17 tấm hình chân dung nghệ sĩ Sài Gòn xưa: Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Bạch Yến, Bạch Lê, Thanh Lan, Hà Thanh, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thái Thanh, Thanh Thanh Hoa, Trang Bích Liễu, Diễm Thúy, Phượng Liên, Xuân Thu… dưới góc nhìn của Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu, chiếc máy ảnh cổ xưa đã lưu lại hàng ngàn tấm ảnh xuân sắc của nghệ sĩ nổi tiếng… sẽ được triển lãm tại Bookcafe Phương Nam đường sách Nguyễn Văn Bình từ ngày 30/10/2016.
Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện Chủ đề về Sài Gòn xưa do Công ty Văn hóa Phương Nam thực hiện định kỳ 2 tháng/1 lần từ nay cho đến hết năm 2017.
Chương trình cũng là hoạt động nhằm chào mừng sinh nhật 35 năm của Công ty Văn hóa Phương Nam.
Chương trình cũng sẽ có cuộc trò chuyện với Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu, những câu chuyện về nhiếp ảnh của Sài Gòn, kỹ thuật rửa ảnh, chấm ảnh khi chưa có những phần mềm photoshop như hiện nay sẽ được hé lộ. Theo “Sài Gòn chuyện đời của phố” - “Làng xứ Bắc làm trùm nghề ảnh Sài Gòn” của nhà báo Phạm Công Luận sắp được xuất bản vào Tháng 12/2016:
Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935, người gốc làng Lai Xá (trước thuộc Hà Đông, nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) – một ngôi làng xứ Bắc làm trùm về nghề ảnh tại Sài Gòn. Không tính các hiệu ảnh của ông Khánh Ký thuở ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở tại Sài Gòn từ thập niên 1930 – 1940. Và hiện vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh thống kế được (2016).
Học nghề ảnh từ năm 1945, đến năm 1948, chiến tranh mở rộng, ông Đinh Tiến Mậu vào Sài Gòn tiếp tục học nghề ảnh. Năm ấy ông mới 13 tuổi. Ông học nghề ảnh ở tiệm Văn Vấn trên đường Duranton (nay là Bùi Thị Xuân - Q1). Bà Văn vợ ông Vấn là dì ruột của ông. Trong suốt mười năm ở đó, ông học tất cả các khâu từ đơn giản nhất như vỗ ảnh, thay nước ảnh, phơi ảnh, vào bao, xách nước… theo kiểu nhìn thợ làm mà bắt chước. Làm hết các khâu từ chụp ảnh, trang phim, rửa ảnh, chấm sửa… Đến năm 1958, ông thuê nhà mở tiệm riêng. Nhưng khi tiệm bắt đầu có khách lại bị chủ nhà lấy lại nhà, phải đi thuê nơi khác, lại mở tiệm, đến tiệm thứ tư mới đứng vững. Trong đó, trụ lâu là tiệm King’s photo ở Ngô Quyền, Chợ Lớn trong suốt 6 năm. Tiệm cuối cùng ông lấy tên là Viễn Kính ở 277 Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), mở từ năm 1963 chuyên chụp ảnh cho các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu lúc cao điểm rửa tới mấy ngàn tấm ảnh chân dung nghệ sĩ.
Trên facebook “Bảo tang Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá”, cụ Phạm Đăng Hưng kế có ba bước chỉnh sửa, chấm ảnh. Bước một: Làm sạch ảnh. Xem ảnh in có bụi, vết xước không, nhất là xước do phim. Bước này làm sạch các vết bẩn trên ảnh, tự là làm sạch ảnh. Bước hai: Làm đẹp ảnh. Chấm sửa thẳng vào mặt, chân tay như xóa các tàn nhang, trứng cá, gân guốc, vết nhám, sửa cho da mịn màng. Chỉnh sửa trang phục. Sửa nhưng làm sao vẫn giữ được nét tự nhiên, không được làm khác; chỉnh sửa nhưng vẫn phải làm cho giống như thật. Chụp cũng như sửa quan trọng là phải làm cho nổi hình khối, dung ánh sáng làm cho nổi cơ mặt cho có chỗ cao, chỗ thấp. Bước ba: Làm theo yêu cầu. Bước này thợ ảnh chỉ làm theo yêu cầu của khách. Đó là công việc chỉnh sửa nắn sống mũi cho cao hơn; mắt mở to, tròn; từ mắt một mí tạo hai mí; kẻ lông mi cong, dài; tạo cằm bạnh, làm mặt trái xoan; ngực lép thành ngực nổi cở nào cũng được, bụng không eo thì làm chiết eo…”.
Chương trình giao lưu sẽ được diễn ra vào lúc 10g Chủ Nhật 30/10/2016 tại Bookcafe Phương Nam đường sách Nguyễn Văn Bình. Chương trình vào cửa tự do.
(nguồn: Công ty Văn hóa Phương Nam).
< Lùi | Tiếp theo > |
---|