,
Danh lu hậu thế du côn tiếng hèn.
Tham vui du đãng đua chen,
Mẹ cha sầu thảm hư hèn thích thân.
Có nhà báo hỏi tôi: "Em đang tìm kiếm tài liệu viết về những tay du đảng khét tiếng của miền Nam như Đại Cathay, lâm Lâm chín ngón, Năm Cam... anh thấy thế nào?". Tôi bảo: "Nếu viết để kiếm cơm thì được, loại đề tài này "ăn khách" nhưng phải biết rằng, người ta đọc chỉ qua một lần rồi bỏ. Chẳng ai thèm phải nhớ lâu đến hạng người "To gan lớn mật làm thầy du côn". Chi bằng, dành thời gian viết về những con người hy sinh vì đại nghĩa, chết vì Nước, chống xâm lăng thì có hữu ích hơn không?". Anh ta không đồng tình. Gần đây gặp lại tôi, nhìn bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, anh mới nhận ra là điều tôi nói đúng. Thế thì, một con người mà đương thời có những việc làm ầm ĩ, rổn rảng nếu không xuất phát từ việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng thì sau khi mất chẳng ai buồn nhớ đến...
L.M.Q
(IV.2013)