THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hương gây mùi nhớ

LÊ MINH QUỐC: Hương gây mùi nhớ

phunu-huong-gay-mui-nho-1-R

Dám quả quyết rằng, trong 2.354 câu thơ kiệt tác của Truyện Kiều, nếu chọn lấy sự ám ảnh tuyệt vời nhất từ Kiều, khiến các đấng mày râu mê mệt, mê đắm, dù đã từng gần gũi, dù đã xa cách, dù thế nào đi nữa nhưng đã một lần đến với nàng đều không thể quên, vẫn ám ảnh không nguôi, chỉ gói gọn trong bốn từ “hương gây mùi nhớ”.

Này, mùi hương có gì lại tạo ra sức hút ghê gớm đến thế, khiến bao người đã va vào chẳng khác gì “ăn phải bùa mê thuốc lú”?

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, lúc cái hình thể nõn nà, nõn nường ấy phơi trước mắt Thúc Sinh thì Kiều đã chuẩn bị ra làm sao? “Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa”. Theo cụ Đào Duy Anh: “Thang lan: Nước nóng nấu có bỏ lá lan, tức lá sả cho thơm”. Trong khi đó, cụ Lê Văn Hòe cho răng: “tắm thang lan cũng như ta tắm nước lá mùi hay nươc lá bưởi. Theo cụ Bùi Khánh Diễn, trong Sở từ có câu: “Dục lan thang hề mộc phương hoa” tức là “gội nước hoa lan, vậy tắm nước hoa thơm”.

Rõ ràng, cách giải thích có khác nhau nhưng “bản chất” của sự việc vẫn là một. Ta hiểu, lúc tắm người phụ nữ cần có cho thêm “phụ gia” vào trong nước để da dẽ thơm tho.

Ngày xưa, phải dùng đến cây nhà lá vườn; nay, hoàn toàn đã khác. Để tạo nên mùi hương đã có trăm ngàn nhãn hiệu mỹ phẩm khác nhau, tha hồ lựa chọn, nói cách khác là người phụ nữ được “trang bị tận răng”. Và đó chính là một trong những thứ vũ khí “chết người” khiến đàn ông đàn ang mê mẩn tâm thần, chỉ cần “tưởng nhớ mùi hương” đã xao xuyến tâm can.

Khi tôi hỏi về điều này, hầu hết cánh mày râu đều gật đầu đồng tình. Anh bạn tôi lâu nay được khen vì hoàn toàn không thèm léng phéng đến “phở” cũng vì “hương gây mùi nhớ” từ “cơm nhà”. Mùi hương ấy có gì đặc biệt? Khó có thể trả lời một cách chu toàn, mà cũng không thể kết luận bởi còn tùy theo sở thích của mỗi người.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người thường ca cẫm: “Bướm vườn động đến thì bay/ Bướm nhà  sờ đến lăn quay ra giường”. Đã trong tình thế hoàn toàn thuận lợi, mời mọc, khiêu khích ấy nhưng rồi tại sao họ vẫn… ngó lơ? Do nhiều lý do, nhưng chắc chắn cũng do họ không còn tìm thấy mùi hương hấp dẫn nữa. Rằng, có anh chàng nọ đẹp trai ngời ngời, hanh thông đường đời, có vai có vế nhưng lại “cặp” với cô nàng chẳng địa vị danh giá, lại Thị Nở, không hề xứng đôi vừa lứa khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Anh ta mới kề tai tôi nói khẽ: “Thơm lắm”. Nói bộc toẹt ra là bởi cô ấy, sở hữu một thứ khiến anh ta chết mê chết mệt: mùi hương của da thịt.

“Chàng về để áo lại đây/ Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng”. Tâm thức này dành chung cho cả âm lẫn dương, nam cả nữ. Không có gì khác. Đó mới “đỉnh” của sự mê đắm. Nếu chỉ mới dừng lại ở chỗ “Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi”. Chỉ mới là nỗi nhớ quen thuộc, thông thường. Nếu thế, cứ mở ảnh ra xem. Còn nhớ đến mùi hương là nhớ đến sự mơ hồ đang lẫn khuất đâu đó từ trong tiềm thức, sâu trong ký ức.

Đã nói thì nói luôn thể, có những vị trông rất “men”, hầm hố nhưng rồi lúc vợ/ người tình đi vắng dăm ngày, nửa tháng lại… nằm khóc hu hu! Trông rất tội nghiệp. Khóc chán chê rồi lại tìm đến những vật dụng của nàng để “tưởng nhớ mùi hương”. Như một cách nhằm thỏa mãn cơn nghiện.

Ấy thế, khổ nỗi nhiều người lại không nghĩ thế. Cứ quan niệm rằng: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Đã “quen hơi” đến độ dăm ba mặc con rồi thì việc gì ngày nào cũng ‘màu mè hoa lá cành” những hương với hoa mệt cả người?

Vì lẽ đó, sau một chầu nhậu cực kỳ oanh liệt, hoàng tráng, có không ít người không thêm ý tứ gì vẫn cứ ào ào “xông trận” quyết đánh chiếm “mục tiêu cuối cùng” cho bằng được. Lúc đó mùi bia rượu, mùi hèm chua nồng nặc, mùi thuốc lá, mùi mồ hôi mồ kê trộn lẫn vào nhau khiến “đối phương” nghẹt thở. Vậy, kết quả ra làm sao? Thưa rằng, không ít vị đã nhận được một cú đạp thẳng khiến ngã lăn sóng soài dưới nền nhà! Đáng đời chưa?

Không chỉ là chất xúc tác làm thăng hoa cảm xúc của lúc gần gũi, mùi hương của nhau còn là “tâm điểm” của gợi nhớ lúc xa cách. Tôi nhớ đến một câu văn của Thạch Lam: “Rồi chàng bước ra đi nửa buồn mà lại nửa vui. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”.


L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 2.7.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com