BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà thơ VĂN LIÊM (ĐÀO VĂN LƯỢNG) - TRI THỨC TẠO NÊN GIỌNG THƠ HIỆN ĐẠI

LÊ MINH QUỐC: Nhà thơ VĂN LIÊM (ĐÀO VĂN LƯỢNG) - TRI THỨC TẠO NÊN GIỌNG THƠ HIỆN ĐẠI

10257409_10201103857118610_6172533571789102940_o

1.

Đã qua rồi tư duy của một thời, rằng, đã nhà thơ thì trong đời sống phải “khác người”. Chẳng hạn, với Tản Đà: “Say sưa nghĩ cũng hư đời/ Hư thời hư vậy, say thời cứ say/ Đất say, đất cũng lăn quay/ Trời say, mặt cũng đỏ gây, ai cười?”; với Tú Xương: “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/ Chừa được cái gì hay cái nấy/ Có chăng chừa rượu với chừa trà”… Còn có thể thêm nhiều dẫn chứng khác. Thật ra, trong sinh hoạt hằng ngày, các bậc tiền bối không phải thế đâu, ấy là sự tự trào. Nếu không, làm sao Tản Đà có thời gian làm An Nam tạp chí, chú giải Truyện Kiều? Làm sao Tú Xương có thời gian tĩnh tâm dịch thơ chữ Hán? Mà này, các cụ tự cười lấy mình đấy thôi. Ta chớ tưởng là thật.

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền thơ Việt Nam hiện đại, dù ai nói thế nào cũng không thể chối bỏ là hiện nay đã có một và nhiều thế hệ thi nhân đã trang bị cho mình nền tảng văn hóa sâu sắc. Khác với thời Tú Xương, Tản Đà… vốn là những nhà nho bất đắc chí, nay, ta nhận ra ở họ ngoài dạt dào cảm xúc với thơ, còn là sự thông tuệ về lãnh vực chuyên môn mà họ đã và đang đeo đuổi. Ý tôi muốn nói, ngoài công việc của nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo thì bên trong họ, nội tâm họ còn có cả tiếng thơ réo rắt. Thơ đến với họ như một lẽ sống tự thân, một cách bày tỏ lòng mình về thế giới xung quanh. Thế giới ấy được nhìn qua lăng kính của thơ và thể hiện chân thành:

Cuộc đời có được bao nhiêu

Tìm về mái ấm thân yêu quê nhà

Ta về tìm lại chính ta

Xin làm một chiếc Lá Đa sân đình.

Đó chính là tiếng lòng, tiếng thơ của nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học Văn Liêm. Một cách nói khiêm nhường, nhẹ nhàng và sâu sắc biết bao nhiêu. Dù đã đi đến, đã chạm đến với những thành đạt trong đời nhưng quý thay, sâu thẳm tâm hồn ấy vẫn là sự dung dị: “Xin làm một chiếc Lá Đa sân đình”. Chỉ bình dị như biết bao người bình thường khác. Cảm nghĩ này, khiến chúng ta dành cho anh nhiều thiện cảm vì sự chan hòa, gần gũi, không ồn ào mà gần như lặng lẽ.

Nghĩ cho cùng phẩm chất của thơ còn chính ở đó nữa. Nói thật lòng mình. Nói những gì mình cảm nhận sâu lắng nhất.

Và, cuối cùng là gì hỡi các nhà thơ?

Nói như thiên tài Charlie Chaplin: “Đừng sợ sống”. Hơn ai hết, nhà thơ và bản lĩnh của thơ vẫn chính là dám sống. Sống tận cùng với đời sống này. Do đó, không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Xuân Diệu khẳng định: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”. Sống, không hề “khác người”, chỉ như mọi người nhưng ở đây, ở họ còn là sự tận hiến nữa. Cho thơ. Cho mình. Cho cuộc đời này. 

Cuộc đời người chỉ cháy một lần

Đừng leo lét lụi tàn khi đông đến

Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến

Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh.

Lời tuyên ngôn của nhà thơ Văn Liêm đã tạo nên sự đồng cảm, vì rằng, phải yêu, yêu lấy cuộc đời này, con người ta mới chọn lấy một lẽ sống đầy ý nghĩa:

Mỗi con người chỉ có một trái tim

Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất

2.

Văn Liêm không phải tên tuổi lạ trong trường văn trận bút. Đã tạo nên dấu ấn trong trí nhớ người yêu thơ qua các tác phẩm như Nỗi nhớ mênh mang, Bến bình yên, Nghề của tôi… Bây giờ, với tuyển tập thơ Khát khao biển bờ, một lần nữa, chúng ta cùng quay về với nguồn cảm hứng hiện đại và trong trẻo yêu thương ấy của anh. Trong tuyển thơ này, anh sắp xếp thành 2 phần: Quê hương và tình yêu. Nhưng rồi, thật ra chỉ là một. Một sự hòa quyện cảm xúc của nhà thơ yêu lấy non sông đất nước, thiên nhiên tươi đẹp và từ đó, yêu lấy con người. Khó có thể tách bạch:

Ngẩn ngơ anh ngắm cánh hoa tươi

Chạnh nhớ thương em quá xa vời

Hoa thơm không gửi cho em được

Lời thơ thay những cánh hoa tươi

Nỗi lòng này, anh đã thể hiện niềm sâu thẳm giữa hoa và người. Thú thật, tôi lấy làm lạ, từ năm 1975, anh đã viết những câu thơ tươi mới:

Sắc phượng vĩ nhuộm hồng khung cửa

Anh hái tặng em một thoáng mùa hè

Góc sân trường đầy ắp tiếng ve

Như giục giã những chùm hè chín đỏ.

Qua cái nhìn biểu cảm của anh, “một thoáng mùa hè” đã hiện lên bằng hình ảnh cụ thể của cái nhìn và cảm giác. Ta thấy rõ mùa hè ở sắc hoa phượng, mà ngộ thay, chính tiếng ve đã giục chùm hè chín đỏ. Một sự liên tưởng thú vị. Sắc phượng vĩ là một trong nhiều bài thơ hay của anh. Trước đó nữa, từ năm 1964 là suy tư:

Anh gấp con thuyền giấy

Thả theo dòng nước trôi

Ôi cánh buồm nhỏ xíu

Mang khát vọng cuộc đời

Anh đã nói hộ nhiều người về ước mơ của thời tươi trẻ ấy. Và, khi anh viết về Hồ Hoàn Kiếm lại kết thúc thật bất ngờ, như một dấu chấm câu, như một dấu lặng mạnh mẽ và dứt khoát:

Gươm đã trả lại hồ trong làn nước

Còn những điều kiếp trước ta nợ nhau?

Ai có thể trả lời, ngoài chính anh? Rồi cảm xúc ở Chiều Vũng Tàu:

Sóng trườn lên bờ đá

Trượt chân ngã khóc òa

Biển thương tình than thở

Tung bọt vể khơi xa…

Người hay sóng trượt chân? Câu hỏi ấy không nhất thiết phải trả lời, bởi anh đã nhìn thấy tâm cảm của sóng “Tung bọt về khơi xa”, đã cuốn đi, đã xóa đi như lời an ủi. Chao ôi, nhà thơ tinh tế lắm. Có một điều khiến tôi và bất kỳ ai khi đọc thơ anh đều có cảm thấy rằng, có lẽ những bài thơ “ma mị” nhất, giàu cảm hứng nhất của anh vẫn là khi viết về biển. Sóng biển. Để rồi đọng lại trong tâm tưởng người đọc là sự dạt dào mãnh liệt:

Biển cồn cào sóng dậy

Như lòng anh thương em

Có một điều gì đó nhói lên, buồn buồn khi đọc:

Lòng anh như biển sâu

Giấu nỗi buồn trong nhớ

Biển cồn cào trăn trở

Ngóng em từ khơi xa…

Rồi, ai lại không ngạc nhiên với cách nói thật bất ngờ, đột ngột, mới lạ:

Anh sẽ vượt màn đêm

Vượt phong ba bão tố

Cứ lần theo sợi nhớ

Anh sẽ tìm được em

“Sợi nhớ” ấy, thưa anh, có phải là sự linh cảm của người đang yêu đấy chăng? Tôi nghĩ là thế. Và, thích khổ thơ này là thế.

Không chỉ đến với biển, lấy cảm hứng từ biển, có thể nói Văn Liêm là một trong những người đi nhiều nơi, đến nhiều chốn. Và, có thơ. Nói cách khác chính là “tức cảnh sinh tình”. Nhà thơ nào cũng thế. Cảm xúc ấy chan hòa trong thơ anh qua nhiều vùng đất. Để rồi, lắng đọng nhất trong tôi còn là những bài tứ tuyệt nữa; hoặc có thể tách khổ thơ ra để làm tứ tuyệt, chẳng hạn:

Câu trong vườn vẫn nẫy lộc mướt xanh

Cây trong thơ anh vẫn trổ hoa, đơm trái

Hãy tha lỗi cho anh vì khù khờ, ngây dại

Say đắm Nàng thơ mà sao lãng tình em

Có bài thơ gẫy gọn như một bức tranh thủy mặc, không nhiều nét, chỉ đôi nét nhưng là sự toàn bích của lúc Lạc vào em:

Vì cớ gì mà em làm khổ anh?

Hỡi cô bé đôi mắt trong như ngọc!

Anh trở thành chàng thi sĩ ngốc

Lạc vào em chẳng tìm được đường về.

Thơ hay là gì nhỉ? Tôi nghĩ, là dù chỉ đọc qua một lần, nhưng câu chữ ấy đã ghim vào trong trí nhớ. Rất sâu. Và, rất lâu.

3.

Thơ của nhà thơ Văn Liêm, tôi đã đọc, bạn đã đọc và tôi tin rằng bạn cùng tôi đã nhìn ra ở đó tấm lòng của một tác giả thơ. Qua thơ, nhìn thấy người. Hiểu về người. Và, càng có cảm tình hơn. Một người dù làm khoa học, có lúc suy tư với con số, biểu đồ, phương trình chặt chẽ nhưng sau đó đáng quý thay:

Trong bộn bề, một ý thơ chợt đến

Làm dịu đi những trăn trở đời thường,

Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,

Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.

Cảm nhận được thế này, đã là hạnh phúc. Thanh thản. Nhẹ nhàng. Và, cũng là tận hiến cho thơ. Từ đó, nhà thơ Văn Liêm mở ra một giọng thơ hiện đại chan chứa tình người...

LÊ MINH QUỐC

(13.VI.2022)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com