LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.5.2017

images1811317_1

 

Chiều. Trời mưa. Rồi tạnh. Ngồi nghĩ vẩn vơ. Nghĩ rằng, giá trị vật chất cụ thể có tính khái quát, tiêu biểu cho văn hóa người Việt, trước nhất cần phải kể đến cái đình.

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

Trong tác phẩm Triết lý cái đình (NXB Hội Nhà văn - 2017), nhà văn hóa Kim Định cho rằng: “Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Viêm Việt. Nền văn minh này đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng. Nhà của làng là đình” (tr.29); “Đình là nơi hội tụ nhiều gia đình. Nói khác, đời sống cái đình cũng một loại với đời sống gia đình, nếu ở gia đình có ăn uống thì ở đình cũng có đình đám tức cũng là ăn uống, khác hẳn với việc làm khi người ta đến chùa cầu kinh chứ không phải để ăn uống như có thể xảy ra ở đình. Như vậy đình là nơi tụ họp của dân làng trong những ngày tư, ngày tết, ngày lễ lạt, ta quen gọi chung là đình đám. Chữ đám gắn liền với chữ đình làm tỏa ra cho các giác quan khứu, thị, thính, cảm một vẻ tưng bừng thơm ngát với những nét hân hoan tràn đầy sinh thú, những khuôn mặt say sưa” (tr.32).

Đình làng - nơi gắn kết các cư dân trong làng, sự gắn kết ấy được bao bọc bằng lũy tre làng, nó bền vững đến độ “Phép vua thua lệ làng”. Có thể dẫn chứng được không ? Tất nhiên là có. Hãy chọn lấy một chi tiết mà nhà thơ Hoàng Cầm đã kể lại. Với các nhà nghiên cứu, khi dẫn chứng một điều gì cần phải có nguồn trích dẫn từ tài liệu nào, bản in năm nào, nhà xuất bản nào, trang nào, tác giả nào v.v… vì khi cần, bạn đọc có thể kiểm chứng mức độ chính xác của thông tin đó. Với thông tin của nhà thơ Lá diêu bông lại không có những động tác đó, có thể ông đã từng nghe các cụ trong làng kể lại.

Câu chuyện kể - ký ức của cư dân trong cộng đồng cũng là một phần của lịch sử, dù rằng, sự kiện đó có thật nhưng sau đó cũng có thể đã được/bị thêm bớt qua thời gian, qua nhiều thế hệ sau. Mỗi người kể lại, dẫu từ cốt lõi đó nhưng nó đã “gia cố” qua lăng kính của họ. Vì thế, không ít sự kiện lịch sử đã nhuốm màu huyền thoại, giai thoại là vậy. Ký ức của cộng đồng còn sót lại trong các gia phả của mỗi nhà, trong câu chuyện kể từ đời này qua đời nọ tại mỗi địa phương, trong các bản hương ước do mỗi làng, xã quy định… Nhờ vậy, khi tìm hiểu về phong tục Việt Nam, ta mới thấy hiện rõ nhiều thông tin cực kỳ lý thú mà chưa chắc chính sử đã ghi chép.

Hãy trở lại với Hoàng Cầm. Ông cho biết: “Phép vua thua lệ làng”. Triều đình lắm khi thua cái đình. Ví dụ như thời chúa Trịnh, lính triều đình về bắt lính, cả đến người 50 tuổi, nhưng lệ làng đã định ra cái lệ “lên lão” ngay từ cái tuổi 45, lại ví dụ quân chúa Trịnh về bắt gái đẹp làm hầu trong phủ chúa, đến làng Chè (Hà Bắc) thì lệ làng đã định rằng con gái có nhan sắc từ 17 đến 25 tuổi đều đã là tì thiếp của thành hoàng rồi. Ai cướp đi một người thì thành hoàng bắt mất mùa một năm, bắt ba người thì mất mùa liền ba năm. Bô lão bảo vệ các cháu gái, lính nhà chúa đành rút lui” (Kiến thức ngày nay - số 15.2.1994).

Đình làng đã tồn tại hàng ngàn năm, ghi dấu ấn sâu đậm trong suy nghĩ, ý thức của mỗi con người. Sự tích cực của nó, xưa nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, không nhắc lại. Nhưng bên cạnh đó, “văn hóa cái đình” có kéo theo sự tệ hại gì?

Mỗi làng có một luật lệ riêng, dẫn đến sự cát cứ của địa phương. Lắm khi chính sách của trung ương hiệu lực trên cả nước nhưng lại vướng ở các vùng. Tư duy “Phép vua thua lệ làng” sẽ phá hỏng kỷ cương phép nước. Những lễ hội bị chỉ trích là dã man, mông muội như kiểu đâm trâu, chém lợn được đề nghị bỏ đi nhưng vẫn không thể bỏ vì “làng” không chịu, chính quyền cũng bất lực.

Dân gian đã đúc kết: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Sự tệ hại ấy đã dần dần thay đổi, trước kia, các vua chúa thời quân chủ đã ra “luật hồi tị” và nay từ các nghị định, văn bản hành chánh của chính phủ đã ban hành, nhưng rồi làm sao có thể giải quyết triệt để? Vẫn còn nhiều, khá nhiều trường hợp ở địa phương nọ có cả dòng họ nọ nắm hết cương vị chóp bu trong làng, huyện, xã... Ngoài chuyện “một người làm quan” còn là suy nghĩ “Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, vì thế, một khi đã nắm quyền lực, họ lại càng tìm mọi thủ đoạn chia phần “miếng” đó cho con cháu, dòng tộc nhà mình.

Ở nhiều ban ngành, đoàn thể hiện nay vẫn có tư duy “đình làng” đó. Nếu không làm sao họ có thể ban hành những văn bản quản lý đứng trên cả luật, thậm chí trên cả hiến pháp? Mới đây, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn nổi hứng cấp phép phổ biến Quốc ca, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “Quốc ca đã được Quốc hội thông qua, ghi rất rõ trong điều 13 của Hiến pháp. Vậy nên một khi cấp phép cho “Quốc ca” thì cái giấy phép ấy đã "trèo" lên quy định của Hiến pháp, là một sự vi phạm pháp luật” (Báo Người Lao động ngày 24.5.2017).

Một thời dư luận xã hội rộ lên những đàm tiếu, cười cợt với dự thảo của Bộ Y tế, quy định tiêu chuẩn người dân muốn đủ điều kiện lái ôtô và xe máy phải đáp ứng được 83 tiêu chuẩn về sức khỏe. Trong đó, tiếu lâm nhất vẫn là “phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm”! Nghe ra quá khôi hài.

Những tưởng những văn bản ấy chỉ xẩy ra một, đôi lần và sẽ chấm dứt khi “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”. Nào ngờ, nó vẫn tiếp tục tái diễn ở các ban ngành khác. Các nhà bình luận khẳng định nguyên nhân nằm ở  trình độ, nhận thức của tầng lớp lãnh đạo mà ra. Y lại không nghĩ thế. Những người đứng đầu ban ngành đó có thể vẫn thừa biết không đúng, không phù hợp trong bối cảnh chung của xã hội, thậm chí là vô cùng ngớ ngẩn; nhưng rồi, họ vẫn cứ ung dung đặt bút ký như không.

Suy nghĩ ấy là do ảnh hưởng từ tiêu cực của “văn hóa cái đình”. “Làng” của mình tức ban ngành của mình là nhất, là một cõi đặc thù riêng biệt, là có quyền cát cứ một lãnh địa cụ thể. Do đó, họ cứ ra quy định - những quy định có lợi nhất cho “làng” của mình, bất chấp các quy định chung của Nhà nước. “Phép vua thua lệ làng”. Cùng lắm, “Liệu công mất một buổi quỳ mà thôi!” (Truyện Kiều); bằng không, các văn bản đó cũng thể hiện được quyền lực của cái quyền đang nắm trong tay.

Sự tệ hại hại này, theo y mới là then chốt dẫn đến sự việc ấm ớ đã xẩy ra. Và đã đến lúc cần phải thay đổi từ trong nhận thức. Thay đổi ở chỗ một khi làm việc nước tức làm chung cho sự vận hành chung của một đất nước, cho lợi ích của toàn dân, chứ không phải riêng biệt cho mỗi “làng” mình.

Nghĩ vẩn vơ đến đây, có thể dừng bút rồi chăng?

Tất nhiên. Nào có ai bắt buộc. Mà thôi, cứ nhẩn nha thêm đôi dòng nữa, cho hết một buổi chiều. Âu cũng là cái thú người thích viết. “Vậy, viết thêm gì nữa hả Q?”. Chưa rõ nữa. Thôi thì, thử nghe lại ca khúc Làng tôi của Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui đồng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền, một dòng sông…”. Ai nghe cũng cứ nghĩ người nhạc sĩ tài hoa viết cho làng của mình. Hễ trong nghệ thuật xuất hiện hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình, tiếng chuông chùa/nhà thờ, giếng/ao làng… và nhất là bóng tre xanh, lập tức thấy hiện lên rõ mồn một không gian làng quê ở Việt Nam.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là thi sĩ của làng quê ngày Tết, bởi lẽ hễ đọc bài thơ Chợ Tết dù ở độ tuổi nào, ngay lập tức trong lòng người ta vẫn dậy men nỗi xốn xang như thuở còn trẻ nhỏ nắm áo mẹ đòi theo ra chợ. Y thích nhất câu: “Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. Câu thơ tả thực đến độ dẫu không phải nhà thơ đi nữa thì ai cũng buột miệng kể lại vậy thôi. Câu thơ giản dị, thô mộc nhưng lại giàu sức sống. Khó quên trong trí nhớ.

Đọc thơ Đoàn Văn Cừ, lúc nào y cũng cảm động với những câu như: “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Bên miền quê ngoại của hai thân“. Phải đến một tuổi nào đó, khi đọc những câu thơ bình dị này, người ta mới thấm thía, mới thấy nhịp thời gian trôi qua chóng vánh, khốc liệt trên mỗi phần đời. Không gì níu kéo lại nổi. Ngày mẹ còn son trẻ. Ngày mình còn thơ dại. Ngày Tết theo mẹ về quê. Ký ức thiêng liêng ấy đã là một phần máu thịt của ký ức. Mỗi lần nhớ lại, ai ai cũng bùi ngùi vì một lẽ tự nhiên, rồi lại thốt lên từ sâu thẳm của lòng mình: “Ngày ấy, còn có mẹ“.

Được mẹ dẫn về ngoại, ngày thơ bé, y cũng có nỗi sung sướng, hân hoan ấy, có điều, về thăm ông bà ngoại chỉ một đọan đường ngắn, nằm trong kiệt 7 đường Hoàng Diệu, không thể mở ra một tầm mắt, một cái nhìn: “Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng/ Đoàn người về ấp gánh khoai lang/ Trời xanh, cò trắng bay từng lớp/ Xóm chợ lều phơi xác lá bàng“. Còn nhớ, đầu ngõ vào nhà ngoại thuở ấy là bãi tha ma. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ với các trò chơi thả diều, trốn tìm... cũng là từ nơi đó. Nay, đã là dãy nhà ngang dọc của nhiều căn hộ. Dấu vết xưa không còn nữa. Ngay cả cái giếng nhà ông ngoại cũng không còn nữa. “quay về tuổi thơ không gặp ai/ chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài/ hàm răng nghiến chặt/ em đi qua vườn bàn chân dè dặt/ bước khẽ thôi lá rụng buồn tênh/ ngôi nhà mới mọc lên/ ai cũng có một đời sống riêng/ với nhiều lo toan với nhiều mệt mỏi…”. Những câu thơ đã viết từ năm 1999, đọc lại vẫn bùi ngùi thương nhớ…

Bấy giờ, khu vực nhà ông ngoại của y, làng xóm vẫn còn trồng tre xanh. Các lũy tre ấy, nay, không còn nữa. Những đình làng Nam Dương, Hải Châu, nay, cũng đã tàn tạ theo thời gian hoặc đã “chuyển đổi công năng”. Nếu học trò thành phố cùng thế hệ các cháu của y, cô giáo ra tập làm văn: “Hãy tả lũy tre làng mà em đã thấy”, các cô cậu sẽ bí rị, tha hồ ngồi cắn bút chăng? Chưa chắc. Biết đâu, từ hình ảnh đã thấy trên internet, các cháu sẽ tả ngon lành? Nhưng cô giáo bảo tả “ngòi bút lá tre” ắt các cháu sẽ botay.com.

“Làng tôi xanh bóng tre”. Có lúc tự hỏi, tại sao làng quê Việt Nam phải có lũy tre làng? Có ai giải thích giúp? Câu hỏi ấy, đã tìm ra câu trả lời từ một sử gia người Pháp, ông Pierre Gourou (1900-1999), tác giả quyển Người nông dân châu thổ Bắc kỳ - nghiên cứu địa lý nhân văn, in năm 1936 tại Paris. Công trình nghiên cứu giá trị này, mới đây thôi, năm 2015, NXB Trẻ, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và tạp chí Xưa và Nay đã phối hợp ấn hành bản tiếng Việt.

Hãy đọc: “Làng được bao bọc bằng một lũy tre mà các cành dày đặc và có gai tạo thành một lũy bảo vệ có hiệu quả chống trộm cướp. Làng hết sức chú trọng đến bờ lũy đó, nhiều hình phạt được quy định đối với những ai chặt tre không có phép, ngay cả những búp măng; trong những khoản phạt do làng quy định bao giờ cũng nói đến tiền thưởng đối với những người tố giác. Cũng với việc chống những tai họa đến từ bên ngoài, lũy tre con là một thứ ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã, dấu hiệu của cá tính và tính độc lập của làng. Vào thời loạn lạc, một làng đã tham gia vào cuộc nổi dậy hay cho những  kẻ phiến loạn trú ẩn, hình phạt đầu tiên là bắt phá bỏ lũy tre. Đấy là một vết thương lớn đối với lòng tự trọng, một dấu hiệu nhục nhã; làng đó cảm thấy như một con người bị lột quần áo và bỏ truồng giữa một đám đông đang mặc quần áo” (tr.282).

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment