Mục lục |
---|
Lê Minh Quốc: DANH NHÂN QUÂN SỰ VIỆT NAM |
Mục lục |
Tất cả các trang |
Lời nói đầu
Nhìn lại 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã chiến thắng oanh liệt. Trong Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Có được quyền tự do và độc lập ấy, dân tộc ta, từ buổi đầu dựng nước đến nay đã đổ biết bao xương máu… Những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, bao giờ cũng được các thế hệ sau ngưỡng mộ và ghi nhớ công ơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở rằng: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử nước ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.
Trong chiều hướng ấy, nhà thơ Lê Minh Quốc cố gắng thực hiện tập sách Danh nhân quân sự Việt Nam - với mục đích ôn lại những trang sử chiến đấu oanh liệt đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta. Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn của một tập sách mỏng, bước đầu chỉ mới giới thiệu hai mươi nhân vật tiêu biểu.
Đó là danh tướng Ngô Quyền - người chỉ huy tài ba đã chôn vùi quân Nam Hán năm 939 trên dòng sông Bạch Đằng với chiến thuật đóng cọc dưới lòng sông và đã chiến thắng vẻ vang giặc ngoại xâm phương Bắc chấm dứt 1.000 năm đen tối của thời kỳ Bắc thuộc. Tiếp theo là anh hùng Đinh Bộ Lĩnh - người có công dẹp loạn 12 sứ quân để thống nhất đất nước (968). Là Lê Hoàn - người đã chỉ huy cuộc kháng chiến đánh tan đại quân Tống (981). Là Lý Thường Kiệt với lối đánh chủ động tấn công, đánh phủ đầu để phá tan âm mưu bành trướng của giặc Tống. Là danh tướng Trần Hưng Đạo ba lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại giặc Nguyên Mông đã từng sải vó ngựa suốt từ châu Âu sang châu Á mà không ai dám đối địch. Là danh tướng Lê Lợi đã đánh giặc Minh từ lúc binh lực còn non yếu đến lúc tập hợp được lực lượng lớn mạnh, đánh từ vùng rừng núi Lam Sơn hiểm trở đến vùng đồng bằng rộng rãi, đã đánh từ nhỏ đến lớn, dùng kế lâu dài từ quân sự đến ngoại giao để giành lại từng tấc đất của Tổ quốc. Là danh tướng Nguyễn Huệ với chiến thuật thần tốc, tiến nhanh, đánh mạnh, dùng đòn bất ngờ áp đảo lực lượng hùng hậu của giặc Xiêm, Thanh để chiến thắng oanh liệt.
Công cuộc đánh giặc cứu nước là trách nhiệm của toàn dân, bất kể trẻ già trai gái thuộc vùng miền nào. Trong thời kỳ thực dân Pháp mới xâm lược nước ta, nhìn về lực lượng kháng chiến trong Nam tập sách này đề cập đến những anh hùng như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực đã dựng cờ nghĩa, chiêu mộ nhân dân đánh giặc đến hơi thở cuối cùng… Những trận đánh dưới quyền chỉ huy của các danh tướng này đã làm vẻ vang trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong giai đoạn Cần Vương, tập sách viết về công trạng của chiến tướng Tôn Thất Thuyết - người đứng đầu phe chủ chiến, đã châm ngòi nổ cho trận đánh vang dội tấn công vào Đồn Mang cá, Tòa Khâm sứ Pháp trong đêm 4.7.1885. Sau khi kinh thành Huế thất thủ, ông đã đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở lập chiến khu chiến đấu lâu dài. Bắt đầu từ giây phút này, lịch sử nước nhà đã chính thức mở ra giai đoạn Cần vương hào hùng, nhân sĩ hào kiệt từ Nam chí Bắc đã đồng lòng đứng lên đánh giặc xâm lược theo lời kêu gọi từ Chiếu Cần Vương.
Nhìn về phía lực lượng kháng chiến ở ngoài Bắc giai đoạn này, tập sách đề cập đến công nghiệp của anh hùng Đinh Công Tráng, người đã cùng các ông Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Trần Xuân Soạn… dựng nên chiến khu Ba Đình (Thanh Hóa). Kế tiếp là những nhân vật lẫy lừng khác như Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, là một trong những người đầu tiên hưởng ứng Hịch Cần Vương năm 1885 và lập nên chiến khu Bãi Sậy. Vai trò của cụ Tán Thuật khiến ta nhớ đến anh hùng Phan Đình Phùng, trong thời điểm này cũng là người có công thống nhất các lực lượng kháng chiến ở Nghệ Tĩnh. Cụ Đình nguyên Phan Đình Phùng, người đã bền gan chống Pháp ròng rã suốt mười năm trời ở chiến khu Vụ Quang, Ngàn Trươi (Hà Tĩnh). Hoặc Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, người có công lớn thống nhất lực lượng kháng chiến Cần Vương ở ba tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định. Chỉ riêng việc ông thành lập Tân tỉnh - một tỉnh lỵ mới đối mặt với La Qua của ngụy triều, tạo nên một căn cứ địa hùng mạnh- mà theo nhận định của Công sứ Huế J. Baille là “gần như một quốc gia” thì cũng chứng tỏ bản lĩnh của một danh tướng!
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng tôi chọn giới thiệu trước Đại tướng nổi tiếng của nước ta là danh tướng Võ Nguyên Giáp. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều danh nhân quân sự khác rất xứng đáng cho thế hệ sau học tập, nhưng do khuôn khổ có hạn của tập sách mỏng, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong các tập sau.
Nhân đây chúng tôi xin được nhắc lại, bộ sách KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc thực hiện đã phát hành các tập: Danh nhân quân sự Việt Nam, Danh nhân khoa học Việt Nam, Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Danh nhân Sư phạm Việt Nam, Danh nhân văn hóa Việt Nam, Nam, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Những nhà cải cách Việt Nam, Danh nhân cách mạng Việt Nam, Những người Việt Nam đi tiên phong, Những nhà chính trị Việt Nam và sẽ còn phát hành các tập tiếp theo, mời các bạn tìm đọc. Để bộ sách thật sự hữu ích cho bạn đọc - nhất là các bạn thanh thiếu niên- chúng tôi rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các học giả uyên bác, của các nhà sử học và của các bạn đọc xa gần để tập sách ngày một hoàn hảo hơn. Trước hết xin bạn đọc ghi nhận ở đây sự biết ơn sâu xa của chúng tôi.
NXB TRẺ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|