VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI - CHƯƠNG HAI

Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI - CHƯƠNG HAI

Mục lục
Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHUONG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Tất cả các trang



CHƯƠNG HAI


Trái lựu đạn vụt khỏi tay thằng Hổ lao nhanh về phía trước. Tiếng nổ chói tai được vang lên. Đêm khuya đã vỡ ra từng mảnh vụn. Mọi người từ trong hầm lao ra vị trí chiến đấu. Thằng Bi vác trên vai khẩu B.41. Thằng Dũng vác B.40. Thằng Cường - tiểu đội trưởng, lăm lăm trên tay khẩu AK báng xếp. Ổ đại liên của trung đội phó Lâm cũng bắt đầu khạc đạn. Đoạn chiến hào của tiểu đội ba trở thành mục tiêu sự phản công của giặc. Chúng bắn trả bằng hỏa lực cũng dữ dội. Tiếng đạn rú qua đầu mọi người làm những thân cây bị chặt cụt ngọn. Mặt đất rung lên.
- Đêm tối trời như thế này, chỉ nên dùng lựu đạn để bọn chó chết không phát hiện được vị trí của mình.
Thằng Cường với cương vị tiểu đội trưởng đã chạy lom khom nhắc nhở từng chiến sĩ của mình. Khẩu súng trên tay họ đã căng nòng đạn bắn về phía trước tối đen. Mỗi đợt bắn liên thanh vừa dứt là họ lại chạy ngay chỗ khác lập tức, chỗ đó trở thành mục tiêu trả đũa của giặc. Một thân cây ngã nhào trên đoạn chiến hào của tiểu đội ba, thằng Hổ té nhào xuống đất. Giữa lúc đó, đại đội trưởng Phú đã gọi điện thoại cho A1O :
- A lô ! Bảo đó hả ! Cho ngay ba quả cối 60 vào tọa độ X, ước chừng cách đội hình 50 mét.
- Rõ !
Khẩu đội cối 60 như chỉ chờ lệnh để được hợp đồng tác chiến. Khi nòng súng chếch về phía trước với cự ly, tọa độ đã được lấy chính xác, thằng Bảo đã quỳ gối hơi ngửa người về sau và hai bàn tay thận trọng thả đạn vào nòng. Tiếng đạn bay vút lên và bật lên tiếng nổ rất đanh. Ước lượng của Phú đã được những quả cối 60 dập xuống. Một lúc sau tiếng súng của địch thưa dần rồi im hẳn. Thằng Hổ được chuyển về căn hầm của y tá. Chiếc đèn pin rọi soi mói xuống gương mặt của Hổ, hắn nheo mắt lại:
- Từ từ thôi Trí ơi ! Chỗ gần mắt đau lắm.
Trí lấy bông gòn lau sạch vết máu trên gương mặt Hổ. Ngay đuôi mắt của thằng Hổ là hai vết sước nhỏ. Thằng Trí cười hì hì :
- Có quái gì đâu mà sợ. Hai mảnh đạn nhỏ chút à ! Mày cứ nằm yên để tao gắp ra.
Vốn là lính cùng nhập ngũ một đợt, nên họ cứ gọi nhau một cách thân mật - mặc dù thằng Trí lớn tuổi hơn thằng Hổ và đã có vợ con đàng hoàng. Miệng ngậm cây đèn pin rọi sáng vào vết thương, một tay Trí xoa nhẹ vào mắt thằng Hổ, còn tay kia Trí dùng dụng cụ gắp mảnh đạn. Hai mảnh đạn quái ác - trò chơi khắc nghiệt của chiến tranh đã được gắp ra. Chỗ đuôi mắt của Hổ đã được băng bó cẩn thận. Hai người bạn ngồi với nhau trước cửa hầm. Tiếng súng đã im ắng. Cánh rừng trở lại hoang sơ tĩnh mịch muôn đời. Thằng Trí rít một hơi thuốc rê được che trong lòng bàn tay :
- Thủy Tiên có gửi thư cho mày không Hổ ? Chắc cô ta đẹp lắm phải không ?
- Ừ, đẹp lắm. Đôi mắt nàng xanh như nước biển vậy !
- Thật không ?
Thằng Hổ ưỡn ngực về phía trước :
- Mày nhìn kỹ mặt tao coi ! Mặt tao mà không lẽ tán một em xấu đau xấu đớn à ?
- Mày đẹp lắm. Đẹp đến nỗi Thủy Tiên cũng ẹ mày luôn. Hì, hì…
Thằng Trí vừa cười vừa chuyền điếu thuốc rê cho thằng Hổ. Hắn cầm điếu thuốc rít một hơi dài rồi đứng dậy. Hắn đi về chỗ ngủ của mình. Trời tối đen. Thỉnh thoảng có tiếng gà rừng cất lên tiếng gáy cụt ngủn. Đêm bình yên.
Giữa lúc mọi người luân phiên nhau thay gác thì phía bếp nuôi quân cũng bắt đầu rực sáng. Bếp Hoàng Cầm được khoét sâu dưới lòng đất. Ngọn lửa được giấu kín. Và khói được dẫn đi bằng đường thông hào chạy ngoằn ngoèo dưới mặt đất. Tổ nuôi quân vo gạo ngoài suối, người ngồi vo gạo, hai người đứng cảnh giác. Khi gạo được đổ vào soong quân dụng, thằng Bình điếc mới ngồi tính nhẩm lại quân số. Hắn chợt ứa nước mắt. Quân số mỗi ngày mỗi hao hụt dần. Người bị thương, người đào ngũ, người tử thương. Quân số bị gạch dần bằng lạng gạo được tính mỗi ngày. Mỗi ngày bộ đội tuyến trước được tiếp tế hai vắt cơm, một lần cơm nóng. Nếu ngày nào địch bắn phá dữ dội không tiếp cơm được thì anh em tạm ăn lương khô hoặc cơm sấy. Buồn cười nhất là cơm sấy Việt Nam, mặc dù, phía ngoài bao có ghi rõ “Đổ nước nóng thì năm phút bạn sẽ có cơm ăn, còn đổ nước lạnh thì mười lăm phút”. Thế nhưng nước nóng đổ vào phải đợi đến nửa tiếng đồng hồ mà hạt gạo vẫn cứng như đá ! Anh em bộ đội mình nhai sao nổi ? Nghĩ như vậy, thằng Bình càng nôn nóng mong trời mau sáng để gùi cơm ra cho anh em. Cứ hai thìa cơm to được đổ vào khăn mặt thì Bình lại túm bốn góc khăn gọn gàng và bóp cho dính cục lại. Hai tay phải bóp thật mạnh, thật nhuyễn thì hạt cơm mới quyện chặt vào nhau, nếu bóp hời hợt thì cục cơm rất dễ vỡ ra… Có tiếng chân lục đục đến phía sau Bình :
- Anh dậy lâu chưa anh Bình ?
Thằng Bình vẫn không nghe, hắn cứ cắm cúi làm công việc của mình. Người mới thức dậy là thằng Vinh mèo, hắn đâu biết Bình điếc không nghe được rõ lời hỏi của hắn. Cứ tưởng là tiểu đội trưởng nuôi quân giận mình về tội thức dậy trễ nên Vinh rụt rè ngồi xuống gần Bình.
- Ủa mày dậy khi nào vậy ?
Thằng Vinh mèo bẽn lẽn :
- Dạ, em mới dậy !
- Sao dậy trễ quá vậy ? Hơn bốn giờ sáng rồi.
- Dạ !
Tiếng “dạ” nhỏ nhẹ và rất con gái của thằng Vinh nghe thật dễ thương. Hắn chỉ mới được bổ sung vào đại đội 7 khi đơn vị thế chân cho trung đoàn Vinh Quang. Vinh mèo là niềm vui cho anh em đang ngày đêm chiến đấu, bởi tính chất thật thà của hắn. Thằng Bình không sao hiểu được tại sao người ta lại đưa Vinh mèo vào bộ đội ? Vinh chưa đến mười tám tuổi, nhỏ con và ốm yếu như con mèo, khẩu AK hắn vác còn không nổi thì đánh đấm cái gì ? Hơn nữa, Vinh mèo rất khờ khạo, đi đánh nhau mà cứ làm như đi dạo phố. Hứng lên thì huýt sáo, ca hát ầm ĩ mặc kệ đơn vị đang giữ im lặng tuyệt đối, tính nết của hắn như vậy hỏi ai mà không tức ? Thông thường anh em rất ngại gác đêm, nhưng nếu ai rủ gác chung cho có bè có bạn thì hắn sẵn sàng đồng ý ngay ! Vừa dễ thương lại vừa dễ ghét như vậy nên đại đội đã bố trí cho Vinh mèo làm anh nuôi. Thằng Bình điếc sai đâu thì hắn làm đó, chẳng nề hà gì cả. Ai có mỏi lưng, chỉ cần dụ khị hắn nửa phong lương khô là hắn sẽ tận tình “tẩm quất” đến sướng.
- Nè Vinh ?
- Gì vậy anh Bình ?
- Tao hỏi thật mày có người yêu chưa ?
Nghe tiểu đội trưởng của mình hỏi như vậy, thằng Vinh bẽn lẽn cúi mặt xuống đất. Hắn không trả lời gì cả. Sự thật thì Vinh mèo cũng đã một lần yêu. Năm mười sáu tuổi, hắn là một cậu con trai mới lớn có khuôn mặt rất… con gái. Đôi môi đỏ như son. Da trắng như trứng gà mới bóc vỏ. Mùi vị đàn bà đối với Vinh mèo chỉ là một nhang khói mà kẻ “ngoại đạo” chưa hề biết đến. Thế nhưng, chị Phượng - người đàn bà góa chồng ở sát bên nhà rất thương hắn. Với Vinh mèo, chị Phượng bước vào tuổi bốn mươi là người chị, người mẹ mà hắn rất kính trọng. Ý nghĩ của kẻ tà đạo khi đứng trước nhan sắc người đàn bà không hề có trong người Vinh mèo. Sau những giờ bay nhảy với bạn bè ở sân trường, mỗi lần tan học là hắn lại sang chơi ở nhà chị Phượng. Thân tình như hai chị em. Chị Phượng thích hắn ở tính nết trẻ con thật thà. Hắn thích chị Phượng ở chỗ nhớ nhiều chuyện cổ tích. Mỗi câu chuyện cổ tích là một giấc mơ đẹp. Từ đó, bóng dáng của chị Phượng cũng đi vào trong giấc mơ của Vinh mèo. Và đến một hôm thì chợt nó sực tỉnh lại với tâm trạng bàng hoàng của người con trai mới lớn.
Đêm ấy trời mưa. Mưa như mọi đêm. Gió thổi lồng lộng vào cánh cửa những hạt mưa rất mỏng. Hai đứa con của chị Phượng đã ngủ ngon lành. Ngọn đèn dầu trên bàn lờ mờ cháy sáng. Thằng Vinh mèo nằm dài trên chiếc võng để lắng nghe chị Phượng kể chuyện cổ tích như mọi lần. Câu chuyện qua giọng kể Bình Định càng về khuya càng ngọt. Hắn lắng nghe say mê bằng tâm hồn trẻ con. Đột ngột chị Phượng đứng dậy, rời khỏi ghế đến gần Vinh mèo :
- Vinh nè, Vinh nghe chuyện Trạng Quỳnh chưa ?
Hắn thật thà :
- Truyện Trạng Quỳnh à ? Em thích lắm. Chị kể đi chị Phượng !
- Thôi, để hôm khác. Vinh còn phải về để ngày mai đi học nữa chứ !
Thay cho tiếng trả lời của Vinh mèo là tiếng sấm sét rạch ngang bầu trời. Trời mưa không ngớt. Hắn lắc đầu :
- Trời đang mưa thì làm sao về ?
Mưa càng nặng hạt. Gió lạnh buốt. Chỉ mới nghĩ đến đó thì hắn cũng đã thấy ngại nếu rời khỏi chiếc võng ấm áp. Chị Phượng cũng chép miệng :
- Ừ ! Trời đang mưa thì làm sao mà về ?
Vậy là chị lại tiếp tục kể chuyện. Nhưng khác lúc nãy, chị Phượng không ngồi trên ghế nữa mà chị ngồi sát mé giường. Một tay đu đưa chiếc võng. Một tay quạt muỗi cho hai đứa con đang ngủ ngon. Và chị bắt đầu dẫn Vinh mèo đi vào thời xa xưa của ông Trạng nổi tiếng. Thời đó, ở trong làng của Trạng Quỳnh có một pho tượng đá trần truồng đứng giữa đồng, miệng tủm tỉm cười và tay trỏ xuống hạ bộ, gọi là tượng Bà Đanh. Chỗ đó linh thiêng lắm. Ai đi qua đó mà nhếch miệng cười thì bị Bà làm cho méo miệng. Tất cả mọi người đều phải dành cho Bà một thái độ trang nghiêm, chứ không hề dám bỡn cợt. Trạng Quỳnh nghe đồn, liền đi xem. Đến nơi thấy tượng trần truồng mà chân lại đi giày, cổ đeo hạt, Trạng bèn cầm bút đề ngay bài thơ giữa ngực :
Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt
Dưới chân đứng chéo một đôi giày
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu    
Hay là bốc gạo thử thanh thầy ?
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa
Phô phang chi ở đám quân này ?
Trạng đề thơ xong thì bỏ đi. Tượng đá bỗng toát mồ hôi ra, từ đó mất thiêng.
Nhưng thằng Vinh chưa đủ thông minh để hiểu hết ý nghĩa của bài thơ đó. Và hắn bỗng đỏ bừng mặt lúc nghe chị Phượng nhắc lại những từ nói lái trong bài thơ đó - như đẽo đá, khéo đứng, đếm đeo, đứng chéo… Lúc ấy chị Phượng bỗng đổ ập người xuống thể xác Vinh mèo. Ngoài trời mưa tầm tã. Nỗi sợ hãi và hưng phấn ấy mãi mãi còn đọng lại trong tâm trí của hắn. Do đó, khi nghe tiểu đội trưởng Bình điếc hỏi về người yêu thì hắn chẳng biết phải trả lời như thế nào cả. Hắn ấp úng :
- Anh Bình hỏi em kỳ cục quá !
- Kỳ cái gì mà kỳ ? Hay là mày thích kỳ lưng cho tao ?
Vinh mèo cười hì hì :
- Dạ, em đâu có dám từ chối.
Nói xong, hắn đưa tay đấm thình thịch vào tấm lưng to đùng của thằng Bình. Lúc ấy, trời đã bắt đầu sáng rực. Những tiếng chim hót véo von. Rừng lá xanh biếc. Ước chi đừng có chiến tranh. Khoảng trời biên giới sẽ trở thành nơi nghỉ mát, nơi hẹn hò của những người đang yêu nhau thì tuyệt vời biết bao nhiêu.
Tổ nuôi quân đã chuẩn bị xong những cục cơm vắt. Những cục cơm chỉ lớn hơn nắm tay một chút xíu.
- Nè Vinh mèo, mày vào gọi thằng Dân lác với Thuận tồ dậy cho tao. Sắp đến giờ gùi cơm lên chốt rồi.
- Thôi kệ, để hai ảnh ngủ thêm một chút xíu nữa mà anh Bình ?
Bình cáu gắt :
- Ngủ cái gì nữa mà ngủ? Gác đêm thì ai không gác mà phải ngủ nướng với ngủ bù ?
Dù ra lệnh một cách dứt khoát như vậy, nhưng thằng Bình cũng cảm thấy áy náy. Những người lính trong tiểu đội của Bình đang trong tuổi ăn, tuổi ngủ. Hễ nằm xuống là ngủ như chết. Đêm hôm qua đánh nhau ì ầm trên chốt thì có ai ngủ được đâu. Những người lính đi qua cuộc chiến tranh bằng con mắt thức đêm như thế, chỉ riêng điều đó thôi ta cũng cảm thấy thương họ biết chừng nào. Thằng Bình suy nghĩ như vậy. Hắn cầm cục cơm vắt trên tay mà thấy nhẹ hều ! Biết làm cách nào khác hơn là tiêu chuẩn của mỗi ngày chỉ có bảy lạng gạo ! Buổi sáng, tổ nuôi quân gùi lên chốt cho mỗi người lính một cục cơm. Buổi trưa lại gánh cơm lên, cơm được để rời gọi là cơm nóng. Họ ăn phần cơm nóng còn cục cơm vắt để dành cho buổi chiều. Ăn như thế thì sức đâu mà đánh giặc ? Những hôm nào trận đánh kéo dài, nuôi quân không thể mang cơm lên được thì họ phải ăn cơm sấy. Đó là cơm khô đựng trong bịch ni lông, người lính đổ nước bi đông vào đó và đợi từng hạt cơm nở ra để ăn.
Điều làm thằng Bình khổ sở nhất không phải là cơm, gạo mà chính là thức ăn cho anh em trên chốt. Tiêu chuẩn của người lính chỉ có một nhúm muối mè hoặc một lon thịt dành cho cả đại đội thì biết chia như thế nào ? Một lon sữa bò dành cho năm người thì biết phân phối ra sao ? Đất nước chúng ta còn nghèo đến vậy sao ? Nơi người lính đang trực tiếp cầm súng đối mặt với cái chết, họ chỉ được “hưởng thụ” vậy à ?
*
Ngày tháng chưa xa,
Các chiến hữu thương nhớ,
Đầu thư xin chúc bọn mày chân cứng đá mềm, đầy đủ sức khỏe để đi hết cuộc hành trình gian khổ này. Cuộc hành trình mà lẽ ra, bất cứ ai cũng phải dành một khoảng đời đẹp nhất của mình cho nó. Bởi lẽ, công bằng là điều mà tất cả mọi người đều phải gánh chịu như nhau. Thế nhưng, cuộc đời đã không diễn ra như thế. Thằng Ngô Thuận, con của ông chủ tịch Đính đã làm tao buồn nôn mấy ngày nay. Giữa lúc cha nó bị tù vì tội hiếp dâm và giết người thì hắn tổ chức đám cưới. Một đám cưới đã diễn ra ở nhà hàng lớn nhất thành phố của bọn mình. Mỗi lần đi ngang qua đó, tao luôn tự hỏi : Lương một tháng của thằng lính quèn như bọn mình, liệu có đủ sức vào đó nhậu một chầu hay không ? Chắc là không !
Dù vượt biên ra nước ngoài trái phép nhưng khi trở lại địa phương thì thằng Thuận vẫn được xem như một người yêu nước. Một cụm từ mới được bổ sung cho “Tự điển tiếng Việt” là… “Việt-kiều-yêu-nước”. Thế nào là yêu nước ? Có phải ngày nay mọi giá trị cũng đều bị xáo trộn ? Những tờ báo lá cải lại có dịp biểu dương cho hành động của thằng Thuận. Tao xin chép nguyên si bài báo đó để bọn mày đọc cho vui. Bài báo này chắc là thằng Thuận phải mua một ngàn tờ để biếu cho tất cả mọi người. Hỡi ôi ! Báo chí cũng là một phương tiện để người ta kinh doanh tên tuổi nữa hay sao ? Với nhan đề “Những tấm lòng vàng” bài báo viết : “Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa dành cho gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng là việc làm xúc động mà chúng ta phải noi theo. Giữa lúc mọi người đang hoan nghênh sự kiện Thành phố bỏ ra 800 triệu để mua bức tranh, thì anh Ngô Thuận đã không đồng ý như thế ! Ngô Thuận là ai ? Xin thưa, anh là một Việt kiều. Chẳng lẽ, anh ta là một Việt kiều phản động hay sao mà lại có ý nghĩ khác với mọi người về việc bỏ ra số tiền quá lớn để mua bức tranh ? Anh Ngô Thuận đã hấp thụ được một nền kiến thức cơ bản ở nước ngoài, nên về sự việc này anh ta đã lý luận như sau : Một căn nhà tình nghĩa thật khang trang, giá cao nhất cũng chỉ lên đến 5 triệu đồng. Đem 600 chia cho 5 ta được 120 căn nhà tình nghĩa, 120 niềm hạnh phúc cụ thể, mắt trông tay sờ thấy được. Còn bức tranh dù đẹp đến đâu, mua xong lại đem cất kỹ vào viện bảo tàng và không phải ai cũng đến đó để xem ngắm được”. Và anh Thuận còn nói thêm : “Đọc báo chí và xem truyền hình, hằng ngày thấy nêu lên biết bao nhiêu việc cấp bách phải làm, mà chưa làm được vì thiếu vốn, thiếu kinh phí. Tôi được biết là đồng chí Giám đốc xí nghiệp cầu đường đã công khai cho biết có nhiều cây cầu xuống cấp đến mức không biết sẽ sập vào lúc nào. Có cây cầu chỉ cần 20 triệu đồng để sửa chữa nâng cấp. Nếu đem 600 chia cho 20 thì ta được 30 : Ba mươi cây cầu tương đối an toàn và tối thiểu là 30 sinh mạng được cứu thoát vì cầu không sập. Ở một huyện ngoại thành của thành phố, có lúc, có nơi phải cứu đói vì nhiều gia đình bị “dứt bữa” phải ăn cháo cầm hơi. Giả thiết cứu trợ cho mỗi gia đình 100.000 đồng. Chia sáu trăm triệu cho 100 ngàn thì ta được 6.000. Đó là 6 ngàn gia đình không phải ăn cháo mà được ăn cơm như những gia đình khác. Vậy theo tôi, đem tiền mua tranh nghệ thuật là điều lãng phí cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chính vì lập luận một cách đầy khoa học và triết học như thế nên khi trở về địa phương, anh Ngô Thuận không hề sử dụng đồng tiền một cách lãng phí. Anh đã tặng cho Ủy ban nhân dân phường một số tiền khá lớn là 100 đô la Mỹ. Chúng ta hoan nghênh những Việt kiều yêu nước đã có tấm lòng đóng góp cho quê hương, anh Ngô Thuận là một trong những tấm gương đó, bởi vì :
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Đọc hết bài báo này thì các chiến hữu đang cười hay khóc. Riêng tao thì tao đang cười. Tao không hiểu sao một bài báo như thế mà người ta lại cho đăng ? Khi nhìn xuống tên tác giả thì tao lại thấy ký tên là Chính Diện. Và sau khi tìm hiểu về cái tên Chính Diện này thì điều khủng khiếp nhất đã xảy ra. Điều này hoàn toàn bất ngờ, dù bọn mày có óc tưởng tượng phong phú nhất cũng không ngờ rằng : Chính Diện chính là tên của thằng Dưỡng - một thằng Đoàn viên thanh niên cộng sản lại đào ngũ về tuyến sau lúc chiến dịch sắp sửa mở màn… Trời ơi ! Không lẽ tao phải xếp bọn nhà báo vào chung với bọn lưu manh, đào ngũ hay sao ? Đây là điều đau đớn mà tao đã chứng kiến.
Thằng Dưỡng sau khi nốc cạn ly rượu đã hùng hồn tuyên bố với tao:
- Cái gì cần phải làm thì bao nhiêu tiền cũng chi ra. Cái gì không cần thì một xu cũng không bỏ ra.
Tao lúc đó cũng sừng sừng rồi, nên hỏi tiếp :
- Vậy mày đã bỏ tiền ra vì cần cái gì ?
- Mày hỏi thật đấy à ?
- Tại sao tao lại không hỏi thật ? Mày là một thằng lính đào ngũ, rời khỏi quân đội vì sự hèn nhát. Còn tao là thằng lính rời khỏi quân đội vì vết thương ở chiến trường. Tại sao chúng ta không thể nói thật với nhau ?
Thằng Dưỡng ngửa mặt lên trời cười ha hả một cách kiêu ngạo đầy tự tin :
- Nhân danh sự thật là một trò lố bịch nhất. Nhưng tao dám nói thật với mày là tao bỏ tiền ra vì tao muốn vào Đảng. Vào Đảng là có tất cả. Với tờ lý lịch có ghi là Đảng viên thì đời con mày cũng còn hưởng phúc lộc đó. Mày xin vào cơ quan nhưng không có Đảng viên thì ai dám cân nhắc mày lên chức trưởng phòng ? Hoặc phó giám đốc ? Thời buổi này không có chức thì bốc cứt mà ăn ! Hì hì, đúng không mày ?
Lời nói của thằng Dưỡng như một gáo nước nóng tạt vào mặt tao. Không ! Đó là những mũi kim nhọn hoắt của kẻ cơ hội đã đâm vào tim tao đau buốt. Nếu từ trước nó lộ nguyên mặt là thằng đối nghịch với chính quyền cách mạng thì tao còn có thể tha thứ… Còn đằng này, nó lươn lẹo như một con rắn. Những ngày tháng ở quân trường, hắn là thằng đã từng tuyên bố hùng hồn trong những buổi họp Chi đoàn “Đoàn là cánh tay phải đắc lực của Đảng, tôi sung sướng đứng vào hàng ngũ người thanh niên cộng sản. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Những lời lẽ ấy, bây giờ nhớ lại tao cảm thấy rợn người. Nhưng than ôi ! Tao không còn đủ sức mà đập một cái ly vào mặt thằng Dưỡng. Thằng thương binh bị gãy tay như tao phải làm gì trước tình huống đó ? Tao uống rượu đến những giọt cuối cùng. Hai thằng ngồi uống những giọt đắng vào tâm hồn. Trong lúc ngà ngà say, thằng Dưỡng đã nói với tao bằng một giọng lạnh lùng :
- Trước hết tao nói thật với mày một điều : Chưa hẳn những thằng đào ngũ như tao là sợ chết. Nếu mày cho tao ngụy biện thì tao đính chính lại là tao sợ chết. Nhưng cái chết của người lính đã thật sự là một công bằng chưa ? Thằng Thuận vượt biên nhưng bây giờ trở thành người… yêu nước. Hắn có cái gì nào ? Hắn có tiền  Hắn ủng hộ Ủy ban nhân dân phường 100 đô la Mỹ thì báo chí lập tức khen ngợi nó. Vậy công bằng ở đâu ?
Câu hỏi ấy làm tao điếng người :
- Công bằng chưa có thì bọn mình phải tạo lập sự công bằng ấy !
- Ha ! Ha ! Mày lại rơi vào mớ chữ nghĩa hổ lốn sặc mùi chính trị. Hạnh phúc là đấu tranh, đấu tranh giai cấp là tạo lập công bằng ! Rắc rối quá !
Bỗng dưng tao sực nhớ :
- Mày đừng có quơ đũa cả nắm. Báo chí ca ngợi thằng Thuận nhưng ai là người viết bài báo đó.
- Chính tao !
- Thế là mày đã lợi dụng diễn đàn báo chí để làm một việc tồi bại.
Thằng Dưỡng đập bàn :
- Chẳng có gì tồi bại cả. Hắn cần danh tiếng trên báo, còn tao là thằng viết báo lại cần tiền. Hai người trao đổi với nhau rất sòng phẳng. Sự sòng phẳng là sợi dây ràng buộc mọi mối quan hệ lại với nhau một cách bền vững.
- Vậy mày là thằng viết mướn ?
- Viết mướn thì có gì là nhục ? Thằng công nhân làm mướn cho nhà máy để kiếm đồng lương. Thằng nông dân cày mướn trên cánh đồng hợp tác để kiếm hạt gạo. Vậy có gì là khác nhau ?
Tao trả lời :
- Khác nhau nhiều lắm chứ !
- Khác cái gì nào ?
- Động cơ thúc đẩy của mỗi người khác nhau. Nhưng chỉ có hạng người như mày mới bẻ cong ngòi bút để viết một điều sai với sự thật. Lẽ ra mày phải viết về thằng Ngô Thuận là kẻ trốn tránh nghĩa vụ quân sự, vượt biên thì mày lại ca ngợi hành động về thăm quê hương của hắn như một người yêu nước. Vậy là sao ?
- Chẳng có gì là trăng với sao cả. Chính sách mở cửa của Đảng là kêu gọi lòng từ thiện, lòng đóng góp xây dựng đất nước của người Việt ở nước ngoài. Thế thì tại sao mày lại phân chia cộng đồng người Việt ở nước ngoài ?
Câu hỏi đó đã làm tao đuối lý. Tao cảm thấy bất lực khi chính mình không được trang bị bao nhiêu kiến thức để đập trả lại luận điệu của thằng Dưỡng.
Lúc ấy, trời ngả về khuya. Sương rơi lạnh. Rượu trong người ngấm dần vào thể xác thương tật của tao. Tao bỗng ghê sợ cái lưỡi của thằng Dưỡng. Phải chăng tao đang đối đầu với một cuộc chiến tranh mới, người ta không dùng đến súng đạn để bắn vào nhau mà vũ khí chính lại là cái lưỡi ? Tao bỗng nhớ đến chuyện bên Tàu. Trương Nghi, người nước Ngụy thời Chiến quốc, lúc còn hàn vi phải hầu rượu cho tướng nước Sở. Một hôm, tướng Sở mất ngọc quý. Bọn môn hạ nghi ngờ Trương Nghi là kẻ cắp, nên đánh đập tàn nhẫn. Lúc được tha, Nghi trở về nhà, vợ biết chuyện mắng rằng : “Giá chàng học hành biết du thuyết thì không đến nỗi phải chịu cực như thế này !”. Nghi bèn há miệng to, hỏi : “Nàng xem thử cái lưỡi ta có còn không ?”. Vợ đáp : “Lưỡi vẫn còn”. Nghi nói : “Thế thì được”. Câu trả lời ấy đã làm tao nhớ lại cảm giác khi nghe những lời phun ra từ lưỡi của thằng Dưỡng. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Thời nay thiên hạ chỉ quan hệ với nhau bằng cái lưỡi thôi sao ? Ước gì ai đó cũng có lúc tự nhìn lại mình để rồi tự nhủ như một lời thơ đã viết :
Đôi khi tôi muốn cắn lưỡi của mình
Để khỏi thốt lên những điều giả dối
Sở dĩ tao viết như vậy, bởi một điều làm tao muốn móc họng nôn mửa, đó là hôm dự đám cưới của thằng Ngô Thuận. Bia rượu được rót tràn như suối. Mọi người chúc mừng đôi vợ chồng son trẻ bằng những ngôn ngữ trau chuốt nhất. Thằng trưởng ban văn xã - mặc dù bây giờ trở thành “phó thường dân” - nhưng cũng được nhà trai mời lên đọc bài thơ chúc mừng cho cô dâu sắp xuất cảnh theo chồng. Thơ rằng:
Trăm năm trong cõi người ta
Cưới chồng cưới vợ đó là thiêng liêng
Mừng anh Ngô Thuận se duyên
Sánh đôi với chị Thủy Tiên tuyệt vời
Phượng loan sắc nước hương trời
Trăm năm hạnh phúc là người tài hoa
Mỗi lần về lại thăm nhà
Anh Thuận sẽ tặng đô la cho phường !
Những vần thơ bốc thối được đọc oang oang trên micrô. Người ta dễ dàng thỏa hiệp với nhau đến vậy sao ? Sự đời sao trớ trêu quá vậy ?
Thôi, tao tạm dừng bút. Hẹn thư sau sẽ tâm sự nhiều hơn nữa. Chúc bọn mày mạnh khỏe và trở về nguyên vẹn.
Thương nhớ,
Chiến hữu Dũng B.40



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com