LÊ MINH QUỐC: Vài cảm nghĩ nhân đọc ÁNH VIÊN - TỪ ZERO ĐẾN HERO

 

Q-gui-A-BIA-SACH-ANH-VIENRR

 

tap-sach-anh-vien-zero-den-he-ro-1R

 

Vài cảm nghĩ nhân đọc Ánh Viên - From zero to hero

LÊ MINH QUỐC

Vào sáng ngày 12.8.2018, kình ngư Ánh Viên cùng huấn luyện viên Anh Tuấn sẽ xuất hiện giao lưu cùng người hâm mộ tại Đường Sách TP.HCM. Nhắc đến Ánh Viên, lập tức công chúng nhớ đến kỳ tích: đoạt 8 huy chương Vàng cá nhân cùng 8 lần phá kỷ lục SEA Games chỉ trong một kỳ đại hội năm 2015, vượt qua nữ hoàng bơi lội Singapore - Joscelyn Yeo năm 1993. Báo chí, dư luận trong và nước đồng tình nhận định Ánh Viên là “Vận động viên giá trị nhất của đoàn thể thao Việt Nam”; tặng các danh hiệu như “Cô gái thép”, “Nữ hoàng bơi lội mới của Đông Nam Á”.

Điều gì làm nên thành công của Ánh Viên?

Hai nhà báo từng viết lâu năm trong lãnh vực thể thao là Đặng Hoàng - Đinh Hiệp đã dành nhiều công sức đi tìm câu trả lời. Và hai anh đã kể lại trong tập sách Ánh Viên - From zero to hero (NXB Lao Động).

Một khi viết ca ngợi vinh quang của một con người, điều này không khó bởi các mỹ từ tha hồ hoan ca, nhảy múa. Ở tập sách này, tác giả lại  nhấn mạnh đến tình tiết vượt qua thất bại như muốn tìm đến “chìa khóa” của sự thành công. Tại SEA Games 2017 do áp lực tâm lý, Ánh Viên đã thất bại ngay ở cuộc thi chung kết đầu tiên 200 mét. Huấn luyện viên Anh Tuấn kể lại, khoảng khắc ấy: “Ngay bây giờ, 5 phút duy nhất để cứu lấy tất cả hoặc mất tất cả”.

Mẩu đối thoại của thầy trò họ như sau: “Con có phải là Nguyễn Thị Ánh Viên không?”; “Con không phải là con”; “Đúng! Chính vì không phải Nguyễn Thị Ánh Viên nên con thất bại”; “Nhưng con bơi không được, không có cảm giác nước”; “Con bơi mà trong đầu con luôn suy nghĩ mình có bơi được không? Mình bơi nhanh không? Chắc mình không đủ sức bơi? Chắc đối thủ mạnh hơn mình, thì con làm gì còn sức, còn năng lượng đâu để mà bơi?”; “Sao thầy biết con suy nghĩ như thế? Đúng là con suy nghĩ như vậy từ tối đến giờ”; “Từ hôm qua, thầy đã nhìn là thầy biết và thầy đã nói con cần sự thỏa mái và tự tin, con phải là Nguyễn Thị Ánh Viên thì con sẽ chiến thắng”.

Đọc qua, tôi có cảm giác như đã đọc đâu đó một “công án thiền”. Hãy tự giải phóng bản thân để trở lại, để được mình là chính mình. Quả nhiên, sau trao đổi vỏn vẹn 5 phút, Ánh Viên đã phá kỷ lục SEA Games cự ly 100 mét. Mà ở đời, nhất là môn thể thao, không dễ thành công nếu có cả một quá trình tập luyện trước đó. Môi trường luyện tập của Ánh Viên là từ thuở lên 5 đã được ông nội dạy bơi ở con lạch trước nhà tại ấp Ba Cao (Cần Thơ). Rồi sau đó, qua nhiều kỳ huấn luyện nghiêm ngặt, Ánh Viên đã thành công như ta đã biết.

Michael Delaney - vận động viên người Úc từng giành huy chương OlympicLos Angeles năm 1984, cho rằng: “Bơi lội là môn thể thao cô độc kinh khủng, phần nhiều thời gian bạn dùng để đếm những ô gạch dán dưới hồi bơi, bạn không thể giao tiếp với những người đồng nghiệp của mình như ở các môn thể thao khác”. Thế thì, Ánh Viên đã vượt qua cảm giác ấy thể nào?

Chọn lấy cách đẩy vào trang viết thật nhiều chi tiết, từ các kỹ thuật bơi tự do, bơi ngửa, bơi ếch, bơi bướm… đến chế độ dinh dưỡng, vai trò của huấn luyện viên thông qua Ánh Viên cùng Anh Tuấn, tác giả đã từng bước giải thích câu hỏi trên. Cũng là một cách viết dễ đọc và hấp dẫn.

Sau khi đọc gương phấn đấu của Ánh Viên, có lẽ nhiều người cũng phân vân, suy tư như Đặng Hoàng-Đinh Hiệp: “Ánh Viên còn bao nhiêu năm thi đấu đỉnh cao nữa?”. Và nhất là “Làm sao để xây dựng được sự bền vững trong phát triển môn bơi lội, thành tích không phụ thuộc vào một cá nhân? Làm sao để khi Ánh Viên giải nghệ, đã có một lớp vận động viên kế cận sẵn sàng tỏa sáng? Làm sao biến “kỳ tích Ánh Viên”, thành “cú hích Ánh Viên” trong việc giáo dục thế hệ trẻ?”.

Cách đặt vấn đề hoàn toàn cần thiết, nhưng từ ý tưởng muốn đi đến hiện thực trong nhiều lãnh vực, không riêng gì bộ môn bơi lội là cần phải có sự chung tay của nhiều người, kể cả tinh thần lẫn vật chất. Riêng trường hợp Ánh Viên, hiện nay đã được Công ty Gia Hòa tặng căn hộ trong khu chung cư Trí Thức Trẻ - nơi có hồ bơi mang tên Ánh Viên. Sở dĩ, trong tập sách Ánh Viên - From zero to hero có nhắc đến chi tiết này, bởi “tuổi thọ” của vận động viên ngắn ngủi lắm. Theo dự báo của huấn luyện viên Anh Tuấn, cô sẽ còn ở phong độ cao từ 5 đến 6 năm nữa. Cách tặng trên, nhằm giúp cô toàn tâm, toàn ý cho luyện tập, thi đấu sắp tới.

Sau đó, điều quan trọng cũng như kình ngư Ánh Viên là các tài năng như, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Diệp Phương Trâm, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phạm Thanh Nguyện, Ngô Thị Ngọc Quỳnh v.v… sau khi rời đấu trường, sẽ  tiếp tục sử dụng sở trường ra làm sao nhằm giúp ích cho các bạn trẻ? Có một tín hiệu đáng mừng là khi trao đổi với đồng nghiệp Đặng Hoàng, anh cho biết hiện nay đã có một nhóm doanh nhân, cán bộ quản lý thể dục, thể thao muốn phát huy tinh thần Ánh Viên mà lập dự án xây dựng chương trình bơi lội phổ cập dành cho học sinh mang tên cô.

Nếu được thế, tốt quá. Bởi vì rằng, theo Thống kê của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn trung bình ở nước ta có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên… Trong khi đó vận động viên, huấn luyện viên bơi lội của nước nhà không thiếu.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ  Nữ TP.HCM ngày 10.8.2018)

anh-vien-tu-zero-den-hero

Chia sẻ liên kết này...

Add comment