LÊ MINH QUỐC: Một suy nghĩ nhỏ nhân đọc truyện tranh lịch sử Việt Nam

Array In Array

 

Thần tượng của trẻ em VN là ai? Với câu hỏi này, tôi đã đi hỏi nhiều trẻ em trong xóm. Xóm tôi nghèo, nhiều gia đình sống bằng quỹ xóa đói giảm nghèo, con cái thất học hoặc học hành dang dở… Đa số đều trả lời rằng: “Thần tượng của em là con mèo Đô-rê-môn”! Mới đây đọc quyển thứ 21 trong bộ Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Tướng quân (NXB Kim Đồng), thấy có nhiều đoạn, chắc hẳn không do tác giả hư cấu, tưởng tượng.

leloi

Tượng anh hùng dân tộc Lê Lợi

 

Đại khái như thế này, trong lớp học nọ, khi nói về Bao Công thì các cậu thay nhau phát biểu như bắp rang, kể vanh vách về chiến công của từng người, nhưng đến khi hỏi về lịch sử Việt Nam thì tất cả đều… ngắc ngứ! Cô giáo nói: “Các em tìm hiểu về nhân vật Bao Công cũng tốt. Nhưng nếu chỉ hiểu về lịch sử nước người trong khi hoàn toàn mù mờ về lịch sử nước mình thì không hợp lý chút nào!”. Một nhân vật trả lời: “Nhưng thưa cô! Đài truyền hình chỉ chiếu phim về Bao Thanh Thiên, Tần Thủy Hoàng chứ có chiếu phim về Lê Đại Hành hay Lý Thái Tổ đâu ạ!” (tr.41). Đây cũng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Được biết gần đây ở Trung Quốc, người ta vừa làm một việc hết sức ý nghĩa đối với danh nhân của họ. Họ cho treo ảnh chân dung của danh nhân ở nơi trang trọng nhất trên con đường mang tên danh nhân đó. Việc làm nhỏ nhưng rõ ràng đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ noi gương danh nhân. Một sự thật phải thừa nhận là hiện nay, không phải bất cứ danh nhân nào mà đường phố chúng ta được vinh dự mang tên, sự nghiệp, công trạng đối với lịch sử nước nhà cũng được mọi người biết rõ.

Đất nước nhiều năm loạn lạc, chiến tranh, nhiều thư tịch cổ đã vùi trong đạn lửa. Đây là một thiệt thòi cho thế hệ sau. Một danh tướng lừng lẫy từng đánh ta 29 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789): Quang Trung - nay ta đâu được chiêm ngưỡng chân dung của Ngài! Bức ảnh vua Quang Trung oai phong lẫm liệt ngồi trên ngựa mà ta thường thấy, thật ra là của Phạm Công Trị đóng giả Ngài khi triều kiến vua Thanh đấy thôi. Chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ trong rất nhiều trường hợp như thế. Đâu ảnh chân dung của đại thi hào Nguyễn Du, thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu… và những bậc danh thần, danh tướng, danh nho khác?

Còn nữa, chẳng hạn vị trí của sông Bạch Đằng, nơi mà tổ tiên ta đã nhiều lần cắm cọc lim để chống giặc phương Bắc: Ngô Quyền chống quân Nam Hán (938), Lê Hoàn chống quân Tống (981), Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên (1288), Hồ Quý Ly chống quân Minh (1405). Trong truyện Tướng quân, Nguyễn Nhật Ánh viết: “Sông Bạch Đằng thuộc tỉnh Hải Dương cũ, dài hơn 20km, trước đây còn có tên là sông Vân Cừ hay sông Rừng” (tr.50). Nhưng học giả Đào Duy Anh trong Đất nước VN qua các đời (NXB Thuận Hóa, 1994) lại lập luận xác đáng: “Đại Nam nhất thống chí nói rằng “núi non dựng đứng, nước suối nhóm vào, sóng nổi ngất trời, bờ um cây cối” có lẽ nhắc lại hình thế sông Bạch Đằng ngày xưa, chứ sông Bạch Đằng ngày nay chúng ta vượt qua bến Đò Rừng (xã Đoan Lễ) trên đường Hải Phòng đi Hòn Gai thì không có khí thế oai hùng như thế (tr.257). Rõ ràng là vị trí, luồn lạch của dòng sông Bạch Đằng đã thay đổi, và những người soạn sách về lịch sử hoặc truyền giảng lịch sử cần phải tìm hiểu thấu đáo khi nhắc đến những chiến thắng oanh liệt của tổ tiên ta trên thủy lộ này.

Nhưng, để cho lịch sử dân tộc “thấm” được vào lớp trẻ, tất nhiên không thể chỉ đòi hỏi ở ngành giáo dục. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Lịch sử là một môn học quan trọng. Bởi tuy là môn học về những sự kiện, nhưng thông qua những sự kiện đó, chúng ta hiểu được cốt cách tinh thần của một dân tộc. Vì vậy so với những môn học khác, môn học lịch sử mang đậm tính công dân nhất. Nhưng học lịch sử là một chuyện, còn yêu thích môn sử hay không là chuyện khác. Để làm được điều này , dị nhiên cần có những cố gắng của các nhà soạn sách giáo khoa và thầy cô giáo. Nhưng không chì có vậy, đề tài lịch sử lại rất cần các loại hình nghệ thuật khác quan tâm khai thác và chuyển tải đến công chúng dưới các hình thức hấp dẫn. Cách làm phim đề tài lịch sử rất hấp dẫn vừa qua của Trung Quốc đáng để ta suy nghĩ".

Gần đây đã có tín hiệu đáng mừng tại thị trường sách: NXB Văn học đã phối hợp với Fahasa xây dựng tủ sách danh nhân và hiện nay đã có trên 20 đầu sách; còn NXB Trẻ phối hợp với Công ty VHTH Q.11 thực hiện tủ sách truyện tranh về danh nhân VN, đến nay đã xuất bản: Lý Thường Kiệt - bóng ma trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt - Bóng ma trên sông Như Nguyệt, Trương Định - Bình Tây đại nguyên soái, Nguyễn Trung Trực - Lửa hồng Nhật Tảo v.v…

Sự nỗ lực này, thiết tưởng nên được các bậc phụ huynh ủng hộ. Trong gia đình, có một tủ sách về danh nhân VN thì quý biết bao nhiêu, hay biết bao nhiêu! Bên cạnh đó, thiết tưởng các cơ quan hữu trách cũng nên học kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc truyền lưu hình ảnh của các danh nhân đến thế hệ sau. Thiết nghĩ, nếu việc này được thực hiện thì các nhà sử học, các học giả nghiên cứu lịch sử, các nhà văn và bất cứ ai quan tâm đến vấn đề này cũng đều có thể đóng góp thêm tư liệu của lịch sử nước nhà mà họ lưu trữ được. Đến lúc đó, mỗi bước chân chúng ta đi trên con đường mang tên danh nhân sẽ vang vọng lên những âm hưởng khác từ chiều sâu tâm khảm….

 

L.M.Q

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 5.11.1997)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà