VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - Chương kết thúc

Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - Chương kết thúc

Mục lục
Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI
1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
3. DÁM TIN NGƯỜI
4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG
7. DÁM SÁNG TẠO
8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH
Chương kết thúc
Tài liệu tham khảo
Tất cả các trang

 

CHƯƠNG KẾT THÚC

Cuộc đời của Bạch Thái Bưởi tiêu biểu cho mẫu người dám sống. Sống trọn vẹn với con đường kinh doanh mà ông đã lực chọn, từ lúc bước vào đời với hài bàn tay trắng để rồi trở thành nhà tư sản dân tộc, có nhiều đóng góp cho lợi ích cộng đồng. Thời đó, phương ngữ Nam kỳ có câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Nhưng khi lan truyền ra ngoài Bắc thì nhận vật thứ tư lại là “Bạch Thái Bưởi”.

Về những nhân vật trên, thiết tưởng ta cũng nên biết qua đôi nét.

“Nhất Sĩ” tức Lê Phát Đạt, thuở nhỏ được một linh mục gửi sang Pénang học tiếng La tinh, nhưng do trùng tên với thầy nên đổi tên Sĩ. Cơ hội làm giàu là sau trận bão năm Giáp Thìn (1904) tại Nam kỳ nông dân xiêu tán, ruộng đất bỏ hoang, không người cày cấy nên chính quyền thực dân Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận với giá rẻ, về sau mua chức hàm nên được gọi Huyện Sĩ. Có điều thú vị, con gái út Huyện Sĩ là Lê Thị Bình lấy một hào phú ở Gò Công là Nguyễn Hữu Hào, sinh ra Nguyễn Hữu Thị Lan. Về sau cô Lan được Bảo Đại chọn làm vợ và trở thành Nam Phương hoàng hậu.

“Nhì Phương” tức Tổng đốc Phương, tên thật Đỗ Hữu Phương (1840 -1914). Do cộng tác với thực dân Pháp nên được thăng Tri huyện, Đốc phủ sứ rồi thăng hàm Tổng đốc, từng được thưởng Tam đẳng bội tinh, ân sủng tột bực. Sau khi được Pháp cho khẩn trưng 222,3 mẫu ruộng đất, Phương “phất’ lên rất nhanh và trở nên giàu có, nhập làng Tây. Phương biết ít nhiều chữ Hán, bập bẹ được đôi chút tiếng Tây và lại thích... làm thơ! Trong nhà của Phương có treo bức hoành và thách ai làm vế đối lại hoàn chỉnh nhất thì được thưởng tiền:

Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ. Đỗ một nhà ngũ phúc tam đa

Dụng ý của Phương là khoe mẻ năm con trai Chơn, Trí, Thinh, Vị, Chẩn và ba gái Sanh, Nhân, Dần đều thành đạt. Trong số những người con của Phương, có lẽ đến nay Vị - đại úy phi công Pháp, vẫn còn người nhớ tên, vì một thời trường Cơ khí châu Á tại Sài Gòn (nay trường Kỹ thuật Cao Thắng - TP.Hồ Chí Minh) mang tên Đỗ Hữu Vị (!?). Căm ghét kẻ ra hợp tác với “tân trào” đàn áp phong trào kháng chiến, nay giàu có hợm mình, tương truyền trước câu đối trên danh sĩ Nam kỳ  cụ Phan Văn Trị đã làm lại vế đối:

Cù lao Rồng có lũ thằng phun. Phun một lũ cửu trùng bát nhã.

“Phun” trùng âm với “phung” theo cách phát âm của người Nam bộ. Đem “nhà họ Đỗ” mà đối với “lũ thằng phung” (là lũ cùi, hủi - một căn bệnh nan y thời đó, ai nấy đều tránh xa) thì quả độc địa.

“Tam Xường” tức Lý Tường Quan, tên tục là Xường, thường được gọi Bang Xường hoặc Hộ Xường. Học xong trường thông ngôn, Xường cộng tác với Pháp nhưng lại xin về hưu non lúc mới ngoài 30. Dực vào thế lực của Pháp, Xường bước vào thị trường mua bán đất và nắm độc quyền lúa gạo và các nguồn lợi khác từ đồng bằng sông Cửu Long đưa về Sài Gòn nên nhanh chóng giàu sụ! Lúc nhắm mắt về nơi chín suối, Xường được vợ xây mộ lớn bằng đá xanh “hao phí hơn bạc muôn”. Tài sản để lại nhiều nhưng do con cái tranh giành, cấu xé, chia chác chẳng bao lâu “của thiên trả địa”!

“Tứ Định” tức bá hộ Trần Hữu Định làm giàu bằng cách mở tiệm cầm đồ, kinh doanh đất đai, xuất khẩu vải sợi nhờ gặp thời nên giàu to. Ngôi biệt của Định xưa nằm ở chỗ chợ Kim Biên - Bình Tây hiện nay. Trước khi về suối vàng, bá hộ Định để lại nhiều tiền của, nhưng con cháu không biết giữ, “ngồi mát ăn bát vàng”, chẵng bao lâu tài sản cũng sạch sành sanh!

Ngoài câu trên, trong dân gian ở đất Sài Gòn xưa cũng có câu tương tự “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”; hoặc “Đi tàu chú Hỷ, ở phố chú Hỏa”.

“Nhất Hỏa” tức Hoàng Trọng Sinh (1845-1901), gốc người Phúc Kiến (Trung Hoa), khi giàu có gia nhập làng Tây mang tên Jean Hui Bon Hoa. Lúc mới khởi nghiệp, chú Hỏa hùn hạp với người Pháp chuyên khuyếch trương các tiệm cầm đồ nên “phất” nhanh chóng! Tiền lại đẻ ra tiền, chú Hỏa kinh doanh bất động sản và cất nhà cho thuê, mở Công ty Hui Bon Hoa. Hiện nay, khu tứ giác Phó Đức Chính - Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette nguyên là đất của chú Hỏa; hoặc nhà thương Từ Dũ được xây năm 1938 - 1939 là phần đất hiến của chú Hỏa...

“Nhì Đàm” tức Quách Đàm (1863 - 1937), dấu tích còn để lại cho đến ngày nay là chợ Bình Tây do ông bỏ tiền ra xây cất và dãy nhà quanh chợ. Trước đó, những người Hoa di cư sang Việt Nam đã lập ra một cái chợ (tại địa điểm Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) lớn nhất thời đó nên dân chúng gọi Chợ Lớn, chợ này hình thành vào khoảng năm 1679 đến 1731. Nắm được nhu cầu bức xúc của tiểu thương, năm 1928, Quách Đàm bỏ tiền ra một khu đất rộng 26.357 mét vuông ở thôn Bình Tây để xây dựng một chợ mới. Chợ khai trương ngày 14.3.1930, ta quen gọi là chợ Bình Tây hoặc Chợ Lớn mới. Trong chợ này, trước năm 1975, có tượng dựng đồng Quách Đàm, nay không còn nữa. Lúc giàu có, ngoài việc lập hãng Thông Hiệp kinh doanh tàu chở khách đường biển, Đàm còn đứng ra bảo lãnh cho con nợ ngân hàng để ăn hoa hồng...

“Chú Hỷ” cũng là người giàu sụ, có tàu chạy khắp Nam kỳ lục tỉnh, công cuộc kinh doanh chỉ nhằm đạt mục đích làm giàu, thu vén cho riêng mình nên không ai buồn nhớ đến tên thật là gì!

Nối gót những đại gia trên, tại Sài Gòn trong những năm 1954 - 1975, ta thấy còn những doanh nghiệp khác cũng giàu có không kém với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau như Hoàng Kim Quy (kẽm gai), Mã Hỷ (lúa gạo), La Thành Nghệ (dược phẩm), Lý Long Thân (sắt phế thải), Trần Thành (bột ngọt), Trương Vĩ Nhiên (xuất nhập phim), Lâm Huê Hồ, Nguyễn Tấn Đời (tín dụng, ngân hàng), Vương Đạo Nghĩa (kem đánh răng), Trương Văn Khôi (xà phòng bột), Nguyễn Công Kha (hóa chất) v.v...

Đương thời với Bạch Thái Bưởi ta thấy nổi lên nhiều nhà tư sản như Trương Văn Bền, Nguyễn Hữu Thu, Ngô Tử Hạ, Hồ Tá Bang, Lê Phát An, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Sơn Hà v.v... Nhưng chỉ rồi dăm ba người được hậu thế ngưỡng mộ nhớ đến, trong đó nổi bật nhất có Bạch Thái Bưởi.

Vậy đâu là bài học thương trường từ sự nghiệp kinh doanh của Bạch Thái Bưởi?

Ta có thể nhận ra, bản lĩnh của ông đã thể hiện ở 9 bài học: dám đi bằng đôi chân của mình; dám tận dụng thời cơ, dám tin người, dám tiếp thu Tân thư, dám vận dụng tinh thần yêu nước, dám cạnh tranh đến cùng, dám sáng tạo, dám mổ rộng thị trường kinh doanh và dám đi lại từ đầu.

Những bài học này đến nay vẫn chưa lỗi thời.

Trong sự nghiệp của ông, đáng lưu ý và ghi nhận là ở chỗ, bằng tài năng, kinh nghiệm trên thương trường Bạch Thái Bưởi đã góp phần tích cực thay đổi cái nhìn không thiện cảm về doanh nhân trong những năm đầu thế kỷ XX. Nếu các nhà nho cấp tiến, các nhà Tây học có công cổ vũ, hô hào, tuyên truyền cho một tư tưởng mới thì ở Bạch Thái Bưởi cùng nhiều nhà tư sản dân tộc lại có công biến nó thành hiện thực, thành những việc làm cụ thể.

Khi xét một nhân vật không thể tách ra ngoài không khí chính trị và bối cảnh xã hội đương thời. Để thấy được vai trò to lớn của họ, ta hãy đọc bài viết “Nghề buôn dưới mắt người Việt” của nhà nghiên cứu Đào Hùng: “Nếu nghĩ coi rẻ nghề buôn, có lẽ đã tồn tại từ lâu trong tâm thức người Việt. Ở đây có hai lý do: một là do những thành kiến nghề nghiệp của chúng ta; hai là do chính bản thân nghề buôn gây nên, người đi buôn không coi đó là một nghề cao quý. Giở lại bộ sưu tập truyện cổ tương đối hoàn chỉnh “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi -  ta thấy trong số 160 truyện chỉ có hai truyện nói đến nhân vật lái buôn. Đó là truyện Con mụ Lường và Đồng tiền Vạn Lịch, mà cả hai truyện đều nói đến cái xấu xa của những người đi buôn. Trong khi đó, nếu so sánh với bộ truyện cổ “Nghìn lẻ một đêm” của văn học Á Rập, thì ta thấy nhân vật lái buôn có mặt khắp nơi, mà họ là những người đáng kính, đại diện cho đức tính: trung thực, dũng cảm, khôn ngoan, có học.

Một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ở Mỹ, gần đây có làm một bảng phân loại các truyện nôm khuyết danh thế kỷ XVII, căn cứ theo đề tài của truyện đã xếp ra các loại sau: truyện có xu hướng chính trị, truyện phong tục, truyện về khát vọng của phụ nữ, truyện tình chung thuỷ, truyện anh hùng, truyện có xu hướng Phật giáo, truyện tâm lý, truyện hài, truyện dị thường, truyện lịch sử. Người ta chỉ thấy trong những truyện này các nhân vật nho sĩ, quan lại, cung nữ, chinh phụ, nhà nông và tiều phu, tuyệt nhiên không có mặt nhà buôn. Có lẽ tên lái buôn duy nhất có mặt trong truyện thơ là “thằng bán tơ” trong Truyện Kiều, lại là một kẻ gây tai hoạ cho người dân lành.

Cuốn Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ là tập bút ký hiếm hoi trong kho sách văn học Việt Nam nói đến sinh hoạt đô thị ở Thăng Long cuối thế kỷ XVIII. Trong tập này, ông đề cập đến hoạt động buôn bán ở kinh thành như là những chuyện lừa đảo và ăn cắp. Bản thân tác giả, tuy theo cha mẹ lên kinh thành từ nhỏ, nhưng không bao giờ tự nhận mình là người thị thành. Ông cứ luôn nhắc đến cái làng quê xa xôi nơi ông ra đời với đầy nỗi luyến tiếc. Ông không hề có tự hào được làm người dân chốn kinh đô. Cái tâm lý coi khinh thành thị, coi rẻ nghề buôn của tầng lớp nho sĩ, tất ảnh hưởng lớn đến đa số dân chúng.

Cần nói thêm rằng vì không có tầng lớp thương nhân lớn, có một nếp sống riêng, một tâm lý riêng, tác động đến đời sống chung của xã hội, nên đô thị Việt Nam xưa vẫn giữ truyền thống sinh hoạt của làng xã,với hội hè đình đám quen thuộc với người nông dân. Nếp sống đô thị, mặc dầu đã hình thành ở Trung Quốc từ đời Tống, vẫn không có ảnh hưởng đến nước ta. Cho đến cuối thế kỷ XlX, chúng ta vẫn chưa có những loại hình sinh hoạt đặc thù của đô thị như sân khấu chuyên nghiệp, tiểu thuyết, hội hoạ... Và nếu như loại truyện phiêu lưu và du ký là sản phẩm của những nhà thám hiểm - mà trước hết là những nhà buôn - được phát triển sớm ở những dân tộc buôn bán giỏi như người Trung Hoa, người Anh, người Hà Lan, người A- Rập... thì ở nước ta, đến tận ngày nay, hình như vần còn vắng bóng.

Cái tâm lý coi rẻ nghề buôn đó đã khiến chúng ta không xây dựng được cho mình một truyền thống tốt đẹp trong việc buôn bán. Chúng ta thiếu một cơ sở đạo lý của nghề buôn, mà thậm chí còn coi nghề buôn là đồng nhất với sự lừa lọc. Đó cũng là một biểu hiện của tâm lý tiểu thương, chỉ nghĩ đến việc kiếm lời bàng mánh khoé thủ đoạn, không có một tầm nhìn xa trong kinh doanh...” (Xưa & nay số 4(05) tháng 7.1995).

Trong bối cảnh như thế, Bạch Thái Bưởi sau khi tiếp thu Tân thư, ông đã mạnh dạn đứng ra kinh doanh thành công trong nhiều lãnh vực. Khi quốc dân thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận vai trò của doanh nhân trong nước thì đâu là đóng góp lớn nhất của ông?

Điều cốt lõi này, ta có thể thấy qua bài học “dám vận dụng tinh thần yêu nước” mà ông đã khởi xướng trước nhất. Nếu không thiện cảm với nghề buôn, không thay đổi quan niệm về nghề buôn thì liệu quốc dân có ủng hộ ông một cách mạnh mẻ, đồng lòng như thế không? Đành rằng, trong sự ủng hộ này còn có tinh thần tương thần tương trợ, nghĩa đồng bào, người trong một nước... Nhưng nếu tư cách kinh doanh, đạo đức kinh doanh... của ông đi ngược lại những điều đã nói thì liệu có thuyết phục được lòng tin của đồng bào?

Thêm một kinh nghiệm sống còn, một bài học quý báu của Bạch Thái Bưởi để lại cho đời sau chính là suy nghĩ của ông về mục tiêu làm giàu. Nếu chỉ bo bo thu vén để giàu nứt đố đố vách, thu vén cho riêng cá nhân mình như biết bao nhà tư sản khác, thì ngày nay không mấy ai buồn nhắc đến tên tuổi của ông nữa, bởi cái giàu ấy nghĩ cho cùng cũng chỉ là “giàu như Thạch Sùng” mà thôi.

Sự nghiệp làm giàu của ông bền vững, ngày càng phát đạt vì ông biết đặt mục tiêu kinh doanh trong nhu cầu và lợi ích chung của cộng đồng. Qua đó, ông muốn chứng minh cho người nước ngoài thấy rằng, người nước Nam ta không thua kém ai trên thương trường. Người nước Nam có thể sánh vai với các nước năm châu trên nhiều lãnh vực. Khi Bạch Thái Bưởi đặt mục tiêu cao cả ấy trong lãnh vực kinh doanh, xông pha trên thương trường thì không chỉ đương thời, mà hậu thế cũng phải ngưỡng mộ và khâm phục bản lĩnh, ý chí của ông.

Bài học này rất có ý nghĩa thời sự cho giới doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

LÊ MINH QUỐC

(Những ngày cận Tết Đinh Hợi tại Miss Sài Gòn)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com