THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lá non xanh như suối chảy trên trời

LÊ MINH QUỐC: Lá non xanh như suối chảy trên trời

chao-buoi-sang-TN-2020

Hẳn nhiều người dẫu ở độ tuổi nào cũng không thể quên được bóng cây xanh tại sân trường từ thời đi học. Không chỉ rợp mát từ năm tháng ấy, nó còn là nơi neo giữ tình cảm của cô cậu học trò thuở ban đầu khai tâm, mở trí. Tôi tin nhiều người vẫn còn nhớ đến cây phượng, cây bàng...

Với phượng, hễ vào dịp hè là bông hoa đỏ rực như lửa thắp sáng nền trời. Đứng lại, ngước mắt lên ngắm nhìn rồi lắng nghe dàn hợp xướng của tiếng ve, thử hỏi lòng ai lại không xao xuyến một cách yên lành? Dưới những gốc cây ấy, bao nhiêu cô cậu học trò đã ngồi ôn bài, đã cầm tay đi dạo trong giờ ra chơi? Và tất nhiên, họ cũng đã có cảm giác như Xuân Diệu đã nhìn thấy: “Lá non xanh như suối chảy trên trời”… Đôi lúc chỉ cần có thế, nhìn thấy thế đã lấy làm vui, đã thấy thêm yêu mái trường, thầy cô, bè bạn...
 

Chính vì thế, không một phụ huynh nào lại tưởng tượng cây xanh ấy lại có lúc bị đốn đi, chặt bỏ không thương tiếc. Vậy mà điều khủng khiếp đó đã xảy ra, và có nguy cơ không khéo dấy lên thành “phong trào” nữa đấy. Chỉ nghĩ đến đó, ai lại không đau buốt, chua xót trong lòng?

Sự việc này bắt đầu từ cái chết thương tâm của một cậu học trò, từ cây phượng bị trốc gốc. Ai cũng thương xót. Như mọi lần phải chấn chỉnh, nhiều trường đã chọn lấy cách “rút kinh nghiệm” rất đỗi lạ lùng là “tiêu diệt gọn”.Một sân trường không còn bóng cây xanh, tưởng rằng như thế tai nạn sẽ không xảy ra, là an toàn tuyệt đối, vậy phương án này tối ưu quá chứ gì? Vâng, đúng lắm. Nhưng rồi từ đây, các loại hình nghệ thuật thi ca, nhạc, họa... đã lấy cảm hứng từ mái trường bỗng nhiên trở thành cổ tích, thậm chí lỗi thời, ngớ ngẩn nữa là khác.

Sức mấy, các ông nhạc sĩ còn dám viết giai điệu có hình ảnh thân thương như thế hệ trước đã từng thuộc nằm lòng: “Trường em lợp ngói đỏ/Bên hàng cây xanh xanh/Ngày ngày nghe chim hót/Khúc ca yêu hòa bình”. Lũ chim non ấy, bây giờ xin mời “đi chỗ khác chơi”. Tình yêu thiên nhiên đến từ cây xanh trong sân trường một khi đã không còn, tự dưng ta thấy tội nghiệp cho các cô cậu học trò hiện nay quá đi thôi.

Thưa các nhà sư phạm, vẫn biết các thầy các cô yêu thương học trò, luôn mong muốn làm những gì tốt nhất để các em cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; vì thế nơi ấy phải an toàn, ít ra không còn cảnh cây trốc gốc khiến thiệt hại sinh mạng học trò, do đó mới chọn phương án “tiêu diệt gọn”. Hỡi ôi, sự biện minh này đã khiến dư luận phản ứng ầm ầm, vậy có nên lắng nghe và chấn chỉnh? Nên quá đi chứ. Vì rằng, không phải bất kỳ trường nào cũng chọn theo phép ứng xử thô bạo và kém văn hóa với thiên nhiên một cách nghiệt ngã đến thế. Giữ lại cây xanh bằng biện pháp thích hợp, hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện mà vẫn an toàn cho học trò.

Nói một cách sòng phẳng và rốt ráo, một khi cây phượng hoặc bất kỳ cây xanh nào bị trốc gốc, gãy đổ trong sân trường gây chết người thì lỗi không phải tại nó. Trách nhiệm ấy thuộc về nhà trường. Một trách nhiệm khi xảy ra sự cố, không thể chỉ bằng nói lời xin lỗi là nhẹ lòng mà nó còn ám ảnh cả một đời. Nhưng không vì thế mà trốn tránh trách nhiệm bằng cách “tiêu diệt gọn” cây xanh.

Xin cùng gióng một hồi chuông.

Có ai lắng nghe không?

Tôi tin là có.

L.M.Q

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 7.6.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com