Với nhiều người, con số vốn khô khan nên thường khó nhớ, nếu nhớ như “đinh đóng cột” may ra chỉ là ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động… là cùng. Khó có thể nhớ thêm nhiều con số khác, nếu nó không liên quan sát sường với chính mình. Tuy nhiên, trong trí nhớ tồi tệ, tôi còn nhớ đến một, hai địa chỉ đã gắn bó suốt một thời trai trẻ, kể cả sau này nữa, trước hết phải là 188 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM. Địa chỉ này là nơi một và nhiều thế hệ phóng viên, cán bộ, công nhân viên báo Phụ Nữ TP.HCM đã tề tựu, chung sống cùng chung sứ mệnh của người cầm bút.
Thuở ấy, một khi nhìn thấy chàng thanh niên trẻ trung, đẹp trai, râu ria xồm xoàng, rất nam tính là… tôi, nếu ai đó tò mò hỏi đang làm việc tại đâu, tôi thường ngâm nga trả lời bằng câu thơ của Nguyễn Vỹ:
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua
Đó là tháng ngày tươi đẹp, nhiều kỷ niệm êm đềm và gắn bó đến độ đã trở thành một phần máu thịt trong đời. Bấy giờ, sau khi rời khỏi báo Tuổi Trẻ vì lời phê “không có khả năng làm báo, viết báo”, chàng thanh niên vừa tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp đã chạy đôn chạy đáo tìm việc làm mới. Do mối quan hệ trước đó, tôi nhận được lời hẹn của Tổng Biên tập của báo Thanh Niên, sáng ấy, một buổi sáng “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” trên đường đi, ngang qua đường Lý Chính Thắng, bất ngờ tôi được gặp anh Thanh Bình - phụ trách Ban Văn hóa Văn nghệ của báo Phụ Nữ TP.HCM gọi giật ngược và rủ vào tòa soạn chơi. Qua trò chuyện, anh bảo: “Q về làm báo với bọn mình cho vui, báo đang cần một nam phóng viên”, tôi chưa biết trả lời thế nào, lúc ấy chị TBT Thế Thanh đi ngang qua, cho đến nay, tôi cũng chẳng hiểu tại sao, chẳng hiểu thế nào mà chị lại đồng ý nhận tôi ngay dù chỉ mới gặp nhau lần đầu tiên.
Lạ nhỉ? Cơ duyên gắn bó với báo Phụ Nữ đấy chăng? Đúng thế.
Vèo một phát cũng tròm trèm chừng 30 năm, tôi được hân hạnh “Còn tôi bưng thúng theo đàn bà”. Bấy giờ, ngoài bộ phận phát hành, chỉ có tôi là phóng viên nam, vì thế, nhìn “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” của tôi, Ban biên tập đã phân công phụ trách mảng sinh hoạt Hội các quận, huyện ngoại thành. Còn nhớ, ngày bàn giao công việc, người tiền nhiệm là chị Hồng Tuyến đã ngày một, ngày hai nhiệt tình đưa tôi đến tận nơi để giới thiệu với các chị, các má ở Hội địa phương. Công việc của tôi là mỗi sáng vào cơ quan nhận xăng, mươn chiếc xe Honda rất cà tàng để đi xuống cơ sở lấy tin. Những Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… không phải khoe, tôi đã đi đến độ… mòn lốp xe đấy.
Thời ấy, tuổi còn trẻ, máu yêu nghề còn nóng và nhất là còn trẻ thì đây cũng là dịp tôi chở theo người yêu đi chung cho ngắn lại chặng đường dài. Nhìn chung công việc nhẹ nhàng, dù tuần nào cũng đi xa vài chục cây số chủ yếu lấy thông tin là chính, chứ chưa mấy khi được xuất hiện tin bài trên mặt báo, một phần còn do báo Phụ Nữ mỗi tuần chỉ phát hành 1 số. Sau khi báo tăng kỳ ra ngay thứ tư thì tôi được điều về làm phóng viên Ban Kinh tế của do chị Mai Hiền phụ trách, làm một thời gian, thấy không phù hợp với cái tạng thích văn nghệ văn gừng nên tôi xin sếp cho về làm lính của chị Bạch Mai để theo dõi mảng văn hóa quần chúng.
Một trong kỷ niệm đáng nhớ nhất, đối với tôi vẫn là những bữa ăn tập thể tại cơ quan. Có gì ăn nấy. Đi công tác về trễ, vẫn có phần để dành. Mọi sinh hoạt diễn ra như trong một nhà, lúc nào cũng chan hòa vui vẻ, thỉnh thoảng dì Phương Diền - cựu TBT trước thời chị Thế Thanh cũng vào ăn chung, thăm hỏi mọi người. Do có lúc không thuê được phòng trọ, tôi đã nhiều ngày cư ngụ tại tòa soạn, kể cả ngủ lại đêm chung với anh em bảo vệ. Chẳng ai than phiền gì. Hehe, nơi này còn là “nhà trẻ” nữa, các chị mỗi sáng đi công tác, nếu cần cứ… đem con vào cơ quan, vì vậy, các con của đồng nghiệp Việt Nga, Lý Tiến Dũng, Kim Loan… đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt các cháu là vậy.
Đến khi báo tăng kỳ, sau đó, thêm số thứ 7 thì phải, thêm đặc san dành cho phụ nữ, rồi Phụ Nữ chủ nhật thì nhân sự bắt đầu nhiều thêm. Diện tích trong căn nhà 188 đã cải tạo, cơi nới để trở thành nơi làm việc dành cho trị sự, phóng viên. Trước hết là khuôn viên trước sân trở thành nơi phát hành, phòng quảng cáo, phát nhuận bút… Khu để xe, xăng dầu đã xây thêm gác lửng thành nơi mông-ta các số báo mỗi kỳ… Đại khái là thế. Nhìn chung vẫn chật hẹp lắm.
Trong công tác nghiệp vụm đáng chú ý nhất trong việc phát triển đội ngũ kế cận, theo tôi vẫn là khóa thực tập, thử việc của thế hệ các bạn Ái Mỹ, Thiện Hồng, Ngọc Hồ, Đức Phong v.v… Phụ trách lớp tùy mỗi chuyên đề mà các anh chị đi trước phụ trách, truyền đạt kinh nghiệm, có lẽ, gần gũi với các bạn nhất là anh Bùi Nguyễn Trường Kiên, Bạch Mai chăng? Những đợt sinh hoạt chung ở Thảo Cầm Viên, Bình Quới Thanh Đa… đã được ghi nhận lại trong một hai tập san “phát hành nội bộ” của khóa này, há chẳng phải là những tin, bài đầu tiên của các bạn đấy sao? Chính thế hệ này là lực lượng kế tiếp vững chắc, phải nói rằng, TBT chị Mai Hiền - người kế tiếp chị Thế Thanh có tầm “nhìn xa trông rộng” cho công tác chiến lược này.
Mà này, có phải không gì tồn tại vĩnh viễn dưới gầm trời này. Vâng, ở báo Phụ Nữ TP.HCM cũng thế. Không chỉ thay đổi nhân sự mà còn cả vị trí của tòa soạn nữa. Thế là thêm một địa chỉ thứ hai đã đóng đinh vào trí nhớ của nhiều thế hệ thì nay vẫn là 311 Điện Biên Phủ. Nói không ngoa và cũng không gì phải “mèo khen mèo dài đuôi”, từ 188 đến 311 là một bước tiến, một bước phát triển rõ rệt, một dấu ấn to lớn của toàn bộ phóng viên, cán bộ, công nhân viên báo Phụ Nữ TP.HCM. Cơ ngơi nhiều tầng, đồ sộ và hiện đại bội phần. Bây giờ, thỉnh thoảng nhớ lại diện mạo của cơ ngơi này, tôi luôn hình dung ra cấu trúc của nó là một trang báo hiện diện giữa không gian một cách vững chãi và bền vững.
45 năm - hành trình của một tờ báo lớn như báo Phụ Nữ TP.HCM là một câu chuyện lớn, một tầm vóc mà phải nhiều người cùng chung sức mới có thể phác họa ra nổi diện mạo. Với tôi, lực bất tòng tâm. Ở đây, cho phép tôi không nhắc đến các giải thưởng báo chí đã đoạt được, không nhắc đến học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, không nhắc đến những chương trình thiện nguyện đền ơn đáp nghĩa, những đợt “ra quân” về miền Trung, ra miền Bắc cứu trợ đồng bào lũ lụt, những lần tổ chức thi hoa hậu áo dài tại nhà hát Hòa Bình, thi đua xe đạp nữ tại trường đua Phú Thọ… Nhiều lắm, nhiều lắm mà qua đó đã góp phần làm nên bản sắc của báo Phụ Nữ TP.HCM từ trang báo đến công việc sau mặt báo để rồi ngày càng tạo ra uy tín theo phương châm Luôn đồng hành cùng bạn đọc, vì bạn đọc.
Vì thế, nếu “tóm gọn” lại để nói một điều gì về tờ báo đã cưu mang, đã tạo bệ phóng cho tôi hoàn thiện tính cách lẫn trau giồi nghiệp vụ, tôi chỉ xin thưa: Điều may mắn nhất cho bất cứ ai khi vào đời, tôi nghĩ vẫn là được làm việc ở một môi trường tốt - tốt ở đây không phải là lương cao, bổng lộc mà chính là mối quan hệ đồng nghiệp đã cùng chí hướng vì cái chung, bất vụ lợi, không vun vén riêng tư mà dám xả thân vì nghề thì tôi là người may mắn. Nào phải riêng tôi, nhiều thế hệ làm báo tại báo Phụ Nữ TP.HCM khi chập chững vào đời đã may mắn được bước vào ngôi nhà này.
Ơn đó, làm sao có thể quên?
L.M.Q
(nguồn: Đặc san XUÂN 2020 của Hội Nhà báo TP.HCM)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|