Nếu nhìn tựa sách Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân (NXB Văn hóa văn nghệ), người đọc nghĩ đến những cốt truyện giật gân, hấp dẫn, “câu khách” thì sẽ thất vọng.
Trong tập truyện ngắn này, Tiến Đạt chọn một cách viết khác. Anh không miêu tả mà phản ánh tâm trạng qua các mẩu đối thoại, suy nghiệm của nhân vật. Do đó, người đọc có thể sẽ có những cảm nhận không giống nhau. Mái hiên, là giây phút tình cờ của hai người trú mưa. Họ trò chuyện tưởng chừng như đã biết rõ về nhau, nhưng thật ra lại không. Nhân vật người đàn ông cho biết vợ mình đã chết, nhưng lúc quay về nhà: “Ông ho sặc sụa vì đó là loại thuốc lạ, rất nặng mùi. “Vợ mình dị ứng với mùi khói thuốc. Vậy ai hút nửa điếu trong phòng ngủ?”. Câu hỏi đó, dành cho độc giả tự suy đoán.
Những nhát cắt trong đời sống thể hiện qua truyện ngắn của Tiến Đạt không rõ nét, nhưng đọc chậm, kỹ, mới phát hiện ra sự tinh tế, nhẹ nhàng của anh. Không phải nàng mặc jupe là câu chuyện giữa người cha và con trai khi người con có người yêu. Mối quan hệ đó, ông không tán thành vì lẽ gì? Tác giả không nói rõ, nhưng cuối cùng dừng lại ở tâm sự mà ông bất ngờ thổ lộ: “Mẹ con bỏ nhà đi vì nghi ngờ của cha”. Câu nói ấy như giải đáp thắc mắc vì sao không bao giờ cha nhắc về người vợ của mình. Níu lấy cảm hứng của bạn đọc, còn là nét thâm trầm trong câu văn cà tửng của Tiến Đạt. Nhân vật trong Chuyện tình cô gái vườn mai đặt câu hỏi: “Nếu làm rể chủ vườn mai có khác gì làm con rể chủ trại hòm?”. Thoạt tưởng một câu hỏi bông lơn, nhưng đằng sâu đó là sự “triết lý” không kém phần hài hước khi so sánh hai đối tượng khách hàng khác nhau.
Nhân vật nữ của Tiến Đạt hầu như cô nào cũng đáo để, dù bất kỳ tình huống nào, họ đều có cách đối đáp sắc lẹm. Trong Sóng thần núi Voi, cô gái có đến 12 ngón tay bảo: “Đàn ông nhìn vào hai bàn tay của tôi sợ chạy mất dép. Họ sợ lấy vợ mang lại xui quẩy”. Bỏ mặc ngoài tai những lời “có cánh” của đám đàn ông, cô gái bốp chát ngay: “Tôi không dễ mắc lừa trò tán gái của trai thành phố các anh đâu!”.
Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân là tác phẩm mới nhất của Tiến Đạt sau 20 năm cầm bút, sau hai tập tuyện ngắn Có con chim lạ trong thành phố, Tội lỗi tự nhiên, tiểu thuyết Thể xác lưu lạc. Lần này, Tiến Đạt đã chọn một lối viết khác trước dù không dễ đọc vì câu văn của anh luôn gửi gắm nhiều ẩn dụ. Là bạn cùng trang lứa, cùng thế hệ cầm bút, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Tiến Đạt không thuần đuổi theo thiên hạ, hay trôi theo dòng đời mà qua đó truy đuổi, soi rọi tâm trạng cá nhân mình. Sau những khốc liệt bao giờ cũng là ước nguyện được trở về bình an, được mộng một giấc lành”. Chính điều đó đã làm nên diện mạo của nhà văn Tiến Đạt.
LÊ VĂN NGHỆ
(nguồn: http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/truy-duoi-tam-trang-my-nhan/a126768.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|