LÊ MINH QUỐC: Lấy trái tim ra để ứng xử

Array In Array


lay-trai-tim-ra-de-ung-xu-1-R

 

Nhiều người thích đọc sử. Những mẩu chuyện từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, tưởng rằng, gió bụi thời gian đã phủ mờ, chẳng phải đâu, nó vẫn đồng hành cùng thời đại mà ta đang sống đấy chứ. Với các trang sử đó, có nhiều bài học mà thế hệ sau được chiêm nghiệm, suy ngẫm - trong đó có đối nhân xử thế.

Sở dĩ nói như thế, vì cứ ngẫm mà xem có bao giờ chúng ta từng chứng kiến sự “trả đũa” lẫn nhau? Bình thường chẳng sao, dù “bằng mặt” nhưng không “bằng lòng”, vậy mà trong công sở, nơi làm việc họ vẫn đối xử với nhau như tri âm, tri kỷ. Vẫn vui vẻ cụng ly. Vẫn tay bắt mặt mừng. Vẫn anh anh, em em “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”. Thế rồi, đến lúc người kia “gặp chuyện” hoặc có “sự cố” gì đó ắt người này liền “ra tay” ngay tắp lự. Họ nghĩ rằng, thực hiện ý đồ ngay lúc đó chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.

Việc làm này, có nên chăng?

Bộ chính sử Đại Nam thực lục (tiền biên) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép rằng: Năm 1623, chúa Trịnh Tùng của vua Lê bị bệnh nặng, con thứ của Tùng là Xuân nổi loạn, phóng lửa đốt Đông Đô, bức dời Tùng đến quán Thanh Xuân (ở huyện Thanh Oai). Tùng chết ở dọc đường. Con trưởng là Tráng lên nối, lập vợ là Ngọc Tú làm Tây cung.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nghe tin Tùng chết, bảo các tướng rằng:

“Tùng không biết có vua, Xuân không biết có cha, đạo trời báo ứng, thật chẳng lầm vậy”. Rồi sai bắn 3 phát súng và kêu 3 tiếng. Văn chức là Nguyễn Hữu Dật ra khỏi ban nói rằng: “Trịnh Tùng chết, con mới lập, muốn đánh thì đánh, muốn giữ thì giữ. Nay sai nổ súng và kêu to, là sao vậy?”.

Chúa cười nói rằng : “Hữu Dật tuổi trẻ cậy hăng, chưa biết rõ lẽ”. Nhân cho về, bảo cha Dật là Triều Văn dạy bảo. Triều Văn là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, đương làm tham tướng. Hữu Dật 16 tuổi, vì có văn học được bổ làm văn chức. Chúa lại bảo các tướng rằng: “Ta muốn nhân cơ hội này nổi nghĩa binh để phò vua Lê, nhưng đánh người trong lúc có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy là bất võ. Huống chi ta với họ Trịnh có nghĩa thông gia, chi bằng trước hết hãy đem lễ đến phúng để xem tình hình rồi sau hãy liệu kế”. Các tướng đều bái phục. Bèn sai sứ sang phúng”.
Câu nói của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đáng mặt là bậc quân tử. Không vì phía đối nghịch đang “tang gia bối rối”, lợi dụng cơ hội đó để ra quân. Nói cách khác, đã là người thấu hiểu lễ nghĩa ở đời không thể làm những việc mà nói nôm na là “đánh người ngã ngựa”. Đọc một đoạn sử ngắn thôi, nhưng qua đó có thể hiểu được tấm lòng, nhân cách của người xưa.

Tôi cũng khâm phục phép ứng xử hài hòa giữa lý và tình của vua Minh Mạng. Năm 1821, nhà vua “đi tuần Bắc thành nhân tiện thăm các địa phương và hỏi về phong tục”. Khi ra đến Hà Nội, nhà vua bảo các quan “Trẫm tham xét điển lễ, thấy từ xưa các bậc đế vương đều có miếu thờ. Nay có việc đi Bắc tuần, những nơi có thờ đế vương đời trước, không nơi nào không sai quan đến tế. Nhưng từ triều Lê trở về trước thì đều thờ cúng trong dân gian, miếu vũ cho Nhà nước tế thì chưa từng xây dựng. Nghĩ rằng vua các triều trước thay nhau làm việc đều có công đức với dân, lòng trẫm rất kính mộ, việc làm miếu thờ nên theo nghĩa mà làm. Vậy bàn sai chọn đất dựng miếu làm nơi tế cúng”.

Một quân vương đang trên ngôi cửu trùng, lại có quan điểm khoan dung dành cho triều đại trước từng đối nghịch, há chẳng phải là người có lòng nhân sáng ngời như vầng nhật nguyệt đó sao?

Không chỉ thế, ngay cả với kẻ thù khi họ đã “sa cơ thất thế”, ông cha ta cũng đối xử bằng lòng nhân khiến chúng phải tâm phục, khẩu phục. Rằng sau mười năm ròng rã nằm gai nếm mật, cuộc kháng chiến chính nghĩa do anh hùng Lê Lợi lãnh đạo đã toàn thắng. Năm 1427, Vương Thông và các tướng nhà Minh buộc phải đầu hàng và rút quân.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Các tướng sĩ, người dân căm tức sự tàn ngược của quân Minh, bảo vương đem giết đi, Lê Lợi đáp rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”.

Rõ ràng đọc các trang sử chép lại việc làm của người xưa, lòng ta thêm sáng biết bao điều. Ở đó, lòng nhân dành cho nhau trong đối nhân xử thế vẫn còn là giá trị hiện hữu.

Mới đây thôi, tôi có nghe bạn bè kể lại chuyện này: Tại cơ quan nọ, mọi người xầm xì do muốn leo lên chức trưởng phòng nên anh A luôn tích cực, gương mẫu. Anh ta làm việc đúng thời gian quy định, do đó, nhiều người phải làm theo dù rất muốn đi trễ, về sớm. Với một nhân viên luôn hoàn thành vượt mức công việc, sếp biểu dương, khen thưởng là lẽ tất nhiên. Thế nhưng đồng nghiệp vẫn ngầm chê bai vì cho rằng anh ta có động cơ, ý đồ cá nhân chứ chẳng tốt đẹp gì. Rồi ngày nọ, anh A nhập viện phải nghỉ cả nửa tháng trời. Mọi người nhân cơ hội đó, không chỉ trong cuộc họp mà còn nhỏ to với sếp nên thận trọng, chớ nên cất nhấc anh ta.

Sự việc diễn ra như ý muốn.

Mà oái oăm thật, khi sự việc diễn ra như ý muốn, mọi người mới biết mình đã ứng xử không đúng. Do đọc từ trang nhật ký ghi từng ngày trên trang Facebook cá nhân của anh A, ai nấy đều chửng hửng sở dĩ lâu nay, anh ta cật lực làm việc vì đã biết mình mang căn bệnh nan y. Cần phải có nhiều tiền để thuốc men, điều trị. Vậy nên anh ta phải làm việc chỉnh chu nhằm ổn định thu nhập chứ chẳng hề vì lăm le với cái chức trưởng phòng. Vậy mà nhân cơ hội anh ta vắng mặt, không thể tự bào chữa, “nói lại cho rõ” thì các đồng nghiệp đã “ra tay”! Những việc làm tương tự này không cá biệt đâu, có lẽ vẫn đang còn khá phổ biến trong nhiều mối quan hệ.

Vì lẽ đó, chắc các bạn đồng tình với suy nghĩ: Sống ở đời, có những việc nếu xuất phát từ lòng nhân, lấy trái tim ra để ứng xử, phán xét ắt chúng ta sẽ giải quyết “thấu tình, đạt lý” theo hướng tích cực hơn.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 446 ngày 30.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà