BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Đọc tập thơ Eng về Quảng Trị đi eng của Ngọc Hồ

LÊ MINH QUỐC: Đọc tập thơ Eng về Quảng Trị đi eng của Ngọc Hồ

 

QUÊ NHÀ THƯƠNG NHỚ

LÊ MINH QUỐC

quernhathuong-nho-ngoc-ho-1R


“Quê nhà ở tận đâu đâu/ Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà/ Ở gần đây chứ đâu xa/ Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi”. Lúc đọc tập thơ Eng về Quảng Trị đi eng (NXB Thanh Niên) của đồng nghiệp Ngọc Hồ, tôi sực nhớ đến câu thơ viết đã lâu về một sự đồng cảm, một tình yêu dành cho quê nhà từ lời ăn tiếng nói/ giọng nói của người đồng hương. Chắc chắn sẽ có  không ít người Quảng Trị sống xa quê khi đọc tập thơ này, họ sẽ cười òa lên, rồi có lúc rưng rưng, lặng người xốn xang để nhớ về một nơi đã chôn rau cắt rốn.

Việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong thơ không phải bây giờ mới có. Thời tiền chiến, nhà thơ Nam Trân đã đã dùng tiếng Quảng: “Ai eng chè đậu doáng / Ai eng đậu hảu không?/ Ai eng hột dịt lộn/ Ai ít ngọt? XôI hông...?”. Rồi sau này, nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh viết : “Quà xuân, tau nhét vô trong thụng/ Xí nữa gặp mi, tau lấy ra/ Còn y nguy đó, răng mà mất/ Rủi mất thì tau sắm lại quà...”; hoặc nhà thơ Mường Mán sử dụng từ tiếng Huế: “Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó/ Về đi thôi o nớ chiều rồi/ Ngó làm chi mây trắng xa xôi/ Mắt buồn quá chao ơi là tội” v.v…

Nhìn chung, những vần thơ này, dù không phải người địa phương đó nhưng ai đọc cũng hiểu. Riêng với Eng về Quảng Trị đi eng, dứt khoát phải có… người “phiên dịch” bằng không ta sẽ ngắc ngứ, khó có thể đoán ra đúng nghĩa của nó. Có lẽ do biết được điều này, dưới mỗi bài thơ, tác giả đều có các chú thích chu đáo.

Xin trích một đoạn thơ tình trong bài Tiễn eng: “Eng đi thăm thẳm xa mù/ Trùng khơi riêng một kẹng dù ôm eng/ Một đời vi vút trời xeng/ Một hôm biến động trùm queng lộ ngồi/ Kẹng dù bung trữa lưng trời/ Một người ở lại, một người ra đi”. Nếu ai đó, người Sài Gòn chẳng hạn tình cơ nghe chàng/ nàng thổ lộ, tâm tình, tình tứ như trên ắt ngẩn tò tè vì tưởng họ đang sử dụng “mật ngữ” gì chăng? Ta hãy nghe ta giả giải thích: Eng: anh; kẹng: cánh; xeng: xanh; lộ: chỗ; queng: quanh; trữa: giữa…

Chính các thổ âm, thổ ngữ này là một “thách thức” cho người thưởng thức thơ, nếu họ không sinh ra ở Quảng Trị; ngược lại, với người Quảng Trị lại là dịp để họ sống lại/ sống cùng với hơi thở đất đai, hồn quê đã gắn bó từ trong máu thịt.

Có một điều rất lạ, tôi chưa thể lý giải tại sao tiếng Quảng Trị lại nằm ra ngoài cách gọi sự vật/ sự việc của cư dân dọc theo cách tình miền Trung?

Nói như thế vì khi khảo sát tiếng nói Hà Tĩnh, Quảng Bỉnh, Quảng Nam, Huế và Phú Yên qua các tập sách nghiên cứu, tôi nhận ra rằng, dù dị biệt nhưng vẫn có sự tương đồng. Chẳng hạn, nguýt: lườm; côi: trên; trẹt: cái mẹt; bưa: đã đời, ngán; tê: kia v.v… Trong khi đó Quảng Trị lại khác hẳn. Trong thơ Ngọc Hồ đã cho thấy trùng trùng lớp lớp các từ lạ hoắc, ít ra với tôi.  Đã thế, Ngọc Hồ còn cho biết, “Người Quảng Trị phát âm “uân” thành “unh”, âm “uât” thành “uch”, âm “nh” thành “d”…”.

Thú thật, khi đọc Eng về Quảng Trị đi eng, tôi như lạc vào mê hồn trận, khó có thể hiểu hết nghĩa của từng câu thơ. Rồi đọc lại, có thể suy đoán ra ít nhiều. Trước hết, xin có nhận xét rằng, sở dĩ các từ ấy trở nên lạ lẫm (dù cũng người miền Trung nhưng vẫn không hiểu) là do cách phát âm của người Quảng Trị “nặng” quá chăng? Đến với thơ, mỗi người có một cách tiếp nhận khác nhau. Và tôi, lại là cuốn sách “gối đầu giường” khi cần tham khảo về… tiếng Quảng Trị.
 

Trước đây, các ông Trần Hữu Thung đã viết sách giải thích tiếng Hà Tĩnh, Bùi Minh Đức cũng giải thích tiếng Huế, rồi các ông Trần Huiền Ân lại viết về tiếng Phú Yên v.v… thế thì tại sao Ngọc Hồ không “thừa thắng xông lên” làm luôn quyển sách giải thích tiếng Quảng Trị? Việc làm này cần thiết lắm chứ. Trước mắt, cần ghi nhận Eng về Quảng Trị đi eng là tập thơ trước nhất đã thể hiện thành công về “đặc sản” thổ âm, thổ ngữ Quảng Trị.

 
L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 7.2.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com