LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.9.2017


thio-le-rtan-21-R

 

À, thì ra thế. Y ồ lên một cách sung sướng.

Do đọc đi đọc lại nhiều lần mới vỡ lẽ ra rằng, có những câu thơ đã đọc, thích thú, thỉnh thoảng hay lẫm nhẫm trong đầu nhưng chắc gì đã hiểu rõ nghĩa. “Hư vô bóng khói trên đầu hạnh/ Cành biếc run run chân ý nhi” (Xuân Diệu). Nhịp của câu thơ thất ngôn như đang bước đi và dừng lại. Sự nhịp nhàng của trắc và bằng đã tạo ra cảm giác ấy. Sau giây phút băng khoăn ấy, có lúc tự hỏi: “Hư vô bóng khói trên đầu hạnh. Vậy hạnh là gì?”. Lâu nay, hễ một khi ngắc ngứ câu chữ gì đó, y lại nhờ cậy đến nhà nghiên cứu An Chi. Dẫu biết rằng, không nên một chút nào. Nhưng rồi bí quá, đành làm phiền là thế.  

Lần này, nhờ lật bộ Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh nên đã có thể tự giải thích một cách ngon ơ: “Hạnh: Một thứ cây, lá giống lá mơ, tên gọi là cây mận”. “Bấy giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Câu ca dao quen thuộc lắm. Mà đã xong đâu. Ông Xuân Diệu “nhiễu sự” thật. Đã thế lại còn: “Cành biếc run run chân ý nhi. Vậy ý nhi là gì?”. Thoạt định điện thoại hỏi nhà thơ Người đàn bà ngồi đan, thân phụ của chị - nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký đặt tên Ý Nhi cho chị là ngụ ý gì? Chẳng nhẽ, cái gì cũng hỏi?

Thôi thì, cứ hãy chịu khó tra từ điển đi nhé. Rằng, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giải thích: “Tên một loài chim, có thuyết bảo là chim yến. Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc: “Nay quyên đã giục oanh già/ Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo”; Tên một bậc hiền sĩ thời cổ, thấy chép trong thiên Đại tông sư của sách Trang tử”.  

À, thì ra thế. Y ồ lên một cách sung sướng.

Ngày trước, thuở mới quen nhau, cô người yêu thường bảo: “Đuôi mắt của anh như đuôi cá dolphin”. Dolphin là con cá heo. Y tuổi Kỷ Hợi lại là sự trùng hợp về tên gọi. Càng hay. Ý nàng muốn nói là “ con mắt có đuôi” đấy thôi. Nhờ thế, bèn có thơ: “con cá dolphin lặn lội suối khe/ được gặp em là vui như đứa trẻ/ Trương Vô Kỵ cũng chỉ là đứa trẻ/ bước chân đi không quá sợi lông mày”. Đọc lằng lằng trên mạng, mấy trang bói toán gì gì đó lại quả quyết, “con mắt có đuôi” -  là kiểu mắt của tướng người đa tình. Có trúng? Có trật? Nếu thế, “Đa tình con mắt Phú Yên” (Tản Đà), hóa ra người dân Phú Yên đa phần đều sở hữu con mắt có đuôi? Tầm bậy. Làm gì có chuyện đó.

Cái thú của đọc thơ, đôi khi không cần phải hiểu rõ nghĩa. Chỉ cần cảm. Cảm nhận vần điệu du dương, lúc nhịp nhàng khi trúc trắc, dẫu chẳng rõ nghĩa nhưng vẫn thích. Cần gì phải cân, đong, đo, đếm từng ngữ nghĩa, mệt lắm, hãy để âm điệu nhịp đi của câu thơ lướt ngang qua như gió thổi qua bờ tre, khóm trúc: “Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài/ Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua” (Bùi Giáng). Không cần hiểu. Chỉ cần cảm. Nói thì nói thế. Hiểu rõ nghĩa vẫn thích hơn chứ? Vâng, thích hơn là cái chắc.

Cầm quyển sách nhẩn nha đọc, chậm rãi đọc, từ từ đọc, vẫn khoái hơn cả. Dù ai nói gì thì nói, chê “cùi bắp” cũng chẳng sao, y vẫn thích đọc từ trang sách giấy trắng mực đen. Chữ nghĩa sờ sờ ra đó. Đọc đi, đọc lại vẫn thích. Thích thì ghi thêm bên lề trang sách dăm ba câu cảm nhận; hoặc, nếu lúc đó bận rộn gì đó, có thể làm dấu, dăm ngày sau lại đọc tiếp. Ấy, cũng là cái thú đọc sách.

Mà đôi lúc cũng nản quá. Cuộc sống cuồn cuộn ngoài kia, có phải như sách vở đâu. Khác nhau lắm. Đọc tập sách Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, chương bàn về cái thú uống rượu, ta nhận ra rằng, muốn thưởng thức cái ngon của men, nồng nàn của một thứ chếnh choáng: “Đất say, đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?” (Tản Đà) thì tâm trạng nào, cuộc vui nào cũng phải chọn không gian, lẫn thời gian phù hợp.

Thế thì, cái thú đọc sách cũng chẳng khác gì đâu. Một trong những yếu tố cấn có đầu tiên vẫn phải là sự lành mạnh của một môi trường sống. Nhìn ra ngoài của sổ, ùa vào tai, đập vào mắt bao nhiêu chuyện “khởi nghiệp” của một vài quan chức, họ cho biết nhờ chạy xe ôm, bán chổi đót, làm vườn đến thối cả móng tay, nuôi lợn… mà trở thành giàu sụ, giàu nứt đố đổ vách. Nghe phì cười. Cứ như thể đám đông chỉ trẻ con. Rồi lại có quan chức đó lúc mới ngồi vào cái ghế đó còn trẻ lắm, tuyên bố rất dữ dằn nhằm thể hiện sự trong sáng, trong sạch, đạo đức ngời ngời. Thiên hạ vỗ tay hoan nghênh vì hắn ta đang trẻ. Trẻ chưa hư hỏng. Trẻ còn nhiệt tình. Trẻ luôn nhiệt huyết mà cam tâm làm "đày tớ" cho Dân cho Nước. Phải ủng hộ người trẻ. “Đùng một cái” Thanh tra Chính phủ kết luận hắn ta sử dụng bằng giả, dính dáng mờ ám về nhà cửa, đất đai… Sao lại tha hóa, hư hỏng nhanh đến thế? Chẳng ra làm sao. Trong khi đó, y vẫn đóng cửa phòng, lơ mơ làng màng cùng sách vở có phải ngớ ngẫn lắm không?

Nếu chọn lấy một truyện truyện ngắn hay nhất cả văn học Việt Nam, có tầm thế giới, có tính nhân loại phổ quát, theo y vẫn là Chí Phèo của Nam Cao. Câu nói: “Tao muốn làm người lương thiện!” là bi kịch không lối thoát. “Ai cho tao lương thiện” là câu hỏi tàn khốc nhất, bi thảm nhất của hạng người muốn hoàn lương; hoặc muốn giữ lấy thiên lương. Tâm trạng cay đắng tột cùng của Chí Phèo đã lỗi thời chăng? Tự hỏi rồi nhếch mép cười.

Lại nhớ khi du lịch sang Hà Lan, được tham quan hệ thống máy móc của nhà máy chế biến sữa Campina. Quan sát sự sít sao của quy trình sản xuất, mỗi cái hộp giấy, cái chai nhựa kia tự nó vận hành theo những đường, những rãnh đã định sẵn, không chệch ra ngoài, cứ thế mà đi hết một chặng đường dài, y ngẫm nghĩ: “C’est la vie. Đời là thế. Bi kịch của con người lắm khi là anh rơi vào một guồng máy, dù ý thức nhưng không thể cưỡng lại được. Đến khi thoát ra được, muốn làm lại từ đầu thì than ôi tóc đã bạc, máu đã khô và mắt đã mờ không còn đủ hăm hở bước đi những bước mới”.

Nay, nghĩ thêm rằng, dẫu tự phản tỉnh, ý thức ngay từ lúc ấy, từ lúc còn trẻ trung thừa sức xóa ván cờ này chơi lại ván khác, nhưng rồi con người ta có được sự dũng cảm? Có thể thoát ra ra ngoài như ý muốn? Có đôi lần lan man nghĩ ngợi. Rồi lại quay về với thói quen đã mọc rễ từ ngay trong tiềm thức. Lại vẩn vơ vô thưởng vô phạt cùng những gì mà tiếng dội của thời sự khốc liệt không đập vào tai, không ùa vào mắt. Rồi lại đọc sách.

Sáng nay, đọc tập sách Thơ Lỗ Tấn do Phan Văn Các dịch - NXB Lao Động cùng Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây in năm 2002. Đã từng đọc tạp văn của một người đưa ra cái thuyết “Đả lạc thủy cẩu”, hiểu nôm na là đánh chó đã rơi xuống nước rồi, còn phải phải theo đánh mãi nữa để nó không lội ngược lên bờ mà cắn mình. Tính cách con người ấy, rất quyết liệt. À, bỗng dưng lại nhớ đến một câu văn của Nam Cao. Cũng là chuyện “rơi xuống nước”, cụ Bá Kiến - bậc tiên chỉ đạo cao đức trọng đã từng dạy rằng: “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào “vì thương anh túng quá”! Và cũng phải tùy mặt nữa: những thằng có máu mặt, vợ đẹp, con đàn chính là những thằng dễ bóp; trái lại những thằng tứ cố vô thân, giết chúng thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương; mà gây với chúng là mở một dịp tốt để cho các phe nghịch xoay lại mình”.

Ấy là sự ma mãnh, khốn nạn có thể xếp vào thói hư tật xấu bậc nhất của người Việt đấy chăng?

Trở lại với Lỗ Tấn. Nhà văn hóa Phan Khôi cho biết: “Tôi từng đọc một cuôn sách nào đó, thấy dẫn một câu nói của Mao Chủ tịch nói về Lỗ Tấn rằng: “Khổng Tử là thánh nhân của thời đại phong kiến, Lỗ Tấn là thánh nhân của thời đại vô sản”. Thật chẳng quá đáng chút nào hết như có người tưởng. Khổng Tử là người tạo lập cái nề nếp tư tưởng đạo đức cho xã hội phong kiến là thánh nhân, thì Lỗ Tấn, người phá đổ cái nề nếp ấy đi mà tạo lập cái nề nếp tư tưởng, đạo đức khác cho xã hội vô sản, sao lại không là thánh nhân?”. Đoạn văn này trích trong bài Lỗ Tấn, một đại văn hào Trung Quốc và thế giới, in báo Nhân dân, số ra ngày chủ nhật 28.8.1955 tại Hà Nội. Sau này, khi thực hiện tuyển tập Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn (NXB Hội Nhà văn - 2007), Lại Nguyên Ân có chọn in lại.

Trong lời Tựa việt cho tập Thơ Lỗ Tấn do Phan Văn Các dịch, Lý Gia Trung - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam cũng cho biết: “Chủ tịch Mao Trạch Đông rất thích thú thưởng thức thơ Lỗ Tấn và đã từng tự tay chép thơ Lỗ Tấn thành tác phẩm nghệ thuật thư pháp tặng bạn bè quốc tế” (tr.11).

Thơ Lỗ Tấn thế nào? Lật hú họa một trang ngẫu nhiên xem sao. Ấy là trang 192, in bài Công dân khoa ca, Phan Văn Các dịch Bài ca khoa Công dân và cho biết: Bài thơ này Lỗ Tấn cho in năm 1931; bấy giờ tên quân phiệt phản động Quốc dân đảng Hà Kiện là Chủ tịch chính phủ tỉnh Hà Nam, chủ trương thiết lập “Công dân khoa” (môn Công dân) trong nhà trường để thực thi giáo dục nô dịch” (tr.194).

Hãy đọc: “Tướng Hà Kiệm cầm dao làm giáo dục/ Rằng trong trường nên đặt những môn gì/ Trước tiên “Khoa công dân” không biết dạy điều chi/ Tôi viết sách giáo khoa cho, xin các ông đừng nóng nảy/ Làm công dân quả tình đâu có dễ/ Xin mọi người hãy chớ “lơ-tơ-mơ”/ Điều đầu tiên là chịu đựng, hiểu chưa?/ Làm như trâu và ngu như lợn:/ Sống thì nai lưng chém to vác nặng/ Giết mổ rồi thì thịt để ăn/ Dẫu chết toi chết dịch bởi ôn thần/ Cũng còn rán được lên mà lấy mỡ/ Điều thứ hai cần nhớ:/ Là phải biết cúi đầu/ Trước lạy ông lớn Hà, sau lại ông Khổng Khâu/ Lạy không dẻo sẽ đem đầu ra chém/ Mà cấm được van xin khi trảm/ Hễ van xin là phản động chứ sao/ Đại nhân có con dao, còn ngươi có cái đầu/ Ai nấy phải lo tròn thiên chức/ Điều thứ ba: cấm ngặt/ Không được nói tình yêu/ Tự do kêt hôn là… cái con tiều/ Hãy ngoan ngoãn là dì Mười hay dì Hai chục/ Nếu cha mẹ cần tiền thì bán phứt/ Lấy dăm trăm hay lấy vài nghìn/ Vừa giữ thuần phong vừa kiếm được tiền/ Có cách nào còn tốt hơn thế nữa/ Điều thứ tư nên nhớ:/ Là phải viết vâng lời/ Đại nhân là ông Trời/ Bảo sao thì làm vậy/ Nghĩa vụ công dân còn nhiều nữa đấy/ Nhưng chỉ riêng đại nhân hiểu lấy… thôi mà/ Chỉ xin các ông chớ khư khư ôm sách giáo khoa/ Kẻo đại nhân ngộ không vui lại bảo “a - la” là phản động”.

Phan Văn Các còn chú thích: “A - la” (A lạp) là phương ngôn Ninh Ba nghĩa là “tôi”, tớ”; ông lớn Hà” tức Hà Kiện; Khổng Khâu tức Khổng Tử”. Y không rõ câu “Hãy ngoan ngoãn là dì Mười hay dì Hai chục” tức ám chỉ những ai và như  thế nào? Với Bài ca khoa Công dân của Lỗ Tấn, cũng như mọi lần, hễ đọc được bài thơ hay, lại reo lên: “À, thì ra thế. Y ồ lên một cách sung sướng”?

Có mà điên.

Bần thần hết cả người.

Chuyện xưa tích cũ thôi ư?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment