Tú Hợi: THÚC SINH - ĐỆ NHẤT CAO THỦ VÕ LÂM… SỢ VỢ!

Array In Array

thucsinhso-vo-1RR


Đầu tháng 12.2015, nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới vừa chính thức ra văn bản xác nhận kỷ lục thế giới mới nhất dành cho Truyện Kiều: “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Ở Việt Nam đến nay, Truyện Kiều đã có cả thẩy 27 kỷ lục. Nay, xin đề xuất thêm kỷ lục thứ 28:  Thúc Sinh -  đệ nhất cao thủ võ lâm… sợ vợ”! Với danh hiệu cao quý này, chắc chắn các đấng râu quặp phải tôn lên hàng sư phụ.

Nói có sách, mách có chứng.

Lại nói về lúc Hoạn Thư, vợ của Thúc Sinh vì “ngứa ghẻ hờn ghen” sai bọn “xã hội đen” Ưng, Khuyển đốt nhà Thúy Kiều - vợ bé của chồng. Rồi bắt cóc nàng đem về tư dinh, đổi thành tên Hoa Nô. Thúc Sinh hoàn toàn không biết gì về chuyện khủng bố này. Khi Sinh trở về thăm vợ, Hoạn Thư chào đón và cho đày tớ mới ra chào chủ. Trời! Không thể ngờ, Sinh gặp lại cố nhân mà trước đó đã mình từng mạnh miệng thế thốt: “Trăm điều hãy cứ trông vào một ta”. Đàn ông nào không thế? Sau lưng vợ, xem trời bằng vung.

Nhưng rồi, trước tình huống éo le này, Sinh sẽ xử sự thế nào cho đáng mặt? Thì đây, Sinh khiếp vía, sợ vợ biết mối quan hệ giữa mình với Kiều nên bèn… bưng mặt khóc hu hu: “Khôn ngăn giọt nước sụt sùi nhỏ ra”. Thấy thế, Hoạn Thư mới hỏi chồng, vừa về đến nhà, cớ gì mà khóc? Sinh đánh trống lảng: “Mới vừa mãn tang mẹ. Nhớ mẹ nên anh khóc”. Hoạn Thư thừa biết tỏng sự tình, bèn cười khẩy: “Khen rằng: Hiếu tử đã nên/ Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu”.

Thế là một cuộc rượu bày ra.

Trong lúc vợ chồng lai rai, Kiều phải quỳ xuống, dâng rượu mời tận mặt. Sinh có thể uống được không? Tất nhiên là không. Hoạn Thư bực quá bảo: “Nếu mày không khuyên chàng cạn chén, ta có đòn đấy”. Sợ Kiều tan da nát thịt: “Sinh càng nát ruột tan hồn/ Chén mời phải cạn bồ hòn ráo ngay”. Uống cạn tức thì, trong ly không còn một giọt! Đã thế, lúc hầu rượu, Kiều còn phải gẩy đàn mua vui. Nghe lại tiếng đàn của cố nhân, cầm lòng không đặng, Sinh phản ứng thế nào? Chàng lại… khóc. “Giọt châu lã chã khôn cầm/ Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương”. Nhìn trái tai gai mắt quá, Hoạn Thư bèn xa xả mắng Kiều: “Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi!”. Sinh nào dám mở miệng ra đỡ cho Kiều một câu.

Rồi những ngày sau, nhìn thấy Kiều lúc nào cũng mặt mày buồn xo, Hoạn Thư bèn gặng tra rồi nhờ chồng hỏi thêm cơn cớ tại làm sao. Lúc này, với bản lĩnh của người đàn ông, Sinh sẽ nói thật mọi điều với vợ chăng? Không hề. “Sinh đà rát ruột như bào/ Nói ra chẳng tiện, trông vào chẳng đang”. Sinh lại đành câm như hến. Thế là, Hoạn Thư bắt Kiều phải viết tờ cung khai kể lại sự tình. Trong đó, Kiều trình bày nguyện vọng xin được đi tu. Muốn là chiều. Kiều được Hoạn Thư cho xuất gia, tu ở Quan Âm Các ngay sau tư dinh, lấy pháp danh Trạc Tuyền.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Nhân ngày nọ, biết “sư tử Hà Đông” đã đi thăm mẹ. Cơ hội ngàn vàng, Sinh liền tót ra vườn thăm cố nhân. Chà, Sinh sẽ ôm chầm lấy vợ bé mà hôn mà hít mà hả hê tâm sự cho bõ những ngày ngậm đắng nuốt cay? Không hề. “Sinh đà kể nổi đoạn trường/ Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh”. Nên nhớ, Kiều đã đi tu thì mặc áo nâu sồng; ở đây, áo xanh là áo của Thúc Sinh! Khóc đến đẫm áo của mình kể ra cũng… giỏi!

Từ lúc quay về nhà thăm vợ, đến lúc gặp riêng Kiều, chàng Sinh đã khóc đến ba lần rồi đấy!

Lần này, khóc xong rồi, Sinh lại thề thốt một câu nghe rất oách: “Quản chi lên thá,c xuống ghềnh/ Cũng toan xuống thác với tình cho xong”. Chết vì tình. Chà, thì ra Sinh vẫn còn một chút sĩ khí của đấng mày râu đấy chứ? Nhưng hỡi ôi, vừa thốt ra câu sinh tử đó, Sinh bèn nại cớ… chưa có con nối dõi tông đường nên chết làm sao được mà chết. Huề trớt! Có thề cũng như không! Vậy nên, Sinh mới khuyên Kiều: “Liệu mà cao chạy xa bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”.

Giữa lúc Kiều và Thúc Sinh đang hàn huyên “nhỏ to tâm sự” say đắm “Mặt trông tay chẳng nỡ rời”, đột ngột “Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa”. Ai đang bước đến? Hoạn Thư! Cô vợ vẫn cười cười nói nói ngọt ngào hỏi chồng, ra đây làm gì? Trả lời thế nào đây? Thì đây mới vừa mới thề non hẹn biển chưa ráo lời với Kiều: “Dẫu rằng non cạn đá mòn/ Con tằm đến thác vẫn còn tơ vương”, lập tức Sinh sẽ dũng cảm, ưỡn ngực dõng dạc: “Đến thăm vợ bé đó! Có được không thì bảo?”. Sinh oanh liệt đến thế ư? Không, chàng lại nhũn như con chi chi: “Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh”. Một cách chối tội nhẹ nhàng cứ như không. Sau đó, biết rằng Hoạn Thư đã núp nghe lén hết mọi chuyện, Kiều kinh hãi tột cùng:“Nghĩ càng thêm nổi sỡn gai rụng rời”, bèn leo tường chạy trốn.

Không rõ sau này khi nhớ đến Kiều, chàng Sinh nghĩ gì với câu khẳng khái từ miệng thốt ra lúc cùng Kiều mặn nồng: “Trăm điều hãy cứ trông vào một ta/ Đã gần chỉ có đường xa/ Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều!”? Nếu nhớ lại ắt ngượng mồm lắm chứ? Chắc gì đã thế, một khi đã khiếp vía của vợ thì mọi lời hứa đều chỉ… chuyện nhỏ!

Kính thưa,

Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam rằng thì, là, mà với những tình huống trên, xét thấy, không một ai có thể sợ vợ đến mức nhu nhược hơn Thúc Sinh. Vì lẽ đó, thay mặt báo Tuổi Trẻ Cười, chúng tôi xin đề xuất đề xuất thêm kỷ lục thứ 28 cho Truyện Kiều:  “Thúc Sinh -  đệ nhất cao thủ võ lâm… sợ vợ”!. Trân trọng và mong được hồi đáp của quý vị.

TÚ HỢI

(nguồn: TTC số Tân niên 15.2.2016)

 

Cùng một chủ đề:

Ông trời của làng Vũ Đại

"NGHỆ THUẬT" NÓI

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

Chúa Chổm và ông già Noel

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà