VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI - CHƯƠNG BẢY

Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI - CHƯƠNG BẢY

Mục lục
Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHUONG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Tất cả các trang



CHƯƠNG BẢY


Ngày tháng chưa xa,
Các chiến hữu thương nhớ,


Chân đi ắt hẳn không cần đất
Lạc giữa trần gian bước hững hờ
Thơ của ai vậy ? Có phải đó là ngày và đêm, hư vô tuyệt đối và thực tế buồn đau của con người. Cho dù, bọn này đang đứng ở góc độ nào trên trái đất ngàn năm này, đều phải bắt gặp một điều kiện duy nhất, mang tính cách tự nhiên : Cuộc sống đầy hoa và nỗi chết không rời. Le roi et berger sont égaux devant la morte. Chúng ta là con người. Rồi chúng ta cũng sẽ chết. Tự nhiên như những cặp môi gần, như ngày bình minh và đêm bóng tối, như mỗi ngày cần hít khí trời để thở. Bình thường cho mỗi một ngày qua vài ngàn năm nay cuộc đời đều đặn tiến về phía trước. Lạnh lùng và bình thản. Cái mà ta bắt gặp trong phút giây đối diện được gọi là hiện tại. Cái mà ta để vụt khỏi tầm tay được gọi là dĩ vãng. Cái mà ta mong đợi được gọi là tương lai. Trong chiều sâu của cội nguồn ý nghĩa, nếu hiện tại đầy chán nản, thì dĩ vãng mà ta tìm về, ta yêu quý ta trân trọng là cái gì ? Chỉ có con đường của riêng ta đang đi bao giờ cũng trải đầy hoa. Những bông hoa mười giờ cho tháng năm yêu thương cuộc sống. Và để gọi là đời sống, cổ tích thần kỳ, cùng những thơ ca và âm nhạc. Con người hơn nhau ở chỗ biết dâng hiến cho đời. Ở đây, dâng hiến nghĩa là sống cho trọn vẹn bản chất của con người. Cho nên, cuộc đời cần có khổ đau và hạnh phúc, tuổi trẻ và tuổi già, cùng những mâu thuẫn hỗ tương.
Bây giờ bọn mày đang làm gì vậy ? Chiếc radio cũ mèm của trung đội mình có còn nghe được không ? Với tao, thời gian nằm ở chốt từng đêm lắng nghe tiếng nói từ chiếc rađio ấy - là một thời gian thú vị nhất. Sao lúc ấy chúng ta lại thèm nghe quá vậy ? Phải chăng chúng ta cần sự chia sẻ, cần nghe người khác thì thầm vào tai mình, cho dù tiếng nói ấy phát ra từ chiếc radio ? Mới đây, tao được đọc bài báo của nước ngoài - bài An Interview with Phạm Văn Đồng in trên báo Times. Tao chép lại để bọn mày đọc và có một cái nhìn tin tưởng về tương lai. Một tương lai gần thôi, máu của chúng ta đổ xuống đang có triển vọng đơm hoa và kết trái. Bọn mày bắt đầu đọc nhé ! “Hỏi : Nếu quân đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và nếu vấn đề người Mỹ mất tích ở Việt Nam được giải quyết, liệu quan hệ với Mỹ có được thiết lập lại không ? Trả lời : Tận đáy lòng, chúng tôi muốn có quan hệ tốt với Mỹ. Tôi cần nói là khả năng ấy đã có rất sớm từ năm 1945. Dịp tốt bằng vàng ấy đã đi qua. Rồi sau đó đã có những dịp tốt như thế nhưng lại đi qua, phần mình, chúng tôi muốn có quan hệ tốt, phần Mỹ thì tùy các ông. Chúng tôi nghĩ rằng, có quan hệ tốt với Mỹ không phải chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn cả cho Mỹ. Hỏi : Có phải chăng là một trong những cái lợi khi quan hệ với Mỹ được cải thiện là giảm bớt sự tùy thuộc của Việt Nam đối với Liên Xô ? Trả lời : Tại sao ông lại quan tâm đến việc đó ? Đó là việc riêng của chúng tôi. Chúng tôi đã nói là quan hệ Việt Nam - Liên Xô không phải là chướng ngại cho quan hệ Mỹ - Việt Nam. Ông có thể nghĩ là tôi nói đùa. Không, tôi không đùa đâu. Hỏi : Nếu ông là tổng thống Mỹ, ông sẽ kêu gọi dân Mỹ thế nào để họ góp phần hàn gắn vết thương giữa hai nước ? Trả lời : Việt Nam đã để lại những vết thương đau lòng trên nước Mỹ. Nhưng Mỹ đã tàn phá nửa nước Việt Nam. Người Mỹ đã đến nước của chúng tôi mặc dù không được mời. Người Mỹ đã gây ra tại đây những điều mà người có lương tâm không thể tha thứ được. Đó là lý do tại sao tôi có thể nói rằng Mỹ có trách nhiệm tinh thần và vật chất đối với Việt Nam. Người có lương tâm bao giờ cũng là người có trách nhiệm. Hỏi : Nhưng nếu ông là người lãnh đạo Mỹ, ông cảm thấy thế nào về sự hiện diện của Liên Xô ở Cảng Cam Ranh ? Trả lời : Nếu tôi là người của Nhà Trắng, tôi sẽ coi đó là chuyện bình thường. Hỏi : Hệ thống xã hội chủ nghĩa của nước ông đưa vào mô hình Liên Xô, nhưng hầu hết các nước chung quanh không phải là xã hội chủ nghĩa và về phương tiện kinh tế họ tiến nhanh hơn Việt Nam. Ông không thử nghĩ lại mô hình xã hội chủ nghĩa của mình ? Trả lời : Chúng tôi đã chọn một con đường, con đường tốt nhất để tiến lên. Tôi có thể nói chắc với ông rằng ông sẽ thấy điều đó vào năm 2.000. Nó sẽ rõ nét hơn nữa vào năm 2.200. Đối với chúng tôi, đáp ứng nhu cầu của quần chúng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Chúng tôi phải động viên quần chúng, bàn tay và khối óc để làm việc này. Hỏi : Trong điều kiện nào sự hiện diện của quân đội nước ông sẽ chấm dứt ở Campuchia ? Trả lời : Chúng tôi đã tuyên bố rất rõ ràng lập trường của chúng tôi. Trong một tương lai gần, vấn đề Campuchia sẽ được giải quyết. Sẽ có một giải pháp chính trị. Nếu anh chờ, anh sẽ thấy. Có thể nó đến sớm hơn dự trù. Hỏi : Có phải một giải pháp cho vấn đề Campuchia đòi hỏi sự giải tán của lực lượng Khơme đỏ trước tiên? Trả lời : Chúng tôi chưa bao giờ nói như thế, nhưng trên thực tế xảy ra như thế vì quần chúng Campuchia sẽ dẹp sạch tàn quân của Pôn Pốt. Khi đó họ sẽ không cần gì đến chúng tôi và chúng tôi sẽ không cần ở lại Campuchia làm gì. Hỏi : Theo ông, cái gì là nguy cơ lớn nhất của nước ông ? Trả lời : Tôi không nghĩ một bất ngờ nào hay một nguy nan nào làm chúng tôi quá lo sợ. Chúng tôi đã chuẩn bị đối phó với mọi khả năng, mọi tình huống. Lịch sử chúng tôi đã chứng tỏ điều đó”. Có thể là tao làm một việc lẩm cẩm là cặm cụi chép lại bài báo này, vì nó đã được in lại rộng rãi trên các báo chí. Biết đâu những tờ báo đến tay bọn mày thì bọn mày cũng đã được đọc ? Viết đến đây, bất chợt tao nhớ đến thời kỳ còn cầm súng ở trên chốt. Lúc đó, báo chí quý như vàng. Những tờ báo từ hậu phương gửi lên là bọn mình đọc ngấu nghiến, cho dù báo lên chốt quá trễ và không còn tính thời sự nữa. Nhưng biết làm sao hơn. Có báo để đọc, có radio để nghe là sướng lắm rồi. Những tờ báo ấy mỗi khi đọc xong thì chúng ta lại xé ra thật nhỏ để làm giấy vấn thuốc rê mà hút. Còn radio thì chúng ta tụ tập lại để nghe suốt đêm, nghe đến khi trên đài không còn chương trình nào phát thanh tiếng Việt nữa. Nghĩ lại cũng thú vị phải không bọn mày ?
Trong thư trước bọn mày có hỏi tao về số phận của thằng Phương nổ và Vân đen như thế nào. Tao kể cho bọn mày nghe nhé !
Bọn hắn đã đào ngũ về địa phương một cách trót lọt cách đây vài năm thằng Dưỡng còn mon men vào nghề làm báo. Chứ bây giờ lính đào ngũ về khó có thể tìm được một công ăn việc làm cho đàng hoàng.
Với tao, tao không thể nào hiểu được tại sao bọn nó lại biến dạng nhanh đến thế. Chúng nó không còn là hình ảnh của một anh chàng bộ đội, đã có thời kỳ chung sống với nhau, với bọn mình. Hai thằng hắn đã trở thành những tên ma-cô gác cho động đĩ. Khi người ta cố tình đánh mất nhân cách của mình thì còn điều gì đáng nói nữa? Tao buộc lòng phải kể một cách đầy đủ thì bọn mày mới có thể hiểu được. Tao kể hoàn toàn sự thật, chứ không hề làm văn chương như bọn nhà văn đâu. Sự việc như thế này :
Cách đây vài chục năm, trong một đêm tối trời. Trời mưa. Ngoài chợ tơi tả những mái lều che. Những kẻ vô gia cư, thất nghiệp và bọn đầu trộm đuôi cướp đã chọn nơi này làm mái ấm cho việc trú thân. Trong số đó có con mẹ điên. Con mẹ điên này hằng ngày lê tấm thân tàn ma dại đi xin ăn, ban đêm chui vào một góc chợ để ngủ. Nhưng rồi một đêm mưa, nửa đêm giấc ngủ của mụ không còn thanh thản như trước. Có một lão già dở điên dở khùng mò đến cưỡng hiếp mụ. Sự cưỡng hiếp ấy là ác mộng của cuộc đời này. Bởi vì nó đã để lại trần gian này một hài nhi bé bỏng. Hài nhi đó được sinh nở trần trụi cũng ngay xó chợ này. Thế nhưng, lão già dở điên dở khùng đã quất mã truy phong. Con mẹ điên thì ném đứa hài nhi ra giữa cuộc đời. Nó cất tiếng khóc oa oa giữa sự dửng dưng của thiên hạ. May mắn thay, có một người đàn bà tình cờ buổi sáng đi chợ sớm, nghe tiếng khóc của hài nhi ấy, bà ta động lòng thương xót và đem về nhà nuôi nấng. Nuôi hài nhi ấy đến năm mười tám tuổi, thì đứa bé ấy từ bỏ ngôi nhà thân yêu của mình. Nó đi vào cuộc đời đầy sóng gió này với cái tên rất đáng yêu : Nguyễn Hữu Đãi. Nguyễn Hữu Đãi là ai vậy? Xin bọn mày cứ bình tâm để tao kể tiếp.
Cha mẹ sinh con nhưng trời sinh tính. Tính nết của thằng Đãi kể ra cũng kỳ cục. Mặc dù cánh tay bị tật bẩm sinh, bị dẹo qua một bên, nhưng cái chứng tỏ bản lĩnh của đàn ông thì lại cứng cáp khỏe mạnh. Năm mười tám tuổi, lần đầu tiên bước sang thế giới đàn ông là nó làm tình với một con đĩ già về chiều. Sau sự chung chạ thú vật ấy, người ta thấy hắn chuyển hộ khẩu về nhập tịch với người đàn bà này. Hắn trở thành chồng và người đàn bà này trở thành vợ. Một sự hôn nhân hôn phối diễn ra trên chiếc giường nồng nặc hơi thở của hàng trăm thằng đàn ông đã đến với người đàn bà này. Đã là vợ chồng thì phải sinh con đẻ cái. Phải làm lấy một nghề gì đó để sống qua ngày. Với bản tính kỳ cục của mình, thằng Đãi cho vợ mình trở thành “Tú bà”. Căn nhà đó là nơi mua hương bán phấn của những cô gái làng chơi. Mụ Tú bà chỉ ngồi không mà hưởng tiền xâu. Và dĩ nhiên là thằng Đãi trở thành “ông Tú”. Những cô gái quê kệch hoặc thông minh sâu sắc - một khi bước vào căn nhà này để xin “việc làm” thì câu đầu tiên là bà Tú sẽ nói :
- Mày lên nhà trên mà hỏi ý kiến của ba mày ! Ba mày quyết định có nhận mày hay không là tùy ba mày.
Cô gái rụt rè bước lên nhà trên. Trong bụng cứ thầm nghĩ là sẽ gặp người đàn ông có số tuổi xấp xỉ như bà tú bà. Nhưng hỡi ôi ! Trước mặt của cô ta là một gã thanh niên chưa đến tuổi ba mươi đang mặc chiếc xà lỏn ngồi tì tì uống rượu. Thì ra đây chỉ là một cách thỏa mãn tính thú vật của thằng Đãi. Vợ hắn đã quá già, không còn gây cảm giác hứng thú nữa thì những cô gái này phải được hắn “phục vụ” tận tình. Tình chồng vợ của thằng Đãi được ràng buộc với nhau như thế. Do đó, những cô gái lầm lỡ muốn được vào nhà này “tiếp khách” thì phải dâng hiến cho thằng Đãi đầu tiên. Bọn mày nghĩ như thế nào về thằng Đãi ? Đời sống con người quá ngắn ngủi. Có người sinh ra phấn đấu để trở thành con người đúng nghĩa viết hoa, thì có những thằng lại muốn đánh mất dần bản năng con người. Phải chăng khúc rẽ đầu tiên và quan trọng nhất của con người là năm mười tám tuổi ? Năm mười tám tuổi, nếu thằng Đãi không gặp con mẹ đĩ rạc về chiều này thì cuộc đời của nó sẽ ra sao ? Thật may mắn cho chúng ta, năm mười tám tuổi, chúng ta trở thành người lính cầm súng để bảo vệ Tổ quốc. Điều đáng buồn là có những người đã từng là đồng đội của bọn mình, lại sa bước chân vào ổ nhền nhện đó.
Thằng Vân đen và thằng Phương nổ khi đào ngũ trở về địa phương, do không tìm được việc làm nên bọn hắn đâm ra bất mãn và lao vào con đường tìm tiền bất cứ vì động cơ gì. Không biết ma đưa lối, quỷ đưa đường như thế nào mà bọn chúng lại gặp thằng Nguyễn Hữu Đãi. Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Thằng Vân đen và thằng Phương nổ được thằng Đãi giao “nhiệm vụ” làm ma-cô canh gác cửa động. Khốn nạn thay cho những thằng dành hết sức lực, tuổi trẻ của mình để làm công việc duy nhất: Đấm vỡ mặt thằng nào vào động đĩ quỵt tiền trả cho gái làng chơi !
Đọc đến đoạn thư này chắc bọn mày cũng buồn. Tao biết làm sao hơn khi phải kể lại sự thật. Còn thằng Dưỡng thì vẫn đang thất nghiệp. Hắn chưa kiếm được nghề ngỗng gì cả. Nghe đâu nhờ cái tài viết báo bốc thối, thằng Dưỡng cũng sắp được chui tọt vào Ủy ban nhân dân phường. Nếu đúng như hắn nói thì hắn sắp được làm trợ lý cho tay trưởng ban văn xã của phường.
Thôi, thư đã dài. Tao dừng bút nghen. Hẹn thư sau tao sẽ viết dài hơn. Chúc bọn mày đầy đủ sức khỏe và trở về nguyên vẹn.
Thương nhớ,
Dũng B.40
*
Cả đơn vị buồn xo khi nhận được tin thằng Vinh mèo đã tắt thở. Viên đạn đã phá nát lồng ngực thanh tân kia. Hắn nằm lại mảnh đất Đức Cơ với đồng đội của mình. Sau khi đơn vị chôn cất thằng Vinh mèo một cách chu đáo, hai ngày sau trung đoàn nhận thêm một đợt tân binh mới. Đại đội của thằng Hổ được bổ sung thêm mười người lính mới. Tất cả được chuyển lên chốt, chỉ chừa lại hai người bổ sung cho tổ nuôi quân. Thằng Bình điếc đã được đi an dưỡng ở Quy Nhơn. Thằng Dân lác được phong làm tiểu đội trưởng.
Sáng nay, dưới vòm cây thâm u của cánh rừng già biên giới, tổ nuôi quân rộn rịp với công việc bếp núc. Họ đang thực hiện một nhiệm vụ trọng đại : Giết một con heo để bồi dưỡng cho bộ đội trên chốt. Cái bếp Hoàng Cầm từ hồi thằng Bình điếc chưa đi an dưỡng vẫn còn sử dụng tốt. Bắt đầu từ đáy bếp của lò nấu soong quân dụng, thằng Bình đã cho đào một thông hào chạy ngoằn ngoèo trong lòng đất. Thông hào được ngụy trang lại bằng những nhánh cây tươi, đó là “đường hầm” sẽ dẫn khói tỏa bay là đà trên mặt đất. Bọn địch từ xa sẽ không thể nào phát hiện được… Trên bếp Hoàng Cầm sáng nay được nấu nồi nước sôi, với củi lửa cháy rất bén. Cả tổ nuôi quân đang vật lộn với con heo tội nghiệp.
Chú heo hơn ba mươi ký đã được cột bốn chân đang vùng vẫy bên cạnh dòng suối. Để tránh mọi tiếng động không cần thiết, thằng Thuận tồ đã xông vào cột mồm của chú heo. Sợi dây dù đã siết mõm, chú heo nằm nghiêng qua một bên thở hồng hộc. Thằng Dân lác hỏi hai người lính mới :
- Nè ! Hà móm với Hường đen, trong hai đứa mày thì đứa nào đã học xong lớp mười hai ?
Thằng Hà móm trả lời :
- Em đang học lớp mười hai thì đi bộ đội, còn thằng Hường đen thì mới học xong lớp chín.
- Khá lắm. Hai thằng mày có trình độ văn hóa vậy là tốt. Hai thằng mày cắt tiết chú heo này nghe chưa ?
Hai cậu lính mới rụt rè :
- Anh làm đi anh Dân. Bọn em đâu có biết. Từ nhỏ đến lớn em chưa cắt cổ con gà, chứ đừng nói là cầm dao thọc huyết heo.
- À thế thì mày tưởng là tao đã từng làm trò này à ? Không nói lôi thôi. Thằng Thuận tồ giữ chân trước. Thằng Hường đen giữ chân sau. Còn thằng Hà móm thì cầm dao đưa chú heo này về chầu Diêm vương. Làm đi!
Mặt thằng Hà móm càng méo mó :
- Em đâu có biết làm anh Dân ! Anh làm đi anh Dân !
- Không có năn nỉ. Lệnh là lệnh. Quân lệnh như sơn. Mày có hiểu câu đó không ?
- Dạ hiểu ! Quân lệnh như sơn là ngày xưa có ông tướng Nguyễn Sơn, tính của ông rất kiên nghị một khi đã ra lệnh thì bộ đội phải răm rắp thi hành chứ không được từ chối gì cả.
- Ai giải thích kỳ vậy ? Mày đọc ở sách à ?
Thằng Hà móm cười ỏn ẻn :
- Dạ, em được nghe mấy anh cựu binh kể vậy, khi còn học ở quân trường.
- Vậy à ? Trước đây tao cứ tưởng, sơn là núi. Lời nói của người chỉ huy khi ra lệnh thì không gì lay chuyển được, nó cứng rắn như núi vậy. Có ai xô được núi đâu. Thôi, miễn lý sự nữa. Bây giờ có thi hành nhiệm vụ của tiểu đội trưởng không ?
Nghe câu nói chắc nịch như vậy, thằng Hà bèn e dè cúi xuống cầm lấy con dao bén sáng loáng. Trông từng động tác của người lính mới, thằng Dân lác thấy thương quá. Ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép lính của mình. Tuy vậy thằng Dân lác vẫn tiếp tục đùa :
- Nè Hà móm, mày đưa dao cho tao. Tao sẽ chọc tiết chú heo này để mày thấy mà lần sau làm theo. Còn bây giờ thì mày phải thực hiện điều kiện này nhé.
Thằng Hà móm mừng rỡ, gãi đầu :
- Điều kiện gì vậy anh Dân ?
- Mày phải làm cho xong một bài thơ với chủ đề “Giết heo bồi dưỡng cho đồng đội”. Chiều nay phải xong bài thơ đó để tao đem lên chốt đọc cho anh em nghe chơi. Nhớ chưa ?
Điều kiện gì chứ điều kiện này thì dễ ợt. Trước khi vào bộ đội, thằng Hà móm đã “nổi tiếng” nhờ cái tài làm thơ chọc gái. Nghĩ vậy, nên hắn liền gật đầu :
- Được ! Em hoàn toàn đồng ý. Em sẽ làm một bài thơ đúng theo chủ đề của anh.
- Khá lắm, mày phụ với thằng Hường đen mà giữ chân chú heo cho chắc nghe chưa ?
Ba người lính đã siết chặt sự vùng vẫy của chú heo bằng bàn tay thư sinh trắng trẻo kia. Thằng Dân lác đứng lên săm soi lại lưỡi dao. Hắn đứng khuỵu chân xuống đạp lên đầu chú heo tội nghiệp. Bất thần đầu lưỡi dao bén được đâm thẳng vào chiếc cổ con heo trắng nõn. Một dòng máu đỏ tươi bắn vụt ra ngoài, chính xác đổ vào cái thau đang để bên cạnh. Con heo kêu rống lên. Thôi, nằm yên đi mày. Mày sẽ được lên thiên đàng. Mày được anh em trên chốt ăn no, ăn ngon để thêm sức khỏe mà đánh địch. Mày đã “hy sinh” một cách hữu ích như vậy thì tuyệt vời quá rồi còn gì ? Thằng Dân lác tự nghĩ như vậy. Và ra lệnh :
- Ném nó xuống suối. Rửa sạch. Sau đó mang vô trụng nước sôi. Làm nhanh lên ! Trưa nay phải có thịt tươi cho anh em. Nhanh lên !
Trong lúc tổ nuôi quân đang vật lộn xẻ thịt con heo để có thức ăn cho bộ đội, thì trên chốt chính trị viên Chương đang triển khai đội hình tác chiến. Trung đội của Lâm lùn nhận nhiệm vụ đi phục kích và truy quét địch. Họ bước ra khỏi đội hình phòng thủ để đi tìm địch mà đánh. Đánh cho nó chạy về công sự của nó, chứ không còn mon men đến biên giới của chúng ta nữa. Buổi xuất kích diễn ra âm thầm và lặng lẽ. Đội hình này gồm có Lâm lùn, Cường, Hổ, Dũng B.40 với đủ súng ống, hỏa lực mang theo. Chính trị viên Chương nói đùa :
- Các cậu xuất kích sáng nay, hy vọng là sẽ gặp địch. Hãy đánh cho thắng lớn, thắng giòn giã thì đại đội sẽ tuyên dương các cậu bằng cái thủ lợn nhé !
Thằng Hổ nheo mắt :
- Thưa thủ trưởng, có rượu nữa chứ ạ ?
Chương cười sảng khoái :
- Tầm bậy ! Rượu với chè gì ? Đúng mười hai giờ trưa các cậu thu quân về chốt để trung đội khác thay thế. Bây giờ các cậu chỉnh tề mà nhận nhiệm vụ.
Với súng ống mang trên vai, họ đã đứng theo một hàng dọc để nhận nhiệm vụ của đại đội. Đại đội trưởng Phú đứng nghiêm, khẩu súng K54 đeo lệch bên hông phải. Anh ra lệnh :
- Sáng nay, trung đội hai làm nhiệm vụ đi phục kích địch ngay trên đất địch. Hướng phục kích : Phía Đông Nam, cách đội hình đứng chân của toàn trung đoàn là năm cây số. Đội hình được bố trí theo dọc bờ suối cạn. Đó là nơi có khả năng địch sẽ hành quân qua lại thường xuyên. Ra đến nơi các đồng chí bắt liên lạc với trung đội ba của đại đội bạn để hợp đồng tác chiến khi có tình huống xảy ra. Trung đội hai chú ý : đại đội yêu cầu các đồng chí mang đủ súng đạn đã quy định, mang theo cả mìn claymo. Cấm không được lơ là mất cảnh giác. Khi nổ súng dù bất cứ tình huống nào cũng không được chạy về phía sau. Lúc đó đại đội sẽ cho quân chi viện. Các đồng chí rõ chưa ?
Trung đội trưởng Lâm lùn đứng nghiêm, ngực hơi ưỡn về phía trước, anh dõng dạc trả lời :
- Báo cáo đại đội trưởng, rõ !
- Được ! Đúng mười hai giờ trưa các đồng chí thu quân về. Chúc các đồng chí thắng lợi.
Bóng nắng chiếu nghiêng qua vai những người lính. Thằng Hổ vừa đi vừa nói với tiểu đội trưởng Cường :
- Chút nữa ra chỗ phục, mày cho tao giữ mìn claymo nghen !
- Ừ, mày giữ mìn hay thằng Dũng B.40 cũng được. Nhưng thôi, mày giữ có lý hơn. Thằng Dũng giữ B.40 rồi.
- Chuyến này mà gặp địch thì tuyệt phải không Cường ?
Thằng Cường gắt :
- Thôi, đi nhanh lên. Mày nói gì mà nói hoài. Ra đến nơi mà gặp địch thì đánh cho đẹp để mau mà rút quân về ăn liên hoan.
- Trưa nay ăn thịt heo à ? Sướng thật.
Nghĩ đến những miếng thịt mỡ màng, cắn vào sẽ ngập chân răng thằng Hổ cảm thấy sướng đê mê. Những miếng thịt có mùi vị như thế nào, lâu nay anh em trên chốt đã quên dần mùi vị của nó. Muối mè với lon thịt hộp nấu lõng bõng thì sức mấy mà ngon bằng thịt heo. Chắc anh nuôi sẽ kho thật mặn để dành ăn dần. Còn xương thì sẽ nấu canh. Không biết có khoai tây, cà rốt hoặc rau cải nấu chung không nhỉ ? Còn cái thủ thì sao ? Chính trị viên Chương nói là sẽ dành “tuyên dương” - nếu bọn mình đánh thắng trận này ? Không, mình sẽ đề nghị là để nấu cháo - lâu quá không ăn cháo, nấu lỏng thôi, cho thật nhiều tiêu với một vài cọng hành thì tuyệt! Không biết anh nuôi có tìm đâu ra hành không nhỉ ? À ! Còn bộ lòng nữa ! Bộ lòng này mà nhậu thì tuyệt lắm. Chắc là không được rồi. Ở trên chốt có cho vàng cũng tìm đâu ra được rượu ? Thằng Hổ vừa bước đi vừa nghĩ lan man về bữa ăn trưa nay. Người lính đi trong im lặng. Rừng thâm nghiêm, âm u đến rợn người. Bước qua biên giới là đất của một dân tộc khác. Người ta phân chia biên giới làm gì ? Ngày còn học phổ thông, thằng Hổ rất thích đất nước Chùa Tháp. Đất nước của nền Angkor vĩ đại, đất nước của bóng cây thốt nốt hiền lành với điệu múa romthon tình tự… Nhưng biết làm sao hơn ? Một dân tộc đang đứng bên bờ thẳm của sự diệt chủng đã cầu cứu đến họ. Đây không phải là lần đầu tiên quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt kịp thời đến với Campuchia vào giây phút cần kíp nhất. Ngày 11.3.1951 hội Liên Việt cùng với mặt trận Khmer Ít-xa-rắc và mặt trận Lào It-xa-la đã họp và ra lời tuyên bố chung bất hủ “Đứng trước kẻ thù chung, Hội nghị liên minh VN-KPC-Lào dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục đích tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại can thiệp Mỹ, trừng trị bọn bù nhìn phản quốc, giành độc lập, tự do cho ba dân tộc, góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới” Đầu năm 1952, theo yêu cầu của chính phủ kháng chiến KPC, một số quân tình nguyện VN sang KPC chiến đấu. Lần thứ hai là năm 1970, quân tình nguyện VN đã cùng kháng chiến quân KPC chiến thắng lớn trong cuộc hành quân “Thần lửa”, “Chen-la I (1970), Toàn thắng 71 (1971), Chen-la II (cuối 1971) - từ đó giải phóng vùng rộng lớn ở Rát-ta-na-ki-ri, Prây-veng, Com-puông Chàm, Bát-tam-bong, làm chủ đường số 6, buộc Lonnon phải dồn quân về giữ Phnôm Pênh. Sau đó, quân tình nguyện VN rút về nước. Và bây giờ là lần thứ ba. Đâu có giặc thì ta cứ đi. Những hiểu biết về lịch sử ngay từ khi học phổ thông đã làm thằng Hổ nhận được vị trí của mình. Vị trí của tầm nâng cao khẩu súng. Siết cò. Chao ơi ! Bao giờ người ta mới xóa nhòa biên giới của từng quốc gia ! Mọi chế độ chính trị đều là sự áp đặt để phân chia trái đất. Bởi vì cội nguồn lòng người là sự hội nhập và hòa hợp với nhau.
Đội hình tác chiến đi dọc theo bờ suối cạn. Dòng suối đã cạn nước. Theo quân báo của trung đoàn là bọn địch sẽ vận chuyển hàng hóa, đạn dược dọc theo con suối này để xâm nhập vào lãnh thổ chúng ta. Trung đội trưởng Lâm cho triển khai đội hình chiến đấu. Anh nói với tổ phục kích :
- Khi phát hiện địch thì nhất thiết phải đợi địch đi sâu vào đội hình phục kích thì mới được nổ súng. Đồng chí Hổ, thôi, gọi mày tao cho dễ nhớ, thằng Hổ chịu trách nhiệm bấm mìn claymo để khóa đuôi. Khi tiếng mìn nổ thì nhất loạt nổ súng. Thằng Dũng giữ B.40 thì bắn thẳng vào đội hình địch. Khi nổ súng thì trung đội ba của đơn vị bạn sẽ đón lỏng ở phía Tây Nam để diệt những tên địch sống sót. Rõ chưa ? Bọn mày tranh thủ lợi dụng địa hình địa thế để ngồi phục. Khoảng cách mỗi người là mười đến mười lăm mét. Rõ chưa ?
Nghe lời dặn dò của Lâm, từng người tản ra tìm vị trí cho mình. Họ không còn là những cậu lính mới ngu ngơ, phải cần đến trung đội trưởng chỉ từng chỗ phục nữa. Chỉ mới hơn một năm vào lính, nhưng họ đã trở thành những người lính dày dạn trong chiến đấu. Thằng Hổ tìm được cho mình một ụ mối vững chãi, tuy có xa đội hình một chút. Trái mìn claymo được ngụy trang trước mặt. Con đường mòn bình yên này bao giờ sẽ đẫm máu ? Thằng Dũng B.40 tìm chỗ nấp sau gốc cây lớn. Phía sau là một khoảng trống cần thiết cho lúc bắn hỏa lực. Một con đường ngoằn ngoèo với bốn người lính đang làm chủ. Thế nhưng, sẽ không ai biết được điều đó cả. cánh rừng im phăng phắc. Gió thổi lao xao cành lá. Lúc này họ bắt đầu ăn cơm buổi sáng. Từng cục cơm vắt và một nhúm muối mè được đem ra. Thằng Hổ bóc dần vỏ cơm cứng phía bên ngoài và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Hạt cơm khô cứng phải nhai nhiều lần, thấm dần nước bọt thì nó mới vỡ ra trong miệng. Một cảm giác buồn nôn dâng lên trong cổ họng. Thôi, cứ nuốt xuống. Xuống đi mày. Nhắm mắt lại, thằng Hổ nuốt ực xuống cổ họng. Ăn để có sức mà đánh địch. Trưa nay, về lại chốt thì tha hồ mà ăn thịt heo. Những miếng thịt heo lởn vởn đâu đó ở trước mặt. Chỉ cần nghĩ đến mùi vị thơm tho của mùi mỡ, mùi thịt là đã sướng lắm rồi. Thế nhưng, chỉ một mình hắn biết điều đó thôi. Những con ong ruồi không hiểu được như vậy. Từng lũ ong ruồi bay đến vo ve, vo ve trên cục cơm đang ăn. Chúng nó bu đen lại. Một tay cầm cục cơm, một tay xua lũ ong ruồi khốn kiếp đó, thằng Hổ đang nhai những miếng cơm chậm rãi.
Nắng đã lên cao dần. Bóng nắng rọi soi mói xuống đầu người lính. Ngồi một mình như thế này thật buồn. Thời gian đi qua rất chậm. Họ có cảm tưởng như thời gian ngưng lại. Thời gian không chảy theo giây phút. Mặc dầu có lệnh cấm hút thuốc trong khi ngồi phục, nhưng người lính vẫn lén lút chia xẻ tâm trạng của mình với khói thuốc. Tờ báo Nhân Dân được xé ra nhiều mảnh nhỏ, thằng Hổ bò lom khom đến chỗ thằng Dũng B.40 :
- Nè Dũng ! Tao cho mày năm miếng giấy quấn thuốc. Mày còn loại thuốc rê Lạng Sơn mà sợi màu vàng không ? Mày cho tao một nhúm.
Thằng Dũng trợn mắt :
- Về chỗ của mày đi Hổ ! Sao mày lại mò đến đây. Cha Lâm biết được là “lúa đời” nghe mày !
- Tao thèm thuốc quá, nhưng loại thuốc rê Cẩm Lệ hút không sướng!
- Thôi mày về chỗ mày đi. Chút xíu nữa tao sẽ cho mày mấy điếu Vàm Cỏ. Mày cứ lởn vởn ở đây cha Lâm thấy được thì lão kiểm điểm mệt lắm.
- Ủa ! Mày cũng có thuốc Vàm Cỏ nữa à ?
Thằng Dũng B.40 cười khoái chí :
- Mày ngu lắm, tại sao tao không có ? Tao là thằng đẻ “bọc điều” mà lị !
- Thật à ?
- Sao lại không thật ? Thôi mày về vị trí của mày đi Hổ !
Thằng Hổ ngoan ngoãn trở về chỗ ngồi của mình. Nửa cục cơm vắt còn để trên báng súng AK, thằng Hổ nản quá chừng. Hắn nghĩ đến bữa cơm trưa nay. Những miếng thịt béo ngầy ngậy và rất nhiều vitamine, vậy cần gì phải khổ sở “vật lộn” với nửa cục cơm này ? Nghĩ như vậy nên thằng Hổ đã ném cục cơm ra phía sau. Lũ ong ruồi bay vo ve như reo mừng cho tính hào phóng của người lính.
Nắng đã lên cao. Sao không thấy thằng địch nào xuất hiện vậy ? Trung đội trưởng Lâm thở dài ngao ngán. Thèm một điếu thuốc lào quá. Không ngăn được lòng mình, Lâm tự cho phép mình “tự do” một chút. Tay trái của Lâm co lại. Năm ngón tay tụ vào lòng bàn tay, chỗ ngón cái và ngón trỏ lõm xuống một rãnh nhỏ. Chỗ lõm đó Lâm đặt “viên” thuốc lào ba số 5 đã được viên thật nhỏ. Bằng động tác ngậm một búng nước trong miệng, Lâm đặt miệng vào dưới ngón út. Còn tay phải thì anh bật lửa. Lửa châm vào chỗ đặt viên thuốc lào, miệng Lâm rít một hơi thật mạnh. Khói thuốc ùa vào miệng. Bàn tay nóng. Lâm thong thả nhả từng búng khói. Và nhổ toẹt nước trong miệng xuống đất. Vậy là xong một động tác hút thuốc lào của những người lính Trường Sơn. Không cần ống điếu, không cần quấn lá sâu kèn - nhưng họ vẫn hút được thuốc lào. Nếu không trải qua những năm tháng ở chiến trường thì không ai có thể hút thuốc lào điêu luyện như vậy được. Khói thuốc đã làm Lâm say lơ mơ. Giờ này đã trưa, không thấy địch đi ngang qua, hay là mình cho lệnh rút quân ? Gượm đã ! Hãy chờ một chút nữa xem sao. Lúc đó, thằng Hổ đã thả hồn về dĩa thịt luộc thật ngon đang sắp xếp trước ở đơn vị. Hắn nuốt nước bọt ừng ực. Ngon quá ! Thịt heo luộc nếu được quấn với bánh tráng, kèm thêm một ít rau muống xắt nhỏ và chấm với mắm cái thì ngon biết chừng nào. Thôi, trên chốt làm gì có bánh tráng, vậy mình ăn với cơm thì cũng ngon chán. Thằng Hổ lại nuốt nước bọt một lần nữa. Kỳ lạ thay, lần này thì hắn thấy cổ mình ngọt lịm. Chưa kịp tận hưởng hết phút giây sung sướng đó, thì bỗng nhiên hắn nghe tiếng sột soạt. Địch đã đến gần chăng ? Tiếng chim puk kêu rú lên. Loại chim này lạ lắm, hễ phát hiện ra bóng người là nó kêu lên thắm thiết. Đúng là địch đã đến. Đầu óc thằng Hổ bỗng tỉnh táo lạ thường. Tay trái cầm vào “công-tắc” mìn, tay phải cầm súng - thằng Hổ chờ giây phút sẽ đến. Trong tích tắc, giây phút ấy đã đến. Thằng đi trước quấn khăn rằn màu đỏ chói. Cứ để hắn đi qua. Bọn địch lũ lượt đi qua. Trời đất ơi ! Cả một trung đội chứ không phải chơi ! Khi thằng đi chót vừa bước qua khỏi trái mìn, hơi thở thằng Hổ dồn dập. Hắn nghiến răng lại và chạm hai mối điện vào với nhau. Tiếng nổ đanh lại. Trời đất mịt mù bụi. Đó là lúc đồng loạt tổ phục kích nổ súng. Có tiếng kêu ơi ới. Có tiếng chân chạy loạng xoạng. Phen này thắng lớn rồi. Thằng Hổ giương súng và bắn. Đạn nổ, tổ phục kích nổ súng. Có tiếng kêu ơi ới. Có tiếng chân chạy loạng xoạng. Phen nầy thắng lớn rồi. Thằng Hổ giương súng và bắn. Đạn nổ nhịp ba. Thằng Dũng B.40 cũng đứng lên vác khẩu hỏa lực trên vai. Địch gần quá ! Không cần bắn cầu vồng. Viên đạn lửa B.40 bắn thẳng vào đội hình địch. Có tiếng kêu thét lên. Cái chết ập xuống đầu bọn địch trong cơn bất ngờ nhất. Thằng Hổ không di chuyển vị trí, hắn nằm lại một chỗ mà siết cò. Chẳng mấy chốc súng hết đạn. Một băng đạn mới chưa kịp lắp vào súng thì đó cũng là lúc thằng địch nhảy xổ vào thằng Hổ. Thằng Hổ giương súng lên. Súng hết đạn rồi. Lưỡi dao nhọn hoắt của kẻ thù cắm phập vào tim thằng Hổ. Dòng máu vụt ra như vòi máu. Thằng Hổ ngã ngửa ra phía sau. Lúc đó, thằng Cường mặt tái mét. Thằng Hổ bị thương rồi. Cường chạy lom khom về phía thằng Hổ. Khẩu AK giương lên bằng tất cả căm thù. Đạn bay xối xả. Những viên đạn chính xác ghim vào ngực kẻ thù. Tình thế bỗng thay đổi đột ngột, trung đội trưởng Lâm ra lệnh :
- Đồng chí Cường ở lại băng bó cho thương binh. Tuyệt đối không bỏ thương binh ở lại trận địa. Đồng chí Bi theo tôi truy quét đến cùng.
Hỏa lực của thằng Dũng B.40 quả là có sức mạnh khủng khiếp, bọn địch chạy tán loạn. Đúng như dự đoán của đại đội trưởng, bọn địch chạy về hướng Tây Nam. Tại đây bọn địch lại rơi vào ổ phục kích của trung đội ba. Hai trung đội phối hợp với nhau tuyệt đẹp. Không tên địch nào chạy thoát. Toàn bộ hàng hóa, súng đạn của chúng nó đều bỏ lại trận địa. Tiếng súng im ắng dần. Trung đội trưởng Lâm và thằng Dũng B.40 trở về vị trí cũ. Khi vừa đến nơi, chưa kịp thở, chưa kịp nói gì cả thì Lâm và Dũng B.40 đã thấy thằng Cường ôm thằng Hổ khóc nức nở. Hổ đã nhắm mắt. Tắt thở. Người lính đứng trước cái chết của đồng đội mình, họ thấy trời đất tối sầm. Tối đen.
Nhánh cây khộp được xuyên qua hai đầu võng. Chiếc võng thành chiếc “băng ca”. Họ thay phiên nhau gánh thằng Hổ về phía bên này biên giới. Không ai nói với nhau một lời nào cả. Cổ họ khát đắng. Trời nắng chang chang. Đó là lúc mười hai giờ trưa. Ở hậu cứ đang chờ đón tin chiến thắng do máy vô tuyến của trung đoàn báo về. Cả đại đội nao nức. Chưa ai biết tin thằng Hổ đã hy sinh. Lại thêm một người lính tình nguyện ngã xuống. Thủy Tiên ơi ! Em có biết tin này không ? Thằng Hổ người thầm lặng yêu em đã ngã xuống. Máu ướt đầm chiếc võng. Trời nắng chang chang. Giọt nước mắt của trung đội trưởng Lâm ứa ra. Rơi xuống môi mặn chát. Vĩnh biệt mày, Hổ ơi !



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com