BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Mặt hay miệng?

LÊ MINH QUỐC: Mặt hay miệng?

mienghaymieng-1R

L.T.S: Từ gợi mở của tác giả, mời các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm văn học - ngôn ngữ tham gia tranh luận

Trong “Truyện Kiều” có không ít câu được công bố với nhiều dị bản. Xưa nay, các nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu văn bản, nhà Kiều học, kể cả những người yêu thơ cũng đã từng có nhiều cuộc tranh luận “bất phân thắng bại”. Chẳng hạn, câu 449-450: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai (miệng/mặt) một lời song song”.

Xin được hỏi, “miệng” hay “mặt” đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Du sử dụng trong ngữ cảnh này?

Tại miền Nam, “Kim Vân Kiều truyện” của Trương Vĩnh Ký là văn bản chữ Quốc ngữ đầu tiên in năm 1875, chọn từ “mặt”. Bản in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc năm 1897 là “Kim Vân Kiều tân truyện”, không rõ cụ giáo học E. Nordemann chọn từ nào vì không có tư liệu. Bản truyện “Thúy Kiều” in năm 1925 rất phổ biến tại miền Bắc của cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim chọn từ “miệng”. Ngoài ra, theo tài liệu của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, chọn từ “mặt” có các bản Kiều: Duy Minh Thị (1872), Lâm Nọa Phu (1870), Abel des Michels (1884)…; chọn từ “miệng”, có các bản Kiều: Liễu Văn Đường (1871), Thịnh Mỹ Đường (1879), Quan Văn Đường (1879)...

Thoáng đọc qua, thú thật, ban đầu tôi nhìn nhận cả hai từ trên đều... hợp lý. Nhưng rồi, ngẫm đi ngẫm lại, xin đưa ra vài nhận xét:

Về cấu trúc của câu thơ 450, “hai miệng một lời” là tiểu đối. Thứ nhất, “hai/một”, “miệng/lời”, miệng thốt ra lời, đối nhau sát sàn sạt, không chê vào đâu được. Cụ Nguyễn Du đã sử dụng phép tiểu đối này trong nhiều câu thơ Kiều, do đó, ý kiến này không phải là sự suy diễn. Thứ hai, không phải ngẫu nhiên trong lời ăn tiếng nói của người Việt có những câu như “nuốt lời”, “ăn lời” là nhằm chỉ sự lật lọng, tráo trở không giữ lời đã hứa. “Nói lời rồi lại ăn lời được ngay” là lời Kiều mắng vào mặt Sở Khanh. Nếu là “mặt” thì làm sao thể hiện được những động thái vừa nêu trên?

Nếu 1 trong 2 người bất tín, người này không chỉ chê trách những lời từ cái miệng người kia từng thốt ra mà mắng luôn ngay vào cái mặt mẹt đó. Chẳng hạn, lúc Sở Khanh giở thói mặt mo, Thúy Kiều mắng ngay: “Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?”. Cái mặt đó không chơi được, là mắng luôn cả nhân cách, tính cách của người đó chứ không riêng gì cái lời hứa đã từng thốt ra từ cái miệng đó.

Trong tiếng Việt có thành ngữ: “Ba mặt một lời”, ta hiểu giữa đôi bên lúc hứa hẹn, bàn thảo, cam kết điều gì cần có thêm người khác làm chứng. Hoặc cũng có thể lúc hứa hẹn chỉ có riêng 2 người nhưng về sau, người này lật lọng thì cần thêm người thứ ba để xác tín lại. Mà trong câu thơ trên, lúc Kim Trọng và Thúy Kiều thề thốt, đâu có xuất hiện cái mặt/nhân vật thứ ba?

Biết đâu, có người phản biện: “Ơ hay, trong câu thơ trên vẫn có thêm một mặt nữa đấy chứ?”. Nghe lạ tai quá, bèn hỏi: “Mặt nào vậy?”. Câu trả lời như sau: “Vầng trăng vằng vặt giữa trời”, chính mặt trăng là “nhân chứng” thứ ba đấy thôi. Lâu nay, khi miêu tả lúc tình nhân hẹn hò nhau, các nhà văn thường “gài” ông trăng vào như là nhân vật thứ ba đã biết tỏng câu chuyện bí mật của hai người. Về sau, chớ có mà lật lọng đấy nhá! Nhà văn Tô Hoài có truyện ngắn “Ông giăng không biết nói” là một thí dụ. Nghe thế có hợp lý không?

Thiết nghĩ, lúc đã thân tình, đã dành tình cảm cho nhau, đã “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, ắt nhắm mắt cũng có thể tưởng tượng ra gương mặt của người đối diện. Cái mặt ấy không còn xa lạ. Điều đáng quan tâm nhất của người này là trong lòng người kia đang nghĩ cái gì? “Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?”. Do đó, họ chăm chú lắng nghe những lời gì đã thốt ra từ cái miệng, chứ không phải chú trọng đến cái mặt. Câu thơ “đinh ninh hai miệng” là nói lên cái ý đó.

Hiểu về một câu thơ Kiều, luôn có nhiều ý kiến khác nhau. Đôi khi chỉ một từ nhưng ngữ nghĩa nó đã khác xa. Với suy nghĩ thô lậu nêu trên, tôi quyết chọn: “Vầng trăng vằng vặt giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”, dám xin các bậc cao minh chỉ giáo thêm. Đa tạ!


L.M.Q

(nguồn: Báo Người Lao Động số chủ nhật 20.3.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com