BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Nhà văn Dương Tử Giang - “Một dòng máu đỏ, một niềm tin”

Nhà văn Dương Tử Giang - “Một dòng máu đỏ, một niềm tin”

 

nha-van-duong-tu-giang-anh-luu

Sau Hiệp định Genève, từ bưng biền kháng chiến Nam Bộ, một số văn nghệ sĩ được phân công về Sài Gòn công tác. Tại đây, họ chủ động lo giấy tờ hợp pháp, ổn định công ăn việc việc làm, sau đó, sẽ có người của tổ chức đến “móc ráp”. Trong số này, ta có thể kể đến nhà văn Sơn Nam, Dương Tử Giang, nhà phê bình Thiếu Sơn, nhà thơ Viễn Phương…

Mà “nổi đình nổi đám” nhất vẫn là nhà văn Dương Tử Giang - tên thật Nguyễn Tấn Sĩ sinh năm 1914 tại xã Nhơn Thạnh, thị xã Bến Tre. Năm 1945, ông lên Sài Gòn làm báo, vì thế bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1951 ông thoát ly ra vùng kháng chiến ở Khu 9 hoạt động văn nghệ và năm 1954, ông có mặt tại Sài Gòn theo yêu cầu của tổ chức.

Dù nghèo rớt mồng tơi nhưng ngay từ khi mới chân ướt chân ráo về thành, ngay lập tức bằng mọi cách ông xoay xở để có tiền ra báo. Âu cũng là tính cách năng động của mẫu người mau chóng thích ứng với nhịp sống tại thành phố lớn. Giai đoạn này, nhà thơ Viễn Phương kể lại câu chuyện về Dương Tử Giang, nay ngẫm lại khiến ta không khỏi khâm phục và… phì cười. Rằng, bấy giờ vừa về thành còn đang ngơ ngác chưa biết phải làm gì, bỗng một hôm Dương Tử Giang ghé lại nhà đặt ông viết bài và… vây tiền để ra tờ báo Công Lý.

Trưa ấy, ông Viễn Phương mời bạn ở lại dùng cơm, trời nóng nực thấy ông vẫn mặc chiếc áo bành tô, đeo “cà ra oách” trông nghiêm chỉnh lắm, bèn nhắc bạn: “Cởi áo bành tô ra cho mát”. Khi ông cởi ra, mới biết chiếc áo sơ mi chỉ lành lặn phía trước, còn sau lưng đã… rách te tua. Thế mới biết, ông nghèo trần thân. Dù nhà ở trong khu lao động Bầu Sen bị hỏa hoạn đốt cháy, con cái nheo nhóc, năm lần bảy lượt phải trọ nhà thuê, mẹ bán báo lẻ kiếm sống qua ngày nhưng ông vẫn say mê đeo đuổi lý tưởng đã có từ thời ở chiến khu.

Phải nói rằng, Dương Tử Giang là người rất nhậy bén về thời cuộc. Với nhà thơ Viễn Phương, ông gợi ý nên tập trung viết về đấu tranh thống nhất nước nhà, theo tinh thần của Hiệp định Gienève vừa ký kết. Lúc nhà văn Sơn Nam chưa biết phải viết đề tài gì phù hợp với làng báo Sài Gòn, ông khuyên tác giả Hương rừng Cà Mau nên đi tìm nhà văn Bình Nguyên Lộc để hỏi thêm kinh nghiệm viết thế nào để “ăn khách”, chủ bút chấp nhận in nhưng không mặc cảm, xấu hổ với anh em kháng chiến. Cũng chính tại nhà nhà Bình Nguyên Lộc trên đường Dixmude (nay Đề Thám), ông Ba Hương (Phạm Dân), bấy giờ phụ trách Tuyên truyền báo chí Xứ ủy Nam Kỳ đã giao cho Dương Tử Giang số tiền 10 ngàn đồng để làm tờ Bình dân.

Mà chuyện làm báo của Dương Tử Giang gây tiếng vang ồn ào nhất vẫn là lúc năm 1947 chủ trương tờ Văn hóa. Khi làm số báo Xuân năm đó, dù hình phụ nữ để dễ bán báo nhưng ông cho in ngay trang bìa câu thơ: “Nụ cười thôi nở trên môi thắm/ Vì gót chân thù dẫm chiến trường”. Trong tập sách Chém vè giữa làng báo Sài Gòn (NXB Công An Nhân dân - 2002), nhà văn Nguyên Hùng kể: “Một sáng kiến độc đáo của Dương Tử Giang là in tài liệu kháng chiến trên báo Văn hóa - trang bìa toàn những bài thân chính quyền mà ruột là… Việt Minh. Anh cho phát hành sớm từ tờ mờ sáng. “Báo Văn hóa đặc biệt đây! Mua nhanh kẻo hết!”. Tới trưa, địch mới biết, lùng bắt Dương Tử Giang nhưng anh đã lặn mất tăm. Anh lặn tới Khu 9, tại đây gặp lại cố nhân Mai Văn Bộ, gia nhập Sở Thông tin Nam Bộ, viết bài cho đài phát thanh. Sau đó,phụ trách đoàn văn công, sáng tác tuồng hát bội…” (tr. 149).

Khi có mặt tại Sài Gòn vào năm 1954, quan sát từ tình hình xuất bản báo chí, ông đặt cho mình nhiệm vụ tập trung viết truyện thiếu nhi, lấy nhan đề Loạn rừng xanh nhằm chống lại trào lưu của tiểu thuyết “kiếm hiệp ba xu” toàn là phi thân, bùa phép quái gỡ, mê tín dị đoan đang bán chạy như tôm tươi. Ông kể: “Kế nhà tôi có thằng nhỏ chừng mười bốn mười lăm tuổi, cũng “lậm” kiếm hiệp dữ lắm. Tối nào nó cũng đốt ngọn đèn leo lét để luyện phép gì đó. Ba má nó rày không được, bây giờ nó loạn trí vô nhà thương Biên Hòa rồi. Tội nghiệp. Bữa trước báo đăng đó, có thằng nhỏ học niệm chú rồi leo lên cây tập phi thân, nhảy đại xuống té gãy lọi cái giò. Ảnh hưởng kiếp hiệp đó. Tờ báo của tôi đã vững vàng rồi thì bọn “lưu manh cầm bút” vô lương tâm này hết đất sống”.

Ý thức cầm bút của ông bấy giờ rất rõ nét, không mập mờ, không sọc dưa và cũng có tính cách tiên phong. Nói như thế, vì sau này, năm 1966 khi một số trí thức tại Sai Gòn chủ trương tạp chí Tin Văn - ấn hành công khai dưới sự chỉ đạo bí mật của Ban Tuyên huấn Thành ủy Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam), thông qua Nguyễn Lương Ngọc và Vũ Hạnh thì một trong những nội dung họ đeo đuổi vẫn là phê phán  sách báo dành cho thiếu nhi đang bị lái buôn thao túng theo nội dung nhảm nhí.

Nhà văn Dương Tử Giang còn viết những tác phẩm như truyện dài Tranh đấu, tập truyện ngắn Một vũ trụ sụp đổ… và tham gia trong ban biên tập hoặc công tác với nhiều tờ báo đấu tranh và cách mạng như Em, Công Lý, Bình Dân, Thế giới... Do nội dung đấu tranh thống nhất đất nước, châm biếm chính khách xôi thịt theo Tây, phê phán chính sách của nhà cầm quyền nên hầu hết các tờ báo do ông thực hiện được vài số là bị rút giấy phép.

Không dừng lại đó, ông sáng tác cả thơ trào phúng, có thể đến Cô Sáu tào thưng với quan niệm: “Viết cho đại chúng đọc, từ cách hành văn đến chữ dùng phải cho đại chúng có thể hiểu”. Đành rằng dễ hiểu như: “Hôm qua tôi gánh gánh chè/ Mỏi chơn dưng bước trên lề bồn binh/ Thấy ông biện, tôi hoảng kinh/ Đã toan mau lẹ, lánh mình đi xa/ Nhưng ông cũng cứ không tha/ Tay thoi chơn đá tuổi già kể chi/ Nồi chè đổ, vốn còn gì?/ Gượng đi, mình nặng như chì trên vai”. Nhưng tới đây, Dương Tử Giang lập tức đề cập đến chuyện thời cuộc như một cách tuyên truyền chính trị: “Bên Tây nội các đổ hoài/ Bên này… chè cháo đổ ngoài bồn binh”.

Có thể nói, Dương Tử Giang vẫn là một trong những cây bút quyết liệt nhất trong giai đoạn này, vì lẽ đó, vào thập niên 50 của thế kỷ XX, trong chiến dịch bắt bớ người kháng chiến cũ của chính quyền Ngô Đình Diệm, hàng loạt văn nghệ sĩ như Dương Tử Giang, Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm, Tô Nguyệt Đình… đã bị bắt giam tại bót Catina, sau chuyển về trại giam Tân Hiệp (Biên Hòa). Trong tù, ngoài tù, không ít người nơm nớp lo sợ, dao động, nhụt chí, muốn đầu hàng, thỏa hiệp… Dương Tử Giang đã tung ra bài thơ như lời tuyên bố đanh thép:

Tàn bạo nào ngăn được bất bình,

Một dòng máu đỏ, một niềm tin.

Khảo tra không nhụt lòng gang thép,

Lừa mị đâu mềm dạ sắt đinh.

Máu lệ dẫu chan hòa ngục thất,

Tâm hồn vẫn rực lửa bình minh.

Con đường tranh đấu con đường sống,

Mãi mãi bên nhau vẹn nghĩa tình.

Chiều nhá nhem ngày 2.12.1956, các tù nhân chính trị đã phá cửa ngục trốn thoát, Dương Tử Giang bị bắn chết. Một cái chết bi thương hùng tráng của một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã viết bằng máu của mình: “Một dòng máu đỏ, một niềm tin”.

Khi đề cập đến hoạt động văn nghệ của nhà văn - liệt sĩ Dương Tử Giang, tức cũng là dịp chúng ta quay trở lại với ý thức đấu tranh thống nhất của trí thức Sài Gòn và Nam Bộ nói chung. Từ năm 1946, khi thực dân Pháp dựng nên quái thai Nam Kỳ quốc, chính Dương Tử Giang đã vạch mặt nguời đứng đầu chính phủ bù nhìn: “Giỏi nghề mần quan/ Rành nghề bắt mạch/ Lê gót từ thành thị tới thôn quê/ Thân chủ là Tây, ta, Chà, Khách/ Khi Nhật tới ôm ngay chân Nhật/ Thỏa nguyện rồi mặc sức nghênh ngang/ Khi Tây về lại liếm gót Tây/ Trên sân khấu chân tay đều múa”. Với vũ khí sắc bén là ngòi bút, ngay từ thời đó, các văn nghệ sĩ như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Ái Lan, Phi Vân, Sơn Khanh, Hoàng Mai v.v… đã chống lại quyết liệt chính sách chia để trị của thực dân Pháp bất chấp bị đàn áp, tù đày. Rất tiếc cho đến nay, dòng văn học yêu nước và kháng chiến giai đoạn này tại Sài Gòn chỉ mới dừng lại ở hai công trình của nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm: Văn chương tranh đấu miền Nam, Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950.

Thiếu sót này, há không phải là trách nhiệm của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học hiện nay đấy sao?

ANH LƯU

(nguồn: Báo Người lao động - số đặc biệt 30.4.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com