THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Chỉ là gió thoảng ngoài tai…

LÊ MINH QUỐC: Chỉ là gió thoảng ngoài tai…

chilagiothoang-ngoai-trai-1-R

 

Đọc sử sách, tôi có thích mẩu chuyện có liên quan đến Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1888-1954). Cụ là một đại thần triều Nguyễn, do xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nên mọi lời ăn tiếng nói của cụ đều thận trọng. Vậy mà một hôm, tại cộng đường, cụ lớn tiếng quát tháo ai đó, loáng thoáng có hai từ: “chó má”. Tối hôm đó, cụ bà ngạc nhiên hỏi lại, không ngờ chồng mình lại có thể thốt ra lời cay nghiệt: “Sáng nay, ông tức giận chuyện chi mà mắng người ta chó má? Liệu chừng, có nên chăng?”. Cụ ông từ tốn trả lời: “Tôi đâu mắng ai là chó má. Tôi chỉ bảo tên ấy rằng: “Ông xem tôi là hạng chó má hay sao mà tính chuyện hối lộ với tôi?”.

Thế đấy, có những con người dù sống tốt, đạo đức, mẫu mực nhưng rồi thiên hạ hoặc hiểu nhầm; hoặc họ cứ nghĩ ai cũng như mình, cũng chỉ là loại “cá mè một lứa”. Một khi nhân cách không được tôn trọng, cụ Nguyễn Khắc Niêm bực bội là cũng phải.

Thiên hạ hiểu nhầm là chuyện thường tình. Làm sao người ngoài có thể hiểu rõ được tâm tính, tính cách, tấm lòng… của mình? Hơn nữa miệng đời đồn đãi, nhận xét, đáng giá thế này thế nọ, nếu lúc nào mình cũng ghim lại trong lòng, làm sao vui sống? Nhưng bạn bè với nhau lại khác. Tưởng rằng, lâu nay cả hai cùng có sự bình đẳng của tình bạn, hóa ra không phải. Từng chia ngọt xẻ bùi, từng thâu đêm tâm sự rồi chắc gì đã hiểu lòng nhau? Đến lúc nào đó, nhân chuyện gì đó, có người mới trố mắt ngạc nhiên: “Ủa, bạn ấy nghĩ mình tệ hại đến thế ư? Lỗi tại mình hay tại ai?”.

Có anh chàng nọ sống bằng nghề viết lách vì quý bạn, và biết bạn làm ăn đàng hoàng, có nhiều đóng góp hữu ích, hiệu quả cho xã hội. Do đó, anh ta mới đề nghị bạn kể lại câu chuyện làm giàu, “vượt lên chính mình” để viết lên mặt báo. Vừa có ích cho bạn đọc, nói thật, cũng là một cách thể hiện tấm lòng quý mến dành cho bạn.

Không ngờ lại nhận lời từ chối, nhưng ít lâu sau, thật tróe ngoe khi bạn điện thoại bảo: “Tớ giúp cho cậu có bài đăng để kiếm nhuận bút nè. Cậu viết về tay X đi”. Nghe xong, anh ta thở dài, X là ai? Việc gì phải biết đến? Cảm thấy lùng bùng lỗ tai, bạn ấy nghĩ mình đề nghị viết chỉ vì tiền, chứ không phải xuất phát từ tình cảm quý mến.

Buồn là thế.

Lại thêm một chuyện không vui: Anh A và anh B người thân thiết như cột với kèo. Cả hai cùng quen chung với anh Z. Do hiểu nhầm gì đó nên anh A không chơi với anh Z nữa. Chuyện người này “hạp” người kia hay không cũng bình thường thôi. Nào ngờ, một ngày nọ anh B bảo anh A: “Cậu nên chơi lại với anh Z đi, vì lúc ăn sáng, lúc ăn nhậu, anh Z luôn là người dành trả tiền”. Nghe xong, anh A choáng váng: “Chẳng lẽ, lâu nay trong mắt B, mình chỉ là kẻ ăn chực?”.

Buồn là thế.

Lại thêm một chuyện khác: Có đôi bạn thân tình, từng chia ngọt xẻ bùi, quý mến nhau như anh em. Họ quý nhau còn một phần vì phục tài, nể nang tri thức của nhau, cùng địa vị xã hội, thu nhập ngang nhau. Có lúc, người này tâm sự với người kia, dạo này công ty không xuất hàng được nên lương bổng bọt bèo, thấp lắm. Do đó, mọi chi tiêu phải cân nhắc từng đồng chứ không dám vung tay như trước. Nào ngờ, người kia lại bảo: “Vậy, cậu nghỉ việc ở bên đó đi, sang bên công ty mình. Mình cho chân giữ xe, trả lương cao hơn gấp đôi”. Ơ hay, vậy trong mắt bạn, vì đồng lương không còn ngang nhau mà đối xử thế à? Đành rằng, giữ xe cũng là nghề nhưng rồi chuyên môn, nghiệp vụ đã học hành lâu nay đành bỏ xó?

Buồn là thế.

Hơn cả những mẩu chuyện trên, chính là “sự thật phũ phàng” trong tình chồng nghĩa vợ. Ăn ở với nhau bao nhiêu năm, đối xử với nhau như bát nước đầy, yêu thương đằm thắm. Nếu thời gan thấm thoát trôi qua, vẫn thế, còn gì tươi đẹp hơn. Nào ngờ, có một lúc “cơm không lành, canh không ngọt”, người chồng lại thốt ra một câu nghe điếng cả người: “Tôi biết lắm mà, cô yêu thương gì tôi. Chẳng qua, hồi đó, biết tôi con một, gia đình giàu có nên mới lăn xả vào. Đúng không nào?”. Cô vợ không tin vào tai mình, òa lên khóc tấm tức. Bao nhiêu công sức vun vén, gìn giữ lửa ấm trong nhà chỉ một câu nói nghiệt mà tan tành xí quách.

Buồn là thế.

Vướng víu những chuyện “ầu ơ ví dầu” đó, có người tự hỏi: “Lâu nay, mình đã sống thế nào để dẫn đến sự hiểu nhầm đáng tiếc này?”. Có người bực bội, cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm nên quyết tìm mọi cách “trả đũa” cho bằng được.

Chẳng một ai có quyền kết luận, đánh giá về cách ứng xử trên. Đơn giản mà sau “sự cố” đó, ai cũng có cách giải quyết riêng miễn cảm thấy hài lòng. Miễn sao việc đó không lặp lại lần nữa. Nhờ thế, tâm hồn thơ thới. Sự việc sẽ trở nên đáng tiếc nếu ta cứ đau đáu, suy tư, hằn học để rồi mỗi lần lần nghĩ lại càng thêm bực bội, tức tối, ấm ức.

Liệu có nên chăng?

Tập sách Cổ học tinh hoa do Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân biên soạn có mẩu chuyện, thiết nghĩ có thể là câu trả lời: “Đời vua Trang Công nước Tề, có một chàng tên là Tân Ti Tụ đêm nằm thấy một người to nhớn mặc quần gai, áo vải, đội mũ trắng, đi giày mới, đeo thanh gươm tự dưng vào tận nhà mắng, rồi nhổ vào mặt. Chàng ta giật mình sực tỉnh dậy, mới biết là chuyện chiêm bao. Bèn ngồi suốt đêm, lấy làm bực dọc khó chịu lắm”.

Nếu anh chàng nước Sở chỉ xem như “gió thoảng ngoài tai”, ắt có cách xử lý khác. Sống ở trên đời, khó có thể ai khuyên cho ai điều gì. Mà có khuyên chắc gì ta đã nghe. Thôi thì, có những chuyện cần nhớ, phải nhớ nằm lòng nhưng bên cạnh đó, dù có những chuyện dù “không tin được dù đó là sự thật” nhưng biết quên đi cũng là một bản lĩnh khôn ngoan. Khổ nỗi, anh chàng nước Sở lại không thế.

“Sáng hôm sau, chàng ra mời một người bạn thân đến và nói rằng:

- Bác ơi! Từ thuở bé đến giờ, tôi vẫn là người hiếu dũng, đến nay đã sáu mươi tuổi chưa hề phải đứa nào tỏa nhục bao giờ. Thế mà đêm qua phải một đứa nó làm nhục tôi. Tôi định tìm kỳ được đứa ấy để báo thù mới nghe. Nếu tôi tìm thấy nó thì hay, nếu không tìm thấy, thì tôi chết mất.

Rồi từ hôm đó cứ sáng nào chàng ta cũng cùng người bạn ra đứng ở ngoài đường cái để rình. Rình đã ba ngày mà không thấy đâu, chàng ta về nhà uất lên mà chết”.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 447 ngày 13.8.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com