BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: “Quà tặng” từ 30/4

LƯU ĐÌNH TRIỀU: “Quà tặng” từ 30/4


(HMC) - Những ngày đầu mới giải phóng, tôi và đám bạn bè cùng cảnh ngộ - sĩ quan, công chức của chế độ cũ sống trong phập phồng lo sợ. Sáng nào ngồi cà phê vỉa hè, chúng tôi đều bàn chuyện mai này đời mình …sẽ “tiêu”. Trước đó, đứa nào cũng bị nhồi nhét rằng "Việt cộng là khát máu, không có tình người".

a8qua_tang_304

Dịp 30/4/2015, tác giả đã có chuyến đi tìm về trại cải tạo cũ, theo yêu cầu của các đồng nghiệp VTC để làm phim tài liệu

 30/4/1975, cờ Giải phóng bay phất phới trên đường phố. Nhìn những người lính Việt cộng đi lại, chúng tôi thấy cũng không có nét gì gọi là khát máu. Nhưng lo vẫn cứ lo, chắc họ đang ngấm ngầm chờ ngày ra tay thôi. Và ngày ấy có lẽ đã đến thật rồi, khi tôi nhận lệnh đi học cải tạo...

Anh là người như thế nào?

Tại trại Phú Lợi, tổ của tôi hơn chục người, được bố trí ở trong một mái nhà tôn xuềnh xoàng. Không có chuyện tra tấn hay đánh đập. Những ngày đầu tiên chỉ mệt não và lo sợ ngấm ngầm, khi ngồi viết sơ yếu lý lịch cùng bản tự khai tội. Viết xong đưa ra đọc trước tổ, để mọi người cùng góp ý phê bình… Những buổi họp tổ cũng như mọi sinh hoạt, ăn ngủ đều diễn ra trong nhà. Chỉ có điều giống như thời đại dịch Covid -19, chúng tôi sinh hoạt biệt lập, nhà nào ở yên nhà nấy. Chỉ có ngày lên lớp học chính trị, hay ai đến ngày trực, mới được ra khỏi nhà, đi xuyên lán trại, tới hội trường hay nhà ăn mà làm tạp vụ.

Một lớp học tại Trại cải tạo/ Ảnh tư liệu
Một lớp học tại Trại cải tạo/ Ảnh tư liệu

Cũng từ mái nhà ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi được tiếp xúc thường xuyên với một anh bộ đội - quản giáo phụ trách tổ chúng tôi. Tên họ đầy đủ của anh đến giờ tôi không nhớ nỗi. Chỉ đọng lại mỗi cái tên: Lợi.

Anh Lợi lớn hơn cánh trẻ chúng tôi vài tuổi. Cấp bậc không biết, vì anh luôn mặc một bộ quân phục bạc màu, rộng thùng thình và chẳng có gắn lon. Anh gầy còm, nước da tai tái, mắt một mí, gương mặt hơi lờ đờ. Một tối nằm sắp lớp trên cái phản gỗ dài, một vài học viên đã thầm thì với nhau: sĩ quan Việt cộng gì mà nhìn hiền khô. Thế nhưng đến buổi họp tổ hôm sau, anh lại rất khác.

“Dù hoàn cảnh, động cơ có khác nhau, các anh đều là sĩ quan ngụy, là người có tội lỗi với nước, với dân. Đợt học tập cải tạo này là cơ hội cho các anh làm lại cuộc đời…”. Vẫn giọng nói trọ trẹ, nhưng mỗi lời anh Lợi tuôn ra đều mạnh mẽ, chắc nịch. Đêm ấy lời thì thầm trên cái phản dài đã có khác: Tay Lợi này coi vậy chứ không vừa đâu! Nhận xét đó được chứng thực thêm vào sáng hôm sau. 5 giờ sáng, kẽng vừa gõ, đã thấy anh Lợi xuất hiện. Ai chưa chịu dậy, xếp gọn mùng chiếu hoạc ra thể dục mà uể oải, chậm chạp, anh Lợi nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình.

Những ngày học tập lặng lẽ trôi qua, luôn có anh Lợi kè kè bên cạnh. Những cái nhìn, suy nghĩ về anh trong chúng tôi, vẫn có sự sợ sệt, cùng tâm lý giữ khoảng cách, ứng xử sao để được an toàn…

Cho đến một chiều, chú Trung, người lớn tuổi nhất trong tổ, bị sốt nằm liệt giường. Nghe tin, anh Lợi xuất hiện ngay tức khắc, cùng một người nữa dìu chú lên trạm y tế, khám nhận thuốc. Khi đưa chú về lại lán, anh còn dặn dò người nằm cạnh nhớ để ý chăm sóc, giúp chú uống thuốc. Không chỉ thế, những ngày sau đó, tối nào anh cũng ghé, ngồi bên giường chú Trung và cứ như bác sĩ, đặt tay lên trán chú, hỏi han tình hình sức khỏe. Lúc khỏe lại rồi, trong một lần trò chuyện với cánh trẻ, chú Trung phán gọn một câu: cha Lợi đó là người tốt!

Ai chứ chú Trung nói, tất cả chúng tôi đều tin. Từ một thượng sĩ già lên sĩ quan, hàng chục năm lăn lộn trong đời, gúp chú có cái nhìn chín chắn về con người. Cũng từ đó, cái khoảng cách giữa người quản giáo với các học viên cải tạo dường như thu hẹp lại.

Lời khuyên chân tình

Tối tối, như thường lệ anh Lợi hay xuống kiểm tra sinh hoạt của chúng tôi. Nếu trước đây, các học viên thường né tránh tiếp xúc, thì sau chuyện chú Trung, chúng tôi lại hay chủ động lân la trò chuyện cùng anh Lợi.

Nhiều tối, sau khi sinh hoạt tổ xong, một nhóm thường quây quần đứng ngồi bên cửa sổ, nghe anh Lợi kể chuyện phía “bên kia”. Những học viên vốn là sinh viên bị tổng động viên phải vào lính thì cứ ngạc nhiên về chuyện học sinh, sinh viên miền Bắc xếp bút nghiên, hăng hái lên đường chiến đấu. Khác xa với họ. Thỉnh thoảng có học viên cắc cớ hỏi chuyện tình yêu của anh Lợi. Chẳng né tránh, chỉ hơi ngường ngượng, anh kể lần đầu tiên về phép, đi xem phim cùng cô bạn gái, chỉ nắm tay thôi mà đã nóng ran cả người… Không biết có chủ quan không mà khi ấy tôi cảm thấy cái ranh giới tâm lý giữa hai bên có phần nhạt nhòa đi.

Sinh hoạt thể dục thể thao được tổ chức hành ngày tại Trại cải tạo/ Ảnh Tư liệu
Sinh hoạt thể dục thể thao được tổ chức hành ngày tại Trại cải tạo/ Ảnh Tư liệu

Có lẽ do đọc hồ sơ, biết ba má tôi là cán bộ miền Nam tập kết, làm việc ở Hà Nội, nên anh Lợi quan tâm tới tôi nhiều. Có tối bất chợt anh hỏi: bố mẹ tập kết, gửi lại anh và chị gái cho bà ngoại nuôi à? Tuổi nhỏ, sống như trẻ mồ côi chắc buồn lắm nhỉ? Bố anh vào dự lễ chiến thắng, anh được gặp rồi, còn mẹ và 2 cô em gái thì chưa phải không?... Những câu hỏi chân tình như thế đã góp phần đưa tôi gần lại với anh hơn.

Bất chợt có một buổi trưa, anh gọi tôi ra ngoài hiên và đưa cho tôi một lá thư.‘Sáng nay chỉ huy trại có mời bố anh lên làm việc. Xong việc, chúng tôi có hỏi cần gặp anh không, ông bảo thôi để anh tập trung học tập. Ông gửi lại cho anh lá thư này”. Vừa mừng, vừa tủi, không kịp cám ơn, tôi cầm lá thư chạy ra vườn rau sau nhà, run run xé thư ra đọc. Sau vài dòng thăm hỏi, kể chuyện má tôi và em tôi đang sốt ruột chờ ngày gặp lại tôi, ba dặn dò: Con tội lỗi nhiều. Giờ phải cố gắng học tập tốt, để sửa chửa sai lầm của mình, làm lại cuộc đời nghe con!…

Nước mắt tôi ứa ra, đầu óc tôi lùng bùng, suy nghĩ lan man. Thuở niên thiếu, tôi như trẻ được thả rong, lêu lổng tập tành bài bạc, trộm cắp, sao ba không ở bên để dạy dỗ, uốn nắn? 21 năm không gần con, thế mà giờ đây có cơ hội gặp con, ba lại từ chối…Giận dỗi tôi xé toạc lá thư.

Bất ngờ một bàn tay vỗ nhẹ vào vai.Thì ra anh Lợi đưa thư xong vẫn để ý đến tôi. Gọng nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ: Đừng giận bố anh làm gì. Ông thương con nên mới đến trại này tìm hiểu chuyện học tập của con. Ông làm thế với anh chỉ vì mong muốn anh cũng như các học viên khác ở đây, phải tự lực học tập, sớm nên người. Anh xé thư bố là bất hiếu đấy…Những lời khuyên của anh mãi về sau này tôi mới thấm: đó là cách thương con, rèn con của ba tôi.

Chú ơi đừng phạt anh cháu nhé !

Sau ba tháng, trại chính thức cho thân nhân đến thăm con em đang học tập. Suốt hơn tuần lễ, trại như có hội. Ai ai cũng vui vẻ ăn uống, cười đùa. Chỉ trừ tôi, người được anh em cho ăn uống ké, kèm lời trêu chọc “con bà phước”. Có anh chàng sáng được người yêu thăm, rủng rỉnh tiền xuống căng tin mua bia uống đến say mèm. Chiều, bà mẹ lên thăm, anh không ngóc đầu dậy nổi. Nghe báo con không ra được, người mẹ khóc ròng, lu loa rằng các ông đã giết con tôi rồi. Cuối cùng chỉ huy phải cho người kè đứa con ra tận khu thăm nuôi, để người mẹ yên tâm con mình còn sống và.. đang xỉn. Sau chuyện đó, trại tạm ngừng chuyện thăm nom.

Một sáng chủ nhật, tôi đang lao động ngoài vườn thì có thằng bạn thân, chạy đến bảo: Ai giống như chị Hà mày đến thăm kìa. Tôi tức tốc lao ra cổng. Đúng là chị hai của tôi, đang đứng bên kia đường cùng một cô bé khoảng 12, 13 tuổi. Chẳng lẽ em gái tôi ở Hà Nội vào thăm anh sao? Đứng trong bờ rào tôi khoát tay ra dấu, bảo chị về đi vì trại không cho thăm. Hai chị em vẫn đứng yên, mặt mếu máo như sắp khóc. Chịu không nỗi, tôi chạy vào nhà, gục đầu xuống chiếu, nước mắt ứa ra.

Dịp 30/4/2015, tác giả đã có chuyến đi tìm về trại cải tạo cũ, theo yêu cầu của các đồng nghiệp VTC để làm phim tài liệu
Dịp 30/4/2015, tác giả đã có chuyến đi tìm về trại cải tạo cũ, theo yêu cầu của các đồng nghiệp VTC để làm phim tài liệu

Lại thêm lần nữa, bàn tay anh Lợi đặt lên vai tôi lay nhẹ, bảo tôi cùng anh ra cổng. Sau một lúc lời qua tiếng lại với các anh bộ đội bảo vệ, giọng anh Lợi đầy vẻ cương quyết: “Cứ cho gặp, có gì tôi chịu trách nhiệm!”. Vừa gặp tôi, cô bé đã nhào tới kêu anh ba ơi, anh ba ơi. Thì ra chị tôi vừa ra Hà Nôi, quay về dắt theo đứa em út vào thăm anh. Chuyện trò được 5,10 phút anh Lợi chào chị tôi và kéo tôi vào. Đứa em gái bất ngờ nhào tới, ghì chặt tay anh Lợi “Chú ơi vào đừng phạt anh cháu nhé”. Anh Lợi khẽ gật đầu, quay mặt đi, môi mím chặt, như cố kìm lại những dòng lệ ứa.

Sau chuyến thăm ấy, tôi định bụng một tối nào sẽ cám ơn anh, nhưng không thực hiện được. Anh Lợi chỉ đôi lần loáng thoáng xuất hiện rồi mất dạng. Trong tổ kháo nhau vì giúp tôi, anh làm trái quy định của trại, nên đã bị kỷ luật, điều đi nơi khác. Thực hư thế nào chẳng biết, chỉ tiếc là tôi chẳng nói được lời chia tay, chẳng được tâm sự với anh về quyết tâm dấn bước vào con đường mới, thông qua người tác động âm thầm là anh.

45 năm đã trôi qua sau ngày đất nước thống nhất. Nhiều gia đình, nhiều cá nhân - trong đó có tôi đã được đổi đời. Nhưng trong tận đáy lòng mình, tôi thật khó quên anh Lợi. Anh là người đầu tiên đã góp phần quan trọng giúp tôi thay đổi cách nhìn, nhận thức về con người, cuộc sống mới - bước đi cần thiết để mở cánh cửa tương lai.

Anh Lợi như một món quà đặc biệt mà ngày 30/4 đã mang đến cho cuộc đời tôi./.

 

Lưu Đình Triều

(nguồn: https://ttbc-hcm.gov.vn/qua-tang-tu-304-11988.html?fbclid=IwAR3VetEKc4a72Hj0Ld1jFEf2eDXQmxdCoQ_8SPr8T9zR5bisU2Aq0zo6XTQ)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com