THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: “CÓ HIỂU KHÔNG?”

Lê Minh Quốc: “CÓ HIỂU KHÔNG?”

co-hieu-khong-1RR

 

“Này anh, em chẳng muốn gặp cái Tuyết nữa. Em nói trước, lỗi không phải tại em đâu đấy nhá”. Anh Thiện sửng người, không tin vào lỗ tai mình nữa. Có nghe nhầm không? Tuyết là em gái út của anh. Hồi mới yêu nhau, nó là “chim xanh”, là “liên lạc viên” nên sau này vợ anh cưng nó lắm cơ mà. Vậy giữa nó và chị dâu vừa có mâu thuẫn trầm trọng gì chăng?

Nhìn thấy chồng “nghệch mặt như mất sổ gạo”, cô vợ nhẩn nha: “Dạo này, ai đời, hễ mở miệng ra, vừa trao đổi dăm câu, y như rằng, bao giờ nó cũng hỏi: “Chị có hiểu không?”. Nghe cứ như cô giáo đang tra vấn học trò. Vấn đề chẳng có cái quái gì mà lúc nào nó cũng “Chị có hiểu không?”. Nghe cáu lắm”. Vậy hoá ra trình độ, nhận thức của em không bằng nó à? “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Nếu là anh, anh có chịu nổi không?”.

À, thì ra thế.

Dù không biểu lộ tán thành, đồng tình nhưng Thiện phải thừa nhận là vợ mình nói đúng. Thật lạ, nhiều người trong giao tiếp lại có thói quen chẳng mấy hay ho là cứ sau một câu nói lại nhấn mạnh: “Anh/chị có hiểu không?”. Nhìn nhận khách quan thì chẳng phải họ xem thường, đánh giá thấp người đối diện mà chỉ vì luôn quen miệng đấy thôi. Họ chỉ nhấn mạnh về chuyện đang trao đổi, chứ chẳng phải muốn “thẩm định” lại kiến thức của người đối diện. Nhưng rồi, cụm từ ấy “nhậy cảm” quá nên mới gây ra hiểu nhầm đáng tiếc.

Không chỉ với “người ngoài”, ngay cả vợ chồng đã có vài mặt con, đã “ăn đời ở kiếp” nhưng nếu không khéo, cứ luôn miệng: “Có hiểu không?” cũng dễ dẫn đến những cuộc cãi vã lãng xẹt. Đem chuyện thiên hạ ra minh chứng thì dễ dàng quá, còn chuyện của mình sao không kể ra đi? Sở dĩ nói như thế, vì chính tôi đây cũng là “nạn nhân” trong một vài trường hợp “kêu trời không thấu”.

Lần nọ, trong cuộc họp mặt tổ dân phố, đông đủ “bá quan văn võ”, cô vợ mến yêu của tôi được mời phát biểu đôi câu về tình hình trị an trong phường. Chà, khỏi phải nói, tôi hãnh diện xiết bao, vì vợ mình được “đăng đàn” giữa đám đông, có nhiều người lắng nghe và thỉnh thoảng lại nhận được vài tràng tay hoan nghênh.

Nhưng rồi, tôi lại cảm thấy lùng bùng lỗ tai vì đến lúc nàng dõng dạc: “Điều đáng mừng là bà con khu phố mình bao giờ cũng đóng tiền đầy đủ để bồi dưỡng anh em dân phòng. Ai ai cũng quan tâm đến việc chung, trên dưới đoàn kết một lòng. Không thiếu thốn thì anh em mới toàn tâm toàn ý tuần tra, canh gác... Có thực mới vực được đạo. Bà con có hiểu không?”. Nàng vừa dứt câu, tôi đã nghe nhiều tiếng xầm xì cho rằng vợ tôi kiêu ngạo, việc tầm thường ấy mà cũng đặt câu hỏi, vậy hoá ra mọi người chỉ thuộc hạng “i, tờ” thôi sao?

Lần nọ, sau khi đi làm về, tôi rót nước uống nhưng sẩy tay khiến cái cốc vỡ tan tành. Chuyện nhỏ thôi mà. Đúng thế. Nàng cằn nhằn: “Cái gì đụng vào tay anh cũng “về hưu” sớm. Lần sau cẩn thận hơn giùm em”. Biết lỗi, tôi cười cầu tài, giả lả: “Ý em nói là dạo này anh “hết xí quách” rồi chứ gì?” Câu đùa ấy, có duyên quá đi mất. Nhưng hỡi ôi, nụ cười của tôi chưa tắt thì bỗng muốn nổi khùng vì nghe nàng thòng theo một câu: “Mà này, em nói thật đấy nhá. Anh có hiểu không?”. Với người khác thì sao? Có lẽ ai cũng hậm hực, bực bội vì chẳng lẽ trong suy nghĩ của “một nửa”, hoá ra mình chỉ là đứa trẻ con lớn xác? Cái việc cỏn con ấy mà còn không hiểu thì việc khác còn nên “cơm cháo” gì nữa hả trời?

Dù có là “đứa trẻ lớn xác” đi nữa, khi nhắc nhở, than phiền, trách móc cũng đừng sử dụng cụm từ “chết người” ấy. Mới đây thôi, đám bè bạn bồ tèo chúng tôi “ngã ngửa” khi hay tin Dung đã bỏ về nhà mẹ khiến anh chồng “bơ vơ chiếc bóng”, “cô đơn lạnh lẽo” suốt mấy ngày liền. Nguyên cớ tại làm sao mà ra nông nổi ấy? Dung kể: “Chẳng biết “học” của ai mà gần đây, ông xã xem tớ như đứa trẻ con hỉ mũi chưa sạch. Tuần rồi vợ chồng tớ đi thăm cô giáo của thằng nhóc để tặng ít quà và gửi gắm, nhờ vả cô giáo quan tâm đến con mình nhiều hơn. Cô giáo nhỏ tuổi hơn cả em út nhà mình, thế mà khi nói chuyện với cô ta, thỉnh thoảng ông xã lại quay sang mình và lặp đi lặp lại: “Em có hiểu không?”. Chẳng lẽ, cô giáo ấy “trình độ” hơn tớ à? Chưa hết, đi nhờ cậy người ta mà lại cứ kẻ cả oang oang: “Tôi nói thế, cô giáo có hiểu không?”. Anh ấy cứ tưởng trong đầu hai đứa tôi chỉ có đất sét thôi sao?”.

Thế đấy, đôi khi chỉ một hai câu nói, chi là do thói quen, quen miệng quen mồm mà thốt ra nhưng lại khiến “một nửa”, người đối diện tự ái, thậm chí tủi thân nữa. Cụm từ “Có hiểu không?” sở dĩ nhiều người cho rằng nó “nhậy cảm” vì nghe ra nó lớn lối, kẻ cả, trịnh thượng quá. Biết như thế, chỉ có cách hạn chế, không sử dụng nữa vẫn tốt hơn, tránh phải gây ra sự hiểu lầm, rắc rối.


L.M.Q

(nguồn: TGPN 11.7.2106)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com