LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.8.2019

sinh-nhat-em-Mi-RRTừ trái: Nguyễn Nhật Ánh. Lê Minh Quốc, Coco Mì, Trương Nam Hương và Lê Công Sơn

 


Viết, đối với y trong lúc này, thời điểm này, thời gian này là một việc vô cùng khó khăn. Ông bà ta bảo: “Xay lúa thì thôi ẵm em”, làm sao cùng một lúc có thể hai việc mà đòi chu toàn, đâu ra đó, “hết sẩy con bà Bảy”? Khó lắm. Không thể. Nghĩ lại năm tháng còn đơn thân độc mã, một mình một ngựa, ối dào, tha hồ chữ với nghĩa. Ngày rộng tháng dài mặc sức tung tẩy, múa may quay cuồng cùng bàn phím, không một áp lực gì ngoài thời gian.


Mỗi sáng trước kia vừa thức dậy


Rượt theo con chữ. Bở hơi tai


Gặt dưới đáy sông. Hái trên mây trắng


Bộn bề là chữ. Gánh oằn vai...


Thích quá đi chứ? Không gì thích hơn là lúc được toàn tâm toàn ý cho công việc. Không phải ngẫu nhiên mà y luôn nghĩ rằng, khi miệt mài lao động đó cũng là lúc con người ta luôn luôn tìm thấy niềm vui. Mọi niềm vui đều qua mau, duy niềm vui do yêu thích công việc vẫn còn ở lại vì sau đó là kết quả sẽ đạt được, dù to lớn dù nhỏ nhoi kể cả không có gì đi nữa. Chắc chắn đó không là khoảng thời gian trôi qua vô ích. Nay, cuộc ngao du mỗi sáng trong thế giới chữ nghĩa cũng thế à? Không. Đã khác. Khác đến nổi y phải thốt lên:


Bỏ qua đi Tám”, “Xưa rồi Diễm”


“Mút mùa Lệ Thủy” đổi thay rồi


Thi sĩ sắp “Ngất trên cành quất”


Chưa rạng ngày nhưng đã ban mai


Ban mai của một ngày. Một ngày lại chia năm xẻ bảy. Thời gian đầu cua tai nheo. Đang chuyện này phải nhảy qua chuyện khác; đang chuyện nọ xọ chuyện kia. Một khi muốn viết gì đó, trộm nghĩ, ông nhà văn phải toàn tâm toàn ý lúc ngồi gõ bàn phím. Thời gian ấy phải được riêng tư và sống trong cảm xúc ấy, có thế mạch văn mới nhất quán. Cũng câu chuyện đó, nếu viết một lèo, một mạch tốt quá; còn nếu cứ mãi nhát gừng như đang viết mà phải dừng dù cảm xúc dạt dào như sóng vỗ; tạm dừng rồi lại viết thì e rằng tự bản thân câu văn cũng có sự khác biệt về cách thế hiện. Ai khiến thay đổi? Rằng thưa:


Lạ ghê, bé tỉ tì ti


Chỉ lên tiếng khóc, tức thì… đổi thay


Mẹ ba đũa mới cầm tay


Một người phải đứng dậy ngay tức thì


Này bạn ơi, có phải niềm hạnh phúc, sung sướng nhất của lũ chúng ta là lúc “Được ăn được ngủ là tiên”? Tiên ở nơi cõi trần, đôi lúc chỉ cần được thế đã là may mắn, toại nguyện. Dễ dàng quá, chứ gì? Cực dễ. Nhưng rồi lúc có con lại khác. Mọi giấc ngủ, nghỉ trong ngày đã không còn chủ động sắp xếp nữa, hoàn toàn phụ thuộc vào lịch sinh hoạt của bé nhóc. Tất cả đảo lộn tùng phèo. Trong một ngày, chỉ lúc nào bé nhóc ngủ ngon, mới có thể làm gì đó cho riêng mình, bằng không chịu chết. Vì thế, có lúc nghĩ đến ngày mai, ngày mai nữa, tự dưng lại thầm hát như một cách tự an ủi: “Một ngày như mọi ngày/ Đời nhẹ như mây khói” (T.C.S). Nhẹ nhàng thôi. Chỉ nhẹ như mây khói. Không gì nặng nề. Không gì mệt nhọc. Ừ, hãy nghĩ là thế. Thì đó, “Chưa rạng ngày nhưng đã ban mai” vẫn là lúc đang ngon giấc, bỗng dưng nghe dội bên tai tiếng óe òe oe như kèn xung trận. Ngân vang như còi tàu lúc vào sân ga. Liên tục. Kéo dài...


Canh khuya chưa tẻ tè te


Em cao hứng… ré rè re… rộn ràng


Ràn rụa, rổn rảng, rềnh rang


Rập rền, rấm rứt, râm ran, rè rè…


Nhùng nhằng nhe nhẻ nhè nhe


Vội vàng bật người dậy trong cơn ngái ngủ với những động tác đã quen thuộc nào ẵm, bồng, ru… rồi cho măm sữa. Mà lại cứ tỉnh bơ như không. Đố dám cằn nhằn. Lại còn tự an ủi bằng cách nhìn ở góc độ tích cực cho nhẹ lòng, đại khái tiếng khóc ấy cũng vui tai. Chỉ một lần ư? Được thế, đã là hên. Sau đó, đang thiu thiu dỗ giấc ngủ, vừa chợp mắt sâu lại rộn vang óe òe oe, dù oải trời đậu nhưng có dám giả vờ giả vịt như không nghe? Đố dám. Từng đêm, từng đêm đã quen với tiếng khóc trong đêm khuya khoắc. Rồi ngày sau qua ngày sau, lại tái diễn. Mệt ngất ngư. Mệt đứ đừ. Với y, như là một ám ảnh không rõ đã hằn sâu vào tiềm thức tự bao giờ:


Ngon giấc. Đột nhiên nghe oe óe


Giật bắn người lên. Vội nháo nhào


Ơ kìa, lạ nhỉ? Ồ, tiếng nhớ


Vẫn còn náo động cả chiêm bao


Dẫu đang ngủ nhưng vẫn còn nghe, còn ám ảnh tiếng khóc của con. Kỳ diệu quá đi chứ? Rồi mỗi sáng nối tiếp vẫn là động tác loay loay bồng con phơi nắng, nấu nước tắm rồi cho ăn dặm, bú sữa… Chỉ nháy mắt đã 9 giờ. Nắng đã lên. Bấy giờ mới điểm tâm. Vợ ẵm con, chồng làm việc; hoặc ngược lại. Chẳng mấy chốc đã trưa. Vừa lo cơm trưa, vừa lo nấu nướng cho bé nhóc. Nếu thuận buồm xuôi gió, chừng 13 giờ có thể cơm đũa lên mâm. Người ăn trước, người ăn sau, thay phiên nhau. Được thế đã may. Có lúc phải 14 giờ vẫn chưa cơm nước gì.


Ăn xong, chưa kịp chợp mắt đã nghe rôm rã tiếng khóc óe. Phiền thì phiền, mệt thì mệt nhưng rồi cũng phải bật người dậy. Thời gian trôi qua cái vèo. Lúc ngửa mặt nhìn lên đồng hồ đã 17 giờ, lại đến giờ y phải bồng con đưa đi dạo mát. Đi là muốn đứa bé dược nhìn thấy thế giới nhộn nhịp, ồn ào bên ngoài. Thế giới rộng lớn ấy, sau này đứa bé trưởng thành sẽ xa vòng tay cha mẹ và bước vào đó cùng với cuộc mưu sinh trọn một kiếp người. Và trong khoảng thời gian này, vợ ở nhà lại lo thu xếp, dọn dẹp mọi thứ mà bé nhóc đã quấy tung lên. Lúc quay về, y lại lo cơm nước buổi chiều, khoảng 19 giờ có thể hoàn tất công việc, bằng không phải 20 giờ mới có thể cầm đũa. Ăn uống xong, mệt lử cò bợ nhưng nếu bé nhóc thức, phải thức; bé ngủ thì mới có thể bắt đầu làm việc riêng tư gì đó.


Nhìn chung là chiếc bánh thời gian đã xé lẻ, chia năm xẻ bảy, không thể toàn tâm toàn ý, tập trung làm một việc gì cho ra hồn. Vì lẽ đó, y phải đổi lịch làm việc là thức dậy sớm hơn. Có lúc 5 giờ sáng lò mò, khẽ khàng thức giấc, tranh thủ lúc bé nhóc đang ngủ nhưng oái oăm thay, lúc ấy, nó cũng… oe óe thức giấc theo. Éo le thiệt. Cứ như chơi khăm. Vậy là “thôi rồi Lượm ơi”, chớ hòng mó tay vào việc gì khác, ngoài việc phải ẵm phải bồng phải nâng phải niu dù ngày mới rạng ngày: “Ban mai thay bỉm cùng ngái ngủ/ Ngờ nghệch ẵm con lại tít mù/ Rủ le le, vạc, cò, chim sẻ…/ Nào quay về cho rôm rã lời ru”.


Này, với một ngày tất bật, đôi lúc y tự hỏi, cơn cớ gì ngày trước thiên hạ lại sinh con đẻ cái nhiều thế? Nay, mình chỉ mới có một con đã thấy oải. Ấy là nhờ đâu? Có lẽ do nếp sống trước kia là trong một nhà bao gồm nhiều thế hệ. Đứa trẻ sinh ra có thể cậy nhờ ông bà hoặc cô, cậu, dì… chăm sóc giúp; nhờ thế họ mới có thời gian rảnh tay, nghỉ ngơi. Bây giờ, nếu trong nhà chỉ có mỗi chồng vợ chăm con nên họ cảm thấy có lúc “ngất trên trên cành quất” thì cũng phải thôi. Do đó, hiện nay đã có nhiều nhà trẻ nhận giữ dù bé nhóc chưa thôi nôi là vậy.


Thật lạ, chỉ một bé nhóc mà cả vợ lẫn chồng cũng cảm thấy không đủ tay đủ chân, vẫn thiếu, thiếu người phụ thêm. Thế mới biết, chăm sóc một đứa trẻ là điều không dễ dàng. Những lúc đó, y luôn nghĩ ngợi, đại khái, chỉ khi nào nuôi con, người ta mới thật sự ý thức về công lao dưỡng dục của cha mẹ. Nó cụ thể, rành mạch từng chuyện, chứ không mơ hồ chút tẹo tèo teo nào cả. Rất cụ thể từng việc một. Đôi lúc mỏi mệt, cau có, thở hụt hơi nhưng rồi cũng cứ phải tỉnh bơ, tỉnh rụi như không. Chẳng dám có thái độ gì khác. Đơn giản chỉ là tình yêu thương vô bờ bến dành cho con. Và lúc ấy, con người ta có câu “thần chú” gì để vượt qua mọi nhọc nhằn này? Có đấy. Với y vẫn là:


Bận rộn vậy mà tâm vẫn tĩnh


Tôi tập tĩnh tâm với chính mình


Dặn lòng tâm niệm câu thần chú:


Hạt mầm rồi sẽ rợp vòm xanh…


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment