Nhà văn Trần Kim Trắc từ biệt văn đàn đã khá lâu. Nay, không riêng gì tôi mà các bạn văn cũng đều mới hay tin ông qua đời. Những dòng chữ này, đúng là thương muộn về người đã khuất - một nhà văn tên tuổi của Nam Bộ.
Nhà văn Trần Kim Trắc Ảnh: TƯ LIỆU
Lâu nay, nhiều người vẫn nhớ và hát ca khúc "Tiểu đoàn 307": "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy / Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy" nhưng ít ai biết nhà văn Trần Kim Trắc từng công tác tại Phòng Chính trị CK8-148 của tiểu đoàn lừng danh này. Mãi đến năm 1989, khi ông viết tập ký "Những mẩu chuyện về Tiểu đoàn 307", lập tức được công chúng dành nhiều thiện cảm.
Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, vì lý do riêng, ông lại theo nghề khác, không liên quan gì đến viết lách. Đó là lúc ông từ Phòng Văn nghệ Quân đội (Hà Nội) chuyển sang Công ty Công nghiệp Hưng Yên, Viện Y dược dân tộc - dù bấy giờ, bạn đọc ngoài Bắc đã biết ông qua truyện ngắn "Cái lu" đoạt Giải văn học 1945-1954 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sở dĩ kể ngọn ngành thế này vì số phận Trần Kim Trắc nói như tựa của tập truyện ông in chung là "Con cá biệt tăm". Biệt tăm từ năm 1954 đến 1990, ông mới "tái xuất giang hồ" trên văn đàn. Thế nhưng, chỉ cần 4 năm sau, tên tuổi của ông lại được đông đảo công chúng ái mộ qua tác phẩm "Ông Thiềm Thừ" - được tặng thưởng Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa hết, truyện ngắn "Học trò già" của ông lại được một cơ quan truyền thông chọn là truyện ngắn hay hằng năm. Ngoài ra, còn phải kể thêm một loạt tác phẩm khác của ông: "Họa mi lại hót", "Trăng đẹp mình trăng", "Hoàng đế ướt long bào"…
Kể ra, sự trở lại của ông đã không phụ lòng người đọc.
Với cách viết sâu lắng pha chút trào phúng lẫn humour (hài hước), Trần Kim Trắc đã tạo nên "điểm nhấn" cần thiết trong văn chương. Nhiều người vẫn còn nhớ đến chi tiết mà cậu học trò xưng "tôi" hầu chuyện với thầy trong truyện ngắn "Học trò già", đã lý giải điều gì cần phải có để làm nên sự thành công của đời người, nếu không sẽ mất hết. Trần Kim Trắc viết: "Nghe hai chữ nhân cách, bất giác thầy ngẩng lên nhìn thẳng. Bốn mươi lăm năm rồi tôi mới được thấy tái hiện nguyên mẫu thầy Đức trên bục giảng ngày nào: "Phải rồi! (câu tiếp theo nói nguyên văn tiếng Pháp, rất chuẩn, bàn tay nắm lại chỉ thẳng một ngón về phía trước): "Qui perd sa dignité, perd tout" (Mất nhân cách là mất tất cả). Hai chữ "p" của từ mất, thầy mím môi phát âm nghe xốc dậy cả cuộc đời".
Thế đấy, truyện ngắn Trần Kim Trắc có nhiều chi tiết khó quên là vậy. Bên cạnh đó, do sinh ra tại Tiền Giang nên dù ra Bắc đã lâu, ông vẫn giữ cách nói của Nam Bộ. Thử đọc lại một đoạn ngắn viết về cách câu cá để thấy nhà văn đã sử dụng chữ thế nào: "Chiếc phao chưa được đứng yên, ngấn nước chưa kịp xóa là ngọn cần câu đã trĩu xuống, con cá ăn ngầm là con cá lớn, nó rê sợi dây nửa vòng rồi lệch ra xa. Tay cầm cần, chùng dây theo hướng rồi bất ngờ giựt nhẹ xách bổng con cá trê vàng ươm trơn bóng.
Cô gái reo lên:
- Anh cẩn thận, ngạnh nó chém nhức lắm đó!
- Yên bụng đi em, vào tay anh như vướng phải lưới tình, đố cựa quậy.
- Anh giỏi thiệt đó! Em câu cả buổi chưa được con nào, anh mới thả xuống đã được con bự"...
Các từ gần gũi ấy là cách nói đã bàng bạc trong văn chương của Trần Kim Trắc để tạo ra một phong cách của những nhà văn cùng thế hệ nhà văn miền Nam như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Sơn Nam, Đinh Quang Nhã… Khi viết văn, ông quan niệm: "Tôi tâm đắc câu "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" của cụ Nguyễn Du; "Nực cười hai chữ nhân tình éo le" của cụ Đồ Chiểu: Ghét nhau mà khéo, éo le mà cười - phải chăng đây đã là đường lối văn học?". Rõ ràng, phải suy ngẫm, từng trải mới có được nhận xét lý thú này.
Trong tình cảm riêng với bạn văn, Trần Kim Trắc là nhà văn hòa đồng, dung dị và luôn gần gũi anh em viết trẻ. Dù tôi thuộc thế hệ sau nhưng mỗi lúc có sách in, ông đều gửi tặng chứ không nề hà tuổi tác cao thấp. Nay, bất ngờ hay tin ông đã mất, tôi xin được tỏ lòng thương muộn "Ông Thiềm Thừ" của văn chương Nam Bộ.
Không muốn thông tin ồn ào
Vì tiệc cưới cháu ngoại diễn ra ngày 18-11-2018 nên khi nhà văn Trần Kim Trắc qua đời (vợ nhà văn cho biết ông ra đi hôm 17-11-2018 tại nhà riêng), mọi kế hoạch không thể thay đổi kịp. Vợ ông tâm sự: "Chúng tôi rất bất ngờ vì ông nhà ra đi đột ngột quá. Chúng tôi cũng không thể thay đổi được kế hoạch đám cưới của cháu ngoại vì mọi thứ đã vào phút cuối. Chúng tôi xin làm lễ xả tang sớm để đám cưới cháu được tiến hành nên gia đình không phát tang".
Nhà văn Trần Kim Trắc được hỏa táng sau đó. Theo gia đình, thông tin nhà văn Trần Kim Trắc qua đời cũng đã được báo cho Hội Nhà văn TP HCM.
Hội Nhà văn TP HCM cho biết việc nhà văn Trần Kim Trắc qua đời không được thông báo rộng rãi là vì di nguyện của ông không muốn thông tin ồn ào. Hội tôn trọng di nguyện của nhà văn Trần Kim Trắc dù ông là nhà văn lớn và mọi thông tin liên quan đến ông, công chúng cần được biết rộng rãi hơn và sớm hơn.
Nhà văn Trần Kim Trắc sinh ngày 14-6-1929 tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông còn có bút danh NT và Trần Kim. Ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, trong đội trừ gian, từng bị giặc bắt. Ra tù, ông vào bộ đội, phục vụ trong Tiểu đoàn 307. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội. Sau đó, ông làm đủ nghề để kiếm sống như: thợ sơn tràng (khai thác gỗ), phu bốc vác, làm ruộng, chế biến thực phẩm và cuối cùng là nuôi ong lấy mật.
Những tác phẩm của ông rất được yêu thích, như "Cái lu" (truyện ngắn, 1954), "Cái bót" (truyện ngắn in chung, 1989), "Con cá bặt tăm" (truyện ngắn, in chung, 1990), "Ông Thiềm Thừ" (truyện ngắn, 1994), "Hoàng đế ướt long bào" (tiểu thuyết, 1996), "Học trò già" (truyện ngắn, 1997), "Trăng đẹp mình trăng" (truyện ngắn, 1997), "Con trai ông tướng" (truyện ngắn, 1998), "Chuyện nàng Mimô" (truyện ngắn, 1999)...
Th.Trang
< Lùi | Tiếp theo > |
---|