BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: ƯU THẾ CỦA NHÀ VĂN KHI VIẾT BÁO LÀ... NHIỀU CHỮ

LÊ MINH QUỐC: ƯU THẾ CỦA NHÀ VĂN KHI VIẾT BÁO LÀ... NHIỀU CHỮ

co-nhung-tac-pham-bao-chi-thang-oa

Đôi lúc tôi nghĩ thế này, có những người đã được nghề chọn lấy họ, chứ không phải ngược lại. Nói cách khác, có phải thiên phú đấy không? Nếu đúng,  nghề ấy, chính là cái nghiệp. Tôi tin là thế. Tính đến nay, tôi đã có hơn 30 năm chỉ kiếm sống, nuôi lấy bản thân bằng một nghề duy nhất: viết báo. Nào có ai dạy cho đâu, chỉ mày mò tập viết, tự học hỏi để từng bước “nâng cao tay nghề”.

Bài học về nghề lớn nhất, quan trọng nhất đối với tôi là một đoạn trong hồi ký của nhà văn Tam Lang - tác giả Tôi kéo xe, mở đầu cho thể loại phóng sự của nước nhà. Cụ kể rằng, lúc mới tập tễnh vào nghề, khi nộp bài, ông chủ bút báo đại khái, cái tin này “hot” quá, phải kéo dài ra nửa trang báo/ một trang báo hoặc nhiều kỳ; lại có lúc ông bảo, cái tin này nhạt quá, cắt lại còn đôi dòng là đủ. Sau này, khi đã lăn lộn trong nghề, tôi mới thấy đây cũng là một trong những khả năng rất cần thiết cho những ai muốn theo nghề.

Kế đến, thêm một bài học mà tôi rút ra là chỉ nên viết lãnh vực mà mình thông thạo, chớ dại đụng cái gì cũng viết dù không am hiểu, thiên hạ cười cho. Hơn nữa, có thế mình mới tập trung thời gian tìm hiểu cho thấu đáo lãnh vực mà mình đang đeo. À, quên còn thêm một bài học nữa là lúc nhà văn Sơn Nam tâm tình, ca kê bàn chuyện làm báo, theo ông, một bài báo hay, hấp dẫn bạn đọc còn là lúc nhà báo cung cấp trong bài báo được một, hai thông tin mới lạ mà ngay cả người thuộc chuyên ngành giới đó cũng chưa biết đến và lấy làm thú vị.

Theo tôi ưu thế của nhà văn khi viết báo là họ có nhiều chữ. Khả năng sử dụng vốn từ phong phú, nhờ thế, cùng một vấn đề nhưng giữa nhà văn - nhà báo cùng tường thuật, trình bày thì ta sẽ thấy trong đó đã có sự khác biệt dù cùng chuyển tải một thông tin. Chỉ đáng sợ nhất, nếu xẩy ra tình huống, nhà văn viết báo lại bằng… tưởng tượng của văn chương, chữ nghĩa. Mà điều này có xẩy ra không? Tôi nghĩ rằng có đấy.

Phải thừa nhận rằng, nghề báo đã hỗ trợ cho nghề văn rất nhiều. Chỉ xin đơn cử một trường hợp tiêu biểu, có tính khái quát, nếu cụ Ngô Tất Tố chỉ “đóng cửa phòng văn hì hục viết”, không làm báo, tham gia viết báo mỗi ngày rượt đuổi theo dòng tin thời sự, chắc chắn cụ sẽ không có kiệt tác Tắt đèn. Nói cách khác, Tắt đèn chính là vấn đề chính trị - xã hội đã được tái hiện bằng hình thức văn chương. Nhìn rộng ra, nhiều nhà văn, thi sĩ lớn trên thế giới cũng từng là nhà báo đấy thôi.

Trong đời làm báo của tôi  có nhiều kỷ niệm. Nhưng chỉ xin kể lại một sự việc gắn liền với một kỷ niệm: Vào thập niên 1990 trong thị trường chữ nghĩa miền Nam ta rộ lên những cây nữ. Tên tuổi lạ hoắc, nhưng lại có nhiều tác phẩm dầy cộm và được mọi người tìm đọc! Với một nhà báo chuyên theo dõi về lãnh vực văn hóa nghệ thuật quả là hiện tượng đáng lưu ý. Tôi tìm đọc thì thấy văn phong trong đó và cốt truyện dường như  được viết... trước đó vài chục năm. Thế là tôi bỏ công đi điều tra. Một người làm sách tư nhân cho biết, các tác giả đó đã lấy truyện in trước 1975, đổi tên nhân vật, sửa đổi một vài chi tiết nhỏ, ký tên mình rồi bán bản thảo cho đầu nậu sách. Biết thì biết như thế nhưng lấy gì để chứng minh sự đạo văn trắng trợn này?

Một trong những việc làm đầu tiên của tôi là phải vào thư viện tìm đọc lại những truyện in đó. Nhưng trước đây thị trường miền Nam đã in cả một rừng tiểu thuyết thì phải chọn đọc như thế nào? Như thế, đứng trước tình hình này muốn giải quyết vấn đề không chỉ đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức nhất định mà còn phải cần sự hỗ trợ của công tác tư liệu. Tư liệu đã sắp xếp từ nhiều năm qua giúp cho tôi hình dung ra “lịch trình tiến hóa” của tiểu thuyết miền Nam và phân loại ra các tác gia nào chuyên viết loại tiểu thuyết có cốt truyện tình ái tay ba, tay tư tương tự như thế? Thời gian đọc đã giúp tôi phát hiện ra là các “tác giả” đó đã lấy lại truyện của Chu Tử, Nhã Ca.. .đem in và ký tên mình, cho dù họ khôn khéo cắt xén, bổ sung...

 

Nào đã xong đâu, thời ấy chỉ bằng chiếc xe honda cà tàng, tôi phải về tận Long An, tìm đến nhà in loại sách này để tìm thêm chứng cứ. Đáng nhớ nhất là tôi đã tình cờ gặp… tác giả. Trời đất, cô ấy chỉ nội trợ, quá nghèo vì muốn có tiền nuôi con nên đã ra tay làm chiêu đó. Cuối cùng, chúng tôi trở nên thân thiết, quen biết.

 

L.M.Q

 

(nguồn: Báo CAND số đặc biệt 21.6.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com