LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.12.2017

3-BAI-THI-VIET-O-DA-NANG-THANG-11.2107

 

Có những ngày đời ta không nhật ký

Là những ngày trống vắng của đời ta

Bạn bè ngậm cay, người tình nuốt đắng

Ngẫm lại mình còn nhiều nỗi xót xa


Mình đã vậy thì chẳng cần phải viết

Dù lời buồn căm giận thấu cô đơn

Ta ngồi vẽ mười ngón tay mình vậy

Thấy hay hay rơi bảy giọt cầu vồng


Rồi lại nhặt với từng hồi ký ấy

Gặp lung linh trên những sắc và không

Vui hớn hở nhưng chưa từng sát hại

Một cành hoa mê mãi giữa cánh đồng...


Ấy là những câu thơ của Trần Hoàng Nhân tặng y. Vì rằng, cơn cớ tại làm sao có những ngày y lại không Nhật ký? Rằng, ông bà mình đã nói, đố sai: “Xay lúa thì khỏi bồng em”. Đã bận việc này, tất  nhiên phải thôi việc kia. Không thể ôm đồm. Cả nửa tháng vừa rồi, phải tập trung cho xong một quyển sách. Mẹ đã đi chợ về. Nhan đề hiền lành và giản dị. Có những điều bình dị, đến lúc mất đi, không gặp lại nữa, bấy giờ con người ta mới sững sờ tiếc nuối.

Sáng 29.11 là thất tuần của bạn cụ. Vừa bước xuống sân bay Đà Nẵng, chỉ kịp lấy quyển Ngày đi trên chữ, bản đầu tiên lấy ra từ nhà in, ghi tặng thật nhanh để Đoàn Tuấn kịp làm thủ tục bay đi Hà Nội. Chỉ chớp nhoáng. Kể ra cũng có sự thú vị của tình bạn. Lại nữa, có người bạn thân thiết từ năm tháng học vở lòng quyết định dời sinh nhật để y và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có dịp chung vui. Bạn Nguyễn Văn Sanh, nay đang là cán bộ của Phòng văn hóa Thông tin của quận Hải Châu. Tác phẩm Chúc một ngày tốt lành, chính tác giả ký tặng bạn. Còn y, theo yêu cầu của bạn ngoài rượu, còn là bài thơ nữa. Phải viết trên giấy dó làm kỷ niệm lâu bền.

Thơ rằng: “Bạn bè từ thuở lên 5/ 50 năm vẫn còn cầm bàn tay/ Tình thân thuở chớm con trai/ Từ xuân hồng đến thu phai vẫn tình/ Bạn nhìn mình lại thấy mình/ Mình cùng bạn vẫn nặng tình thủy chung”. Trong đời may mắn cho những ai có bạn thận thiết, chí cốt để có thể nhẹ nhàng bật ra những câu thơ tự lòng, không gì phải hoa hòe hoa sói rỗn rãng chữ nghĩa. Khổ tâm đối với người cầm bút, rất ư Kép Tư Bền vẫn còn là vì lý do gì đó, dù không thích nhưng vẫn cứ viết như thể rút ruột ra mà viết. Y lại khác. “Bạn nhìn mình lại thấy mình”. Một câu thơ có 2 từ “mình”, tưởng 1 nghĩa nhưng thật ra lại là 2. Cách viết này cũng là một cách học tập ca dao: “Nước non một gánh chung tình/ Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?”. “Nhớ ai” là nhớ đến người nào, một câu nghi vấn, do chưa biết nên mới hỏi. Nhưng “ai nhớ” lại là câu hỏi dành cho người cụ thể, rõ ràng. Cùng 1 từ ai nhưng lại có 2 nghĩa khác nhau.

Bạn nhìn mình” là lúc ấy, bạn nhìn vào người đối diện bởi tác giả tự xưng mình. Lúc nhìn ấy, bạn thấy gì? “lại thấy mình” thì mình lần này, chính là bản thân bạn. Khác hẳn cách biểu đạt trong ca dao như: "Mình về mình nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười". Còn trong ngữ cảnh của bài thơ mà y đã viết, “ta” lại hóa thành “mình” để lái qua nghĩa khác dù vẫn ngầm hiểu là “ta”. Nói cách khác với bạn bè thân thiết cùng trang lứa, khi nhìn bạn cũng là lúc lại thấy thời gian đã đi qua của chính mình.

Bạn đã 50 năm rồi. Ít ỏi gì nữa?

Về Đà Nẵng lần này, tâm trạng thế nào? Câu thơ của Trần Hoàng Nhân ngẫu nhiên, lại đúng: “Ngẫm lại mình còn nhiều nỗi xót xa”. Xót xa gì mà còn? Vẫn là ước nguyện của bà cụ mà y chưa thực hiện xong, tức là phải bước ra ngoài tâm thế, ra khỏi không gian tự vấn của từ nhiều năm trước: “Đi không ai nhớ/  Về chẳng ai mong/  Xa không ai đợi/ Gần chẳng ai trông/ Mình tôi một bóng/ Sống phải phân tâm/ Vừa đóng vai vợ / Lại diễn vai chồng”. Quái quỷ, chiều nay, lúc  bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, câu thơ ấy bất ngờ vọng đến khiến rười rượi nao lòng.

Cảm giác bơ vơ ấy đè nặng tâm hồn là lúc con người ta một mình bước đến sân bay, sân ga, bến tàu… Sự đi/ đến ấy là một sự rỗng không, trống rỗng bởi dù chậm, dù nhanh chẳng có ý nghĩa gì cả. Có ai đang trông ngóng, chờ đợi gì đâu mà mình phải náo nức, phải bực rực đếm từng giây từng phút? Nỗi cô đơn da diết buồn bã của những ai xa nhà vẫn là lúc họ không thể về/ phải về chậm vẫn là khi biết có người thân đang ngóng đợi.

Còn y thế nào?

Chỉ nghĩ đến đó, đã thấy trong lòng một đường hầm sâu hun hút. “Đã từng ngày ngập lụt/ Nỗi hiu hắt rỗng không/ Phía bên ngoài đời sống/ Có ai hiểu tôi không?/ Tôi níu mây hỏi gió/ Chỉ gặp cuối chân trời/ Một câu thơ thất lạc/ Chỉ là cái bóng tôi”. Chẳng gì cả. Chỉ là cái bóng của chính mình. Người ngong ngóng đợi y từng giây, từng phút vẫn là mẹ. Nay còn đâu. Về nhà căn nhà của năm tháng tuổi thơ, nằm trên giường mẹ đã nằm năm tháng cuối đời. Làm sao lại không nhớ về ngày tháng yên vui nhất của đời mình? “Căn phòng xưa mẹ nằm/ Nhường cho con hơi ấm/ Bây giờ mẹ về đâu?/ Vọng lời thưa mây trắng/ Chân trời ngọn hoa lau/ Ru câu kinh thầm lặng”. Và như tất cả mọi người con lúc mất mẹ: “Mọi hoa hồng, với con/ Từ đây đều hóa trắng…”.

Tập sách Mẹ đã đi chợ về viết về mẹ, ba, anh, chị đã xong. Có bổ sung gì không? Chỉ thêm 1 bài thơ. Vậy là đủ.

Rồi lại trở về với những tháng của Nhật ký. Với y cũng là một cách trò chuyện đấy thôi. Không ai có để bù khú, tán phét, buôn dưa lê, bàn chuyện tào lao trên trời dưới đất, tâm tình thân mật thì y phải tìm cách khác: Nhật ký. Vậy mình trò chuyện với mình vậy. Không viết thì vẽ. Vẽ cũng chẳng khác gì. Cũng là lúc tỉ tê, hỏi han lấy mình vậy. “Ta ngồi vẽ mười ngón tay mình vậy/ Thấy hay hay rơi bảy giọt cầu vồng”, Trần Hoàng Nhân nói đúng lắm.

Cuối cùng là gì? Không riêng gì Nhân, bạn đọc và đồng nghiệp đã thấy rõ một điều: Những trang viết dựng lên một đời viết. Đôi lúc, y cũng cảm thấy ngao ngán, thở dài: “Viết gì lắm thế, ngày nào cũng viết?”. Làm sao có thể trả lời đây, hả Q? Chẳng biết nữa.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment