VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương tám

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương tám

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương tám

Lúc nguy khốn có Kỳ Đồng xuất hiện

Yên Thế nay lại đón nghĩa quân về

           Thống tướng Douchemin đập tay giận dữ xuống bàn trước sự ngơ ngác của mọi người: “Đề Thám là một con người mà chúng ta không thể hiểu được”. Tại sao vậy? Vào thời điểm nầy, đột ngột chính phủ Pháp lại nhận được thư xin đầu hàng của Đề Thám!

          Con hùm của núi rừng Yên Thế rất đáng sợ. Ông xin quy hàng vì trong tháng chạp nầy, Toàn quyền Rousseau qua đời và Paul Doumer vừa được cử sang thay thế. Đề Thám muốn lợi dụng lúc Doumer mới chân ướt chân ráo sang Đông Dương chăng? Ông lại nhờ giám mục địa phận Bắc Ninh là Velasco đứng ra thương thuyết. Cuộc thương thuyết chưa có kết quả. Chính phủ Pháp không đồng ý với điều kiện của cuộc giảng hòa năm 1894, chúng chỉ hứa tha tội chết cho ông mà thôi. Do đó, Đề Thám không chịu ra đầu hàng, ông vẫn tìm cách ẩn náu và chống trả lại những cuộc càn quét của giặc Pháp. Khi chạy lên Lạng Sơn, ông bị đội quân của đại úy Morel bắn bị thương, nhưng vẫn chạy thoát được. Trong bước đường ngặt nghèo như  thế nầy thì Đề Thám nhận được tin Kỳ Đồng lên mở đồn điền ở Yên Thế.

           Kỳ Đồng là một người như thế nào mà Đề Thám lại đặt hy vọng vào đó?

           Đây là một nhân vật rất lạ lùng trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Trong 4.577 bức tranh dân gian do Henri Oger sưu tập được và công bố ở Paris thì trong đó có 5 bức tranh khuyết danh vẽ Kỳ Đồng. Bức tranh vẽ một cậu học trò đang khom mình trước trang sách, bên cạnh là cụ đồ nho nghiêm khắc thì phía trên có hàng chữ Nôm: “Ở xã Ngọc Đình, tỉnh Thái Bình, có một nhà nho nghèo đã lọt qua trường hai, trường ba, sau sinh được một bé trai đang lên sáu, thiên tư đĩnh ngộ, miệng lưỡi lanh lợi. Một hôm khi nghe cha đọc sách thì cậu bé vừa nghe vừa dò theo. Đột nhiên cậu bé chất vấn nghĩa lý, người cha không trả lời được bèn đi chất vấn các quan huyện, tỉnh. Nhưng cũng chẳng ai giải đáp được nên mới đặt tên cậu là Kỳ Đồng”. Thật ra, Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh ngày 8-10-1875 ở làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng. (*)**** nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.****** Năm lên mười tuổi có kỳ thi hạch ở tỉnh Hưng Yên, thấy ông còn bé mà cũng đi thi thì lấy làm lạ, quan tỉnh ra câu đối:

        Đứng giữa làng Trung Lập

       Ông đối lại ngay:

           Dấy trước phủ Tiên Hưng

      Câu ra thì chữ “trung lập” có nghĩa là “đứng yên”, ông đối lại “tiên hưng” là “dấy trước”. Mọi người kinh ngạc, ra cho câu nữa:

         - Khổng môn truyền đạo chư hiền: Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử.

           Ông đối ngay:

           - Chu thất khai cơ liệt thánh: Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương.

        Mọi người lấy làm kinh dị, liền làm sớ dâng về Kinh. Vua Tự Đức đã sắc cho hai chữ Kỳ Đồng và phê vào sớ: “Tên nầy còn ít tuổi chưa thể lục dụng được, nay giao cho tỉnh thần Hưng Yên dạy bảo, dành để khi lớn lên, nhà nước sẽ dùng”. Trong Đại Nam Thực Lục của Sứ quán triều Nguyễn còn ghi lại thời Tự Đức xuống dụ: “Cấp cho trẻ lạ Nguyễn Văn Cẩm mỗi tháng 3 quan tiền, một phương gạo, áo quần mỗi thứ hai cái, mỗi năm cho một lần”. Từ đó tiếng tăm và huyền thoại Kỳ Đồng càng lan xa. Ứng với lời “sấm truyền” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Bao giờ Nhân Lý có đình

Trạm Chay mở chợ Ngọc Đình có vua

Bao giờ Tiền Hải có chùa

Trạm Chay mở chợ thì vua ra đời.

      Thì mọi người cho rằng đó là Kỳ Đồng được trời phái xuống để cứu nước thoát giặc ngoại xâm. Phong trào yêu nước đã lợi dụng sự kiện Kỳ Đồng. Ngay 27-3-1887, một đám rước đưa Kỳ Đồng từ chùa Vị Xuyên về làm lễ tại Phủ Giày, huyện Vụ Bản (Ninh Bình). Đám rước nầy thu hút vài trăm người đi theo. Họ khăn áo chỉnh tề, giương cờ hiệu Thái bình thiên tướng với gươm đao đều bằng gỗ. Kỳ Đồng thì ngồi chễm chệ trên kiệu, tay cầm cờ. Đoàn rước kiệu trang nghiêm đi, thỉnh thoảng phải dừng lại để mọi người được rõ mặt một cậu bé 12 tuổi. Những lúc đó, Kỳ Đồng lại đọc thơ, đại loại như bài Dòng Xích Bích – nói về tổng Lý Hạ, nơi có con sông Tẻ chạy qua làng Ngọc Đình:

Dòng Xích Bích nước trôi lênh láng

Nào ai sang Phú Lãng cùng anh?

Thơ rằng: phong cảnh trong xanh

Xanh mây in bóng chốn lành Thánh sinh

Sinh ra trời đất thanh bình

Việc đời vẩn đục sao đành ngồi trông?

Trông ra địa lợi hổ rồng

Rồng đang lợi thế non sông – dân tình

Tình người sông Nhĩ kết sinh

Sinh ra Thánh chủ tự giành chiến công

Hoặc những câu như:

Trời còn muốn mở nền thịnh trị

Không tớ thì ai giúp nước nhà?

        Mọi người vỗ tay hoan nghênh ầm ĩ. Với một đoàn người được võ trang như thế, nhưng bọn chó săn tai mắt của giặc lại cho là Kỳ Đồng có ý muốn đánh chiếm thành Nam Định và các phủ huyện. Tin nầy lập tức được cấp báo về cho Công sứ Ninh Bình – Nam Định. Viên Công sứ Brière đã báo cáo lên Tổng công sứ Trung-Bắc Kỳ như sau: “Kỳ Đồng chỉ là một đứa trẻ và bản thân nó chẳng có gì nguy hiểm. Phong trào tiếng là có tính chất tôn giáo do Kỳ Đồng hay những người thúc đẩy Kỳ Đồng gây ra cũng có thể trở thành một phong trào chính trị, dẫn đến những hậu quả tai hại!”. Và không muốn ra mặt đàn áp sợ làm kinh động trong dân chúng, nên Công sứ Brière chỉ sai lính bắn thị uy và giải tán đám đông.

          Để ngăn ngừa với hậu họa có thể xảy ra, chính phủ Pháp đối phó bằng cách cấp học bổng cho ông đi du học mười năm ở Algérie. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tú tài Pháp về khoa học lẫn văn chương.

         Năm 1896, trên chuyến tàu trở về nước, Kỳ Đồng làm quen với bác sĩ Gillard. Hai người cùng bàn bạc kế hoạch cộng tác mở đồn điền ở miền ngược. Theo yêu cầu của Kỳ Đồng, bác sĩ Gillard đã đứng ra viết thư cho Thống sứ Bắc Kỳ. Bức thư ngày 21-7-1897 nêu rõ: “Nhằm giúp cho tôi được dễ dàng trong việc tăng dân cư vùng Yên Thế, nhất là những vùng đất tôi đã làm đơn xin lập đồn điền, tôi tha thiết xin Ngài Thống sứ những điều sau đây: 1/Thông báo cho các ông Công sứ ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình và Hải Dương biết Kỳ Đồng được phép mộ dân An Nam đi khẩn điền ở Yên Thế. Thông báo cho dân An Nam ở bốn tỉnh trên biết ai muốn theo Kỳ Đồng thì đến gặp ông ta tại nhà riêng để thỏa thuận. 2/ Có những biện pháp thích đáng nhất nhằm bảo đảm hành trình cho người An Nam đi lên Yên Thế, một khi ngày giờ và lộ trình đã được xác định”. Lời đề nghị nầy nhanh chóng được chấp thuận, nó thuận lợi vì ngày 26-7 năm đó, chính phủ Pháp đã bắt vua Thành Thái ký dụ bãi bỏ Nha kinh lược Bắc Kỳ để chuyển quyền sang Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ.

          Để khuếch trương thanh thế của phong trào nầy, Kỳ Đồng đã làm bài thơ Đường lên Yên Thế. Một bài thơ độc đáo và thuần túy Việt Nam, hai chữ cuối của câu trên, nói lái lại tiếp thành hai chữ đầu của câu dưới. Chẳng hạn:

Hà sự phân vân thuyết lộ ki

Ky lô tương cố một tương tùy

Tuy tường thiên nhận, do ngu nạn

Nan ngụ cô sơn tác trụ trì

       (Bước đi ngàn dặm xa vời vợi – Cưỡi lừa ngảnh cổ lại vẫn không thấy người đi theo – Dẫu bay cao đến nghìn nhận, vẫn phải lo quốc nạn – Khó lòng lấy ở chốn cô sơn nầy là nơi trụ trì).

      Bài thơ nầy được truyền tụng sâu rộng nhiều người đã đi theo Kỳ Đồng. Thắng-1897, việc tuyển mộ nầy đã thành một phong trào rộng lớn. Những tên mật thám Pháp dĩ nhiên không thể làm ngơ trước sự kiện nầy. Chúng trà trộn, cải trang để tìm hiểu thực chất của việc tuyển người. Từ những nguồn thông tin nầy, Toàn quyền Paul Doumer đã báo về Bộ Thuộc địa: “Trong số 2500 đến 3000 người tập trung  chung quanh Kỳ Đồng ở Yên Thế, có nhiều quan lại cũ và nho sĩ hơn là nông dân, những người chưa hề mó tay đến ruộng đất. Đáng lưu ý là có cả chiến sĩ của phong trào Cần Vương mang theo lương thực, gia dụng và dụng cụ lao động tình nguyện đi khai phá đồn điền”. Trong khi đó, khi trực tiếp đôn đốc việc khẩn hoang thì Kỳ Đồng lại động viên họ… bằng thơ! Có lúc ông cao hứng đọc bài Niềm vui vỡ đồn điền, trong đó có những câu như:

Phương đoài ứng triệu giáng sinh

Chín tầng rộng hiện trời xanh tuyệt trần

Phá nương Thánh xuống cõi trần

Mãnh sĩ như thần như nước như non

Trần Công một tấm lòng son

Đào Tiềm đi ẩn cũng toan xuất hành

Chu Công, Y Doãn triều thần

Ngõ hầu trở lại đồn điền Đường Ngu

       Đến đầu tháng 9-1897, công việc của Kỳ Đồng tạm ổn. Ông đã lập được năm đồn điền bát ngát ở Yên Thế. Ông khéo léo xây dựng những đồn điền thành những làng pháo đài, tuy bề ngoài vẫn như xóm làng bình thường. Hầm nào phòng thủ được triển khai. Tổ chức và sinh hoạt được thực hiện theo một số chế độ nghiêm khắc, có nghĩa quân bí mật canh gác, kiểm tra người lạ mặt, tập dượt cứu hỏa, quy định mật hiệu báo động, v.v…. Đáng lưu ý là Kỳ Đồng đã ban hành 5 điều quy định, trong đó có câu “khó hiểu” như: “Vào rừng đốn cây, khi gặp người cũng đang đốn thì phải có thái độ kính trọng (?), ai gây khó khăn cho họ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc (?)”. Đây mới là tầm nhìn chiến lược của Kỳ Đồng vì ông biết rằng, khi lên Yên Thế dứt khoát sẽ gặp những nghĩa binh của Đề Thám đang lén lút hoạt động. Và ông cũng đang tìm cách liên lạc với ngọn cờ Cần Vương mà Đề Thám đang nắm giữ một cách kiên trì và dũng cảm.

       Trong cánh rừng già âm u và bí mật, mọi người đã ngủ say, Đề Thám ngồi trầm ngâm bên đống lửa, ông hơ tay trên ngọn lửa cháy bập bùng. Trời rét lạnh. Đêm khuya khoắt. Sương xuống ướt đẫm áo nhưng ông vẫn chưa ngả lưng. Bà Ba Cẩn rón rén bước đến bên ông:

           - Ông ơi! Mời ông vào trong lều tạm nghỉ. Ông cần phải gìn giữ sức khỏe nữa chứ!

         Ông khẽ đáp:

          - Vâng. Không thể kéo dài những ngày như thế này nữa. Không thể lẩn trốn mãi được. Giặc Pháp muốn bêu đầu chúng ta ở Nhã Nam. Còn chúng ta thì phải đánh chúng đến giọt máu cuối cùng. Bà nó ơi, lấy đâu ra lực lượng bây giờ?

         Bà Ba Cẩn cũng thở dài:

         - Tôi cũng suy nghĩ như ông. Nhưng ông ạ! Kẻ làm tướng không bao giờ thấy quân mình ít mà nhụt chí.

          - Tôi chưa bao giờ nhụt chí cả. Nhưng dạy cho quân sĩ cũng giống như bày cờ trên mặt bàn, nếu không vẽ đường cho cờ đi thì làm sao đánh cờ được?

        Bà Ba Cẩn gật gù:

        - Vâng, chúng ta phải vẽ lại một bàn cờ mới.

          Đề Thám nghiến răng:

         - Đúng vậy. Tôi dự tính như thế nầy. Theo ý bà thì ai sẽ là người thực hiện dự tính của tôi?

       - Xin ông cứ nói.

        - Theo trinh sát của chúng ta còn bám lại Yên Thế thì hiện nay, ông Kỳ Đồng đã lập đồn điền ở đó. Kỳ Đồng là một người thờ vua yêu nước. Chúng ta tìm cách liên lạc với Kỳ Đồng chăng?

         Bà Ba Cẩn reo lên:

         - Đúng thế! Thế của giặc đang như lửa cháy ngút trời, nếu ta không dẹp giặc thì vương nghiệp cũng mất. Tôi tin rằng, Kỳ Đồng sẽ hậu thuẫn cho chúng ta.

        - Ai sẽ là người trở về Yên Thế đi vào vùng giặc đang bủa lưới khắp nơi để gặp Kỳ Đồng? Cả Rinh, Cả Trọng có được không?

          Bà Ba Cẩn đắn đo:

       - Thưa ông, cho tay chân của chúng ta gặp Kỳ Đồng, há chúng ta xem nhẹ Kỳ Đồng hay sao? Hiện nay, ông đang bị thương, đi về Yên Thế nếu có mệnh hệ gì thì nguy. Vì lẽ đó, tôi xin ông cho tôi làm sứ mệnh nầy.

        - Không được! Bà là cánh tay phải của tôi. Việc cơ binh không có bà thì lấy ai bàn luận?

           Bà Ba Cẩn buồn rầu đáp:

       - Việc Thống Luận đã ra đầu hàng, tôi biết vì Luận là anh nuôi tôi, chứ không thì ông đã cho người bắt về chém đầu. Sự nhân nhượng nầy chưa hẳn đã được đồng tình trong hàng ngũ tướng lĩnh.

      Đề Thám cau mặt:

     - Giết một người để muôn người làm điều lành thì nên giết. Giết một người mà ba quân chấn động thì không nên giết. Sao bây giờ bà nhắc lại chuyện Thống Luận?

       - Tôi nhắc lại là để xin ông cho tôi đi gặp Kỳ Đồng. Nếu có hy sinh thì cũng là một cách để rửa mối nhục nầy.

         Đề Thám không đáp. Ngọn lửa đã tàn. Từ xa vọng lên tiếng cọp gầm nghe rợn người. Vòm lá chuyển động trong bóng đêm. Cánh rừng già vẫn âm u huyền bí đến lạ lùng.

     Sáng hôm sau, mặt trời vừa trồi lên sau đỉnh núi, nhưng ánh sáng cũng không đủ sức xuyên qua khu rừng dày đặc. Đề Thám cho tập hợp ba quân. Cất giọng khàn khàn mệt mỏi, ông nói:

          - Tình hình đang nguy khốn. Quân mười chỉ còn hai, ba. Không đủ sức chống chọi lại giặc. Chúng ta lẩn trốn co cụm lại thì giặc cũng càn quét tận đây. Ai có mẹo gì hay để gỡ nạn nầy không?

       Đốc Thu nóng nảy trả lời ngay:

         - Thưa quan lớn, quân ta còn ít  nhưng lại là những người cảm tử, tinh nhuệ. Một người có thể địch lại mười người. Vậy theo ý của tôi thì chúng ta quyết đánh một trận nữa. Anh hùng há luận sự thành bại. Nếu bại mà đánh được một trận gây khiếp đảm cho giặc thì chết tôi cũng cam lòng.

         Đề Thám cười gằn:

     - Người ta thường chết vì yêu, chết vì giận, chết vì uy, chết vì nghĩa, chết vì lợi. Cái chết của chú đáng khen lắm. Nhưng ta chưa muốn chú chết như thế. Ai còn có mẹo nào hay hơn?

       Lĩnh Túc chậm rãi nói:

        - Theo ý của tôi thì chúng ta nên rút lui. Càng nấp sâu càng tốt. Chờ một thời cơ…

       Chưa nói hết câu, Cả Trọng cướp lời:

     -Thưa chú, chú nói như vậy có nghĩa khuyên mọi người thụ động ngồi yên chờ giặc đến bắt à?

     Lĩnh Túc đáp:

      - Không phải thế. Khi khí giới không tỏ ra sắc bén, áo giáp không tỏ ra bền bỉ, xe pháo không tỏ ra vững chắc, ngựa không tỏ ra tốt mạnh, sĩ tốt không tự họp nhóm đông đúc thì không thể nói đến việc ra quân. Chứ chưa bàn đến chuyện có thắng lợi hay không?

        Cả Trọng hỏi lại:

        - Chú ngại đánh mà không thắng lợi thì chờ thời cơ à?

        Lĩnh Túc chưa trả lời thì Bà Ba Cẩn nghiêm mặt:

         - Những ý kiến vừa rồi vừa đúng mà lại chưa đúng. Theo ý của tôi thì tìm cách giảng hòa là hay nhất.

         Liếc nhìn bà vợ ba của mình, Đề Thám nói:

        - Chúng ta đã nhờ ngài Velasco đứng ra thương thuyết, nhưng giặc vẫn chưa đồng ý. Đánh thì chúng ta không đủ sức đánh. Ngồi chờ thời cơ thì giặc cũng đánh chúng ta tan tác cả thôi. không lẽ chỉ còn cách chịu chết?

        Bà Ba Cẩn vẫn nghiêm mặt:

       - Sao lại chịu chết chứ?

       Mọi người nhao nhao lên hỏi:

       - Vậy chúng ta định như thế nào?

       Bà đáp:

       - Cùng đường thì chúng ta ra đầu thú!

        Đề Thám đùng đùng nổi giận:

        - Bậc đại trượng phu thà chết chứ không chịu nhục. Đầu tôi chưa rụng thì không thể nào tôi cúi đầu theo giặc. Ai còn dám nói đến đầu thú, ta sẽ chém!

     Lúc bấy giờ bà Ba Cẩn mới tủm tỉm cười:

       - Thưa ông, tôi nói vậy là để thử lòng các thủ hạ của chúng ta đấy thôi!

       Đề Thám nhếch mép. Lâu nay ông vẫn khâm phục bà Ba là một người mưu lược, tài trí. Giọng nói của bà vang lên như chuông đồng đầy uy quyền, mãnh lực như lại có sức quyến rũ lạ lùng. Nghe bà nói thế, Cả Trọng dường như không vui:

       - Dì nói vậy là dì không tin vào những người đã theo thầy tôi à?

        Bà Ba vẫn tủm tỉm:

        - Tướng đối với quân bằng cái nghĩa của bố đối với con. Họ đã vì điều nhân mà xông trận, vì điều nghĩa mà đánh giặc, vì dũng cảm mà chiến đấu, vì trung thành mà chịu đựng lâu dài, vì đại sự mà hy sinh. Nghĩa quân của ông Đề Thám là những người như thế. Vậy ta tin những người đã đi theo ông Đề Thám chứ! Nhưng Cả Trọng ạ! Lúc nầy sức ta đã kiệt, lực ta đã mòn thì nên mở đường cho họ. Ai còn theo ta thì đồng cam cộng khổ để chiến đấu, ai vì chuyện riêng tư cấp thiết thì nên cho họ ra hàng giặc mà tìm đường sống. Đó mới là nhân nghĩa, chứ không thể buộc họ phải theo ta trong lúc nguy khốn như thế nầy.

           Cả Rinh nói:

        - Dì nói phải. Ta cần binh là để đánh giặc. Nhưng lúc nầy là lúc nên cho những người không còn tha thiết đánh giặc về cầm cuốc, cầm cày để bảo tồn lực lượng.

         Đề Thám cũng cho là phải. Ngay trong ngày hôm đó, ông cho vật trâu, giết lợn, nấu rượu bày tiệc chiêu đãi nghĩa quân. Dốc cạn chén rượu, Đề Thám đứng trước ba quân:

        - Hôm nay, ta có lời nói với các người: Bấy lâu nay ai nấy cũng đều yêu mến ta, cùng sống chết với ta. Tình nghĩa như tay đối với chân, không nỡ lìa bỏ nhau. Song thời thế ngày nay không thể nào cưỡng được. Nay trong số các người, ai còn cha mẹ mà không người phụng dưỡng, ai có vợ con mà không nơi nương tựa, ai chưa có con nối dõi, nối dòng… Ta cho các người được quyền lựa chọn, muốn đi đâu thì đi, từ đây ta từ tạ các người. Còn ai vui lòng sống chết với ta thì cứ ở lại đây cùng ta mưu việc lớn.

        Mọi người im lặng lắng nghe vị thủ lĩnh tối cao. Ông nói tiếp:

       - Ai muốn theo ta thì đáp lời!

       Hàng loạt người đứng dậy hô lớn:

      - Vâng!

        Những người không tự nguyện đi theo thì sau bữa tiệc nầy đều giải tán. Sau đó, Đề Thám bí mật cho tiến hành kế hoạch liên lạc với Kỳ Đồng.

         Bà Ba Cẩn và năm thuộc hạ thân tín băng rừng xuống Yên Thế. Họ đã gặp Kỳ Đồng tại đồn điền ở Chợ Kỳ. Sự gặp gỡ nầy mở ra nhiều hy vọng cho nghĩa quân Đề Thám. Kỳ Đồng nói:

       - Thưa bà, tôi lên mở đồn điền trên nầy chính là vì danh tiếng của ông Đề Thám đã lôi cuốn tôi. Làm một điều gì hữu ích cho ông Đề Thám là hả dạ tôi lắm!

        Một số người đã khai phá rừng núi lập đồn điền, nhưng Kỳ Đồng lại khuyến khích họ đi theo Đề Thám. Và ông cũng đã nhiều lần giúp lương thực cho nghĩa quân, tất cả là ba nong gạo, hai thùng bạc trắng để mua vũ khí, ba tạ muối và nhiều trâu bò… Kỳ Đồng còn nhờ bà Ba Cẩn chuyển bài thơ chữ Hán của mình đến tay lãnh tụ Yên Thế. Bài thơ có câu mà ông tâm đắc:

          Tây thiên chỉ nhật tảo thanh

          Long nhương thủ khởi cốc thành vũ phi

          (Hẹn có ngày quét sạch giặc Tây – Như  rồng vươn mình, như chim hồng cất cánh)

          Rõ ràng, việc xuất hiện Kỳ Đồng ở Yên Thế với đồn điền rộng lớn bát ngát ở Chợ Kỳ đã góp phần củng cố lực lượng Đề Thám. Do đó, thời bấy giờ mới có câu lưu truyền “Nhất ông Kỳ, nhì ông thám, thứ ba bá hộ Quần Anh”. Nhân vật thứ ba tức là ông Trần Hữu Giảng ở huyện Hải Hậu (Nam Định) hoạt động trong nhóm Văn Thân ở xã Quần Anh. Ông đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng, đồng thời cử người lên tăng cường cho lực lượng của Đề Thám.

         Việc làm tày trời của Kỳ Đồng đã không qua cái mũi thính hơi của chó săn mật thám Pháp.

         Ngày 21-9-1897 chúng đã phát hiện những thuộc hạ của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng. Mặc dù được bó lại bằng chiếu nhưng vẫn lộ ra những nòng súng xếp chéo. Giặc Pháp đủ bằng chứng về căn cứ trá hình tại Chợ Kỳ. Thi hành mệnh lệnh khẩn cấp của Toàn quyền Paul Doumer, tên Péroz – chỉ huy đạo binh ở Yên Thế – đã bí mật bắt Kỳ Đồng vào lúc giữa khuya ngày 22-9-1897. Kỳ Đồng mắng xối xả vào mặt hắn:

         - Thiếu tá Peroz ạ! Tôi e rằng ngài đã bị cuốn vào một việc làm bẩn thỉu.

         Việc làm bẩn thỉu nầy đã tác động đến tinh thần của Đề Thám. Ngày 13-11-1897, ông viết lá thư gửi cho chính phủ bảo hộ:

       “Ý nguyện của tôi là được phép ở lại Phồn Xương để khai hoang với 25 thủ hạ có khí giới. Nếu ý nguyện nầy được thỏa mãn, tôi sẽ tuân theo pháp luật của nhà nước và ngăn đe các thủ hạ của tôi không cho họ lạm quyền. Sau ba năm chúng tôi sẽ phục tùng chế độ chung! Ruộng tôi chịu thuế điền. Nếu tôi cần tiền cải tạo đất đai, tôi mong ngân hàng của chính phủ giúp đỡ”.

        Lá thư nầy lại được giám mục Bắc Ninh là Vélasco chuyển đến tay Paul Doumer. Sau khi đàn áp Kỳ Đồng, đưa ông đi đày ở quần đảo Marquises thì Paul Doumer đang có một đề án mới. Ông ta muốn mở mang kinh doanh để thu lợi nên quyết định mở cuộc bán phiếu quốc trái lấy 200 triệu đồng làm vốn khai thác của cải Đông Dương. Nếu Đông Dương còn rối như tơ vò, chưa bình định xong thì làm sao Quốc hội Pháp chuẩn y đề nghị nầy? Do đó, P.Doumer chỉ muốn tiêu diệt tận gốc nghĩa quân Đề Thám. Tiêu diệt à? Đã biết bao người lính Pháp ngã xuống làm phân bón cho núi rừng Yên Thế mà cũng chưa đem lại một kết quả nào đáng kể. Thư của Đề Thám đã khiến ông ta suy nghĩ rất nhiều. Để có một quyết định chín chắn, Paul Doumer trực tiếp đi điều tra tình hình ở Yên Thế.

        Trong chuyến đi nầy, khi đến Bắc Ninh, ông ta cho triệu tập các hàng quan lại, kỳ hào về tỉnh để nghe giáo huấn. Đây là dịp tốt để Lê Hoan bày tỏ vai trò cẩu tẩu. Y cho mở tiệc linh đình trong dinh của mình để chiêu đãi Doumer và bọn quan lại. Mọi người vui vẻ uống rượu say sưa. Để thử tài Lê Hoan, giữa tiệc rượu nầy sau khi ngà ngà say, Doumer đã thách một vế đối. Vế ra của ông ta như sau:

        Vương là vua rút ruột vua tam là ba.

        Vế ra nầy rất đểu cáng. Ý nói vua bây giờ chỉ là hư vị (rút ruột), đất nước nầy chúng đã chia ba. Quả là cao tay! Chữ vương rút ruột (một dấu phẩy) thì thành chữ tam. Hiểm hóc lắm. Lê Hoan và bọn quan lại ngồi câm như hến. Không ai dám há miệng vì sợ vạ miệng. Paul Doumer khanh khách cười tự mãn. Một đòn cân não về mặt chữ nghĩa giáng xuống đầu bọn bản xứ. Bữa tiệc lắng xuống một cách lạ thường.

       Doumer đang dương dương tự đắc thì bỗng có tiếng dõng dạc:

       - Thưa Ngài, tôi xin được đối lại!

         Mọi người đều ngơ ngác. Họ sửng sốt vì người vừa nói câu đó là một anh lính quèn. Lê Hoan ngước mắt nhìn, à thì ra đó là một lính hầu đã từng ăn những trận đòn vô cớ của y. Chính thằng nầy mà mình sập vào bẫy của Cả Trọng đấy Y quắc mắt nhưng không kịp nữa rồi, quan Toàn quyền Doumer đã gật đầu đồng ý. Anh lính hầu trịnh trọng đọc:

         Tây là tây chém đầu tây tứ là bốn

        Tuyệt chiêu! Vế đối nầy rất chỉnh. Từng chữ đối nhau chan chát. Chữ tây bỏ phần đầu thì ra chữ tứ. Nhưng độc đáo nhất ở đây là anh lính hầu đã công khai ném giữa bàn tiệc một thái độ dứt khoát: “chém đầu tây” và phanh thây ra làm bốn mảnh. Doumer tím mặt. Hiểu hết mọi điều, nhưng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, Doumer vẫn vui vẻ.

         - Bien! Très bien! (Tốt, rất tốt!)

           Mọi người dự tiệc đều sợ xanh mặt. Lê Hoan yếu tim đã ngất xỉu trong bữa tiệc một cách rất… giả vờ! Y không hề biết rằng, đó cũng là lúc người lính hầu của y đã bỏ trốn và tìm đường lên Yên Thế! Một không khí sợ sệt bao trùm trong bữa tiệc. Chính vì vậy, câu đối nầy đã kết thúc buổi gặp gỡ một cách tẻ nhạt.

         Sau chuyến đi nầy, Doumer trở về Hà Nội và ớn tận họng cái gan cóc tía của người bản xứ. Hỏi thêm ý kiến của viên thanh tra sự vụ Miribel về vấn đề giải quyết Yên Thế, Miribel không trả lời thẳng vào câu hỏi của Doumer. Hắn đã lật hồ sơ của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ - ký hiệu số 56I36 trình cho thượng cấp. Trong đó có một đoạn đã làm Doumer gạch bút đỏ và nhăn mặt, nhíu mày: “Xung quanh tên tuổi của Đề Thám đã thành một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng và tài năng của một chiến binh. Đối với người An Nam đó là một thủ lĩnh bách chiến bách thắng, người mà chỉ với 20 nghĩa quân đã dám đương đầu với những đơn vị lớn quân chính phủ có đại bác yểm trợ, người mà tất cả các sĩ quan chỉ huy không sao bắt nổi, người luôn làm cho các đội quân căm ghét của địch tổn thất nặng nề mà quân mình vẫn nguyên vẹn. Tóm lại người An Nam coi ông ta như một nhân vật thần kỳ. Chắc chắn là nếu Đề Thám chiến đấu, chúng ta đừng hy vọng tìm thấy chút xíu tin tức nào trong những người An Nam. Cho nên, tốt hơn là chúng ta hãy cố gắng hết sức tránh việc Đề Thám lại tiếp tục chiến đấu”. Thế là, Doumer đã bị chinh phục. Ông ta quyết định đồng ý với nội dung trong thư của Đề Thám, với điều kiện – Đề Thám không được chiêu mộ thêm người vào nghĩa quân. Không được đánh phá những làng không thuộc quyền mình. Và đồn điền của Đề Thám trên đất Phồn Xương phải chịu dưới quyền kiểm soát của viên đại lý Nhã Nam.

        Thế là, từ trong rừng sâu Đề Thám lại kéo binh mã đàng hoàng trở về Yên Thế trong một ngày đẹp trời vào đầu tháng 12-1897.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com