BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: U ơi, u lấy vợ hai cho thầy

LÊ MINH QUỐC: U ơi, u lấy vợ hai cho thầy

 

uoiulayvohaichothay-1R

 

Trong tâm thức của mọi người, có một từ thiêng liêng, yêu thương, trìu mến và cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt, vẫn còn nhớ đến và có thể thốt lên: “Mẹ”. Mà này, muốn “lên chức” mẹ ắt phải có con. “Người chửa cửa mả” ý muốn nói lúc “Bụng mang dạ chửa” phải giữ gìn, kiêng khem, đi đứng cẩn thận, mọi sơ sẩy đều kẻo nguy hiểm đến tính mạng. Sắp làm mẹ, được gọi “bà bầu/bầu bì”, gọi “bầu” là do cái bụng chữa, to tròn ví như quả bầu, cái bầu. Gọi “thai nghén/nghén” cũng không sao. “Trai vượt bể có bạn, gái vượt cạn một mình”. Lúc sinh nở ai cũng mong muốn: “Mẹ tròn con vuông”.

Với người Việt, có khá nhiều từ được sử dụng để chỉ về người mẹ. Trước hết, có lẽ từ “cái” chăng? Cả hàng ngàn năm trước, đã xuất hiện cụm từ tôn kính “Bố cái đại vương” nhằm chỉ anh hùng Phùng Hưng đã đánh giặc Tàu tan bành xác pháo. “Bố cái” là cha mẹ.

Thành ngữ có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Con dại cái mang”, rõ ràng người mẹ có trách nhiệm quan trọng trong mỗi nếp nhà. Tuy nhiên, “cái” còn có nhiều nghĩa, trong đó, có nghĩa chỉ người làm chủ (cầm cái, nhà cái…); quan trọng nhất, chính, to lớn (sông cái, rễ cái, cột cái…) như thành ngữ có cây: “Vợ cái con cột”. Thật thú vị, khi “ “cái” còn cũng dùng chỉ về giới tính, “giống cái/giống đực” v.v…

Không rõ, từ lúc nào tiếng “cái” biến mất trong cách gọi về mẹ? Khảo sát từ ca dao, tục ngữ, ta biết ở thế kỷ XVIII vẫn còn xuất hiện: “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước non Cao Bằng”; “Dấu Bố Cái rêu in nền miếu/ Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa” (Phú Tây Hồ).  Xưa nay, có hai từ trong tiếng Việt khiến các nhà ngôn ngữ học “điên đầu”, tranh luận chán chê vẫn là “cái” và “con”. Đứng riêng biệt, đã trùng trùng ngữ nghĩa, khi “xáp lại” với nhau cũng lắm chuyện. “Cái” lại dùng để chỉ thân mật bạn bè cùng trang lứa, chẳng hạn, “Kìa, cái Thúy vừa tậu chiếc xe mới”; nhưng gọi “cái con mẹ Thúy” lại hàm nghĩa xem thường, khinh bỉ, miệt thị. “Con mẹ ấy”, nói nhanh nghe thành “con mẻ”.

Khi đã vợ chồng con, cách xưng hô cũng khác, thí dụ vợ chồng nọ có hai con là Tèo, Tún thì họ lại gọi nhau “mẹ cái Tún/bố thằng Tèo”. Đôi khi, lúc cưng chìu thì người chồng lại gọi vợ là… mẹ, nhưng mẹ mày/mẹ nó/mẹ đĩ/ mẹ hoe/mẹ cu. Chẳng hạn, hát hò, làm một đôi câu thơ, đang cao hứng, người chồng ngừng lại hỏi vợ: “Hay đấy chứ mẹ mày nhỉ?”. Nếu là vợ của Tú Xương ắt trả lời: “Rằng hay thì thật là hay/ Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài/ Xưa nay em vẫn chịu ngài”. Ông chồng nhảy một phát lên “ngài”, há chẳng sướng sao?

Một người vật vã khóc con: “Lá vàng chưa rụng, sao lá xanh đã vội lìa cành, con đi đâu bỏ cha bỏ mẹ?”. Từ “bỏ mẹ” ấy hoàn toàn khác ngữ cảnh một người vỗ đùi cái đét: “Thế à? Bỏ mẹ rồi”, tức sự việc đã hỏng bét, gặp nguy khốn. Còn “mẹ kiếp” là tiếng thốt ra lúc tức giận, bực mình: “Mẹ kiếp, quần với chả áo! Ăn mặc nhố thế!”. Cũng là mẹ, nhưng đáng sợ nhất là “mẹ mìn”, tức người đàn bà chuyên nghề sụ dỗ trẻ con, đem đi bán.

Nhiều người góa vợ, chán cảnh “gà trống nuôi con” bèn cưới vợ mới. Người mẹ sau, được con cái của chồng gọi “mẹ kế/mẹ ghẻ”, “dì/dì ghẻ”. “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Quan hệ này, gọi là “Mẹ gà con vịt”:  “Mẹ gà con vịt chít chiu/ Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng”. Thành ngữ có câu: “Cha ghẻ, mẹ gạnh”, “gạnh” ở đây cũng có nghĩa như “ghẻ”. Người phụ nữ chết chồng, không “đi bước nữa”, thờ chồng nuôi con là hoàn cảnh “Mẹ góa con côi”. Có nhiều nơi phát âm “góa” thành “hóa”, vẫn hiểu theo nghĩa trên.

Ngày xưa những nhà hiếm muộn, sinh nở nhiều lần nhưng không nuôi được, ốm đau quặt quẹo luôn, họ “hóa giải” bằng cách “bán” tượng trưng cho nhà chùa; nhờ chị em ruột nuôi giúp; hoặc giao cho vú nuôi… Sở dĩ làm thế là nhằm đánh lừa ma quỷ không biết mà “bắt” lại. Ngay cả lúc lớn lên, đứa trẻ ấy cũng gọi chệch đi trong cách xưng hô, gọi bố mẹ là bác, chú, thím, thậm chí anh, chị. Tuy không phải rơi vào trường hợp éo le trên, nhưng có nhiều nhà, con cái lại gọi bố mẹ là “cậu, mợ/ thầy, me”. Điều lý thú, hai từ “cậu, mợ” ấy, cũng là cách vợ chồng son xưng hô âu yếm với nhau.

Lớp trẻ thành thị còn “chế” ra từ “ông bô/bà bô”, chẳng rõ xuất phát từ đâu. Tất nhiên, cách gọi này tếu táo, tinh nghịch, chỉ nói dám sau lưng. Có lúc họ tinh nghịch gọi “măng”, dám quả quyết do từ “mère: mẹ” trong tiếng Pháp. Đọc câu thơ của Tố Hữu: “Bà Bủ không ngủ bà nằm/ Bao giờ thằng út về thăm một kỳ”, nhiều người quả quyết, “bủ” là từ chỉ người mẹ. Không, “ông bủ/bà bủ” là tiếng gọi ông già, bà lão. “Bầm” mới là tiếng gọi mẹ, không những thế còn có nhiều cách gọi khác nhau nữa, chẳng hạn: u, bu, má, mạ, đẻ, me, mế, vú… Mà trong số từ ấy cũng có từ đa nghĩa ra phết, không khéo nhầm như chơi.

Về từ “me”, thử so sánh: “Gớm, sao me về muộn thế. Hành lý và ô tô xong đã từ bao giờ rồi ấy” (Nguyễn Công Hoan); “Đang dở chuyện hai me nữa bước vào. Me đi trước giày đầm và khoác áo tơi nói oang oang” (Vũ Trọng Phụng). “Me” trong câu sau đích thị “me Tây”, chỉ phụ nữ lấy Tây cũng như sau này có “me Mỹ”.

”Mệ” cũng là tiếng gọi mẹ. Với người Huế khi nghe nói “mệ” tùy ngữ cảnh có thể hiểu là người đó đã lên vai bà: “mệ nội/ mệ ngoại”; “mệ” còn dùng để chỉ người đàn ông thuộc dòng họ nhà vua; hoặc chỉ chung những người thuộc dòng ông hoàng, bà chúa. “Chim bay về núi tối rồi/ Mạ mô con nấy tìm nồi nấu ăn”. Mạ là mẹ, “Chờ được mạ má đã sưng”, “Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”.  Nhưng “mạ” còn chỉ việc phủ/tráng một lớp kim loại bên ngoài một vật dụng nào đó như mạ vàng, mạ bạc. Từ “mạ” cũng chỉ cây lúa non, “Mạ úa cấy lúa chóng xanh/ Gái dòng chóng đẻ sao anh hững hờ?”. “Dòng” là nói tắt của “nạ dòng”, chỉ người đàn bà đã có con.

“Má ơi đừng đánh con đau/ Để con hát bội làm đào má coi”. Nhưng má hồng/má đào/má phấn là chỉ chung về đàn bà, con gái. Má còn trùng âm với một loại rau: “Không có cá lấy rau má làm trọng”. Tức giận ai, nói gì cũng có thể cho qua, không thèm chấp nhưng rủa: “Chó má” ắt sinh chuyện.

“Con cò mà mổ con trai/ U ơi, u lấy vợ hai cho thầy”. “Thầy” là người bố/cha/ba/tía... U không chỉ gọi mẹ, còn để chỉ “người ở” tức người đàn bà giúp việc nhà. Nếu người đó đứng tuổi  gọi “bà vú”, còn nhỏ tuổi gọi “con sen/chị bếp/vú em”. Nhiều gia đình miền Nam, còn gọi thân mật mẹ ruột là “bà vú”. Ngày nay, có từ thông dụng là “Osin”, bắt chước theo tên nhân vật chính trong bộ phim truyền hình cùng của NHK (Nhật Bản) được phát sóng tại Việt Nam.

Nhà văn Tô Hoài viết: “Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về mà ăn... chóng ngoan rồi bu thương”. Bu là mẹ, còn đồng âm với “Bu: Cái chụp đan bằng tre hay bằng nứa, giống như cái nơm dùng để nhốt gà; hoặc có khi dùng để chụp những chùm quả ở trên cây” (Việt Nam tự điển - 1931). Cái bu ấy, người miền Nam, lại gọi cái bội.

L.M.Q

(nguồn: Báo TT Cười số 551 ngày 15.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com