TÚ HỢI: Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn “bàn giao công nghệ”

Array In Array


cuoc-ban-gia-congnghe-1-R

 

Lại nói đến lúc Năm Sài Gòn bị bắt, nhà văn Nguyên Hồng viết rành rành: “Tám Bính đưa mắt ướt đầm đìa trông Năm lắc đầu: - Thế là hết!”. Cuốn Bỉ vỏ kết thúc ở trang đó, dòng đó vào mùa thu năm 1936. Tuy nhiên, theo bọn đàn em của Năm Sài Gòn như Chín Hiếc, Tư lập - lơ, Ba Bay… cùng xộ khám Hỏa Lò,  thời gian đó chính cụ Bá Kiến từ làng Vũ Đại có lên thăm “anh Năm”. Cuộc trò chuyện giữa hai người hoàn toàn bí mật. Gần đây, nhờ được tiếp cận kho tài liệu của Sở Liêm phóng Đông Dương, đặc phái viên TTC xin độc quyền công bố.


Với dáng ngồi đĩnh đạc, cất tiếng cười rõ to xuyên qua song sắt nhà tù, cụ Bá Kiến hất hàm hỏi:

- Thế nào Năm? Mày đã khai hết với thầy đội sếp chưa?

Năm Sài Gòn trả lời bằng giọng yếu ớt:

- Bẩm cụ, đã đến nước này, con giấu làm gì nữa.

- Phải thế chứ. Mày cố gắng tu tâm dưỡng tính cho nên cái thằng người. Sau này ra tù, tao đây truyền cho một ít “ngón nghề” là mày sống khỏe. Chẳng cần phải “đột vòm”, “chạy vỏ”, chạy dọc”, “ăn độp”, “móc mắt” làm gì cho nhọc xác, khỏi phải trốn chui trồn nhủi bọn “cớm chùng”, “cớm tẩy”, đã thế còn có lúc bị “cớm mún quả tớm” toi đời.

- Bẩm cụ, cụ dạy chí phải. Cụ có thể he hé một chút “bí kiếp” cho con học tập được chăng?
Cụ Bá Kiến cười giòn. Tràng cười ấy nền nã lắm, phúc hậu lắm. Dứt tiếng cười cuối, cụ dạy rành rẽ từng lời:

- Thời buổi này, ăn cắp vặt như chúng mày, xoàng lắm. Mày còn nhớ  cái năm Hà Nam bị lụt không? Mụ Tư Hồng ra tay làm từ thiện, phát chẩn rầm rộ, làng trên xóm dưới chen chúc nhận thóc, gạo. Mụ được nhà nước ban tặng bốn chữ vàng “Tứ phẩm nghi nhân”, ối dào cái danh hảo. Đây mới “ngon”, sau cái đận ấy, tao phất lên ngay!

Năm Sài Gòn kinh ngạc:

- Cớ sự ra làm sao?

- Thế này nhá, hàng cứu trợ của mụ giao, tao cũng phát dân nghèo nhưng là phát cho họ hàng, thân thuộc bà con bên nội bên ngoại, bên chú, bên bác từ đời thời ông sơ, ông cố là tao phát tất! Phát một nhưng giữ lại mười. Vẫn sổ sách quyết toán, có chữ ký người nhận rành rành, có dấu mộc đỏ xác thực hẳn hòi. Chớ nào ai tham lạm gì đâu! Nhớ chưa? Muốn ăn dày, ăn bền thì làm giấy chứng nhận họ thuộc hộ nghèo sặt máu, nghèo mạt rẹp nhất làng. Khi thiên tai lũ lụt, nhà nước cứu trợ, thiên hạ góp tiền làm từ thiện, cứ danh sách ấy đưa ra cứu trợ “làm màu”, còn lại đút túi.

- À, ra thế. Cao kiến rất cao kiến. Bẩm cụ, nhưng ngộ nhỡ cánh lý trưởng, tiên chỉ, xã trưởng, hương cả phát giác thì sao?

- Mày nói đúng. “Buôn có bạn, bán có phường”. Phải vây cánh với nhau chứ. Họ ngó lơ cho mình ăn cái này, mình làm ngơ cho họ ăn cái khác. Cùng một duộc với nhau, “người ăn cơm, kẻ húp cháo”, thế thì sợ quái gì bọn dân đen thưa kiện, kiện cáo lôi thôi?
Năm Sai Gòn phục lăn, bèn đùa:

- Ăn như thế, bọn viết nhật trình dè bĩu là ăn cắp! Nói thế sai lè lè, phải gọi “siêu ăn cắp” mới đúng!

Nào ngờ cụ Bá Kiến nghiêm nét mặt:

- Cỡ đó mà siêu cái quái gì! Xoàng lắm! Thiên hạ cũng làm đầy ra đấy! Muốn phất nhanh, làng Vũ Đại ta tổ chức mỗi năm chừng mươi chuyến công cán ra nước ngoài. Trong hội đồng hương chức ai cũng có phần, thay phiên mà đi, khỏi phân bì đấy nhá. Vì mục đích cực kỳ chính đáng “tham quan, giao lưu, học hỏi, học tập kinh nghiệm” nên cứ xuất ngân quỹ của làng, của xã mà vi vu, hú hí, mua sắm, chi tiêu bằng thích. Nếu suất ấy mình không đi, cứ lên mặt đạo đức ưu tiên cho lớp trẻ, “vì tương lai thế hệ trẻ” miễn là đứa nào xì tiền ra ắt có chỗ! Ăn như thế mới là ăn chứ?

Năm Sài Gòn hốc há mồm mà rằng:

- Bẩm cụ, nhưng các cụ có chức có quyền, “miệng nhà quan có gan có thép” mới ăn cắp được ngân sách nhà nước. Còn lũ dân đen như chúng con làm sao có cơ hội “vàng” ngon cơm đến thế? Do đó, con muốn đổi đời trở thành người văn hay chữ tốt, tiếng tăm lừng lẫy. Thiên hạ bảo, có tiếng ắt có tiền, có phải hơn không ạ!

Cụ Bá Kiến kinh ngạc đến độ lắp bắp như Nghị Hách lúc động phòng mà cái bụng Thị Mịch đã to vượt mặt:

- Cái, cái… gì? Mày muốn nổi danh? Bằng cách nào hở Năm Sài Gòn?

- Dạ, con “đạo văn”. Cứ lấy áng văn chương trác tuyệt của người khác rồi ký phéng tên mình. Được chăng?

Nào ngờ, cụ Bá Kiến đùng đùng nổi giận:

- Đồ ngu. Mày không nhớ cái điển tích Giả Sinh ăn cắp văn thơ bị giải lên quan huyện à? Lúc ấy, quan đang xét tội mụ ăn cắp vàng ở chợ. Mụ này lúc bị đuổi bắt vấp ngã vào hố xí, ô uế đầy người. Nhìn thấy mặt kẻ văn dốt vũ dát, từng đọc sách thánh hiền lại dám “đạo văn” quan ghét lắm. Bèn bắt Giả Sinh quỳ xuống, sai lính lấy uế vật nơi mình mụ kia mà trét đầy vào mặt! Đấy! Mày chịu nhục đến thế được không?

Cụ Bá Kiến vừa dứt lời, đột nhiên Năm Sài Gòn thấy có mùi hôi thối kinh khiếp sộc lên mũi, hắn ta nôn ọe mật xanh mật vàng...


T.H
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười 1.11.2015)

Ghi chú: Ký bút danh Tú Hợi

 

Cùng một chủ đề:

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà