Tập thơ NHẶT LỜI CHO BÓNG LÁ của BÙI KIM ANH

 

NHAT-LOI-CHO-BONG-L-1

NHAT-LOI-CHO-BONG-L-2

Nhặt lời cho bóng lá

PN - Bùi Kim Anh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.

Chị đã từng dạy Văn và đã in những tâp thơ như Viết cho mình (1995), Cỏ dại khờ (1996), Bán không cho gió (2005), Lời buồn trên đá (2007), Lục bát cuối chiều (2008), Bắc lên ngọn gió mà cân (2010), Nhốt thời gian (2010), Đi tìm giấc mơ (2012). Và vây giờ là tập Nhặt lời cho bóng lá (NXB Phụ Nữ).

Nhận xét về thơ Bùi Kim Anh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ghi nhận: “Thơ Bùi Kim Anh là nỗi niềm của một người bị nhiều điều phụ bạc mà không oán hận, chỉ tự trách mình. Đó chính là tâm hồn thật là trong trẻo, thật là cao đẹp và bao dung. Cũng có thể đó chỉ là những phút “giận dỗi và nghi ngại” của một tâm hồn yếu đuối, thiếu tự tin. Nhưng tôi nghĩ, trước tình yêu thiết tha đến thế của một người vợ tận tụy và đầy lo toan, nhất định, dù gì đi nữa, cuối cùng chị cũng sẽ được đón nhận hạnh phúc của mình.Ngoài đời, Bùi Kim Anh luôn là một bạn gái tin cậy, có thể chia sẻ mọi điều mà không cần e ngại".

Đọc Nhặt lời cho bóng lá, ta thấy lục bát vẫn là thể thơ  chị “chắc tay” nhất và đã có những sáng tạo làm mới thể thơ này:

lên Hồ Tây ngóng gió trời

nhặt câu thơ bị bỏ rơi năm nào

rõ ràng là một tâm thức rất thi sĩ và cũng giàu mơ mộng. Trong thơ của chị sự day dứt, tự vấn luôn dằn vặt những nỗi niềm đã xa:

có người đàn bà dở hơi

hằng đêm thức để tìm lời cho thơ

lãng quên bỏ nét bơ thờ

lãng quên mặc gió đứng chờ ngoài mưa

Khó ai có thể thấu hiểu nội tâm trong tâm hồn một con người, nhưng qua thơ của họ, ta có thể ít nhiều chạm đến sự riêng tư ấy. Bùi Kim Anh bảo:

sự giả bộ che giấu ta

những câu thơ phơi bày ta

là điều rất thật. Nếu không thật, không sống trong một hoàn cảnh thật, làm sao có thể viết:

tôi về gay gắt nắng trưa

hỏi mình nghe cả lời thưa của mình

Câu thơ nghe buồn buồn như một tiếng thở dài…

Những bài thơ của Bùi Kim Anh viết cho con, về người thân, về thiên nhiên hầu như cũng gửi gắm những tâm sự riêng. Lúc hân hoan niềm vui, khi mặn chát nỗi lòng. Có lúc chị chọn cách diễn đạt gay góc, như đang nói, đang bày tỏ với chính mình:

đêm Tam Đảo dằng dặc

đêm sâu chuỗi cơn ho vào cổ họng

ngứa không thể gãi

Đọc một lần, khó quên. Những câu thơ ấn tượng ấy bàng bạc trong tập Nhặt lời cho bóng lá đã khắc họa nên một cốt cách thơ, một bản lĩnh của người đàn bà luôn đau đáu với thơ:

chẳng còn gì ngoài những câu thơ

người đời chê buồn trách không thay đổi

muốn mở lòng ra mà cô đơn khép lại

muốn đi thật xa mà run rẩy mất rồi

Ý thức về thơ hay gì khác? Khó có thể trả lời bởi “ý tại ngôn ngoại” là một lẽ tất nhiên, lúc đọc thơ, lúc đến với những câu thơ bàng bạc nỗi niềm, sự khắc khoải trong cõi đời. Có lẽ ở Bùi Kim Anh sự tự vấn, hướng nội luôn là một ám ảnh không nguôi, không cùng và xuyên suốt các tập thơ đã viết. Vì thế, thơ của chị có nét riêng khó lẫn với ai khác. Và trên hành trình đến với thơ, thật nhẹ nhàng, thật an nhiên, cuối cùng chị đã nhìn ra một lẽ rất tự nhiên và chọn một từ thật đắt “Buông”:

buông tay rơi hạt nỗi niềm

buông tay chạm gió ưu phiền nhẹ tan

Đã từng đọc nhiều thơ của chị, trước đây tôi nhận xét và nay vẫn không thay đổi: “Đọc thơ của một người, đôi khi lại thấy suy tư của chính mình. Những câu thơ của chị nồng nàn mà cũng da diết một nỗi buồn thăm thẳm...”.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn:http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/nhat-loi-cho-bong-la/a139913.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment