“Tung bay tà áo tung bay…/ Áo bay trên đường như mây xuống phố/ Áo tung sân trường tựa - cánh chim câu/ Đẹp xiết bao... quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu”. Phải công nhận, giọng ca nàng quá tuyệt. Trong veo, cao vút, chàng gật gù thầm khen. Vừa mở tủ tìm kiếm quần áo một cách say sưa, nàng lại vang ngân lảnh lót. Đột nhiên, nàng ngưng bật rồi hỏi chồng: “Chiếc áo dài của bà ngoại, đâu rồi anh?”.
Chà, gay go rồi.
Chiếc áo dài ấy, hôm nọ cô em gái thích quá, chàng đã cho béng mà không hỏi qua vợ một câu. Biết làm sao đây? Phen này, không khéo nàng bí rị mặt mày, cằn nhằn, cau có, gấu ó lằng nhằng thì mệt lắm đây. Im lặng trong giây lát, chàng đánh trống lảng: “Khỏi cần tìm nữa cưng à. Tưởng bấy lâu sành điệu ăn mặc, không ngờ “củ chuối” ghê”. Nàng ngạc nhiên: “Ơ kìa, em muốn lấy kiểu may y chang chiếc áo của bà ngoại, kìa mà?”. Chàng vẫn tỉnh bơ: “Đành rằng là thế. Mặc áo dài thời bà ngoại là đẹp, là nền nã, là tạo nên vóc thon thả v.v… và v.v… nhưng đó là áo dài Le Mur”.
Nàng ngắc ngứ: “Áo dài Le Mur? Lạ tai ghê. Cưng giải thích giùm em đi”. Bấy giờ, chàng mới câng mặt lên: “Từ những năm 1920, ở Hà Nội có phong trào mặc áo dài tân thời, cách tân từ áo dài năm thân nhưng may chật hơn, vạt được cắt ngắn hơn. Sau đó, ông họa sĩ Le Mur tung ra kiểu áo dài do mình sáng tạo. Về chất liệu vải, họa tiết, hoa văn được thay đổi cho phù hợp với vóc dáng, màu da, thời tiết trong năm…”.
Hốc há mồm miệng ra nghe, nàng gật gù: “Vậy há, quý bà, quý cô có khoái không?”.
Chàng cười: “Ban đầu thì chưa, bởi còn mới mẻ quá, dù ông họa sĩ này có mở hiệu may tại phố Hàng Da. Dần dà có người mặc thử nghiệm và lập tức được nhiều người khen đẹp. Do đó, thiên hạ hưởng ứng rầm trời. Bằng chứng là cả 36 phố phường thời ấy có câu vần vè dễ nhớ: “Áo dài Le Mur/ Đi giày cao gót/ Xách bót tơ phơi/ Che dù cánh dơi”. Mô đen là phải ăn mặc như thế. Rõ chưa?”. Nàng tâm phục khẩu phục: “Dạ”. Thanh âm ấy, ngọt ngào quá đỗi nhưng nàng vẫn hỏi thòng câu nữa: “Áo dài Le Mur có gì đặc sắc hả cưng?”.
Khó có thể trả lời qua loa, chàng bèn lật lại tài liệu và giải thích, đại khái, không nối tay áo ở đoạn giữa vai và khủy tay - nhằm khắc phục vải hay bị nhăn mà tra tay áo vào vai áo; đoạn nối này làm theo kiểu vai bồng. Phần cổ áo thì ối dào, có cổ bánh bẻ, cổ viền…; phần tay áo, lại có kiểu quả tim, kiểu đuôi tôm… Nhìn chung sự cách tân gần như dựa vào phong cách trang phục Âu Tây - tức tạo ra một kiểu áo dài mà người mặc có nhiều lựa chọn.
Nàng lắng tai nghe một cách say mê, thích thú rồi khen: “Không ngờ chàng của em giỏi quá đi mất”. Người chồng khiêm tốn một cách kiêu hãnh: “Khen bằng thừa. Ai khen phò mã tốt áo bao giờ? À, cưng có nhớ cô bé đi chùa Hương trong thơ Nguyên Nhược Pháp không? Lúc ấy, cô bé mặc áo dài đấy”. Nói xong, chàng ngâm luôn: “Làn gió thổi hây hây/ Em nghe tà áo bay/ Em tìm hơi chàng thở/ Chàng ôi chàng có hay?”. Em thấy chưa? Sự lay động uyển chuyển của hai tà áo dài, khiến ta cảm tưởng như tự thân nó đã có… gió. Nhìn các cô đi từ xa, ta thấy các vạt áo ấy lung linh sắc màu, chập chờn, lay động như từng cánh bướm rực rỡ. Rồi các cô đi xa hơn, với những cánh tay đong đưa ấy, em có thể tưởng tượng ra làm sao?”.
Phen này, nàng xuôi xị: “Thì anh nói luôn đi. Mặc áo dài là cho người khác ngắm nhìn, chẳng lẽ, giới nữ bọn em tự “ca” sao?”. Nghe có lý quá đi mất, chàng cười: “Thì đây, ông nhà thơ Hoàng Trúc Ly, đứng nhìn lúc nữ sinh lúc tan trường đã thốt lên: “Ô hay, con gái bay nhiều quá/ Hai cánh tay mềm như cánh chim”. Góc nhìn này, ngay cả người ngoại quốc cũng cảm nhận về ma lực quyến rũ của áo dài nữa đấy”.
Nàng sung sướng hỏi tiếp: “Họ có bình luận gì không?”. “Có chứ. Nhiều. Nhiều lắm. Nhưng anh vẫn thích nhất lời bình này”. Nàng hỏi tới tấp: “Lời bình nào? Nói đi anh?”. Chàng chậm rãi: “Chỉ mấy từ biểu lộ sự thán phục: “Chời ơi! Áo dzài”. Ngắn gọn mà đầy đủ”. Nàng gật gù đồng tình: “Anh nói phải lắm. Nhưng vừa rồi, anh nói về áo dài thời Le Mur. Vậy, nay có gì khác?”.
Tưởng gì, câu hỏi này trả lời dễ ẹc: “Người thông minh phải biết đặt câu hỏi thông minh. Cưng của anh thông minh lắm. Thế này nhé. Nói tắt một lời, trải qua nhiều năm tháng, chiếc áo dài đã có nhiều sự cách tân khác nhau - từ cổ áo, tay áo, vạt áo, thử nghiệm trên nhiều chất liệu vải…; nhất là họa tiết trên hai vạt áo. Mọi cách tân đã cho thấy sự thiên biến vạn hóa và cũng là “quyền lực” của chiếc áo dài. Không đóng khung cố định, có thể thay đổi tùy thời, tùy lúc miễn sao khi mặc nữ giới cảm thấy thỏa mái, hài lòng. Và điều quan trọng là tùy theo màu sắc, chất liệu mà chiếc áo dài ấy “có mặt trên từng cây số”. Dù lúc hội nghị, tiệc tùng, dạo phố, trình diễn v.v… thì mặc chiếc áo cũng đều phù hợp, không lỗi thời”.
Nàng gật gù: “Cưng nói đúng ý của em ghê. Nhưng mà…”. Đột nhiên, nàng ngắt câu, không nói nữa, chàng thầm lo nàng sẽ hỏi chiếc áo dài của bà ngoại. Lo lắm. Biết tìm đâu đưa ra cho nàng? May quá, nàng tiếp lời: “Cưng vừa nói trong vạt áo dài có… gió. Vậy, có nhà thơ nào diễn tả không?”. Nghe nhẹ cả người, chàng uốn lưỡi du dương: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay?”. Nàng reo lên: “Tuyệt quá”. Chàng mỉm cười: “Thơ của ông Nguyên Sa đấy. Áo dài mỗi thời mỗi khác. Thời nào cũng đẹp. Sáng nay, anh dẫn em đi may chiếc áo dài mới, em hồ lựa chọn kiểu mẫu cho phù hợp với vóc dáng của em. Được chưa?”.
Câu nói ấy đáng yêu quá đi mất, nịnh vợ như thế là nhất rồi. Đố bắt bẽ nổi. Nào ngờ, nàng nghiêm mặt: “Cưng nói thế là sao? Ngầm chê vóc dáng của em béo phì, ục ịch chứ gì?”. Chàng vội vàng cải chính: “Ngốc ạ. Thon thả lắm. Mà thế nào đi nữa, tự thân chiếc áo dài có thể “hóa giải” mọi vóc dáng của người phụ nữ. Đó mới là “quyền lực” số một của chiếc áo dài Việt Nam”.
Nghe câu nói chắc như đinh đóng cột. Nàng cười toe. Chàng cũng cười theo bởi người đàn ông nào không sung sướng khi nhìn thấy vợ cười?
L.M.Q
(nguồn: Báo Thanh Niên tuần san 4.8.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|