Tập sách SÀI GÒN ĐẤT VÀ NGƯỜI của NGUYỄN THANH LỢI

 

nguyen-thanh-loi-1

nguyen-thanh-loi-2

Sài Gòn đất và người

PN - Sài Gòn đất và người (NXB Tổng Hợp TP.HCM) là tập sách khảo cứu mới nhất của Nguyễn Thanh Lợi.

Trước đây, anh đã có những tác phẩm được bạn đọc chú ý như Ghe bầu Nam trung bộ và ghe xuồng miền Nam, Cọp trong văn hóa dân gian, Những trầm tích văn hóa, Tín ngưỡng dân gian những góc nhìn, Một góc nhìn về văn hóa biển… Và nay, với Sài Gòn đất và người, một lần những nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi lại đề cập đến những vấn đề về văn hóa, lịch sử của Nam bộ nói chung. Thật vậy, khi khảo sát về Sài Gòn - TP.HCM tất nhiên không thể tách rời khỏi bối cảnh chung của địa lý, hoàn cảnh lịch sử vùng đất phương Nam.

Trong phạm vi nghiên cứu lần này, anh đề cập đến những vấn đề lý thú như Những địa danh bị viết sai ở TP.HCM, Chuyện cọp ở Sài Gòn, Từ chợ Cây Da Còm đến Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Đường thiên lý trên đất Gia Định, Cảng Sài Gòn xưa và nay, Những cánh bay đầu tiên trên đất Sài Gòn, Quách Đàm - người xây chợ Bình Tây, Xe lửa Mỹ Tho v.v…

Hầu như mỗi đề tài, Nguyễn Thanh Lợi đều có những phản biện, phát hiện cực kỳ lý thú. Về những địa danh viết sai, anh đã chỉ ra hàng loạt mà không phải ai cũng biết. Chẳng hạn, An Thít (Ăn Thịt: vùng này ngày xưa nhiều cọp dữ, hay ăn thịt người); Bến Lức (Bến Lứt: người miền Nam không phân biệt phụ âm cuối -c và -t), Cát Lái (Các Lái: các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định); Rạch Chiếc (Rạch Chiết: chiết là thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn hay mọc hai bên mé sông vùng nước lợ, thường ra lá non, mùi chát chát, có thể ăn như rau); Gò Vấp (Gò Vắp: gò có nhiều cây vắp, một loại cây cứng như lim), Hàng Xanh (Hàng Sanh: sanh là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc về cây da, mà lá nhỏ); Rạch Ông (Rạch Ong: mật ong được khai thác nơi này và đem bán vùng bên cạnh, nay còn địa danh Cầu Mật), Dần Xây (Giằng Xây: tên một loại gỗ tạp), Hốc Hươu (Hóc Hươu)/ Hốc Môn (Hóc Môn): Hóc là dòng nước nhỏ; Trao Trảo (Trảo Trảo); Thạnh Đa (Thanh Đa: về sau do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp, nên địa danh Thạnh Đa biến thành Thanh Đa)…

Qua đó, ta “ngộ” ra rằng, những cái “sai” ấy, nay lại trở thành “đúng”, đơn giản chỉ vì nó đã được nhiều thế hệ sử dụng quen thuộc đến mức không thể nói khác đi được từ lời nói đến văn bản hành chánh. Việc làm của Nguyễn Thanh Lợi hữu ích ở chỗ khi chúng ta muốn truy nguyên tên gọi, nhằm giải thích ý nghĩa của nó. Việc làm này hoàn toàn ích lợi, chẳng hạn, làm sao để có thể lý giải một cách thấu đáo nhất, thuyết phục nhất về các địa danh khác như Mỹ Tho, Gò Công, Đồng Tháp Mười, Sóc Trăng v.v… nếu không có ai làm những công việc như trên?

Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu quả quyết, Thủ Đức chính là từ tên gọi của vị tiền hiền có công lập chợ Thủ Đức là Tạ Huy (còn gọi Tạ Minh Dương), thế nhưng Nguyễn Thanh Lợi lại có ý kiến khác. Theo anh: “Trước nay việc lấy tên hiệu để đặt địa danh cho có tiền lệ, chúng ta thường chỉ thấy các nhà Nho lấy địa danh để đặt tên hiệu, chứ chưa có trường hợp nào ngược lại”. Suy nghĩ này có thật sự chính xác? Thiết nghĩ cần phải có cuộc khảo sát thực địa, tra cứu chu đáo hơn mới có thể dẫn đến kết luận cuối cùng, tuy nhiên trong trường hợp tìm hiểu Địa danh Thủ Đức cũng là một gợi mở lý thú, một hướng tìm tòi cần thiết.

Nhìn chung, trong tập sách Sài Gòn đất và người, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi đã nhọc công tra cứu từ nhiều nguồn tư liệu thành văn, ghi chép điền dã nên đã làm sáng tỏ một vài vấn đề liên quan đến Sài Gòn. Từ đó, anh nhận ra rằng: “Không cổ kính như Hà Nội, trầm mặc như Huế, Sài Gòn mang trong mình cái tính năng động của một thành phố trẻ ở đất phương Nam. Trải qua hơn 300 năm lịch sử, Sài Gòn đã để lại trong nó nhiều dấu ấn văn hóa, đó là những địa danh, di tích, nhân vật, chợ búa, phố xá cùng những nét tín ngưỡng, ẩm thực, tính cách… vừa dung dị mà cũng rất đời thường. Những nét hiện đại song hành cùng với các “cổ tích”, làm nên một “hồn cốt” Sài Gòn. Một Sài Gòn bao dung, rộng mở với những lớp cư dân đến đây từ mọi miền qua những dòng chảy lịch sử khác nhau. Họ không còn phân biệt dân chính gốc hay ngụ cư, tất cả chung tay xây đắp nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Không chỉ là một nhận định đúng mà còn là cái tâm, cái lòng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi tri ân về Sài Gòn.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/tac-pham-va-du-luan/sai-gon-dat-va-nguoi/a144369.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment