BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÀM THẾ NÀO CHINH PHỤC TRAI TÂY?

LÀM THẾ NÀO CHINH PHỤC TRAI TÂY?

lam-the-nao-chinh-phuc-trai-tay



Phụ nữ Việt có mê trai trai Tây không? Dám quả quyết chắc chắn có. Nhưng tại sao lại mê? Do không còn phải đối mặt với quan niệm cũ về “hôn nhân dị chủng”, hiện nay, thiên hạ đã có thể bàn luận một cách thỏa mái. Nghĩ thế nào, họ cứ trình bày ra thế, không sợ bị dư luận “ném đá”. Không chỉ các cây bút trong nước, ngay cả người nước ngoài cũng mạnh dạn tham gia.

Một trong những quyển sách thuộc đề tài này, có thể kể đến Những điều bạn chưa biết về trai Tây (NXB Trẻ) của Tiến sĩ Cameron Shingleton - người Úc, đã sống và làm việc tại Việt Nam. Sách viết bằng tiếng Việt, chi tiết này, cho thấy vốn sống về văn hóa, con người của tac giả cũng “không phải dạng vừa”.

Trước khi vào chủ đề chính, tác giả đã phân tích về… gái Tây. Thế, gái Tây ra làm sao? “Đặc biệt là những cô trông mong mối quan hệ với người đàn ông là một trải nghiệm thú vị độc nhất - không chỉ là bước đơn thuần để tiến đến hôn nhân, không chỉ là điều sẽ cho mình một cảm giác hay, mà còn thường xuyên đưa mình lên đỉnh thăng hoa của sự cảm xúc”. Thế thì gái Việt có gì khác không? Khó có thể có câu trả lời huỵch toẹt nhưng theo tác giả, trai Tây khi đến với gái Việt: “Họ bị mê hoặc bởi mái tóc đen, dài, óng ả. Họ bị say nắng bởi chính làn da mịn màng. Dù gái Việt có đôi mắt xếch hay mắt một mí thì cũng có thể khiến trai Tây thích mê mệt”.

Nếu trai Tây-gái Việt chạm mặt nhau mà nổ ra “tiếng sét ái tình”, liệu họ có đến với nhau được không? Câu trả lời nghiêm túc, theo tôi vẫn là phải hiểu được tính cách dân tộc, sự dị biệt văn hóa, quan niệm sống… nếu không khó có thể ăn đời ở kiếp. Thậm chí, dù “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” nhưng rồi khó có thể tiến xa hơn. Theo Shingleton sau đây là một vài đặc điểm, chẳng hạn, “Trai Tây không cho rằng họ phải lập gia đình để có con nối dõi hay làm vừa lòng cha mẹ, tổ tiên; Họ không bị áp lực từ phía bạn bè, xã hội như đàn ông VN; Họ không thích người yêu “chèo kéo” về chuyện lập gia đình”.

Có phải đây là sự ích kỷ? Không hề. “Chỉ vì họ chọn những ai cùng quan điểm sống và có thể có tương lai chung”. Thế thì, phải “chinh phục” ra làm sao? “Hãy nói cho anh ấy biết điều bạn quan tâm nhất là mối quan hệ bền vững”, chứ không phải yêu để… sinh con đẻ cái! Nghe ra có choáng không, hỡi các cô nàng? Không chỉ thế, “Phần lớn trai Tây thích những người phụ nữ có chính kiến. Khi hẹn hò, họ cảm thấy việc gặp gỡ một cô gái có quan điểm khác với mình là một điều hấp dẫn”.

Rõ ràng, tính cách này đáng cho ta suy nghĩ, vì rằng, “Gọi dạ bảo vâng” vẫn là điều trai Việt muốn hướng tới khi chinh phục người yêu. Mà này, các vị đàn ông đàn ang Việt có thích cô nàng tranh luận với mình không? Với trai Tây, “Nếu bạn cũng bất đồng ý kiến với một số điều anh ấy nói thì cứ trao đổi thỏa mái. Cứ tự nhiên sửa lại những quan niệm sai lầm của anh ấy”.

Một trong những “hạn chế” nói chung của người Việt, theo Shingleton là “rụt rè trong việc hỏi lại những gì họ chưa hiểu - chắc cũng là hậu quả của cách giảng dạy hồi trung học. Họ sợ mất mặt, sợ bị coi là ngốc. Nhưng hãy nghĩ lại xem, bạn hẹn hò với trai Tây và có chuyện quan trọng bạn rõ ràng không hiểu mà không dám hỏi lại thì khả năng bạn bị coi là ngốc còn cao hơn nhiều”. Sở dĩ nói ra điều này, vì không phải bất kỳ cô nàng nao khi quen trai Tây cũng rành tiếng Anh, nếu không hiểu, cứ việc… mạnh dạn hỏi.

Riêng quan niệm về cái đẹp, thế nào là đẹp trong mắt trai Tây có… khác trai Việt! Ta thử đưa ra thí dụ: “Nếu cho họ chọn giữa một cô là hoa hậu áo dài với một cô gái quê có nụ cười hiền hòa thì phần lớn họ sẽ chọn cô thứ hai - có đúng không? Sai rồi. Đáp án là trai Tây sẽ chọn cô mặc áo dài đẹp với thân hình chuẩn như người mẫu, còn một số khác thì sẽ chọn cô gái quê với nụ cười duyên dáng”. Vậy nên, “bạn không cần phải mặc cảm vì mình không được đẹp - theo tiêu chuẩn VN - với vóc dáng nhỏ nhắn hay làn da châu Á chẳng hạn”.

Một trong những “vấn đề” có thể hấp dẫn, gây tò mò vẫn là quan niệm của trai Tây về “cái ngàn vàng” trong trắng ra làm sao? Tác giả tập sách này, nhấn mạnh: “Anh ấy hầu như chắc chắn  không quan tâm đến chuyện liệu cô ấy đã từng “ngủ” với chàng trai nào hay chưa”; “Trai Tây bình thường nghĩ rằng “chuyện ấy” là một chuyện bình thường mà đàn ông và đàn bà có thể tận hưởng với nhau nếu họ muốn. Thêm vào đó, phần lớn trong số họ nghĩ là họ có thể tận hưởng gấp bội nếu hai bên cùng thành thạo”. Biết thì biết thế, “nhưng nếu lần đầu tiên hẹn hò mà anh ta đã tán tỉnh bừa bãi thì ắt hẳn đó là một gã “đểu” đấy”.

Thử hỏi, trai Tây có thủy chung hay không? Shingleton cho rằng có, thậm chí còn hơn cả đàn ông VN? Tại sao? Ở đây, xét về góc độ tình dục: “Có một phần sự thật đằng sau ý kiến của nam giới Việt là phụ nữ Việt không giỏi chuyện gường chiếu nên họ phải chịu đựng việc chồng ra ngoài ngoại tình: nhiều phụ nữ Việt truyền thống nghĩ rằng các giá trị đạo đức và thú vui xác thịt là không thể hòa hợp được”. Trong khi đó, “phụ nữ phương Tây khá giỏi trong chuyện giường chiếu”. Thế thì, “trai Tây ít có động cơ khiến họ không thủy chung hơn”. Lập luận này, tôi không rõ các phụ nữ Việt có… cãi lại không?

Nhìn chung, tập sách Những điều bạn chưa biết về trai Tây gợi mở nhiều suy nghĩ thú vị. Mà các suy nghĩ đó có thể bạn đọc đồng tình hoặc không. Thật ra cũng chẳng sao cả. Vì rằng, dù Tây hay ta đi nữa, khi bước đến với tình yêu thì khó có thể tìm ra đâu là “công thức” chung, mẫu số chung. Mọi việc còn tùy thuộc vào trái tim hơn cả lý trí, đơn giản đó mới là tình yêu. Khi chỉ ra dị biệt về tính cách, quan niệm văn hóa v.v… Shingleton nói rất đúng: “Tình yêu là một điều đầy mâu thuẫn. bất kể mình đang tìm kiếm nó ở Sydney, San Diego hay Sài Gòn. Việc gặp, quen và yêu một người ở đâu cũng có thể phức tạp đến nổi làm bạn đau khổ hay vô cùng đơn giản đến nỗi làm bạn sung sướng”.


LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 12.1.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com