BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Con gái Cầu Cậy, má đỏ hồng hồng…

LÊ MINH QUỐC: Con gái Cầu Cậy, má đỏ hồng hồng…

  

 

congai-cau-cay-ma-do-hong-hong

 

 

Vô lý quá, chẳng lẽ đã đàn bà thì phải ghen? Ai quả quyết chắc cú, chắc nịch đến thế? “Ớt nào là ớt chẳng cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Mà thôi, không bàn chuyện này, dẫu có bàn đến tết Maroc chắc gì đã xong. Chi bằng hãy tự hỏi, ớt cay, vâng nó cay nhưng cay như thế nào? Sực nhớ một câu chuyện cười ở Quảng Nam, có anh chàng nọ ghé chơi nhà bạn vào giờ cả nhà đang cơm, chủ nhà mời, chỉ thêm bát đũa, gặp dịp làm dăm ba miếng cho xong bữa. Vui thôi mà. Ấy thế, dù muốn ăn nhưng khách vẫn ngại, làm khách bèn ậm ừ từ chối nhưng rồi cảm thấy tiếc vì đang đói. Quân tử nhất ngôn, quân tử dại; quân tử nói lại quân tử khôn. Khôn trong tình huống này là phải tìm lấy cái cớ. Kìa, trên mâm cơm có mấy trái ớt mơn mởn xanh, bèn nói: “À, lâu lắm mới thấy ớt sừng trâu, ngon lắm đây, thôi thì, làm bậy một miếng cho vui”. Tức là không phải vì đói, vì thèm ăn mà chỉ vì vị cay của ớt. Nói khéo quá, nhưng do biết tỏng bụng dạ nên mới tức cười.

 

Người ta đã nói nhiều về cái ngon của tô mì Quảng, nhưng chưa nghe cái nói đến cái sự thú vị của món ăn này, ngoài dầu phọng chứ không phải loại dầu nào khác và nhất là phải có trái ớt sừng trâu. Thử tưởng tượng lua xong một miếng, vừa cầm đũa vừa cầm lấy trái ớt xanh rồi hiên ngang cắn cái rụp, nhai cái rốp bỗng nghe âm thanh ấy gợi cảm biết chừng nào. Ớt sừng trâu không cay lắm, nhai rôm rốp cũng không sao. Trong khi đó, với người Huế lại khác, họ thích cay phải thiệt cay mới đã nư, đã đời, mới khoái khẩu đứt đuôi con nòng nọc.

 

Thế thì, cay ấy thế nào?

 

Thay vì ngồi nhớ lại, chi bằng lật quyển Tự điển tiếng Huế (NXB Văn Học-2004) để xem ông Bùi Minh Đức đã liệt kê ra làm sao? Thì đây, “cay chảy nước mắt, cay dễ sợ, cay điếc óc, cay điếc tai, cay hít hà, cây phỏng miệng, cay toát mồ hôi hột, cay tóe khói, cay xé họng, cay xé lưỡi, cay túi mắt túi mũi (túi, ta hiểu là tối), ngoài ra còn có thêm một kiểu cay nữa (xin lỗi), từ điển của ông Đức ghi nhận: “cay thấu lỗ đít”. Còn từ nào khác không? Chắc còn. Bạn mình ơi, có gì, cứ bổ sung thêm. Âu cũng là một cách thu nhặt thêm vốn từ tiếng Việt.

 

Mà, trong tiếng Việt đôi khi ta bắt gặp từ cay như chắc gì đã… cay? Minh họa cho ý kiến này, hãy đọc lại đôi câu lẫy Kiều - những câu ghép lại từ kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du:

 

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

 

Khuôn xanh có biết vuông tròn mà hay

 

Chẳng duyên chưa dễ vào tay

 

Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung

 

Cắc cớ hỏi, bốn câu này nhằm… đố vật dụng gì? Rằng thưa, đáp án chính là cái quạt giấy cầm tay. Sở dĩ, các nan quạt xòe ra/ khép lại: “Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung” là do lại nhờ có cay. Cay là cái gì mà nghe lạ tai quá? Trả lời câu hỏi này, chi bằng cứ đọc lại bài thơ Vịnh cái quạt của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Rất ấn tượng. Ta đọc và thấy rõ mồn một hình ảnh từ các con chữ đã dựng nên những câu thơ lắt léo:

 

Mỏng dày chừng ấy, chành ba góc,

 

Rộng hẹp dường nào, cắm một cay.

 

Cay chứ không phải cây. Thế, cay là gì? Một từ cũ đã từng quen thuộc ở ngoài Bắc, trong Nam ít nghe thấy chăng? “Cay: Cái phần đuôi dao để cắm vào chuôi: Dao lỏng cay” (Việt Nam tự điển - 1931). Dân trong nghề làm quạt gọi nhài quạt, tức cây xỏ nan quạt và diễn tả: “Khi bộ xương quạt đã tạm ổn là lắp cúc và đóng nhài. Như thế có bộ xương quạt hoàn chỉnh” (Nghề cổ đất Việt, Vũ Từ Trang, NXB Văn hóa Thông tin - 2007, tr.210). À, thì ra thế, thế mà lâu nay do ba trợn ba trạo, xớn xa xớn xác y cứ nghĩ “cắm một cây” dù “cái đó” nói “rộng hẹp dường nào”. Đúng là bé cái nhầm.

 

Ngoài từ cay, còn có từ tương tự là ngạt. Bằng chứng Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận “ngạt quạt”: “Cái cốt tra tại đầu quạt”. Còn có cụm từ cay ngạt: “Thường nói về lời gay gắt. Cái cay và cái ngạt là cốt cái dao, cái kéo. Lời nói có cay có ngạt, thì là gay gắt quá”. Trộm nghĩ, ban đầu người ta sử dụng “cay ngạt” nhưng về sau, do từ ngạt dần dần phai nghĩa nên mới ngạt mới lái sang nghiệt chăng? Cay ngạt thành cay nghiệt như nay ta hiểu là “độc ác, khắc khe, nghiệt ngã trong đối xử” - Đại từ điển tiếng Việt giải thích. Suy luận này, có hợp lý không ta?

 

Với từ cay, trong một ngữ cảnh nào đó, còn được hiểu là “Làm cho nóng lên. Cay con mắt: Làm cho con mắt nóng lên, ngứa ngáy” - theo Từ điển Việt-Bồ-La (1651). Tục ngữ có câu Cay như ớt, nhớt như nheo. Nheo là gọi tắt của cá nheo, loài cá nước ngọt, không vẩy, nhiều nhớt, bởi thế mới có câu Đổ nhớt cho nheo. Không chỉ cay như ớt, còn có:

 

Tay nâng chén muối đĩa gừng

 

Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau

 

Cay là có vị nồng, làm cho tê đầu lưỡi, cay đến độ cay xé bản họng, cay điếc con ráy, cay chảy nước mắt - thế nhưng câu thơ của danh tướng Đặng Dung (Trần Trọng Kim dịch):

 

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,

 

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.

 

hoặc ông Tú Xương thở ngắn than dài:

 

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,

 

Thi không ăn ớt thế mà cay.

 

Thì cay ở đây không liên quan gì đến vị giác, chính là lòng căm tức, xót xa, bực bội. À này, dám nói với bạn mình rằng, trong tiếng Việt, giữa y và i đã phân biệt rõ ràng, dù có ý kiến cho rằng đổi quách y thành i cho gọn (!?), nhưng trường hợp cay và cai thì không thể. Đúng chóc. Nhà văn Vũ Bằng viết tác phẩm Phù dung ơi vĩnh biệt, trước đó, năm 1944, trong bản in thứ nhất ông đặt tựa là Cai. Cai là từ bỏ, đoạn tuyệt, chừa, không dính dáng tới nữa cái mà mình đã ghiền nặng. Theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, cai là tiếng Việt chuyển gốc Hán Việt: “Cai, dùng thuốc để giải bịnh ghiền: cai á phiện < giới (yên): răn đe, chữa trị”.  Cụ Nguyễn Khuyến từng tự trào, có vài dị bản, cho phép y chọn bản này:

 

Những lúc say sưa cũng muốn chừa

 

Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa

 

Hay ưa nên nỗi chưa chừa được

 

Chừa được nhưng ông vẫn chửa chừa

 

Trong chừng mực nào đó chừa cũng là cai, là bỏ, là thôi, là bỏ bớt, hạn chế nhưng cai lại chỉ sự quyết liệt, triệt để hơn, tuyệt đối không còn xơ múi, sử dụng thêm một lần nào nữa… Với cai, còn nghe nói đến cai đầu dài, đó là cụm từ mỉa mai nhằm chỉ những ai đứng ra làm trung gian nhận việc với chủ hàng, rồi giao lại cho nhiều người khác với tiền công thấp hơn, rẻ mạt, rẻ như bèo/ bèo như con cá kèo nhằm kiếm ăn trên số tiền chênh lệch đó. Còn cai thầu lại hiểu cũng là người trung gian để nhận việc giữa chủ và người làm thuê, nó chỉ có sắc thái khinh miệt, biếm nhẽ nếu một khi người đó trở thành loại ăn chận công sức lao động của người làm công với tên gọi cai đầu dài.

 

Tuy nhiên, đọc lại truyện xưa ở miền Nam còn gặp từ “tằng khạo”, tìm hiểu ra mới biết tằng khảo là đồng khảo (tiếng Triều Châu), Phương ngữ Nma Bộ của Bùi Nam Kiên giải thích có 2 nghĩa: “1. Người thay mặt chủ điền để coi sóc ruộng nương hoặc thay mặt chủ để trông coi chiếc ghe chài; 2. Từ mà người Hoa dùng để gọi người cai phu (surveillant)”. Ở đoạn giải thích này, thích quá, bèn rắn mắt dừng lại với từ “chủ điền/ điền chủ” và hỏi rằng, cơn cớ làm sao, trong Nam lại không gọi “địa chủ” như ngoài Bắc? Bạn mình có biết, giải thích giúp nhá. Chưa à? Không sao cả. Từ từ thì khoai cũng nhừ. Ta hãy trở lại với bài thơ Vịnh cái quạt của Hồ Xuân Hương, trong đó còn có câu:

 

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,

 

Chúa dấu vua yêu một cái này.

 

Thế, cậy nghĩa là có phải là cậy/ cậy nhờ, mượn như ta đã gặp trong  Truyện Kiều: “Cậy em em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”? Không, cậy là loại trái cây như hồng, trái nhỏ có nhựa dùng để phất quạt, phất cờ. Sau khi rửa sạch trái cậy, người ta đem giã nhỏ, cho ngâm nước, vài ngày sau, gạn bã, dùng nước đó để phất lên các nan quạt, muốn có màu gì thì pha thêm phẩm màu đó. Mà, cậy còn có nghĩa là ỷ lại, như tục ngữ có câu Chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn. Trước đây với từ cậy có vế đối cực hay:

Con gái Cầu Cậy, má đỏ hồng hồng, muốn đi lấy chồng để mà trông cậy;

 

Cầu Cậy tức làng Kiêu Kỵ thuộc Gia Lâm (Hà Nội); “má đỏ hồng hồng” còn nói lên sắc màu của trái cậy. Vế ra đối khéo quá đi mất, lại thanh lịch nữa, khó đối lại. Chính vì khó, có thằng cha ba trợn, ba búa nào đó vì bí quá mới đối lại cực kỳ lếu láo:

 

Ông lão Hàng Mây, da xanh mai mái, thích chơi con gái, sướng đại cung mây.

 

Cái sự thô tục, bặm trợn, trắc nết kiêm dê cụ vẫn là cái câu: “thích chơi con gái”. Già thế này người ta mắng là Già không nên nết, Già hay đái tật, Già chơi trống bỏi, đã Già kề miệng lỗ còn ham hố thế này thì con cái còn nhờ cậy gì nữa? Ơ hay, chuyện của thiên hạ, kệ họ, xía vào làm chi. Chi bằng ta hãy đọc thêm câu ca dao:

 

Còn duyên bán cậy, bán hồng

 

Hết duyên buôn mít cho chồng cậy xơ

 

Cậy trong câu bát lại hàm nghĩa hóm hĩnh vừa là nhờ/ nhờ cậy nhưng khổ nổi xơ mít thì ngon lành cái nỗi gì, chỉ là thứ người ta vứt đi; cậy còn tếu táo ở chỗ dù là thế nhưng anh chồng còn phải nhọc công lắm vì cậy đồng âm với cạy/ cậy là nạy, làm cho bật ra, bung ra, long ra cái gì đó đang bám sát khít khìn khịt… Khổ thiệt, hết cái gì để cạy bèn cạy xơ mít thì còn ra cái thể thống gì nữa? Ừ, đành là thế nhưng đang vui nên xin nói thòng thêm câu này nữa:

 

Anh ơi sóng gió liên miên

 

Ra công bát cạy cho thuyền tới nơi

 

thì cạy lại là lái thuyền về bên trái, bát là bên phải. Liệu chừng trong tiếng Việt, có từ cạy cạy không? Có đấy chứ. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có câu:

 

Tua xả khoan khoan, lòng thế ít

 

Chớ màng cạy cạy, khiến lòng phiền

 

Cạy cạy là từ cổ, nghĩa là nhớ, lo, nghĩ, mong muốn. Vậy nên, câu tục ngữ ra đời thuở ban đầu Ăn mắm cáy ngáy kho kho, ăn thịt bò lo cạy cạy - trải qua năm tháng, do cạy cạy không ai nhớ đến nghĩa nên đã nói trại qua “ngay ngái”.

 

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 231 tháng 11.2020)


Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com