VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương ba

Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT - Chương ba

Mục lục
Lê Minh Quốc - CHIẾN TƯỚNG TÔN THẤT THUYẾT
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Tất cả các trang

           Chương ba

       Dứt cơn mưa rồi, nhưng bầu trời vẫn u ám, xám ngoét. Lá cờ tam tài nhăn nhúm bay phần phật trong gió. Hà Nội đã thất thủ vào ngày 20.11.1873. Thừa thắng, Francis Garnier tung quân đánh chiếm luôn mấy tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương. Dân quân cả nước như ngồi trên đống lửa. Sau khi hội kiến với Lưu Vĩnh Phúc, Tôn Thất Thuyết được lệnh của Hoàng Kế Viêm quay trở về Huế để trình bày phương án tác chiến. Ròng rã mấy ngày đêm, ngựa phóng như bay. Ngựa vừa quỵ chân bon thì thay ngay ngựa khác. Trước bá quan văn võ, ông Thuyết đề nghị triều đình sử dụng chính sách “thêm bạn bớt thù”. Đó là thu dụng đám Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Đám quân này đã từng hoạt động ở vùng thượng du và trung du bộ phận nên thông thuộc địa hình địa thế, dễ dàng phối hợp với quân ta trong tác chiến. Lưu đồng ý quy thuận triều đình với điều kiện nhà vua phải cho Cờ Đen chính thức đóng quân tại Lào Cao, được phép thu thế tại địa phương để nuôi quân. Thứ hai, ông Thuyết cũng đề nghị tăng cường viện binh cho ông Hoàng Kế Viêm, chuẩn bị đánh chiếm lại Hà Nội. Khi đưa vấn đề này ra bàn bạc, các thượng quan đều cho rằng đó là hai kế sách phù hợp với tình hình cấp bách.

           Tuy nhiên, vua Tự Đức cũng chưa thật sự hài lòng với cách giải quyết trên. Ngài vẫn không hiểu vì sao ta đối với người Pháp đầy hảo ý, nhưng chúng lại xảo trá, lật lọng đến như thế? Ngài nói giữa thanh thiên bạch nhật mà các thượng quan cứ tưởng ngài đang ú ớ trong cơn mê:

       - Trước đây, người Pháp đến nước ta cũng vì tình hòa hiếu. Ta cũng vì hòa hiếu mà đối đãi, như cho chúng đến Hà Nội với nhiều đối đãi khoan hậu. Thế nhưng vì sao chúng lại xảo trá đến thế?

         Ngẫm nghĩ trong giây lát, ngài phán:

     - Tình thế nghiêm trọng này có thể thay đổi nếu ta biết cách thương nghị không khéo, mềm mỏng.

Do biết nhà vua không có con nối dõi nên tính nết thất thường, khi tỏ ra cương nghị như ông tướng, lúc lại giận dỗi hơn trẻ con và nhất là không biết kiềm chế quyền lực nên không ai dám dại dột tranh luận. Với suy nghĩ thiển cận như thế, ngay lập tức vua Tự Đức cử hai sứ bộ làm nhiệm vụ thương thuyết với chính phủ Pháp về những biến cố mà Francis Garnier vừa gây ra ở Bắc Kỳ. Sứ bộ ra Bắc gồm có các thượng quan Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội cùng với giám mục Bohier và linh mục Dangelzer; sứ bộ vào Nam do các thượng quan Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường làm chánh và phó sứ.

       Khi các sứ bộ lên đường thì các cánh quân của Hoàng Kế Viêm phối hợp với quân Cờ Đen cũng bí mật kéo về Hà Nội.

      Đêm tối sẫm. Tiếng ễnh ương kêu ềnh oang nghe buồn não ruột. Trong căn nhà nhỏ vách đất cách Hà Nội độ hai cây số, Lưu tướng quân bồn chồn không yên, nói với ông Thuyết:

     - Nguyễn Tri Phương tiên sinh là ân nhân của tôi. Trước đây trong một trận đánh hỏa công, chúng tôi thua trí cầm quân của cụ. Nếu cụ không có lòng đại nhân đại nghĩa thì tôi nay đã hồn lìa khỏi xác. Nay cụ thất trận, tôi quyết đánh một phen dù thắng dù thua cũng là tỏ lòng tri ân với cụ.

         Ông Thuyết nhìn vào bóng đêm:

        - Nhưng thưa Lưu tướng quân, dụng binh lúc này vẫn chưa phải tượng sách. Quan Khâm lược đang bị thương nặng, nếu ta tấn công ngay thì bọn Tây dương bạch quỷ tức giận sẽ cắt cổ cụ ngay lập tức.

     Ông Lưu gật gù:

         - Ông nói chí phải. Nhưng tôi biết, cụ không bao giờ đầu hàng chúng. Có thể cụ sẽ nhịn ăn mà tuẫn tiết. Đó là thái độ của người anh hùng. Tình thế thay đổi nay mai thôi!

    Ông Viêm đang trầm ngâm, bỗng nói:

      - Tướng quân nói đúng như suy nghĩ của tôi. Nhưng lúc đó, ta dùng chiến thuật gì?

        Ông Lưu nắm chặt tay và quả quyết:

       - Chỉ có thể dùng “điệu hổ ly sơn”!

          Ông Viêm đắc ý:

       - Đúng thế. Lừa con hổ ra khỏi rừng là để vặt sạch nanh vuốt của nó. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Ông Thuyết, ý kiến của ông ra sao?

       Ông Thuyết nói rạch ròi:

       - Thưa đại nhân, cứ theo binh thư “Lấy yếu chống mạnh thì phải đánh bất ngờ, lấy ít đánh nhiều thì phải dùng kế mai phục”. Trong trận đánh này, ta không thể không giăng bẫy kéo chúng sa chân xuống hầm, đẩy chúng rơi xuống hố…

       Ông Lưu nói ngay:

        - Tôi sẽ cử những toán quân thiện chiến trực tiếp chiến đấu dưới quyền chỉ huy của ông!

           Ngày 20.12.1873, danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, trước lúc phái đoàn của sứ bộ Khâm sai Trần Đình Túc có mặt tại Hà Nội chỉ hai tiếng đồng hồ. Không chần chừ gì nữa, cánh quân của ta quyết định sẽ tấn công vào thành Hà Nội.

        Sáng ngày 21.12.1873. Ngày chủ nhật nắng ấm. Những sợi tơ vàng giăng lả lơi trên nhành liễu rủ ở Hồ Gươm. Tại nhà thờ Lớn, giám mục Puginier đang làm lễ, nhưng trong lúc đó tâm trí lại lơ mơ về chuyện đã qua. Tại đây nguyên là nền đất cũ của chùa và tháp Báo Thiên - niềm tự hào của người dân bản xứ trải qua nhiều thế kỷ trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược phương Bắc. Vậy mà nay lại mọc lên nhà thờ, dù chỉ mới là vách đất, mái lá nhưng há chẳng phải sứ mạng của giáo sĩ ta đó sao? Rồi đây, ta sẽ cho xây lại kiên cố hơn. Với ý nguyện đó, Puginier hài lòng lắm. Mà phải mười năm sau, chính ông ta sẽ bàn với công sứ Hà Nội là Bonnal thực hiện ý định này. Tiếng kinh cầu vẫn vọng lên đều đặn. Con chiên Francis Garnier cảm thấy tâm hồn mình trong sạch lạ lùng. Nhưng rồi y lại cảm thấy hiện ra mồn một trong trí nhớ những vệt máu, những thây người nằm la liệt trong trận đánh vào thành Hà Nội – dù đã diễn ra cách đây đúng 29 ngày. Bất giác y cảm thấy lợm giọng. Y đột ngột đứng lên, rời khỏi nhà thờ, quay về doanh trại. Hơn nữa, sáng nay y có hẹn sẽ thảo luận hiệp ước với Khâm sai Trần Đình Túc của phái đoàn Huế.

          Nắng lên chói gắt. Đôi bên chưa nói với nhau được gì nhiều. Cả hai đang thăm dò thái độ lẫn nhau. Francis Garnier cảm thấy có điều gì đó bất an, khiến y không thể tập trung tư tưởng được. Mặc kệ quan Khâm sai đang phát biểu ý kiến, y vẫn đứng dậy mở tung cánh cửa sổ. Bỗng y nhìn thấy một viên thông ngôn hớt hải chạy vào, la toáng lên:

        - Cờ Đen! Quân Cờ Đen đánh thành!

       Nhìn người vừa báo tin dữ với nét mặt xám ngoét, tưởng chừng như không còn một chút máu. Bất giác, y phì cười:

         - Chuyện gì mà hớt hải như gà bị cắt tiết thế?

        Viên thông ngôn líu lưỡi:

         - Cờ Đen!

        Nghe nhắc lại lần thứ hai, bỏ mặc phái đoàn của ta đang ngồi, y bước ra cửa hò hét:

         - Tất cả bình tĩnh, không có gì phải hoảng sợ cả. Hỡi anh em chiến binh hãy dũng cảm vì niềm vinh quang của nước Pháp.

     Lập tức đội hình phản công của chúng được triển khai.

           Các cánh quân của ta đã ém bí mật trong các làng mạc nhanh chóng đổ về Hà Nội. Tiếng kèn, tiếng phèng la, chiêng trống khua lên náo động cả một vùng trời. Theo lệnh của Lưu Vĩnh Phúc, các toán biệt kích Cờ Đen xung phong đi trước, rồi các đội pháo thủ vai mang súng bắn đá ùn ùn nối bước theo sau. Kế đến, các đội lính của Hoàng Kế Viêm được trang bị gươm, giáo, đao và cuối cùng là đoàn voi chiến… Tất cả hừng hực khí thế chiến đấu. Trong trận đánh này, Tôn Thất Thuyết được lệnh chỉ huy đội quân thiện chiến đắp ụ hướng ngại vật để phục kích giặc tại Cầu Giấy. Trước sức tấn công như vũ bão của đối phương, Francis Garnier ra lệnh mở cửa thành nghênh chiến. Từ trên thành, các khẩu đại bác đã khạc lửa. Cả một vùng trời chìm đắm trong lửa đỏ. Bất chấp hỏa lực dữ dội như thế, những người lính chỉ được trang bị gươm, giáo cũng liều mình xông vào tử địa! Đang đánh nhau hăng hái như thế, bỗng có tiếng chiêng khua vang lên nghe rợn óc, ngay lập tức họ rút lui dần…

       Đứng trên góc thành phía nam quan sát trận địa, Francis Garnier không thể kìm được tiếng cười tự đắc vọt ra khỏi họng!

       Thừa thắng, y ra lệnh cho các toán quân nhanh chóng đuổi theo bọn phiến loạn. Y phân công cho trung úy Balny D’Avricourt chỉ huy một cánh quân theo đường Sơn Tây truy kích về phủ Hoài Đức. Còn phần mình, y đích thân chỉ huy 18 tên lính quả cảm mở cửa hướng nam đuổi theo, chúng hành quân về làng Thủ Lễ… Y hăng hái đến nỗi bỏ quên cả khẩu súng lục! Cánh quân này có vác theo một khẩu súng 85 ly 5 để sẵn sàng tiêu diệt sinh lực của địch. Băng qua những cánh đồng lầy lội, chúng phải lặc lè vác khẩu đại bác nên không thể tiến nhanh được. Nhưng đến được Giảng Võ thì chúng không còn thấy bóng dáng của đối phương nữa.

        Đồ chó chết! Bọn chúng lủi nhanh như trạch! Francis Garnier bực bội chưa kịp buột miệng chửi thề thì từ các lũy tre một tràng tiểu liên bắn đến rát tai! Bọn lính Pháp ngã sấp ngã ngửa trên cánh đồng để tránh đạn, chúng hoang mang tột độ. Francis Garnier hét lên:

     - Bỏ đại bác lại! Chạy nhanh!

      Thấy vậy, toán quân Cờ Đen muốn xông ra quyết chiến, nhưng ông Thuyết ngăn lại:

      - Không cần, ta đang giành thế chủ động! Thế nào chúng cũng lọt vào ổ phục kích!

      Đúng như lời nhận định này, bọn chúng chạy núp xuống dưới con đê ở hướng Cầu Giấy. Vừa leo lên được con đê, chỉ mới chạy được một đoạn thì Francis Garnier trượt ngã y la toáng lên:

     - Lại đây! Hỡi những người anh em dũng cảm của tôi!

       Y lồm cồm bò dậy và chạy tiếp nhưng lại sa chân xuống hố, y chưa kịp vùng dậy thì đã nghe một tiếng hét rợn người:

      - Chém!

        Những người lính Cờ Đen nghe lệnh của ông Thuyết xông ra chém xối xả. Một dòng máu bắn lên trời xanh. Francis Garnier đền tội. Y mở mắt thao láo kinh ngạc không hiểu sao mình lại kết thúc cuộc đời nhanh đến thế. Trong thời điểm này, cánh quân trung úy Balny D’Avricourt vừa tiến đến trước cửa đền Voi Phục cũng bị phục kích, chết không còn một mống!

    Cái chết của “người hùng” Francis Garnier đã tạo nhiều dư luận khác nhau về phía triều đình nhà Nguyễn, cũng như phía chính phủ Pháp.

     Mặc dầu, chính vua Tự Đức thưởng cho Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm làm Hiệp biện đại học sĩ, phong thêm tước tử; thưởng Tán quân Tôn Thất Thuyết làm Binh bộ hữu tham tri, phong cho tước nam, nhưng ông đánh giá chính trận đánh vừa rồi ít nhiều ây trở ngại cho triều đình trong việc thương lượng với Pháp! Do đó, ông sai người ra Bắc truyền lệnh phải rút quân! Vốn tính nóng nảy, ông Thuyết gân cổ lên cãi:

      - Làm tướng ngoài biên cương chỉ biết lo việc đánh giặc!

       Trước thái độ khẳng khái này, nhà vua cử hai thượng quan Nguyễn Trọng Hợp và Trương Gia Hội ra Bắc, đến tận doanh trại để thuyết phục. Không còn cách nào khác, ông Viêm và ông Thuyết phải án binh bất động, chờ kết quả thương lượng giữa Nguyễn Văn Tường với Philastre! Khi lúc tiễn hai thượng quan về kinh, ông Thuyết có đọc cho họ nghe bài văn tế hài hước “khóc” Francis Garnier đang phổ biến tại Hà Nội:

Ô hô!

Cái mắt ông xanh

Cái da ông đỏ

Cái tóc ông quăn

Cái mũi ông lõ

Đít ông cưỡi lừa

Miệng ông huýt chó

Lưng ông đeo súng lục liên

Chân ông đi giày có mỏ

Ông ở bên Tây

Ông sang bảo hộ

Ông dẹp Cờ Đen

Để yên con đỏ

Nào ngờ:

Nó bắt được ông

Nó chặt mất sỏ

Cái đầu ông đâu

Cái đít ông đó

Đù cha mẹ nó!

Nay tôi có:

Chuối một buồng

Xôi một chõ

Rượu một be

Trứng một ổ

Vâng lệnh quan trên

Cúng một cỗ

Ông có linh thiêng

Mời ông xơi hộ

Ăn uống no say

Nằm cho yên ổ

Ông Garnier ơi!

        Nói càng thêm khổ!

        Nghe xong, vốn là người nghiêm nghị, kín đáo, ít nói nhưng Đại học sĩ Nguyễn Trọng Hợp cũng phải hé răng:

     - Tế như thế này thì đúng là gọi tên ra mà chửi. Chửi rất khéo. Câu “Nằm cho yên ổ” quả thật bảo đấy là… lũ chó chết!

      Ai nấy đều bật cười!

     Còn về phía Pháp, vì cái chết của Francis Garnier mà Thống đốc Nam Kỳ Dupré đã bị chính phủ Pháp khiển trách nặng nề. Do đó, chính y cũng muốn dàn xếp mọi chuyện cho êm thấm, mà điều cốt tử là phải ký được với triều đình Huế một hiệp ước có lợi cho Pháp trước khi y hết nhiệm kỳ tại Sài Gòn, để trở về chính quốc không phải chịu búa rìu dư luận! Y sẵn sàng trả lại Hà Nội cho triều đình Huế để đạt đến những quyền lợi lớn lao hơn nữa. Người chịu trách nhiệm thi hành sứ mệnh của y là đại úy Philastre. Viên đại úy này vào Nam ra Bắc như con thoi và đã làm tròn phận sự. Này 15.3.1874 tại Sài Gòn, một bản hiệp ước đã được ký kết với 22 điều khoản. Đặt bút ký xong, y tếch về Pháp. Còn chánh sứ Lê Tuấn thì mất đột ngột, có dư luận cho rằng, chính sau khi ký xong hiệp ước này cảm thấy quá nhục nhã về sự yếu kém của ta trong việc thương lượng nên ông đã uống thuốc độc tự tử!



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com